Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tản mạn từ câu chuyện động thổ

Tác giả: 
Cao Huy Hoàng

NGÀY TRUYỀN GIÁO 20-10-2024

TẢN MẠN TỪ CÂU CHUYỆN ĐỘNG THỔ

 

Anh chị sui người lương, cho vợ chồng con gái miếng đất và đứng ra xây nhà cho con. Ngày khởi công làm nhà, anh chị làm nghi thức động thổ theo cách của người lương, đặt trên bàn lọ hoa và thắp hương khấn vái cầu xin cho được bình yên.

 

Anh chị mời anh chị sui người giáo tham dự, anh chị sui người giáo cũng dâng hương và thầm lời nguyện xin Chúa giúp đỡ cho con cái hoàn thành ngôi nhà tốt đẹp.

 

Đây cũng là chuyện thường gặp giữa những gia đình có sui gia lương giáo, nhưng việc người công giáo vái lạy trong trường hợp này cũng dễ gây ra những hiểu lầm.

 

-Ước gì việc sui gia công giáo tham dự với sui gia người lương trong những trường hợp này, vừa là biểu lộ sự tôn trọng niềm tin của sui gia, vừa là biểu lộ lòng yêu thương đối với con cái.

 

-Ước gì khi tham dự một nghi thức như thế, người giáo vẫn luôn hướng về Chúa và tin tưởng cầu xin Chúa giúp đỡ. Ngoài Chúa ra, không có Chúa nào khác.

 

-Ước gì các mục tử, và mọi người thấu hiểu cho mối tương quan sui gia trong trường hợp này. Việc từ chối tham dự, hoặc cứng ngắt lên án cách thể hiện niềm tin của người lương, đôi khi trở thành việc phản tác dụng truyền giáo. Vì thế, xin đừng nặng lời lên án anh chị em mình rằng: “bỏ Chúa mà theo bụt thần”, rồi sinh ra bất nhất giữa các gia đình và cộng đoàn.

 

Từ câu chuyện động thổ trên đây, xin được sẻ chia chút tản mạn:

Nhiều cha mẹ công giáo hôm nay, vẫn còn không muốn làm sui với người lương, sợ con mình bỏ đạo. Các cha xứ cũng hay đau đầu vì chuyện hôn nhân giữa người giáo với người lương dự tòng rồi tân tòng. Càng đau đầu hơn với chuyện hôn nhân đạo ai nấy giữ! Đây có thể nói là nỗi bận tâm chính đáng của những người có bổn phận bảo vệ đức tin công giáo, nhưng nghĩ cho cùng, chính mình có bảo vệ nổi đức tin của mình đâu, nếu không có ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần. Cũng vậy, có cha mẹ hay cha xứ nào dám chắc mình đủ sức bảo vệ đức tin cho con cái hay con chiên, nếu không liên lỉ ngày đêm cầu xin ơn Chúa Thánh Thần phù trợ cho chính mình, cho con cái và cho con chiên của mình.

 

Hẳn là con cái thời nay cũng hiểu được nỗi lòng của cha mẹ và các cha xứ, nhưng hiểu là một việc, còn việc lựa chọn người bạn đời và tiến tới hôn nhân lại là một việc khác. Có bạn trẻ tâm sự: “Con đã cầu nguyện, đã muốn tìm, muốn yêu một người có đạo cho vừa ý bố mẹ, nhưng tìm không ra. Thế là, con đã tự do quyết định yêu một người lương được gia nhập đạo, và nên vợ thành chồng trước mặt Chúa và Giáo Hội qua Bí Tích Hôn Phối. Chúng con sống với nhau được 7 năm rồi, có hai nhóc. Bình an, hạnh phúc. Sui gia thuận thảo, hài hòa, cảm thông, thấu hiểu. Gia đình vợ người lương đã tự xóa dần những não trạng bất đồng, và cũng bắt đầu quý mến Đạo của Thiên Chúa. Bây giờ con mới hiểu ra, đâu phải con tìm, con chọn vợ cho mình đâu! Chuyện hôn nhân cũng là chuyện của Chúa. Đúng là “Sự gì Thiên Chúa kết hợp”, chứ không phải chuyện “con người tự kết hợp”.

 

Lời tâm sự của ban trẻ, như mời gọi mọi người nhớ lại Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia chương 55, câu 8 viết: “Thiên Chúa phán: “Tư tưởng của Ta, không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta”.

 

Vâng, Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Các con hãy đi ra và ra đi loan báo Tin Mừng”. Chúa không bảo chúng mình “đóng cửa lại, cứ ở trong nhà, ai đến xin thì mình cho; còn ai không đến thì mặc kệ họ”.

 

Giáo hội Việt Nam đã có một thời kỳ mà nhà nhà đóng cửa giữ đạo, các giáo xứ giữ đạo bên trong lũy tre làng mình, con nhà có đạo trong làng đạo lấy nhau nên vợ thành chồng, người có đạo chơi với người có đạo và nếu không tuyệt giao thì cũng phải cẩn thận khi giao tiếp với người lương, và đôi khi, còn lên án người lương “không được ơn cứu rỗi”. Bỗng dưng, chúng mình đã biến câu “Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ” (Tv 36. 39a) hoặc “Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính”, thành câu tâm niệm cho riêng mình: “Chúa ban ơn cứu độ cho người công giáo”.

 

Không biết từ “người lương” đã có tự khi nào trong danh mục những từ nhà đạo, nhưng thiết nghĩ, hai từ “người lương” hoặc “lương dân” thật đẹp, bởi từ “lương”, chính là “lương thiện”, là công chính, đáng được Chúa chúc phúc. Bởi họ chưa được tháp nhập vào giáo hội, vào chi thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, nhưng vẫn nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà sống đời sống tự nhiên lương thiện đáng nể phục. Thế thì, hai từ “người lương” có gì xấu đâu! Nếu có xấu thì do bởi chúng mình kiêu căng tự phụ nghĩ mình tốt hơn họ, và xem họ xấu xa, chứ trong mắt Chúa, thì “mọi sự đều tốt lành”. “Đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán”. Trước tiên “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

 

Việc Thiên Chúa đã thực hiện trên đất nước Việt Nam này, cho Giáo Hội Việt Nam này thực kỳ diệu biết bao! Không nghe Thiên Chúa nói lời gì, nhưng qua biến cố chính trị xã hội, qua cuộc chiến tranh, bỗng dưng, các thành trì kiên cố “giữ đạo” trong lũy tre làng kia đã không còn nữa: đoàn người gồng gánh di cư vào trung, vào nam, các giáo xứ phân tán đi khắp mọi miền, và một tương quan lương giáo ắt có tự nhiên phải chấp nhận. Hóa ra, “Bởi con chẳng muốn ra đi, nên Người phá đổ thành trì cầu an, để con vượt suối băng ngàn, xuống xuôi về ngược mà loan Tin Mừng”.

 

Hơn thế nữa, biến cố xã hội năm 1975 đã đưa giáo hội Việt Nam vào một toàn cảnh mới: một cuộc sống chung rộng khắp giữa lương giáo, giữa đồng thuận lý tưởng và bất thuận chính kiến, giữa người tin Chúa và kẻ chủ trương vô thần… Có lẽ nào Thiên Chúa quyền năng thượng trí tối cao mà Người không nhìn thấy, không can thiệp vào xã hội con người đấy sao? Không phải vậy đâu! Tất cả đều không ngoài thánh ý Chúa. Thế thì, thiết nghĩ, việc “giữ đạo” hôm nay, là cụ thể “sống đạo giữa đời”, để tinh thần của đạo như muối men Tin Mừng hiệp hành và thấm đẫm, như ánh sáng Chân Lý nhẹ nhàng khiêm tốn lan tỏa trong lòng mọi người.

 

Vâng, chúng ta tin quyền năng của Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành, biến những điều mà con người tưởng như là tồi tệ, nên điều tuyệt hảo theo thánh ý của Người.

 

Nhìn lại sau 50 năm trong một toàn cảnh mới, có thể nói: hầu hết các gia đình công giáo hôm nay đều có sui gia với người lương. Ước gì các gia đình nhận ra đây là đường lối của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội Việt Nam trong mùa gặt mới này! Ước gì các gia đình tích cực cộng tác với Thiên Chúa, để đường lối của Người đưa gia đình mình và mọi người đến niềm vui toàn thiện, toàn hảo theo thánh ý Người. 

 

Còn gia đình nào không muốn đi ra và ra đi, thì xin hãy nhớ lời Chúa Giê-su căn dặn: “Có Thầy đây, đừng sợ”.  Cầu an hay ngại ngùng? Chẳng phải vì “đức tin của nhà mình còn non kém lắm đấy sao”. Vậy thì ước gì các gia đình cứ yên tâm mà giơ tay phát biểu: “Lạy Thầy, xin ban thêm đức tin cho gia đình con”. Ông Tư hay nói linh tinh: “Cứ giơ tay lên hết đi, cứ kêu xin đi, đừng sợ đông quá chẳng tới lượt mình. Giơ tay lên là Chúa hiểu rồi”.

“Có Thầy đây đừng sợ”. “Có Đấng Phù Trợ của Thầy đây, đừng sợ!”.

 

Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi toàn thể dân Chúa năm 2025 với lời kêu gọi CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG, điểm thứ 2 viết riêng cho các gia đình rằng:

“Loan báo Tin Mừng từ gia đình. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy nhiệt thành sống và làm chứng cho Tin Mừng, với những gợi ý như sau:

– Trong gia đình, các thành viên sống yêu thương, quan tâm và liên đới với nhau hơn, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho người trẻ.

– Gia đình sống thân thiện, bác ái với anh chị em thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác.

– Giữa các gia đình và cộng đoàn, cần nỗ lực giao hòa, tha thứ, tha “nợ” cho nhau, vì dấu chỉ hy vọng đầu tiên của Năm Thánh toàn xá là bầu khí hài hòa, bình an”.

 

Nguyện xin Chúa cho lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được thực hiện trong các gia đình Việt Nam.  Xin cho các gia đình được ơn Loan Báo Tin Mừng ngay trong chính gia đình mình, trong các mối tương quan lương giáo của gia đình mình.

 

PM. Cao Huy Hoàng, 18-10-2024

Nhớ ngày Truyền Giáo 20-10-2024