Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Biết nghe và nói Lời Thiên Chúa

Tác giả: 
Phạm Văn Trung

 

 

BIẾT NGHE VÀ NÓI LỜI THIÊN CHÚA

 

 

 

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể rằng “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Chúa  Giêsu, và xin Ngài đặt tay trên anh” (Mc 7: 32). Người này bị điếc hoàn toàn; không thể nghe thấy gì cả. Hơn nữa, điếc và câm thường liên quan với nhau vì con người học nói bằng cách nghe. Một người không thể nghe giọng nói của chính mình hoặc giọng nói của người khác, nhất là bị điếc từ khi mới sinh hoặc mất khả năng nghe khi còn nhỏ tuổi, thì hầu như không thể nói gì được, hoặc chỉ nói ú ớ, ngọng nghịu, không làm cho ai hiểu được, vì mọi người đều sử dụng thính giác của mình trong sinh hoạt hàng ngày mọi nơi mọi lúc. Vào thời mà ngôn ngữ ký hiệu và các phương tiện trợ thính không có như ngày nay, người vừa điếc vừa ngọng như thế này bị hạn chế rất nhiều trong giao tiếp cộng đồng, dễ bị bỏ rơi, cách biệt, cô lập và trở nên cô đơn, buồn bã, “căng thẳng tâm lý – stressed” theo cách nói ngày nay.

 

1. Điếc lác tâm linh

Sự điếc lác tâm linh cũng không khác gì: khi chúng ta không thể nghe hoặc từ chối nghe Lời Chúa, chúng ta tự gây ra rất nhiều nguy hiểm cho mình. Khi không nghe lời Chúa, qua các cảnh báo của các mục tử của Chúa, nhằm chống lại các cơn cám dỗ và sự lôi cuốn của tội lỗi cùng những hậu quả đáng xa tránh của chúng, người ta cũng trở nên điếc lác và tự cô lập mình khỏi những ân sủng ban bình an và sự sống dành cho những “tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Samuel 3:9). Sự điếc lác về thể chất là một khuyết tật gây ra những hạn chế trong nhận thức, vì không thể nghe được suy nghĩ và ý kiến của những người khác. Dẫu sao nó không gây ra cái chết thể lý, nhưng sự điếc lác tâm linh thì tệ hại vô cùng. Nó không còn khả năng nghe ra những thực tại tâm linh, mà chỉ còn nghe được những tiếng kêu réo của nhu cầu bản năng, hưởng thụ thực dụng. Nó nhấn chìm nghĩ suy và cõi lòng vào những cảm giác và cảm xúc nhất thời hay thay đổi, rồi cứ lầm tưởng đó là tất cả sự thật ở đời, không còn gì sâu sắc và cao vời hơn nữa. Nó làm cho người ta suy nghĩ, nói năng, hành động và sống không có chuẩn mực đạo đức vững vàng. Dù bệnh tật, tuổi già và cái chết dần đến, nhưng người điếc lác tâm linh vẫn không tìm được cho đời mình một giá trị và ý nghĩa siêu việt nào. Đó mới là cái chết thật sự.

 

Lại có một số người lại bịt đôi tai tâm linh của họ. Họ làm mọi thứ để không nghe thấy sự thật, mặc dù họ biết rằng sự thật vẫn có đó. Vì sự thật không giống như cách nhìn của họ về bản thân nên họ bịt đôi tai tâm linh để khỏi nghe thấy sự thật đó. Điều khiến họ bịt đôi tai tâm linh là ý muốn chống lại, không chấp nhận nghe sự thật về cõi lòng nhiều tăm tối của họ, như ngôn sứ Êdêkiel cảnh báo: “Nhà Israel không muốn nghe lời ngươi, bởi vì chúng không muốn nghe lời Ta: quả thật cả nhà Israel đều mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá...bởi vì chúng là nòi phản loạn” (Êdêkiel 3:7-9).

 

Những ai tự làm mình điếc về mặt tâm linh là tù nhân của những dối trá mà họ chất chứa trong chính họ. Họ ngầm nghĩ rằng Thiên Chúa không hiểu biết hơn họ về những gì là tốt nhất cho họ. Giống như Ađam và Eva trong vườn địa đàng, khi chúng ta bịt tai tâm linh của mình, chúng ta “đã chọn mình hơn Thiên Chúa và qua đó đã khinh thường Thiên Chúa: con người đã chọn chính bản thân chống lại Thiên Chúa, chống lại những đòi buộc của thân phận thụ tạo của mình, và do đó chống lại cả lợi ích riêng của mình” ( GLGHCG số 398 ). Chúng ta coi lời Chúa chỉ là một tiếng nói thích thì nghe, không thích thì thôi, chứ không thực sự là tiếng nói của Thiên Chúa. Nhiều người ngày nay cố gắng giản lược mọi điều thánh thiêng trong Kinh thánh thành một điều gì đó thuần túy con người, và do đó không cần thiết phải tin, như Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã nói trong Verbum Domini: “...bất cứ chỗ nào xem ra có sự hiện diện của một yếu tố thần linh, thì đều phải được giải thích cách khác và phải giản lược mọi sự vào chiều kích nhân loại. Hậu quả là người ta đề nghị những cách giải thích phủ nhận tính lịch sử của các yếu tố thần linh. Một lập trường như thế chỉ có thể gây ra những tác hại trong đời sống Giáo Hội, vì gieo rắc sự hoài nghi đối với các Mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo và giá trị lịch sử của chúng, chẳng hạn việc thiết lập phép Thánh Thể và sự Phục Sinh của Đức Kitô” (Tông Huấn Verbum Domini - Lời Chúa, của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, ngày 30-11-2010, số 35, b-c).

 

Giáo hội vẫn tiếp tục nói những lời của Chúa Giêsu, và những lời đó vẫn còn khó nghe lắm. Chúng ta cần chấp nhận những lời dạy của Chúa Giêsu qua Giáo hội như Thánh Luca viết: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10: 16). Cách duy nhất để chúng ta “trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài” (Gc 2:5) là lắng nghe những lời của Chúa Giêsu, qua Giáo hội. Chúng ta phải để Chúa Giêsu rửa sạch đôi tai tâm linh của chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tình trạng điếc lác tâm linh.

 

2. Chúa chữa lành bệnh câm điếc, một dấu chỉ cứu độ

 

Người vừa điếc vừa ngọng này không phải là không thể phát ra bất cứ âm thanh nào nhưng anh ta rất khó nói ra thành lời rõ ràng để có thể giao tiếp với người khác. Anh ta bị coi gần như câm hoàn toàn, ngoại trừ một vài âm thanh ú ớ vô nghĩa. Chúa Giêsu vừa trừ quỷ cho con gái một bà gốc Phênixi xứ Xyri, ở vùng Tia và Siđon (Mc 7:24-30), sau đó, vượt qua biển hồ Galilê, đi về phía Đông, đến miền Thập Tỉnh, ngay giữa vùng dân ngoại giáo: “Chúa Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Siđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh” (Mc 7:31). Nhưng danh tiếng là một người chữa bệnh thần kỳ đã lan truyền đến vùng đó trước khi Ngài đến. Chính vì thế “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Chúa Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh” (Mc 7:32). Tuy nhiên, thay vì làm những cử chỉ đơn giản như thường khi, hôm nay Ngài lại hành động khác lạ: “Ngài kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra!” (Mc 7:33-34). Thánh Máccô muốn chúng ta nhìn xa hơn việc chữa lành thể xác đơn thuần. Thánh sử muốn chúng ta nhận ra nơi việc chữa lành này một dấu chỉ: Chúa Giêsu nói và hành động như Đấng Mêsia đến từ Thiên Chúa. Ngài khai mở Nước Trời của Thiên Chúa, Cha Ngài. Ngài đến vùng đất ngoại giáo, vì sứ mạng và Ơn Cứu Độ của Ngài là dành cho mọi người, kể cả những người ngoại giáo, không chỉ dân Do Thái. Thánh Máccô là môn đệ của thánh Phêrô và soạn sách Tin Mừng của mình cho các Kitô hữu ở Rôma, nhiều người trong đó có gốc gác ngoại giáo. Chúa Giêsu nhìn thấy nơi người câm điếc này khuyết tật của của dân tộc Israel, cũng là của tất cả những người ngoại giáo không nhận biết Thiên Chúa. Như vậy Tin Mừng và Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu cũng dành cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu chạm vào tai và lưỡi của người câm điếc, “ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Éppha-tha” (Mc 7:34). Chúa Giêsu như muốn chạm vào toàn bộ con người của người ấy, cả thể lý và tâm linh, và cả mỗi người chúng ta, bằng sự kiên nhẫn và quan tâm, tìm cách đánh thức đức tin của từng người vào Thiên Chúa, là Cha trên trời, dù tâm trí của từng người có chậm chạp và do dự thế nào. Hơn cả sự chữa lành thể xác, phép lạ này đích thực là sự thức tỉnh đức tin, như ngôn sứ Isaia khuyến khích: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Ngài sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được” (Is 35:4-5).

 

Hậu quả của việc câm điếc tâm linh là nhận thức của chúng ta về sự thật bị suy yếu. Nếu cuộc sống của chúng ta không có khả năng “nghe” tiếng Chúa và “nói” với Chúa thì mọi nỗ lực của chúng ta không có điểm tựa vững chắc. Mọi tri thức chúng ta có được từ khoa học, xã hội học, lịch sử, tâm lý học, đạo đức học… sẽ bị bóp méo nếu chúng ta không lắng nghe và thực thi Lời Thiên Chúa như chuẩn mực quy chiếu. Mối liên quan giữa việc điếc và câm cho thấy các tác động của tội lỗi trên toàn bộ con người. Những người điếc Lời Chúa khó mà nói về các vấn đề tâm linh sao cho đúng. Ngay cả những người có nhiều kiến thức khoa học mà điếc Lời Chúa thì cũng bộc lộ ra những vấp váp lúng túng khi nói về các sự thật tâm linh. Tuy nhiên nếu người ấy mở tai, mở lòng để tiếp nhận sự thật tâm linh thì khả năng diễn đạt về các vấn đề tâm linh của người ấy sẽ tiến triển nhiều. Cũng như người câm đã được Chúa Giêsu chữa lành về thể lý để anh ta có thể nói, thì chúng ta phải được Chúa Giêsu chữa lành về tâm linh để chúng ta có thể rao truyền Lời Chúa, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động chia sẻ yêu thương.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trình thuật Tin Mừng này nhấn mạnh đến nhu cầu chữa lành song song. Trước hết là chữa lành bệnh tật và đau khổ về thể xác, để phục hồi sức khỏe thể xác; mặc dù mục tiêu này không hoàn toàn có thể đạt được trên cõi trần gian, bất chấp nhiều nỗ lực của khoa học và y học. Nhưng có một cách chữa lành thứ hai, có lẽ khó khăn hơn, đó là chữa lành khỏi nỗi sợ hãi. Chữa lành khỏi nỗi sợ hãi vốn thúc ép chúng ta gạt bỏ người bệnh, gạt bỏ người đau khổ, người khuyết tật. Và có nhiều cách để gạt bỏ, thậm chí bằng cách thể hiện lòng trắc ẩn giả tạo hoặc bằng cách phớt lờ vấn đề; chúng ta vẫn điếc và câm trước nỗi đau của những người bị bệnh tật, đau khổ và khó khăn. Quá thường xuyên, người bệnh và người đau khổ trở thành vấn đề, đang khi họ nên là dịp để chúng ta thể hiện sự quan tâm và liên đới xã hội với những người yếu thế nhất” (Kinh truyền tin, quảng trường Thánh Phêrô, 09 tháng Chín, năm 2018).

 

Thánh Giacôbê khuyến cáo chúng ta: “Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài hay sao?” (Gc 2:5).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.