Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đường đến với Chúa Cha

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

 

 

ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CHÚA CHA

 

Chúa Giêsu có lần cho ông Tôma biết chính lộ dẫn tới sự sống vĩnh hằng: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Chắc chắn chỉ có Con Đường Giêsu là chính lộ dẫn đến với Chúa Cha, và đó cũng chính là Con Đường Thập Giá mà Chúa Giêsu đã đi.

 

Có vài vấn đề quan trọng trong trình thuật Mc 8:27-35. Một hôm, Chúa Giêsu và các môn đệ tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Ngài lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Lời tuyên xưng thật đáng khen. Nhưng Chúa Giêsu cấm các ông không được nói về Ngài với bất cứ ai.

 

Rồi Ngài cho các ông biết Ngài phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Đây lần thứ nhất Ngài loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài. Nghe Ngài nói vậy, ông Phêrô liền kéo riêng Ngài ra và trách Ngài. Nhưng Ngài liền mắng: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Ông Phêrô vừa mới đáng khen thì lại đáng trách ngay. Điều đó cho thấy rằng phàm nhân luôn biến đổi thất thường vì yếu đuối, đôi khi chính mình cũng không biết rõ chính mình.

 

Cuối cùng, Chúa Giêsu nói về các điều kiện để theo Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Nghe chừng là nghịch lý, nhưng thực ra lại là thuận lý. Kỳ lạ và kỳ diệu!

 

Ngụ ngôn kể rằng chó con hỏi chó mẹ để biết hạnh phúc là gì. Chó mẹ nói: “Hạnh phúc là cái đuôi con đấy!” Chó con quay lại tóm lấy cái đuôi nhưng không sao tóm được. Chó con oà khóc và hỏi: “Tại sao con không thể nào bắt được hạnh phúc hả mẹ?” Chó mẹ mỉm cười và nói: “Con yêu, con cứ tiến về phía trước thì hạnh phúc sẽ theo sau con.” Thế thôi ư? Vậy thì tại sao cứ phải đi tìm hạnh phúc trong khi hạnh phúc vẫn luôn đi theo mình?

 

Hãy sống và cảm nhận hạnh phúc mà cuộc đời cho chúng ta. Hạnh phúc trừu tượng mà vẫn cụ thể: Hạnh phúc là được sống bên những người mình yêu thương, làm việc mình thích. Như vậy, hạnh phúc luôn gần gũi và giản dị. Chúa Giêsu bảo phải cố gắng vác Thập Giá hằng ngày thì sẽ được sống. Hạnh phúc nào cũng có vị mặn của nước mắt. Thành công nào cũng cần nhiều khổ luyện. Thánh Bernard Clairvaux (1090-1153) xác nhận: “Sự chết là cửa ngõ sự sống.” Còn đại văn hào Victor Hugo (1802-1885) cho biết: “Hành động tốt là bản lề của Cửa Nước Trời.” Như vậy, chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu bảo chúng ta phải “từ bỏ mình” và “vác Thập Giá” hằng ngày mà theo Ngài.

 

Đối với tín nhân, vấn đề quan trọng nhất là được vào Nước Trời – vì đó là mục đích tối hậu. Tình Chúa bao la và bất biến, hãy tín thác vào Ngài, vì Ngài đã thề hứa: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33:11) Ước gì mỗi người biết cầu xin như Thánh Vịnh gia: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.” (Tv 51:3-5)

 

Thập Giá là vấn đề độc đáo đã được Chúa Giêsu đặt ra cho những ai muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài. Thập Giá là chiếc cầu gồm hai nhánh kỳ diệu, nhánh dọc đưa tới Thiên Chúa, nhánh ngang đưa tới tha nhân. Hai nhánh giao nhau ở giữa, giao điểm đó chính là “nút thánh” Chúa Giêsu Kitô. Thập Giá là độc đạo dẫn tới hạnh phúc đích thực. Thập Giá là Thánh Giá – cái GIÁ để nên THÁNH. Muốn nên thánh phải trả giá bằng cách đi trên Con Đường Thập Giá. Chỉ có con đường này dẫn tới Thiên Chúa, tới Nước Trời.

 

Nói tiên tri về con đường Thập Giá mà Chúa Giêsu Kitô đi qua, ngôn sứ Isaia cho biết: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” (Is 50:5-7) Thập Giá là đau khổ, tang tóc, chết chóc, nhưng là con đường dẫn tới sự phục sinh, sự trường sinh.

 

Ngôn sứ Isaia đặt vấn đề: “Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu tòa! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (Is 50:8-9a) Có Thiên Chúa, người ta không còn sợ gì: “Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu.” (Tv 114 [116]:1-2) Lòng tin ấy thật mãnh liệt, bền vững, và được kiểm chứng xác thực: “Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa: ‘Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con!’ Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn, tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi’.” (Tv 114 [116]:4-6)

 

Có mục đích và được minh chứng, niềm tin của họ càng thêm vững mạnh, họ luôn tự nhủ: “Hồn tôi hỡi, thôi bình tĩnh lại, vì trên ngươi, Chúa đã xuống ơn lành; Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. Tôi sẽ bước đi trước mặt Người trong cõi đất dành cho kẻ sống.” (Tv 114 [116]:7-9) Đức tin càng mạnh thì càng thêm trông cậy và thể hiện đức mến. Đức tin đó không thể là lời nói suông, mà phải được chứng tỏ bằng hành động cụ thể. Thật vậy, Thánh Giacôbê nói: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,’ nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2:14-16) Cách giải thích chi tiết và rõ ràng.

 

Thánh Giacôbê lý luận: “Đức tin KHÔNG CÓ HÀNH ĐỘNG thì quả là ĐỨC TIN CHẾT. Đàng khác, có người sẽ bảo: ‘Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động.’ Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” (Gc 2:17-18) Rất độc đáo, lô-gích và cụ thể. Thật tuyệt vời!

 

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con đủ sức đi đúng đường, biết dứt bỏ những gì không thuộc về Nước Trời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU