Tha Hóa Quyền Lực
THA HÓA QUYỀN LỰC
Có quyền cũng sướng thật. Tham quyền cũng để sướng hơn. Hầu hết là như vậy. Cũng có những trường hợp không như vậy. Bản chất con người là tham lam. Đố ai dám cãi việc này.
Có quyền để làm gì thì phải làm mới biết. Có quyền không để làm gì thì quyền làm chi ? Quyền lực được quan tâm rất mạnh trong thế giới hiện đại. Cạnh tranh xuất phát từ quyền lực. Chiến tranh và hòa bình cũng xuất phát từ quyền lực. Không có quyền thì không thực hiện được những việc đó. Việc càng lớn thì đòi quyền càng cao. Chiến tranh, hòa bình là việc vô cùng lớn lao. Sự sống, sự chết nơi con người ai chẳng biết quan trọng, lớn lao như thế nào. Vậy giữa quyền lực với sự sống và sự chết con người thì cái nào ở trên, cái nào ở dưới ? Cái nào có trước cái nào có sau ? Bản thân tôi cũng thấy khó trả lời cho chính xác hoàn toàn.
Vong thân là hiện tượng hay thấy nơi người có quyền lực. Tức là đánh mất chính mình. Có khi chính họ không nhận ra. Hoặc nhận ra nhưng cố tình bao che, biện minh bằng mọi cách vì quyền lực lấn át quá mạnh. Dân chúng kêu trời mà có giải quyết được gì đâu. Các tổ chức cũng lên tiếng xôn xao, và chạy ngang chạy dọc để chữa trị cho quyền lực không bị tha hóa mà có được đâu. Thế mà đùng một cái, chỉ cần sự chết ập đến là chấm dứt mọi sự. An toàn, lắng dịu, ổn định xuất hiện.
Sự sung sướng, hả hê và mãn nguyện trong quyền lực của mình đang là mồi ngon cho con người lao tới tìm kiếm bằng mọi cách. Người có tài có trí đi tìm nó. Kẻ có đức có nhân cũng tìm nó. Tên gian ác, mưu mô cũng khát nó. Người thánh thiện không mong nó nhưng cũng chờ nó đến được với mình thì cũng hay cũng thích ! Cái chết ở chỗ là chỉ biết tìm, khát, mong, đợi nó mà không suy nghĩ cho thấu đáo là để làm gì và sẽ mang lại gì cho mình trước hết và cho đồng loại.
Quyền lực đến với mình mà lại từ chối như đỉa bị vảy vôi thì cũng lạ và nhiều khi bị đánh giá là dại khờ. Xã hội hôm nay đang bị khống chế quá mạnh do quyền lực mà quyền lực ấy xem ra không ổn định chút nào cả. Hầu như tất cả mọi thể chế của quốc gia trên thế giới đều bị tha hóa bởi quyền lực của người lãnh đạo. Chẳng thấy một thể chế nào ổn định mãi. Chẳng thấy quyền lực nào tồn tại mãi. Chẳng thấy người lãnh đạo nào gương mẫu mãi. Mọi sự nó cứ nhập nhằng và rối lên như canh hẹ nếu chúng ta nhìn nó trong tổng thể bức tranh của guồng máy quyền lực thế gian này. Chẳng thế mà lúc nào cũng có chiến tranh, đả đảo, áp lực, tấn công, phe nhóm, khủng bố, đe dọa,...
Sự mất ổn định trong cộng đồng xuất phát từ sự tha hóa của quyền lực. Sự mong manh của triều đại là dấu chỉ cho sự không bền vững của quyền lực kể cả khi họ thi hành đúng đắn. Tính chất không bền vững của quyền lực là một thông điệp nhắc nhở cho ta về kinh nghiệm sống trong đời. Quyền lực làm tăng thêm sự sống hay sự chết ? Quyền lực làm cho mình kéo dài cuộc đời thêm hay là rút ngắn hơn ? Đây là điều bất ngờ ngay cả với kẻ đang nắm quyền lực trên sự sống và sự chết của một tập thể cho dẫu là đông đảo cỡ nào đi nữa thì cũng phải đối diện và buộc phải đón nhận cái bất ngờ ấy.
Quê hương chúng ta, đất nước dân tộc chúng ta, giáo hội chúng ta cần người có quyền. Nhưng là một nỗi lo âu không nhỏ.Vận mệnh đất nước, dân tộc, giáo hội ra sao nhờ vào người đang nắm quyền lực. Chúng ta không thể làm ngơ và tích cực cầu nguyện cho họ thật nhiều và thật đặc biệt. Vì « cuộc sống là thách thức, hãy đối diện. Cuộc sống là trách nhiệm, hãy chu toàn. Cuộc sống là bi kịch, hãy vượt qua. Cuộc sống là mạo hiểm, hãy phiêu lưu » (Mẹ Têrêxa Calcútta). Đối với những người có quyền lực, những tương quan ấy rất mạnh và cần thiết hơn người khác.
Trong Đức Giê su Ki tô Thiên Chúa đầy quyền lực và vinh quang đã trở thành mô phạm và là người khai đường mở lối cho tất cả mọi thể chế, quyền lực và cung cách lãnh đạo của chúng ta đạt được sự vinh dự, bền vững và công ích như thế nào, như lời thánh Phao lô tông trình bày như sau :
« Đức Giê su Ki tô
Vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
Mặc lấy thân nô lệ,
Trở nên giống phàm nhân,
Sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
Chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
Và tặng ban danh hiệu
Trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu » (Pl 2, 6-9).
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: