Suy niệm và Lời Chúa Chủ Nhật 33 TN NB
SUY NIỆM LỜI CHÚA (Mt 25, 1-13) LỄ CHÚA NHẬT 33TN2024, MỪNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 25, 1-13): “...Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả. “Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả”. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn”. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng Người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”. “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào…” Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Xin được chia sẻ rằng: Theo số liệu của Linh mục Mai Đức Vinh, MỘT TRONG NHỮNG VĂN KIỆN CẤM ĐẠO CỦA CHÚA TRỊNH là khi đó Họ Trịnh và họ Nguyễn sinh lòng ghen ghét nhau, rồi mỗi họ hùng cứ một phương, chia nước Việt ta ra làm hai mảnh: họ Trịnh ở xứ Bắc và họ Nguyễn ở xứ Nam.
- Chúa Trịnh Tráng (1627-1658) , năm 1629 (sau 2 năm xưng ngôi) là sắc lệnh cấm đạo đầu tiên. Nội dung sắc lệnh có ghi lại Một đoạn sau đây: “Hoàng thượng sắc dụ cho nhân dân biết, các Tây Giang Đạo Trưởng ở trong triều trẫm không có dạy nhân dân những đạo lý sai lầm hại dân hại nước, nhưng để đề phòng điều có thể xẩy ra sau này, hoặc những âm mưu hiện đang ngấm ngầm xếp đặt mà Trẫm chưa điều tra ra, Trẫm cấm ngặt từ đây các thần dân của Trẫm không được đi lại với các Đạo Trưởng và tin theo đạo đó nữa.
- Nguyên nhân đặc thù xui khiến: 1) Ghen tị của lương dân khi thấy các thừa sai, nhất là cha Đắc Lộ thu hút đông dân theo đạo. 2) Các bà vuơng phi lo cho số phận. Một bà đã sai một quan đến cảnh báo cha Đắc Lộ rằng: “Hỡi các Tây Giang Đạo Trưởng, sao các ngươi lại đến giảng trong nước ta một đạo lý trái với tục đa thê trong nước ta? Các ngươi chỉ cho phép thần dân của ta được có một vợ một chồng khi mà ta muốn có thêm nhiều tôi trung. Từ nay, cấm các ngươi không được truyền bá đạo sai trái ấy nữa. Nếu bất tuân lệnh ta, thì các ngươi phải biết rằng mất đầu thì cái chân không thể đứng vững được, nghĩa là ta sẽ trừ diệt nguyên nhân sâu xa ra khỏi nước ta”.
3) Vì có lời vu cáo: các cha liên lạc với nhà Mạc và chúa Nguyễn ở miền Nam.
Từ đây ta có thể suy niệm về:
+/ Ngược đãi / bách hại. Trong tiếng Hip-ri, động từ radaph có nghĩa là rượt theo, truy đuổi, ngược đãi, bách hại. Bởi động từ radaph mà xuất phát ra danh từ murdaph chỉ sự truy đuổi hay ngược đãi, bắt bớ, vì thù nghịch.
-Sự ngược đãi, bắt bớ cũng mang chiều kích thiêng liêng, vì các tín hữu thường bị các thế lực và những người không tin ngược đãi hay bách hại, bao gồm việc phân biệt đối xử, thù ghét, đàn áp, trừng phạt, sát hại v.v. Hy sinh, đau khổ và thậm chí là bị giết chết, đó là cái giá phải trả của một tín hữu hay Ki-tô hữu trung thành.
-Theo sách 1 Mcb, vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê của Hy-lạp đã nhất quyết xóa bỏ Do-thái giáo và ngược đãi người Do-thái gây ra cảnh “tang tóc bao trùm khắp cõi Ít-ra-en”.
+/ Các sách Tin Mừng ghi lại những lời cảnh báo của Đức Giê-su đối với các môn đệ về những ngược đãi họ phải chịu bởi vua chúa quan quyền (nói chung) và những người không tin Đức Giê-su: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy”.
+/ Tử đạo hay Chứng nhân
- Trong Tân Ước, Danh từ Hy-lạp martys Nghĩa thông thường của từ này chỉ bất kỳ người nào đưa ra một lời chứng về những gì người đó thấy tận mắt hoặc nghe tận tai. Lời chứng của họ rất cần để công việc được giải quyết. Người mang lời chứng được gọi là chứng nhân. Ngoài phạm vi pháp lý, từ này còn được dùng cả trong lãnh vực lịch sử và tôn giáo. Các Tông Đồ là những chứng nhân đặc biệt, được Thiên Chúa chọn để uỷ thác việc làm chứng về Chúa Giê-su chết và sống lại.
-Đặc biệt, Tin Mừng theo thánh Gio-an sử dụng động từ martyre (33 lần) có nghĩa là làm chứng .
-Một điều cần ghi nhận là trong Tin Mừng Gio-an, việc làm chứng và lời chứng không nhằm vào một sự kiện lịch sử của Chúa Giê-su, nhưng nhằm vào chính con người Đức Giê-su là Con Thiên Chúa hằng sống.
- Trong Hội Thánh của Đức Ki-tô, việc tử đạo mang một ý nghĩa mới mẻ, đó là bắt chước Đức Ki-tô và hiệp thông trọn vẹn vào việc làm chứng và vào công trình cứu độ của Người.
+/ Để Kết, người ta thường nói: "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" hay "uống nước nhớ nguồn". Chúng ta là con cháu các vị tử đạo, chúng ta được thừa hưởng một di sản đức tin phong phú, được chiêm ngưỡng một Giáo Hội phát triển tốt đẹp như ngày nay, chúng ta không thể quên đó là kết quả của những giòng máu cha ông đã đổ ra. Vậy máu tử đạo nói gì với chúng ta?
-Trước hết, máu tử đạo nói lên niềm tin mãnh liệt, sâu xa và lòng trung thành sắt son của cha ông đối với đạo thánh Chúa. . Đối với các vị tử đạo, đức tin là một cái gì cao quý vô cùng, phải bảo vệ bằng mọi giá. Dầu bị đe dọa, tra tấn với muôn khổ hình dã man ghê rợn, dầu phải đổ đến giọt máu cuối cùng, các ngài cũng cam chịu, miễn sao bảo tồn được đức tin nguyên vẹn.
. Đàng khác, được hấp thụ tinh thần Nho giáo, các ngài đặt chữ "trung" lên trên hết. Không những trung thành với vua chúa trần gian, với quê hương tổ quốc, mà nhất là trung thành với vua trên các vua, chúa trên các chúa, trung thành với quê hương tổ quốc siêu nhiên là Giáo Hội. Đó là tấm gương sán lạn cha ông để lại cho chúng ta.
-Thứ hai, máu tử đạo cũng nói lên đức hy sinh can đảm phi thường của tiền nhân. Người ta ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham danh tranh lợi, ham sống sợ chết. Nhưng với ơn Chúa, các vị tử đạo đã thắng vượt mọi trở lực, dầu khó khăn đến đâu, để duy trì đức tin.
. Ai kể được những khổ hình dã man các ngài đã phải chịu: kìm kẹp, xiềng xích, voi giày, thiêu sinh, trầm hà, trảm quyết, lăng trì, bá đao...Nhưng các ngài can đảm chịu đựng, các ngài đã thắng tất cả: thắng vũ lực, thắng quyền bính vua chúa trần gian, thắng ma quỷ, và thắng chính mình.
- Chúng ta hãy nhớ rằng: tử đạo là một ân huệ đặc biệt Chúa ban cho ai tùy ý Ngài muốn, nhưng nỗ lực làm chứng cho Chúa thì không dành riêng cho ai cả. là Ki-tô hữu là có nhiệm vụ làm chứng: làm chứng bằng lời nói, bằng hành động và bằng cả cuộc đời cụ thể của mình. Nói rõ hơn, cách làm chứng tốt nhất cho Chúa, cho đạo là sống bác ái yêu thương. Chúng ta cần phải thuyết phục những người chưa có đạo, những người không hiểu về chính nghĩa của đạo chúng ta bằng cách sống trọn vẹn, quyết liệt, dứt khoát tinh thần bác ái yêu thương đối với nhau và đối với những người chung quanh. Amen
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: