Đức tin cứu chữa con
“ĐỨC TIN CỨU CHỮA CON!”
Mỗi lúc gặp cảnh gian truân khốn khó, chúng ta thường nghĩ mình là người bất hạnh nhất trần đời này, chẳng ai có thể khổ hơn bản thân ta nữa! Nhưng câu nói chúng ta vốn thường nghe: nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống hơn cả tá người!!! ít nhiều đánh động. Sao ta lại cứ ‘nhìn lên’ và ‘nhìn xuống’, mà không ‘nhìn thẳng’ và ‘nhìn xung quanh' chúng ta chứ?
Quả thật, chúng ta còn quá may mắn khi chứng kiến anh người mù Bar-ti-mê trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Chúng ta còn có cả đôi mắt đẹp, không chỉ tận hưởng vẻ đẹp chung quanh, mà có khi còn hút hồn người khác nữa. Chúng ta còn có đôi mắt sáng trong, tinh tường, nhìn ra mọi thứ trong đời. Chúng ta còn có đôi mắt tinh thông, giúp mình phân biệt phải trái, đúng sai, v.v…Tuy đôi mắt thể xác khoẻ mạnh, anh minh, nhưng với một ý nghĩa nào đó, đôi mắt đức tin của chúng ta có khi đang dần mù loà, đang mất đi thị lực, đang phai mờ vì còn nhiều đam mê thế tục, bao phen quên sống đạo, chỉ muốn ‘lau chùi cho đức tin bóng loáng, rồi cất giữ trong tủ kính’, mà chẳng buồn ‘thắp sáng ngọn nến đức tin ấy’ qua việc cầu nguyện và thực thi bác ái. Như vậy, hơn ai hết, chúng ta cần học đòi tâm tình đơn sơ, tín thác của anh khiếm thị Bar-ti-mê, dám kêu lớn tiếng cầu xin Đức Giê-su chữa lành, dẫu ngoài kia những người xung quanh có thể vì không hiểu chuyện mà ngăn cản chúng ta: “Hỡi ông Giê-su con vua Ða-vít, xin thương xót tôi…Hỡi con vua Ða-vít, xin thương xót tôi” (Mc 10, 47. 48).
Thoạt nhiên tôi nhớ đến một giai thoại ‘xưa hơn trái đất’ về chàng thanh niên thích chơi trội lập dị, muốn khác người. Cứ mỗi buổi chiều, anh mang ‘chiếc dù bay’ lên ngọn núi khá cao, để nhảy xuống một thung lũng kỳ bí hiểm nguy, hòng thoả chí đam mê mạo hiểm của mình. Nhưng thật không may, khi chuẩn bị gieo mình xuống, thì anh ta trượt chân, rơi tự do xuống vực. Tưởng chừng kết thúc cuộc đời này rồi, nhưng đang rơi thì anh bị vướng vào một cành cây rừng mọc chìa ra, đủ cứng cáp cứu anh thoát khỏi cơn hoạn nạn. Thế rồi anh cứ lơ lửng trên đó, nhìn lên toàn bầu trời bao la, nhìn xuống thì thung lũng tối tăm huyền bí lạ lùng, khiến anh choáng váng hãi hùng. Anh lấy hết sức bình tĩnh la to cầu cứu: Có ai trên đó cứu tôi với…với…với!!!!!! Chờ hồi lâu, chẳng một tiếng đáp lời, ngoài tiếng của anh vang vọng trở lại. Sau đó, anh bèn nhớ tới Chúa và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứu con với! Con xin hứa sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn!
Lúc ấy, anh bỗng nhiên nghe tiếng gió thổi mạnh như lời Chúa đáp: Được, Ta sẽ cứu con. Nhưng trước khi cứu, Ta muốn biết là con có thực sự tin rằng Ta làm được việc này không?
– Lạy Chúa, con tin chứ! Con tin chắc là Chúa cứu được con mà! Mau mau cứu con Chúa ơi, chân con run rẩy, đôi tay con rã rời lắm rồi, hic…hic!
Chúa liền nói với anh:
– Được, thế thì con hãy buông tay ra!
Hy vọng tràn trề, thời cơ được thoát chết đến gần, nhưng chàng thanh niên ấy vẫn bám chặt vào cành cây kia, mà không chịu buông tay. Và cứ thế, anh ta ngước nhìn qua bờ vực bên kia và la lớn: “Có ai trên đó không, cứu tôi với!’
Giai thoại trên kết thúc thế nào không quan trọng, nhưng tự ngẫm nghĩ: nhiều lần trong đời, chúng ta cũng đã rơi vào trường hợp thế này! Miệng tuyên xưng tin vào Chúa, nhưng lòng chúng ta chưa dám đặt hết vào Ngài; hơn nữa, chúng ta chưa can đảm ra khỏi sự nghi ngờ, bồn chồn, lo âu của riêng mình, mà làm theo những gì Chúa muốn, những gì Chúa nói nơi lương tâm ngay thẳng tốt lành của ta, qua các biến cố cuộc sống, kể cả qua người mà ta không ưa thích, qua các sự cố có thể chẳng may mắn giữa cảnh đời thường. Tuy nhiên, anh chàng Bar-ti-mê khiếm thị trong đoạn Tin Mừng hôm nay, đã trao phó tất cả cho Đức Giê-su, khi nghe Ngài hỏi: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” (Mc 10, 51) Anh mau mắn dâng trọn sự yếu đuối, hèn mọn, mong manh của kiếp người cho Ngài, và tín thác đáp lời: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10, 51). Thiết nghĩ, đây cũng chính lời cầu mà chúng ta nên kêu lên: Lạy Chúa, xin cho con được thấy, không chỉ bằng đôi mắt xác phàm này, mà hơn hết bằng con mắt đức tin, vốn được Chúa thương ban, nhằm tôi luyện, thánh hoá và cứu chữa con!
Vì thế, lời đáp ngắn gọn của Đức Giê-su chữa lành cho anh khiếm thị Bar-ti-mê khiến chúng ta phải nhìn lại đời sống đức tin của mình, nhìn lại đức tin của bản thân: “Đức tin anh đã chữa anh” (Mc 10, 52).
Trước hết, Đức tin tôi luyện chúng ta. Qua lời tiên tri Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa hằng tôi luyện, rèn giũa dân Is-ra-el. Tuy họ đã bất trung, bất tín, đi ngược lại giao ước với Ngài, bao phen bỏ Thiên Chúa mà chạy theo các tà thần khác, nhưng Ngài luôn rộng lòng tha thứ, chờ đợi, kêu mời trở về với giao ước tình yêu với Ngài. Tuy họ ngỗ nghịch, chống báng, giết hại các ngôn sứ của Thiên Chúa, rồi bị đi lưu đày, nhưng Ngài vẫn bên cạnh dõi theo, ghé mắt nhân từ đoái thương: “Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất…hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây” (Gr 31, 8).
Hơn nữa, Đức tin thánh hoá chúng ta. Tác giả thư gửi cho tín hữu Do Thái đã tỏ hiện một vị Thượng tế tối cao, không giống các thượng tế khác. Ngài tuy là Con Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy xác phàm, ngoại trừ tội lỗi, sống giữa chúng ta. Ngài tuy cao trọng, ngang bằng với Thiên Chúa, nhưng đã xuống thế, sống cùng với con người, chịu khổ đau, tử nạn và phục sinh: “Ngài có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc…” (x. Dt 5, 2). Tuy Ngài là Thiên Chúa, nhưng “không tự dành lấy quyền làm thượng tế” (x. Dt 5, 5), mà hằng thực thi thánh ý Chúa Cha “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” và “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê” (Dt 5, 5. 6). Nhờ Ngài, đức tin chúng ta được thánh hoá, được dưỡng nuôi và triển nở.
Sau cùng, Đức tin cứu rỗi chúng ta. Đúng như lời Đức Giê-su phán với anh Bar-ti-mê: “Đức tin anh đã chữa anh” (Mc 10, 52). Nhờ vào đức tin trọn vẹn, niềm cậy trông hoàn toàn vào Ngài, mà anh ấy được giải thoát khỏi bệnh hoạn, tật nguyền, khỏi những khiếm khuyết hằn sâu trong tâm hồn cũng như thân xác. Cũng vậy, nhờ đức tin vào Con Thiên Chúa, mà chúng ta được cứu chuộc với chính giá máu của Ngài. Ước gì, đức tin này luôn giúp chúng ta gạn đục khơi trong, nâng đỡ chúng ta biết nhận ra bàn tay che chở, quan phòng của Chúa trong đời sống hằng ngày. Và với đức tin ấy, chúng ta dám bước ra khỏi con người yếu hèn của mình, mà can đảm sống đức ái, cùng đặt niềm trông cậy kiên vững nơi Ngài.
Lạy Chúa, thân con - người hành khất
Có đôi tai, mũi mắt bình thường
Nhưng tâm hồn sao thê lương
Đức tin đưa lối tựa nương nơi Ngài.
Dẫu hiện tại, tương lai phía trước
Có Ngài luôn cùng bước trung kiên
Đời con theo Chúa nhân hiền
Đức tin cứu chữa, luyện rèn ngày đêm. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
*********
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: