Cám Dỗ, Công Hay Tội ?
CÁM DỖ – CÔNG HAY TỘI? (CN I/MC-B)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN I/MC – năm B) trình thuật về việc Đức Giê-su Ki-tô được "Thần Khí đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1, 12-13). Cùng một nội dung, thánh Mat-thêu ( Mt 4:1-11 – năm A) và thánh Lu-ca (Lc 4, 1-13 – năm C) trình bày chi tiết hơn (kể rõ 3 chước cám dỗ của ma quỷ và cả 3 lần, Chúa Ki-tô đã chiên thắng). Thánh Mac-cô trình thuật rất vắn tắt, không kể rõ những hình thức cám dỗ của Xa-tan và Chúa Giê-su đã chiến thắng như thế nào. Tuy không nói rõ Xa-tan cám dỗ Chúa như thế nào, nhưng thánh Mac-cô lại cho thấy 2 điều rất đáng suy gẫm: 1- Đến cả Đức Giê-su Thiên Chúa còn phải chịu để Xa-tan cám dỗ, thì loài người không thể tránh được (bằng chứng là Nguyên tổ đã bị và đã thua cuộc!). 2- Với bản tính Thiên Chúa, Chúa Giê-su rất dễ dàng chiến thắng Xa-tan, nhưng loài người thì không thể, và vì thế phải biết cậy dựa vào Thiên Chúa toàn năng.
Đã có người coi cám dỗ không phải là xấu, không phải là tội, thậm chí còn cho rằng cám dỗ có công giúp con người nên thánh, gặt hái được triều thiên vinh quang. Một câu hỏi được đặt ra: Cái triều thiên vinh quang ấy có được là do sự cám dỗ mang lại hay do sự chiến thắng được cám dỗ? Đáp án thật hiển nhiên: Triều thiên vinh quang ấy có được là do sự chiến đấu quyết liệt của bản thân kẻ bị cám dỗ cho đến khi thắng lợi được nó. Và như thế thì cám dỗ tốt hay xấu, tội hay không tội? Nếu nó không xấu, không phải là tội, thì có cần phải chiến đấu chống lại nó không? Và không chiến đấu thì đào đâu ra triều thiên vinh quang? Xét đến cùng, thì vì sao ma quỷ, kẻ xấu phải cám dỗ con người? Nếu là một tư tưởng, một hành động, một việc làm tốt, quang minh chính đại, thì tự bản chất bộc lộ ra, chẳng cần phải dùng cảm tính mà dụ dỗ (cám dỗ) một ai. Chỉ có những ham muốn không tốt, những dục vọng thấp hèn mới cần phải che đậy và dùng chiêu thức cám dỗ để lừa phỉnh, gạt gẫm người ta vướng vào (Từ nguyên : "Cám dỗ là khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã"). Nếu cám dỗ là tốt thì có làm cho người ta "sa ngã" không? Cũng vì thế nên Thánh Gia-cô-bê Tông đồ mới dạy : “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai” (Gc 1, 13). Chính Đức Giê-su Thiên Chúa, với bản tính loài người, cũng chịu để bị cám dỗ, chớ Người không hề cám dỗ một ai. Những Lời dạy của Người luôn luôn là ngay thẳng, rõ ràng, phân mính, không hề có sự dối trá, lừa phỉnh. Người không hề nói “Ai muốn theo Thầy thì sẽ được vinh hoa phú quý, quyền lực danh vọng”, mà Người luôn luôn dạy: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24)
Nói về cám dỗ thì không biết thế nào là cùng. Con người sống trên đời luôn phải đối diện với trăm mưu ngàn chước của ba thù, mà toàn là những mưu ma chước quỷ, những chước độc mưu thâm. Vì thế, nếu biết rằng mình bị cám dỗ, thì vẫn có hy vọng chống lại được. Cái nguy hiểm của cám dỗ là ở chỗ người bị cám dỗ không hề biết mình đang bị kẻ xấu, kẻ thù dùng cảm tính dụ dỗ mình làm việc xấu. Một ông vua nếu biết mình đang bị rơi vào kế mỹ nhân, chắc chắn sẽ không mất nước vì gái đẹp. Một ông quan không bị mờ mắt vì hấp lực của tiền bạc danh vọng, chắc chắn sẽ không đến nỗi thân bại danh liệt, thân tàn ma dại vì hối lộ, hối mại quyền thế. Quả thật, không thiếu những người lúc nào cũng luôn miệng lu loa: Đừng hòng đem danh vọng, quyền lực ra mà cám dỗ được ta, rượu ngon, gái đẹp cũng đừng hòng lay chuyển được ta. Nhưng để có được một người sống đúng như lời nói, thì chắc chắn là công việc "mò kim đáy biển"..
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mac-cô viết "Thần Khí đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1, 12-13). Trước đó, thánh Gio-an Tiền Hô khi bắt đầu rao giảng cũng vào trong hoang địa 40 ngày. Xa hơn nữa, tổ phụ A-bra-ham, ngôn sứ Mô-sê, tiên tri Ê-li-a… cũng đều vào hoang địa để chịu thử thách và vượt qua hoang địa, vượt qua được cám dỗ. Như vậy, hoang địa chính là những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu. Ở nơi hoang địa, cùng lúc đương đầu với thử thách, với nghịch cảnh, với cám dỗ của ba thù, ta còn được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Ki-tô. Ông Mô-sê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Si-nai, đã gặp và trở nên bạn của Chúa, mặt ông trở nên sáng láng lạ lùng. Tiên tri Ê-li-a, sau 40 đêm ngày, đã đi tới núi của Chúa và gặp được Người. Thánh Gio-an Tẩy Giả – người cùng thời với Đức Giê-su Thiên Chúa – sau 40 ngày trong hoang địa, đã được “người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông” (Mt 3, 5) để nghe thánh nhân rao giảng về Thiên Chúa, về chính Đức Giê-su Ki-tô.
Những cuộc vào hoang địa của tổ phụ, của các thánh nhân, các ngôn sứ và kể cả của Đức Giê-su Ki-tô thường trải qua thời gian 40 ngày. Giáo Hội cũng dùng Mùa Chay với thời gian 40 ngày để tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giê-su, và mời gọi ta hãy vào hoang địa với Người để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Mà muốn rèn luyện tâm trí, cách tốt nhất là đối diện với nghịch cảnh, ở đây là đối diện với hoang địa – nơi hoang vu không nhà cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Hoang địa là nơi chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỉ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.
Chúng ta vẫn thường hay nói đến “sa mạc đời, hoang mạc đời” để ám chỉ cõi lòng (tâm hồn) hoang dại, trống vắng đến khủng khiếp trước cuộc đời đầy phong ba bão táp, đầy thử thách gian nan. Cái sa mạc ấy, cái hoang mạc ấy – cái cõi lòng hoang vắng ấy – phải chăng cũng chính là hoang địa? Ta không có điều kiện để vào nơi hoang địa thiên nhiên, nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa cuộc đời. Khi vào hoang địa thiên nhiên, chúng ta trực diện với những khó khăn thử thách: từ bên ngoài (khách thể) như thời tiết (ngày nóng khủng khiếp, đêm lạnh cóng da), thú dữ, bão cát, mưa đá vô tri; từ bên trong (chủ thể) như sự cô đơn lạnh lẽo, thiếu lương thực, không trợ lực. Tất nhiên những thứ đó không phải là những cám dỗ của ba thù, mà đó chính là những thử thách để con người trui rèn ý chí, tôi luyện quyết tâm đối kháng. Và nhờ thế, khi bị cám dỗ trong hoang địa cuộc đời, con người mới có thể chống lại và hy vọng chiến thắng. Thế thì tại sao ta không mạnh dạn đi vào hoang địa cuộc đời của chính chúng ta để thẳng thắn “nhìn lại mình”, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thử thách, sẵn sàng khai thông hoang địa, sẵn sàng dọn đường mở lối để được gặp gỡ Thiên Chúa – và nhất là biết sẵn sàng từ bỏ ý riêng để luôn tìm thánh ý Thiên Chúa, hầu biết được đâu là lời mời gọi của Thiên Chúa, đâu là sự cám dỗ của ba thù.
Điều đáng lo lắng, sợ hãi chính là điều chúng ta rõ ràng đang ở trong hoang địa cuộc đời, mà lại vẫn tưởng mình đang ở trong Thiên đường, ở trong Đất Hứa, để rồi tự ru mình trong những mời gọi ngọt ngào, những cám dỗ lôi cuốn. Đến ngay như đã thực sự ở trong Đất Hứa cũng vẫn có thể bị kẻ thù cám dỗ (“Đề phòng các cám dỗ khi vào đất hứa” – Đnl 8, 1), huống hồ là tưởng tượng, là ảo tưởng đang ở trong Đất Hứa! Và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng mình có đủ nghị lực đứng vững trước mưu ma chước quỷ của ba thù, bởi vì: "Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã" (1Cr 10,12). Như vậy, phải chăng chính những ham muốn (dục vọng) của con người đã tạo nên những ảo tưởng để rồi lại quay ngược mũi giáo cám dỗ chính mình? (“Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết” – Gc 1, 14-15).
Chính vì thế nên trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi mọi Ki-tô hữu ý thức về tình trạng yếu kém, tội lỗi, đầy khiếm khuyết trong con người hiện tại hay "con người cũ" vốn "bị tội lỗi thống trị" (Rm 6,6) . Nhận chân được vấn đề mới có hy vọng quyết tâm "cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa" (Ep 4,22; x. Cl 3,9) để "mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa hầu thật sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4,24). Hãy biến những Mùa Chay hàng năm thành Mùa-Chay-Cuộc-Đới và coi đó như một cuộc trường kỳ thanh tấy bằng Bí tích Thánh Tẩy. Cũng bởi vì "Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền" (1Pr 3, 21-22). Và "Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện". (Ep 4, 22-24)
Lạy Chúa Giê-su, cúi xin Chúa ban Thần Khí cho con để con thông hiểu và sống đúng như lời dạy của Thánh Phao-lô "Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người".(Cl 3, 9-11). Ôi ! Lạy Chúa ! Xin Chúa hãy dùng Thần Khí đẩy con vào hoang-địa-trần-thế, vào hoang-mạc-cuộc-đời, để con sẵn sàng đối diện với dã thú tâm linh của ba thù, sống với những thử thách nghiệt ngã, trực diện với những viên đạn bọc đường của cám dỗ ma muội. Ôi! Lạy Chúa! "Con nay trở về, trở về cùng Chúa, Chúa ôi! Con nay trở về lòng sầu thống hối khôn nguôi. Muốn khóc cho một niềm tin đã trót bao phen ngả nghiêng. Bước chân hoang đàng, đây bến yêu thương tình đáp tình. Ngài là Thiên Chúa rất nhân từ và hay tha thứ. Ngài dựng nên con, không khi nào mặc con thoái hư. Vì là bụi đất con phải vương tục luỵ yếu đuối. Dẫn con trên đường lành thuỷ chung ơn nghĩa muôn đời". (Hùng Lân – "Con nay trở về" – TCCĐ).
Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.