Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đối với tôi, Chúa Giê-su là ai? - Thày là ai ?

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

Chúa Nhật 24 Thường Niên - Năm B

(Tin Mừng Mc 8, 27-35)

 

“Đối với tôi, Chúa Giê-su là ai?”

 

Trong Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm B, chúng ta gặp gỡ một khoảnh khắc đặc biệt trong hành trình của Chúa Giê-su với các môn đệ khi Ngài đặt một câu hỏi quan trọng: “Người ta nói Thầy là ai?” Sau khi nghe câu trả lời từ các môn đệ, Chúa Giê-su tiếp tục hỏi, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây không chỉ là một câu hỏi dành cho các môn đệ thời đó mà còn là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta hôm nay.

 

Câu hỏi của Chúa Giê-su là lời mời gọi chúng ta suy nghĩ về mối tương quan của mình với Ngài. Trong cuộc sống, chúng ta dễ bị lôi cuốn vào những ý kiến và quan điểm của người khác về Chúa. Nhiều người có thể coi Chúa Giê-su chỉ là một nhân vật lịch sử hay một người giảng dạy đạo đức. Tuy nhiên, đối với người môn đệ chân chính, Chúa Giê-su phải là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta cần phải đón nhận Ngài như là sự thật sống động trong đời sống của mình.

 

Trong hành trình đức tin, điều căn bản nhất là nhận ra Chúa Giê-su không chỉ là một nhân vật lịch sử mà Ngài còn là Đấng đang hiện diện sống động trong cuộc sống hàng ngày. Ngài không chỉ nói với các môn đệ cách đây hơn hai ngàn năm, mà hôm nay, Ngài cũng nói với chúng ta qua Lời của Ngài trong Kinh Thánh, trong Bí tích Thánh Thể, và qua sự hiện diện trong cộng đoàn tín hữu. Ngài mời gọi chúng ta bước vào một mối quan hệ cá vị với Ngài, một mối tương quan không chỉ là kiến thức về giáo lý, mà là tình yêu và sự kết nối sâu sắc.

 

Chúa Giê-su đặt cho mỗi người chúng ta một câu hỏi: “Còn con, con nói Thầy là ai?” Đây không phải chỉ là một câu hỏi để chúng ta trả lời lý thuyết, mà là một câu hỏi đòi chúng ta nhìn vào cuộc sống của chính mình. Qua từng hoàn cảnh, Ngài đang gọi chúng ta trở về với Ngài, để nhận ra Ngài là Đấng đã yêu thương và cứu độ. Mối tương quan với Chúa không thể bị giới hạn trong những giờ phút cầu nguyện hay tham dự Thánh Lễ, mà cần được mở rộng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống: gia đình, công việc, và các mối quan hệ xã hội.

 

Một mối quan hệ thực sự với Chúa Giê-su không chỉ giúp chúng ta nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế, mà còn biến đổi chúng ta. Khi bước vào mối tương quan này, chúng ta không còn sống cho bản thân, mà bắt đầu sống cho Chúa và tha nhân. Chính sự tương quan với Chúa giúp chúng ta thăng hoa, vượt lên trên những giới hạn của bản thân để sống yêu thương và phục vụ theo gương của Ngài.

 

Suy nghĩ về mối tương quan của chúng ta với Chúa Giê-su không chỉ dừng lại ở những suy tư lý thuyết, mà dẫn đến hành động cụ thể. Mỗi người cần đặt câu hỏi: "Tôi đã yêu mến và tin tưởng Chúa Giê-su thế nào trong cuộc sống của mình?" Đáp lại lời mời gọi của Chúa là một hành động của đức tin, là bước đi cùng Ngài trên hành trình thập giá và phục sinh. Chúa Giê-su đã mở ra cho chúng ta con đường sự sống, và Ngài kêu gọi mỗi chúng ta bước đi trên con đường đó bằng niềm tin và sự phó thác.

 

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta nhìn lại mối tương quan của mình với Ngài không chỉ qua lời nói mà bằng cả cuộc sống. Tình yêu của Ngài không bao giờ mờ nhạt, và Ngài luôn chờ đợi chúng ta quay trở về để sống trong tình yêu và ân sủng của Ngài. Mối tương quan với Chúa không phải là một gánh nặng, mà là nguồn sức mạnh, bình an, và sự sống vĩnh cửu.

 

Khi Phê-rô tuyên xưng rằng Chúa Giê-su là Đấng Kitô, có lẽ trong suy nghĩ của ông, Đấng Cứu Thế sẽ đến với quyền lực và vinh quang. Nhưng ngay lập tức, Chúa Giê-su cảnh báo rằng sứ mệnh của Ngài không phải là con đường của vinh quang trần gian mà là con đường thập giá. Ngài tiên báo về cuộc khổ nạn của mình, và điều này khiến Phê-rô bối rối. Chính vì thế, Chúa Giê-su đã phải nhắc nhở Phê-rô rằng: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

 

Sự khước từ con đường dễ dãi của thế gian là điều mà mỗi người chúng ta cần đối mặt. Theo Chúa không có nghĩa là theo đuổi thành công hay sự thoải mái, nhưng đôi khi là chấp nhận đau khổ và thử thách. Ngài mời gọi chúng ta vác thập giá hằng ngày mà theo Ngài.

 

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Câu nói này của Chúa Giê-su thách thức chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của việc trở thành môn đệ. Vác thập giá không chỉ là chịu đựng khó khăn, mà còn là sự sẵn lòng hy sinh và phó thác cuộc sống của mình cho Thiên Chúa. Qua việc từ bỏ chính mình, chúng ta tìm thấy sự tự do thực sự, và trong việc vác thập giá, chúng ta học cách yêu thương và phục vụ tha nhân.

 

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta tự hỏi: “Đối với tôi, Chúa Giê-su là ai?” Chúng ta có sẵn sàng theo Chúa không chỉ khi mọi thứ thuận lợi mà còn khi phải đối mặt với thách thức và đau khổ? Hành trình theo Chúa đòi hỏi lòng can đảm và niềm tin vững chắc rằng Ngài là Đấng dẫn dắt chúng ta đến sự sống đời đời.

 

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta biết nhận ra Ngài trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết từ bỏ bản thân và vác thập giá theo Ngài mỗi ngày. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Chúa và sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu trong cuộc sống hiện tại.

 

 

**************

 

 

15.9 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh Năm

Is 50:4-9; Tv 116:1-2,3-4,5-6,8-9; Gc 2:14-18; Mc 8:27-35

 

THẦY LÀ AI ?

 

Người ta bảo Thầy là ai? Qua câu hỏi này, phải chăng Chúa Giêsu đã khởi sự quan tâm tới dư luận của quần chúng về Ngài? Hay Ngài muốn làm một cuộc thăm dò ý kiến về kết quả công việc Ngài đã làm? Không phải là như vậy. Ở đây, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị các môn đệ của Ngài đón nhận những điều Ngài sắp nói với các ông về điểm then chốt của sứ mạng Ngài và cũng là điểm khó nuốt đối với mọi người.

 

Dư luận, như các môn đệ ghi nhận được, tuy chưa rõ đích xác Ngài là ai nhưng cũng tỏ ra đã thấy được những điểm khác người trong giáo huấn và trong hành động của Ngài. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu muốn nhắm tới ở đây chính là việc các môn đệ bày tỏ ý kiến của mình về Ngài. Do dó mà Ngài mới đạt thêm câu hỏi thứ hai: Còn các con, các con bảo Thầy là ai?

 

Tin không phải là lặp lại ý kiến, lập trường của kẻ khác mà là biểu lộ chính ý kiến, chính lập trường của mình. Phêrô đã trả lời đúng câu hỏi Chúa Giêsu đã đặt ra: Thầy là Đức Kitô. Qua câu trả lời, Phêrô đã tuyên xưng lòng tin của ông nơi Thầy mình. Ông đã nhận ra được Thầy mình là ai.

 

Nhân dịp Phêrô tuyên xưng đức tin, một lời tuyên xưng hẳn là tuyệt vời, nhưng rõ ràng còn rất bất toàn, Chúa Giêsu đã nói thẳng với các môn đệ “Thầy là Đấng Mêsia”, nghĩa là: “Con đã theo Thầy từ một năm rưỡi nay, con đã nghe Thầy giảng dạy, con đã chứng kiến những phép lạ Thầy làm, con đã nhìn thấy cách Thầy sống, đối với con Thầy là chứng nhân của Thiên Chúa và của Nước Trời. Vì vậy con đã theo Thầy để Thầy dẫn con đến Thiên Chúa”. Phêrô thành thật bày tỏ kinh nghiệm của mình, và Chúa Giêsu không hề phản đối lời tuyên xưng đức tin của ông. Tuy nhiên Chúa tiếp lời ông ngày bằng việc loan báo cuộc tử nạn của Ngài và lần đầu tiên, Ngài dạy cho các ông hay rằng Con Người phải đau khổ nhiều… Lúc đó, Phêrô bị sốc đến nỗi ông tự cho phép mình trách móc Thầy. Nhưng Chúa Giêsu liền đưa ông lại đúng vị trí của ông: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy… con không hiểu gì về kế hoạch của Thiên Chúa”. Rồi Ngài thêm: “Ai muốn đi theo Thầy, thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo Thầy. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”

 

Nhưng sự việc diễn ra sau đó lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng lòng tin của Phêrô chưa trọn vẹn. Ông mới chỉ có những hiểu biết đúng về Thầy. Thực ra, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định, chẳng phải tự ông đã biết được Ngài là Đức Kitô, mà là do Chúa Cha mà ông biết được điều đó. Lòng tin ấy, sự hiểu biết ấy chỉ trọn vẹn khi ông chấp nhận đi con đường Chúa Giêsu đang chuẩn bị đi tức là con đường cứu độ, con đường thập giá.

 

Và ở điểm này, Phêrô đã vấp ngã thật nặng nề, bởi vì ông đã đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không phải bằng cái nhìn của Thiên Chúa, hay đúng hơn, theo như Ngài hoạch định, mà là bằng chính cái nhìn của ông, theo cách tính toán của ông. Lời can ngăn của Phêrô đã trở thành việc cản trở chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Phêrô không muốn Thầy mình bị bắt, bị giết đi trong khi chính Chúa Giêsu lại thấy rằng đó là con đường Ngài phải đi. Đó là con đường của Ngài và đó cũng là con đường của những ai muốn theo Ngài, muốn trở nên môn đệ của Ngài.

 

Chúng ta có thể cảm thấy rằng có một sự liều lĩnh khi theo Chúa Giêsu, nhưng không phải vậy. Đó là một sự chắc chắn. Nếu chúng ta theo Người cách trung thành, chúng ta sẽ nghe Người dạy: “Ai từ bỏ chính mình mang lấy thập giá của mình mà theo Ta”. Thánh giá của chúng ta không có nghĩa là hình khổ đóng đinh theo nghĩa chữ.

 

Trong từ chuyên môn Công giáo, chúng ta nói về những người đặc biệt có những gánh nặng khó khăn phải chịu đựng trong cuộc sống thì người đó đang mang một thánh giá nặng. Chúng ta hiểu rằng thánh giá đối với chúng ta có nghĩa là mất môt công việc, hoặc là mắc một cơn bệnh nặng, hoặc cần thiết làm một hy sinh có ý nghĩa để chăm sóc gia đình hoặc những phần tử trong gia đình đang bị đau khổ hay bị sốc. Thánh giá dành cho cha mẹ có thể là nhìn thấy con cái của mình rời bỏ Giáo Hội hoặc sa vào rượu chè say sưa, hoặc trai gái. Thánh giá đối với con cái có thể là đau buồn trong cuộc sống, thấy cha mẹ say sưa hoặc đau buồn khi họ ly dị khiến cho gia đình tan tác. Thánh giá cho tất cả chúng ta là cái chết của một người thân yêu.

 

Thánh giá trong cuộc sống của chúng ta không thể trở thành một bi kịch. Điều đó sẽ không chinh phục được sự chú ý của cả nước như chuyến bay của Jessica Dubroff đã làm, nó có liên hệ đến việc thách đố, nó cũng không liên quan tới nỗi say mê của những người leo núi. Nhưng quan trọng hơn thánh giá không mang đến một bi kịch. Nó không có nghĩa là một tai họa. Thay vào đó, mang thánh giá đối với chúng ta là theo ý muốn của Thiên Chúa mà Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Thánh giá có nghĩa là sống trong sự hợp nhất với Chúa Giêsu, điều đó có nghĩa là chia sẻ những đau khổ của Chúa Giêsu và cái chết của Người, Đấng sẽ ban cho chúng ta những đặc ân của Cha, là hạnh phúc đời đời của Người và Thánh Thần trên thiên đàng. Chúng ta sẽ không sợ thánh giá. Thánh giá là ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đó là con đường thật sự để sống một đời sống viên mãn.

 

Đức Giêsu không phải chỉ là siêu nhân mà còn là Con Thiên Chúa. Và vì là Con Thiên Chúa cho nên lý tưởng Ngài đề ra cho ta không phải chỉ là một thứ lý tưởng viển vông không thể thực hiện. Là Con Thiên Chúa, Ngài thừa sức giúp chúng ta thực hiện được lý tưởng của Ngài cho dù có phải trải qua muôn ngàn gian truân khổ sợ. Mà chính cái lý tưởng ấy mới khiến chúng ta sống xứng đáng là người. Con người nếu chỉ biết mê ăn uống, có tiền bạc, có vật chất, sinh ra để ăn, ăn rồi đói, đói rồi phải kiếm ăn, cứ như vậy cho đến lúc chết thì chẳng khác gì hơn con vật.

 

 Đức Giêsu muốn giúp chúng ta sống hơn con vật, cho nên Ngài đã chọn kiếp là người, sống cho chúng ta thấy và sống theo để chúng ta sống xứng đáng là người. Chẳng những là người mà còn là Con Thiên Chúa như Ngài. Mà muốn được như Ngài, chúng ta phải đi theo Ngài, phải bỏ mình đi, phải vác thập giá… Nghĩa là phải cố gắng vươn lên, vươn lên cao hơn những nhu cầu vật chất xác thịt tầm thường. Chúa Giêsu đã tiên phong sống được như thế và Ngài sẽ giúp chúng ta sống được như thế, nếu chúng ta nhớ làm theo Lời Ngài: Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ được sống đời đời”.

 

Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Câu hỏi này vẫn tiếp tục được đặt ra cho mỗi người chúng ta hôm nay. Và chúng ta có thể như Phêrô, đã trả lời đúng câu hỏi của Ngài với tất cả vốn liếng về Thánh Kinh và thần học, về giáo lý của chúng ta. Thế nhưng trong hành động thì sao? Phải chăng trong hành động chúng ta đã là những người ngăn cản việc thực hiện chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa bằng thái độ khước từ đau khổ, khước từ thập giá mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống thường ngày.