Ba ơi !
BA ƠI
12h37’ ngày 06 tháng 10 năm 2024
Ba ơi,
Vậy là từ đây, chúng con sẽ không bao giờ còn được thấy ba nữa…
Ba mất rồi, nhưng có lẽ chúng con sẽ không bao giờ quên được ba, vẫn tưởng ra được như ba đang đứng trước mặt chúng con. Đối với chúng con, ba không hề mất, ba luôn hiện hữu lúc chúng con cần một nơi nương dựa tinh thần. Ôi, tinh thần lúc nào mà không cần nương dựa! Con cứ ngỡ rằng Núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống. Con cứ ngỡ rằng bàn tay ba mãi mãi bên con. Nhưng hôm nay bóng dáng ba đã khuất xa rồi. Núi Thái Sơn ngả bóng cuối trời. Con ở lại với nỗi đơn côi.
Ba là một người cha hiền nhất trên thế gian này, một người cha lúc nào cũng hy sinh, nhường, nhịn cho vợ con có được phần hơn. Tình thương của ba cho chúng con như một gia tài vô tận, chúng con hoang phí cách nào cũng chẳng hề vơi.
Ba là cả một gia tài mà con được hưởng trong suốt đời người. Gia tài ba cho con là tình thương yêu vô bờ bến của bố, làm sao con dùng của cải mua được để thế vào. Nhưng thật sự con đâu có khánh tận, những tình thương ba tích lũy trong tâm anh, chị, em con, lúc nào cũng còn đầy ắp, dù chúng con có cho đi.
Con chẳng muốn ví ba như núi. Vì núi khô khan và nghiêm khắc quá! Con chẳng muốn ví ba như vầng dương soi sáng đời con. Vì vầng dương huy hoàng chói chang quá! Cả hai đều không thích hợp với bố. Tình thương của ba cho chúng con đơn sơ lắm: như ly sữa nhỏ bé đưa vào tận tay con; như bình nước nóng ba làm cho con chườm bụng; như chiếc khăn mặt nóng ba lau mặt hai cô con gái nhỏ ngày thơ dại.
Ba ơi! Con lớn, con mới hiểu, không phải nước nóng, mà chính tình thương yêu trong hai bàn tay ba đã truyền sang làm ấm mãi, suốt một đời con. Con sẽ được đặt lại hai bàn tay con trong hai bàn tay bố, và ba lại truyền hơi ấm cho con, dạy cho con biết chia sẻ hơi ấm cho người khác. Thế giới nào cũng cần hơi ấm của thương yêu.
Ba không còn đứng trước mặt con bằng xương da nữa, nhưng tình thương yêu của ba lúc nào cũng tràn đầy trong con. Con cám ơn ba đã cho con hai bàn tay ấm trong đời sống tẻ lạnh nhân gian này. Đó là một gia tài vô tận, con đã đem phần gia tài ấm áp đó tiêu hoang cho bao nhiêu người khác, đến bây giờ vẫn thấy chẳng hề vơi.
Ba ơi,
Lặng lẽ nhìn ba, buông cánh tay nhẹ nhàng ra đi mãi mãi. Ba đã trở về với Chúa như một tờ giấy khẽ bay nhẹ khi làn gió thổi qua. Quả thật, giây phút sự sống và sự chết giằng co để lại một sự lặng lẽ nhìn người ra đi đầy tiếc nuối. Thế nhưng, chỉ những người đã sống hết mình hết tình mới xứng đáng được an nghỉ nhẹ nhàng, thanh thản khi nhắm mắt xuôi tay. Đó là một sự ra đi bình an đến nỗi lạ lùng, trong một niềm tin tràn đầy hy vọng vào nơi thế giới bên kia đó là thiên đàng nơi mà Thiên Chúa đang chờ – đang đợi đón ba về.
Thật kỳ diệu khi nghĩ về mầu nhiệm sự sống và sự chết, đó là hai tình trạng luôn tồn tại trong thế giới để con người được nhận ra đầy đủ giá trị của sự hiện hữu trong Thiên Chúa. Trong sự hiệp thông này theo Karl Rahner: cái chết không thể cô lập con người và cũng không thể ngăn cách được sự liên đới giữa người sống và người đã chết. Bên cạnh đó, Đức Ratzinger cho thấy: người chết đi vào mối dây hiệp thông với người khác trong mầu nhiệm Thân Mình của Đức Ki-tô. Sự hiệp thông giữa người chết và người sống là ở chỗ “nếu có một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu có bộ phận nào vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12, 26-27). Thế nên, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, ta được gia nhập vào gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Trong gia đình này không ai sống một mình mà: sống cùng- sống với – sống cho nhau. Không những chúng ta sống với người còn đang lữ hành, mà còn sống cho những người đã qua đời.
Chúng con tạ ơn Chúa với ba về hành trình 88 năm trên dương thế này!
Xin Chúa tha thứ cho ba vì những lầm lỗi mà ba đã trót phạm vì yếu đuối khi còn tại thế. Về bên Chúa, xin ba cũng nhớ đến chúng con và cho chúng con biết dùng những lời lẽ đức tin mà an ủi nhau. Phần chúng con, chắc chắn chúng con sẽ nhớ mãi hình ảnh của ba, nhất là trong kinh nguyện và trong Thánh lễ. Xin Mẹ Maria Măng Đen đồng hành cùng ba trên hành trình tiến về quê trời,
Con gái,
Anna. NTTH
- Tổng Hơp: