Cuộc chiến dành sự sống và gia đình - Tử Đạo và Thánh Thể
CUỘC CHIẾN GIÀNH SỰ SỐNG VÀ GIA ĐÌNH
Sự kiện Fatima rất quan trọng trong cuộc chiến giành sự sống và gia đình. Trong bài giảng tại Fatima ngày 13-5-1982, Thánh GH Gioan Phaolô II đã nói: “Sứ điệp Fatima, trong cốt lõi cơ bản của nó, là lời kêu gọi hoán cải và ăn năn, như trong Phúc Âm. Lời kêu gọi này được thốt ra vào đầu thế kỷ XX, và được gửi đến đặc biệt cho thế kỷ hiện tại... Lời kêu gọi ăn năn là lời kêu gọi của người mẹ, và đồng thời cũng mạnh mẽ và dứt khoát.”
Giáo Hội hoàn vũ luôn tưởng nhớ sự kiện kỳ diệu tại Fatima qua sự xuất hiện kỳ diệu của Mẹ Thiên Chúa và sứ điệp ban sự sống mà Mẹ mang đến. Khi suy ngẫm về ý nghĩa sứ điệp của Đức Mẹ liên quan đến chúng ta ngày nay, tôi nhớ đến điều mà nữ tu Lucia đã viết trong một lá thư gửi cho ĐHY Caffarra: “Trận chiến cuối cùng giữa Thiên Chúa và triều đại của Satan là về hôn nhân và gia đình. Đừng sợ, vì bất kỳ ai làm việc vì sự thánh thiện của hôn nhân và gia đình sẽ luôn bị chống đối và phản đối theo mọi cách, vì đây là vấn đề quyết định… Tuy nhiên, Đức Mẹ đã đạp nát đầu của nó rồi.”
Trong nhiều chuyến đi, tôi đã trực tiếp trải nghiệm những lời tiên tri của nữ tu Lucia về hôn nhân và gia đình. Những thể chế thiêng liêng này là trọng tâm của cuộc chiến vì chúng chạm đến chính trụ cột của sự sáng tạo, đó là sự thật về mối quan hệ giữa người nam và người nữ, những người được tạo ra theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Nếu những thể chế được tạo ra trên Thiên Đàng này bị tổn hại thì toàn bộ tòa nhà sẽ sụp đổ.
Chúng ta không nên xem sứ điệp Fatima chỉ là một khoảnh khắc lịch sử, mà đúng hơn là một sứ điệp sống động được cố ý nói đến thời đại này. Cuộc khủng hoảng đạo đức mà chúng ta thấy trên thế giới đòi hỏi những lời cầu nguyện, sám hối và hy sinh liên tục. Phản ứng của chúng ta đối với nền văn hóa thế tục đồi trụy là sự hoán cải liên tục và đổi mới tinh thần của chúng ta. Chúng ta đang được kêu gọi nên thánh.
Chúng ta được thúc đẩy bởi tấm gương của các thị nhân – Phanxicô, Giaxinta và Lucia – để thực hiện các hành động hãm mình với đức tính anh hùng. Vào thời điểm ngây thơ nhất của mình, hai trẻ nhỏ hơn là Phanxicô và Giaxinta đã dâng mình đền tội. Nữ tu Lucia được cho biết rằng bà sẽ sống một cuộc đời dài, sẽ cống hiến đời mình phục vụ cho việc cầu nguyện và hãm mình để cứu rỗi các linh hồn. Lucia đã hỏi Đức Mẹ rằng Mẹ có đưa họ lên Thiên Đàng hay không. Đức Mẹ trả lời: “Có, Mẹ sẽ sớm đưa Giaxinta và Phanxicô đi. Nhưng con phải ở lại đây lâu hơn. Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được biết đến và được yêu mến. Ngài muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trên thế giới. Mẹ hứa ban ơn cứu rỗi cho những ai đón nhận nó, và linh hồn họ sẽ được Thiên Chúa yêu thương như những bông hoa Mẹ đặt trước ngai tòa của Ngài.”
Khi Lucia hỏi rằng bà có bị bỏ lại một mình không, Đức Mẹ trả lời: “Không, con gái của Mẹ. Điều này có làm con đau khổ nhiều không? Mẹ sẽ không bao giờ bỏ con, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ là nơi ẩn náu của con và là con đường dẫn con đến với Thiên Chúa.”
Lời kêu gọi cầu nguyện và sám hối của Đức Mẹ dành cho các trẻ em, mà các trẻ em đã đáp lại bằng niềm vui và sự vâng phục hoàn toàn, cũng áp dụng cho chúng ta. Phấn đấu nên thánh và chế ngự các giác quan giúp chúng ta sốt sắng cầu nguyện, đem lại cho chúng ta sức mạnh nội tâm để chống lại các cám dỗ, giúp chúng ta tách khỏi những mối bận tâm thế gian, và giải thoát trái tim chúng ta khỏi những phù phiếm ràng buộc trần tục. Việc tìm kiếm sự thánh thiện làm tăng sự sáng suốt của tư tưởng, khiến chúng ta nhạy cảm hơn với việc phân định điều gì thánh thiện và điều gì ghê tởm.
Ma quỷ cũng biết ý nghĩa của hôn nhân và gia đình. Đây là lý do chúng tấn công tổ tiên của chúng ta và tiếp tục tấn công hôn nhân và gia đình ngày nay. Hôn nhân là thể chế duy nhất gắn kết cha mẹ với con cái, công nhận quyền tự nhiên của trẻ em là có mẹ, có cha. Gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội, là Giáo Hội tại gia, là chính quyền đầu tiên, là trường học đầu tiên, là bệnh viện đầu tiên, là nền kinh tế đầu tiên và là thể chế trung gian đầu tiên của xã hội. Trong ngôi trường gia đình, trẻ em học các giá trị đạo đức và Phúc Âm, cuối cùng định hình nên nền văn hóa và xã hội của chúng ta. Rốt cuộc, xã hội đi qua ngôi trường đầu tiên là gia đình.
Bảo vệ sự thật về sự sống, hôn nhân và gia đình là việc tốn kém. Các thị nhân ở Fatima đã phải chịu đau khổ rất nhiều vì những lần hiện ra. Gia đình và bạn bè không hiểu được những gì các em nhận được từ Đức Mẹ đã ngược đãi các em. Các tờ báo đã tiến hành một chiến dịch cay đắng để làm mất uy tín của những lần hiện ra và các thị nhân. Mặc dù bị đối xử tệ bạc, các em vẫn chịu đựng tất cả với sự kiên nhẫn và lòng bác ái, luôn ghi nhớ lời yêu cầu của Đức Mẹ là dâng những hy sinh của mình vì những tội nhân đáng thương.
Khi chúng ta bước vào cuộc chiến đấu tốt đẹp trong cuộc chiến về hôn nhân và gia đình, chúng ta biết rằng chúng ta cũng sẽ bị bao vây bởi sự thù hận và sự từ chối. Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15:18-19) Chúng ta đứng trước hai quan điểm đối lập: Một quan điểm đặt trên con đường vâng phục và sự sống, một quan điểm trên sự bất tuân và sự chết.
Chúng ta biết rằng những cuộc tấn công chống lại kế hoạch thiêng liêng của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình không chỉ đến từ bên ngoài mà còn đến từ bên trong Giáo Hội – sinh ra tội lỗi từ sự bất tuân, bất đồng chính kiến và từ chối. Đây là lý do tại sao Giáo Hội và dân Chúa cần sứ điệp Fatima để nhắc nhở liên tục về lời kêu gọi toàn cầu về sự ăn năn, hoán cải và đổi mới. Chỉ trong tinh thần này, sự đổi mới của trái tim và tâm hồn chúng ta mới có thể là men trong bột. Không có sự sợ hãi trong tình yêu, và tình yêu hoàn hảo xua tan sợ hãi… (1 Ga 4:18) Chúng ta lấy sức mạnh và sự an ủi từ Đức Mẹ Fatima, Đấng đã nhắc nhở nữ tu Lucia rằng bà không đơn độc trong trận chiến lớn lao này. Chúng ta tìm thấy nơi ẩn náu trong Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ.
Chúng ta vẫn còn nhiều điều để học từ Đức Mẹ Fatima. Sứ điệp của Mẹ là dấu hiệu hy vọng cho một thế giới bị xâu xé bởi xung đột và bất hòa. Câu trả lời cho những cuộc tấn công vào hôn nhân, gia đình và xã hội ngày nay vẫn giống như như cách đây hơn 100 năm: HÃY ĂN NĂN và VÂNG THEO Ý CHÚA.
Lạy Mẹ Fatima, xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con, bây giờ và khi lìa đời. Amen.
LM. SHENAN J. BOQUET
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
************
TỬ ĐẠO và THÁNH THỂ
Đời sống Kitô giáo là đời sống ân sủng, đưa chúng ta vượt qua giới hạn của bản chất con người và vào cõi siêu nhiên bằng cách chia sẻ đời sống Ba Ngôi của Thiên Chúa. Cách duy nhất để chúng ta đạt được đời sống như vậy là nhờ Thiên Chúa giúp đỡ, qua ân sủng của Ngài. Tự thân các nỗ lực của chúng ta là vô ích. Chúng ta không thể chiến thắng tội lỗi nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta không thể đạt được sự cứu rỗi nếu không có ân sủng của Thiên Chúa. Nếu ân sủng quan trọng như vậy, làm sao chúng ta có được ân sủng?
Ân sủng của Thiên Chúa đến với chúng ta qua Chúa Kitô. Nhờ hy sinh trên Thập Giá, Chúa Kitô đã đền tội cho chúng ta và xứng đáng với ân sủng vô hạn mà Ngài có thể ban cho chúng ta khi chúng ta kết hiệp với Ngài, khi chúng ta trở thành chi thể của Nhiệm Thể Ngài bằng cách gia nhập Giáo Hội qua Bí tích Rửa Tội.
Điều này dẫn chúng ta đến các bí tích. Bảy bí tích mà Chúa Kitô thiết lập là những công cụ mà Ngài ban tặng những hiệu quả của Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Nói cách khác, chúng là những cách cụ thể mà Chúa Kitô ban ân sủng của Ngài cho chúng ta. Do đó, các bí tích là những cách cụ thể mà chúng ta tham gia vào đời sống của Chúa Kitô và sự hy sinh của Ngài trên Thập Giá.
Bí tích Rửa Tội là bí tích cần thiết nhất. Đó là bí tích đầu tiên kết hợp chúng ta với Chúa Kitô và làm cho chúng ta trở thành chi thể của Nhiệm Thể Ngài là Giáo Hội. Tuy nhiên, Bí tích Thánh Thể là bí tích cao cả nhất, chính hy tế trên Thập Giá được tái hiện theo cách không đổ máu, đem lại ơn cứu độ và ân sủng cho chúng ta. Bí tích Thánh Thể cũng có một vị trí ưu tiên thứ cấp: chúng ta có thể rước lễ thường xuyên. Chúng ta có nghĩa vụ phải tham dự Thánh Lễ ít nhất là hằng tuần, nhưng chúng ta có thể làm như vậy hằng ngày (không chỉ một lần trong đời, như Bí tích Rửa Tội).
Tham dự Thánh Lễ không giống như tham dự buổi hòa nhạc hay buổi giảng thuyết. Trong Thánh Lễ, chúng ta không chỉ là khán giả, mà chúng ta tham dự vào hy lễ được dâng lên.
Chúng ta làm điều đó theo hai cách. Trước tiên, chúng ta chấp nhận sự hy sinh của Chúa Kitô. Giống như Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, chúng ta nên chấp nhận sự tự hiến của Chúa Kitô cho Chúa Cha. Đức Mẹ đứng trên đồi Canvê và chấp thuận những gì Con của Mẹ đang làm. Chúng ta quỳ gối tại nhà thờ và làm như vậy – thời điểm chính xác mà chúng ta chấp thuận khi thưa lời “Amen” cao cả. Lúc đó, linh mục dâng Mình Máu Chúa Kitô lên Thiên Chúa, và cầu nguyện: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, Mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.” Chúng ta đáp “Amen” để chấp nhận việc tôn vinh Thiên Chúa qua hy lễ Chúa Kitô được tái hiện trong Thánh Lễ. Chúng ta cầu nguyện qua, với và trong Chúa Kitô.
Cách thứ hai chúng ta tham gia vào hy tế Thánh Lễ là bằng cách kết hợp chính mình với Chúa Kitô trong việc Ngài tự hiến cho Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ chấp nhận việc Chúa Kitô tự hiến cho Thiên Chúa, mà chúng ta kết hợp chính mình với hy tế Chúa Kitô. Chúng ta kết hợp bản thân chúng ta, cuộc sống của chúng ta, tất cả những điều tốt đẹp chúng ta làm và những điều xấu xa chúng ta chịu đựng với hy tế Thập Giá, và do đó dâng những điều đó cho Thiên Chúa qua, với và trong Chúa Kitô. Điều này cũng xảy ra khi thưa lời “Amen” cao cả.
Có một câu hỏi lớn nảy sinh. Tại sao Chúa Kitô thiết lập các bí tích? Nghĩa là, tại sao chúng ta phải nhận được ân sủng qua các bí tích chứ không chỉ đơn giản là trong lời cầu nguyện riêng? Tại sao chúng ta phải chấp nhận hy lễ Chúa Kitô và kết hợp với hy lễ đó trong Thánh Lễ thay vì chúng ta ở nhà đọc Kinh Thánh? Như vậy chẳng phải đơn giản hơn sao? Tại sao phải bận tâm đến các nghi lễ và phụng vụ?
Câu trả lời đơn giản: Vì chúng ta là động vật. Bây giờ, chúng ta không chỉ là động vật, mà chúng ta là động vật có lý trí. Chúng ta có cơ thể, chứ không chỉ là tinh thần như các thiên thần.
Cơ thể chúng ta là thiết yếu đối với nhân tính của chúng ta. Vì bản chất cơ thể, chúng ta học thông qua các giác quan. Hơn nữa, chúng ta thể hiện chính mình bằng cơ thể – đây là một phần cốt lõi trong Thần Học Cơ Thể của Thánh Gioan Phaolô II, rằng “cơ thể tiết lộ con người.” Vì vậy, con người sử dụng nghi lễ và nghi thức phụng vụ, sử dụng cái hữu hình để thể hiện cái vô hình là điều tự nhiên. Vì vậy, khi thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta phải thực hiện theo nghi lễ, theo nghi thức phụng vụ, trong đó các dấu hiệu vật lý thể hiện các thực tại tâm linh đang diễn ra.
Một ví dụ khác về ý tưởng rằng vì chúng ta là những sinh vật có thân xác nên chúng ta phải có các nghi lễ là “hôn nhân” thế tục đương đại. Ngay cả trong một xã hội cho phép ly hôn bất cứ lúc nào vì bất kỳ lý do gì (một xã hội không coi trọng hôn nhân), mọi người vẫn có những nghi lễ rất xa hoa để kết hôn. Những màn trình diễn này trực tiếp chỉ ra tầm quan trọng của nghi lễ trong xã hội loài người, ngay cả ngoài nghi lễ bí tích. Vì vậy, khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta tham dự vào cái chết của Chúa Kitô trên đồi Canvê bằng cách chấp nhận hy lễ Chúa Kitô và kết hợp với hy lễ đó.
Sự tử đạo là sự kết hợp theo nghĩa đen hơn là với sự hy sinh của Chúa Kitô. Trong khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta không chết khi kết hợp với Chúa Kitô, các vị tử đạo thực sự chết vì Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Sự tham gia của họ vào sự hy sinh của Ngài mang tính bản năng hơn. Do đó, các Kitô hữu luôn công nhận rằng các vị tử đạo sẽ lên Thiên Đàng ngay lập tức. Luyện Ngục không cần thiết đối với họ. Hơn nữa, Giáo Hội luôn tin rằng các vị tử đạo xứng đáng được ban ơn cho chúng ta. Cái chết của họ, giống như cái chết hy sinh của Chúa Kitô, không chỉ có công cho chính họ mà còn cho chúng ta nữa, nghĩa là chúng ta được hưởng lợi về mặt tinh thần từ sự hy sinh của các vị tử đạo. Sự tử đạo mang tính Thánh Thể theo vài nghĩa.
1. Đó là sự tham gia sâu sắc vào hy tế Chúa Kitô trên Thập Giá, giống như Thánh Lễ.
2. Công đồng Vatican II đã hùng hồn dạy chúng ta rằng Thánh Lễ là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Đó là nguồn mạch vì chúng ta nhận được ân sủng để sống tốt từ Thánh Lễ, và đó là đỉnh cao ở chỗ là chính tại Thánh Lễ, chúng ta kết hợp toàn bộ cuộc sống của mình với Chúa Kitô. Sự tử đạo có chức năng tương tự trong Giáo Hội. Như đã đề cập, sự hy sinh của các vị tử đạo mang lại lợi ích cho toàn thể Giáo Hội với ân sủng mà nó xứng đáng – do đó đóng vai trò như “nguồn” ân sủng. Ngoài ra, các vị tử đạo kết hợp hoàn toàn với Chúa Kitô về thể xác và linh hồn khi họ thực hiện sự hy sinh cao nhất – đạt đến “đỉnh cao” của sự kết hợp với Chúa. Do đó, các vị tử đạo được coi là những vị thánh vĩ đại đặc biệt trong hàng ngũ trên Thiên Đàng.
Các vị thánh đầu tiên là các vị tử đạo. Phải mất hàng trăm năm trước khi Giáo Hội công nhận bất kỳ vị thánh nào ngoài Thánh Gioan tông đồ. Cho đến nay, chỉ riêng sự tử đạo cũng đủ để một người được tuyên chân phước. Hơn nữa, các vị tử đạo thúc đẩy Giáo Hội tiến lên, như câu châm ngôn cổ xưa nói: “Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội.” Giáo hoàng thường đi giày đỏ, một phần để tượng trưng cho máu của các vị tử đạo mà Giáo Hội đã phát triển.
3. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15:13) Vì chúng ta là những thụ tạo có thân xác, nên món quà lớn nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác chính là mạng sống của mình. Chết vì ai đó là hành động yêu thương vĩ đại nhất mà chúng ta có thể làm. Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta thực sự được chết vì những người thân yêu của mình. Thay vào đó, chúng ta cống hiến cuộc đời mình cho điều tốt đẹp của họ và thể hiện điều này một cách nghi lễ – trong lễ cưới, Thánh Lễ,... Các vị tử đạo thực sự hy sinh mạng sống của mình. Họ được thể hiện tình yêu đối với Chúa một cách trực tiếp bằng thân xác họ.
4. Thánh Thể chuẩn bị chúng ta cho cuộc tử đạo. Để trở thành một vị tử đạo đòi hỏi sự thánh thiện lớn lao và lòng nhiệt thành để hiến dâng đời mình hoàn toàn cho Chúa và vì Chúa. Thánh Thể là con đường chính mà chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện, trong đức ái, thường xuyên hiến dâng chính mình và cả cuộc sống của chúng ta cho Chúa, vì vinh quang của Ngài chứ không phải của chúng ta. Vì vậy, cách tốt nhất để chuẩn bị cho việc tử đạo không phải là thông qua việc tập luyện và huấn luyện trong việc chịu đựng sự tra tấn, mà là tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng.
Trong một thế giới mà sự tử đạo không giảm mà còn tăng, và sự bách hại chung đối với Kitô giáo vẫn gia tăng ở thế giới Tây phương, chúng ta phải chuẩn bị cho sự tử đạo như những người Kitô giáo đầu tiên đã làm. Một trong những dấu hiệu cho thấy Giáo Hội tại Hoa Kỳ không chuẩn bị để đối mặt với sự bách hại là rất nhiều người không tin vào Bí tích Thánh Thể hoặc không coi trọng bí tích cao cả này một cách đúng đắn.
Hãy nhìn vào các vị tử đạo, đặc biệt là những vị đã chết vì Thánh Lễ và Thánh Thể, để củng cố đức tin và lòng sùng kính của chúng ta dành cho bí tích cao cả nhất này.
MATTHEW MCKENNA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
- Tổng Hơp: