Lời Chúa (Mc 16,15-20) Và Suy Niệm Chúa Nhật Truyền Giáo Năm 2024
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô (Mc 16,15-20): “…Khi ấy Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”. Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo…” Ðó là Lời Chúa.
+/ Suy Niệm Lời Chúa: Hôm nay, Giáo hội long trọng cử hành Khánh nhật Truyền Giáo, ngày cầu nguyện cách đặc biệt cho việc loan báo Tin Mừng. Theo nghĩa Hán Việt, Khánh là mở ra là khai trương, Nhật là ngày. Như thế Khánh Nhật truền giáo là mở ra thời kỳ trọng đại cho sứ vụ truyền giáo đặc biệt. Ngày Giáo Hội mời gọi tín hữu toàn cầu hợp lòng một ý cầu nguyện và cộng tác cho công cuộc loan báo Tin Mừng, như lệnh truyền của Chúa Giêsu từ khi thiết lập Hội Thánh như Tin Mừng ta vừa nghe.
- Theo thánh công đồng Va-ti-ca-nô 2 trong sắc lệnh Truyền Giáo số 6 (Sắc Lệnh 1 trong 9 sắc lệnh): Việc truyền giáo là tất cả những công tác đặc biệt qua đó các nhà rao giảng Phúc âm được Giáo hội sai đi khắp thế gian, thi hành nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo hội nơi các dân tộc cũng như giữa những nhóm người chưa tin vào Chúa.
- Như vậy, việc truyền giáo là đưa Thiên Chúa đến với con người và đưa con người trở về với Thiên Chúa. Đó chính là mục tiêu chính của việc truyền giáo và cũng là sứ mạng cấp bách của Giáo hội Chúa Ky-tô. Khi hoàn tất sứ mạng của mình ở trần gian, Chúa Giêsu đã sai phái các tông đồ tiếp tục sứ mạng đó cho đến tận cùng trái đất rằng: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em (như câu Lời Chúa ở cổng chào vào giáo xứ ta).
+/ Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo, Sắc lệnh Ad gentes (AG 1965) có nội dung như sau:
-Chương Một, Sắc lệnh Ad Gentes gồm Nhập đề ngắn, 6 chương và Kết luận ngắn. Có lẽ chương quan trọng nhất là chương Một mang tựa đề “Những nguyên tắc đạo lý”.
-Chương Hai, mang tựa đề là “Công cuộc truyền giáo”, đưa ra vài nguyên tắc quan trọng trong tiến trình thi hành công tác truyền giáo giữa các dân tộc.
-Chương Ba, bàn về “các Giáo hội địa phương” vẫn còn trong tình trạng truyền giáo, nghĩa là chưa sẵn sàng tự lập xét vì con số các tín hữu, hàng giáo sĩ bản xứ, hoặc nguồn tài chính.
-Chương Bốn, Tựa đề của chương này là “các thừa sai”, nhắm đến việc huấn luyện các nhân viên truyền giáo tương lai, bất kỳ là linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân, người nước ngoài hay người bản địa.
-Chương Năm, Mang tựa đề là “Thảo hoạch hoạt động truyền giáo”.
-Chương Sáu, Chương cuối cùng bàn về “Sự hợp tác truyền giáo”, nghĩa là bằng cách nào các Kitô hữu góp phần vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.
+/ Vào ngày lễ Thánh Phaolô Trở Lại (25.01.2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 98 năm 2024 với chủ đề: Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc. Hội đồng giám mục Việt Nam cho đăng trên trang nhà toàn văn
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2024, 20 tháng 10, 2024, Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc, Bản dịch tiếng Việt: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên Ủy ban Loan báo Tin mừng / Hội đồng Giám mục Việt Nam.
+/ Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 98 năm 2024 có 3 ý chính sau đây:
1. “Đi và mời!” Truyền giáo là đi ra để mời người khác đến dự tiệc của Chúa. Có hai từ diễn tả trọng tâm của việc truyền giáo: các động từ “đi ra” và “mời”.
2. “Đến dự tiệc cưới”. Chiều kích cánh chung và Thánh Thể của sứ vụ Đức Kitô và Hội Thánh…Chúa yêu cầu chuyển lời mời dự bữa tiệc cánh chung.
3. “Mọi người”. Sứ mệnh hoàn vũ của các môn đệ Chúa Kitô trong Hội Thánh hoàn toàn hiệp hành và truyền giáo…Truyền giáo cho mọi người đòi hỏi sự dấn thân của mọi người…sự hợp tác truyền giáo ngày nay lại càng trở nên khẩn thiết hơn, cả trong Hội Thánh hoàn vũ và trong các Hội Thánh địa phương.
+/ Trong khánh nhật truyền giáo 2006, Đức Thánh Cha Bênedictô 16 đã viết: “Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi Lòng mến, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm”.
-Và thánh Phaolô còn quả quyết Lòng mến chính là sợi giây ràng buộc chúng ta nên một với Đức Kytô.
+/ Hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng là lời Đức Giêsu mời gọi làm chúng ta nhức nhối. Thế giới chẳng phải ở đâu xa. Thế giới là quê hương ta với gần 90 triệu dân. Thế giới là những người ta vẫn gặp, những nơi ta vẫn sống. Thế giới ấy, chân ta chưa một lần đi hết, miệng ta chưa một lần loan báo tin vui.
- Cách truyền giáo thứ nhất là bằng chính cuộc sống bản thân. Nếu các Kitô hữu đều siêu thoát danh lợi, sống trung thực, thanh khiết, sống chung thủy, yêu thương. Một Kitô hữu nghèo mà vui tươi, hạnh phúc, thì đó là một lời chứng đáng tin cậy. Làm cho xã hội được tốt đẹp hơn, đó cũng là một cách loan báo Tin Mừng rất hiệu quả. Kitô giáo phải góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và huynh đệ, công bằng và ấm no, nơi nhân phẩm của từng người được tôn trọng, nơi bóng tối của sự ích kỷ tàn nhẫn bị đẩy lui. Nên ta phải sống sao để người ta thắc mắc, đặt câu hỏi: Họ là những ai? Đạo họ sống là bởi trời hay bởi phàm nhân? Nhưng cũng phải sẵn sàng trình bày câu trả lời. Dù ta chẳng uyên thâm về giáo lý nhưng hãy bập bẹ nói về Chúa bằng kinh nghiệm của ta.
- Hãy tiếp nối truyền thống của các Thừa sai Việt Nam mang Tin Mừng đến cho những anh em nghèo đói, đến những phận người bị bỏ rơi. Hãy tiếp nối tinh thần quả cảm hy sinh, kiên cường của các tiền nhân mà mạnh dạn làm chứng cho Chúa, cho dù có bị thua thiệt trước mặt người đời, cho dù có bị hiểu lầm, ngược đãi. Phải lưu ý là việc truyền giáo của Hội Thánh không phải là quảng bá một ý thức hệ tôn giáo, càng không phải là đề nghị một học thuyết đạo đức cao siêu, nhưng nhờ việc truyền giáo của Hội Thánh, chính Đức Giêsu Kitô tiếp tục rao giảng Tin Mừng và hành động. Việc truyền giáo dựa trên sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Tin Mừng là Tin Vui chứa đầy niềm vui có sức lan toả, vì nó chứa đựng và cống hiến sự sống mới, sự sống của Đức Kitô Phục Sinh, Đấng là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống.
- Sau hết, Chúng ta hãy rà xét lại lòng mến của chúng ta đã trở nên dấu chỉ để tha nhân tin Chúa hay chưa? Ngày xưa cộng đoàn tín hữu tiên khởi họ đã sống thật hiệp nhất với nhau, ngày ngày họ đến hội đường để nghe các tông đồ giảng đạo. Họ chia sẻ đời sống hằng ngày với nhau, để không ai phải thiếu thốn. Họ được toàn dân thương mến và ngày càng có thêm nhiều người gia nhập Giáo Hội. Amen.
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga
- Loại bài viết:
- Chia sẻ Lời Chúa: