Theo Giêsu gieo giống
Theo Giêsu gieo giống
Tính thường xuyên bộc lộ cái ‘nguy hiểm’ của Đức Giêsu là chủ trương ‘đầu độc’ người ta bằng cách sống v giáo lý của mình. Tiếp xúc với ai là biến đổi người ấy. Vào nhà ai là làm phép lạ hay cũng biến đổi được thành viên trong nhà ấy như đã diễn ra tại tiệc cưới Cana, tại nhà mẹ vợ Phêrô, nhà ông trưởng hội đường, nhà Pharisêu, Giakêu, v.v...
“Cung cách rao giảng của Đức Giêsu, không nói sống sượng như kẻ kiêu ngạo, ngài chỉ nói cách khiêm tốn và dịu hiền để ai có tai, có thiện tâm thì nghe rất thấm thía. Kẻ ác tâm, dã tâm, vô tâm chẳng bao giờ nghe được tiếng Ngài mà chỉ thấy chói tai quá!"(Lm.Vũ Khắc Nghiêm, SNLC B, tr.132). Cho nên"tin không phải là nghĩ rằng Thiên Chúa thuộc về phe ta, người của ta, do đó Người ghét bỏ, loại trừ những người khác; niềm tin ấy đồng nghĩa với 'cuồng tín' nó khiến những kẻ có đạo trở thành người 'vô nhân đạo', những người mất gốc, nghĩa là đánh mất lòng nhân, cái mà nhờ đó ta mới xứng danh là người. (Lm. Thiện Cẩm, Tản mạn niềm tin, tr.119). Do đó, Đức Giêsu chấp nhận người cộng tác với mình với những khuyết điểm của họ : nóng nảy, cọc cằn, bộc trực, ghen tị, tham tiền, vv...
Đức Giêsu là hạt giống gieo vào trần gian, gieo vào từng mảnh đất nhỏ của địa phương Do thái. Dù biết mảnh đất môi trường trần gian thật phức tạp, nhưng Ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả. Là người quản lỷ hạt giống là Lời của Cha – Ngài sẵn sàng để nó được cọ sát, rơi vãi vào mọi môi trường trong nhân lọai. Dù có khi không ai biết, thì hạt giống vẫn âm thầm mọc lên theo quy luật ‘hạt lúa mì gieo vào lòng đất có chết đi mới sinh nhiều bông hạt’. "Ai gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều" (2 Cr 9, 6) “gieo giống nào gặt giống ấy...”(Gl 6, 7c-8) vì " Lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích" (2Tm 2, 9b).
Đối diện với con người, môi trường đặt ra nhiều vấn đề, sự quan tâm, nhức nhối, lòng khát khao phục vụ dấn thân vì tha nhân, nhưng vẫn thấy những điều kiện này, cám dỗ kia đối với người môn đệ Đức Kitô. Tính nôn nóng, vội vã, bực dọc có thể bộc lộ dẫn đến thất bại. Đi khai phá phải chấp nhận hy sinh, vất vả nên có khi làm mình nản lòng. Dẫu sao, cũng đừng vội thất vọng khi thấy kết quả hoa trái chúng ta gieo rắc chẳng đáng là bao hay chẳng thấy gì cả. Lịch sử Giáo hội qua mấy ngàn năm Tin mừng vẫn không ngừng phát triển. Trong chặng đường phát triển ấy đã gặp bao cơn bão táp, nắng gió khí hậu phức tạp và không tốt làm bay mất hoặc đè bẹp hay phá hoại hoa trái lúc mới chớm nở nhưng hạt giống Tin Mừng vẫn không ngừng lớn mạnh ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Phần còn lại của hạt giống là ân sủng và tinh hoa của Chúa Thánh Thần hoạt động dường như lại không còn lệ thuộc vào con người và mảnh đất nữa. Đấy là điều làm cho các sứ giả không bao giờ được phép thất vọng trong công cuộc rao giảng Lời Chúa. Không thất vọng khi dạy giáo lý. "Tin mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất bởi những người hư mất, đối với kẻ không tin" (2 Cr 4, 4b). Nhớ lại bước chân các vị thừa sai đến Việt Nam giảng đạo thấy cảm phục làm sao.
"Trong môi trường giáo hội, người ta cũng thấy những hiện tượng bất ổn và tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống và tác vụ của linh mục : chẳng hạn một số đông tín hữu thiếu hiểu biết về tôn giáo ; giáo lý vốn đã ít gây ảnh hưởng, lại bị những phương tiện truyền thông xã hội bóp nghẹt bằng những sứ điệp phổ biến hơn và tác động mạnh mẽ hơn ; chủ trương đa nguyên trong thần học, hiểu sai văn hoá và mục vụ, dù đôi khi chủ trương này phát xuất do thiện ý, nhưng rốt cuộc lại làm cho việc đối thoại đại kết trở nên khó khăn và gây nguy hại cho sự cần thiết phải có một đức tin duy nhất ; vẫn còn thái độ ngờ vực và hầu như cố chấp đối với huấn quyền của hàng giáo phẩm; những khuynh hướng một chiều và giản lược sứ điệp phong phú của Tin Mừng, và biến lời loan báo và chứng tá đức tin chỉ còn thuần tuý là nhân tố giải phóng con người và xã hội, hay chỉ là một nơi ẩn náu gây tha hoá trong mê tín dị đoan, hay trong một lòng đạo không có Thiên Chúa" (Tông Huấn ‘Các mục tử’, số 7).
Chủ tịch Góocbachóp đã phát biểu rất sâu sắc: "Con người không phải chỉ sống bằng bánh mì, và nó cũng không phải chỉ sống bằng những của cải vật chất hiện đại. Con người sống chủ yếu bằng chân lý và lương tri, bằng chính trực và tự do, bằng đạo lý và nhân bản" (Diễn văn đọc tại hội nghị toàn thể Trung ương Đảng CS Liên xô, 28.2.1988, phụ bản Tin tức Mát-xcơ-va, tr. 3). Kinh thánh xác nhận :"Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra"(Mt 4, 4). Chính Lời Chúa điều chỉnh lương tri và cung cấp chân lý ; cung cấp chính trực và tự do ; dạy đạo lý và nhân bản. Nhưng vẫn luôn thiếu người đi gieo rắc, hay gieo rắc bị thiếu hoặc thiếu phương tiện phổ biến hay phổ biến chưa tới mọi người nên họ vẫn đói khát. "Làm sao kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?" (Rm10, 14 -15). Bên cạnh đó, nỗi băn khoăn nữa là nhiều khi mình keo kiệt, bủn xỉn, giữ bo bo mọi sự như kiểu "đại lý độc quyền" phân phối thời bao cấp làm cho hạt giống Tin Mừng bị vón cục lại. Ngày nay, vẫn có nơi, có người ‘độc quyền Lời Chúa’, ‘độc quyền Tin Mừng’. Cũng nên nhắc lại những lời này được nói rất nhiều trong Kinh thánh: "Miễn sao Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng" hay "ước chi toàn dân được nói tiên tri","người nói tiên tri thì xây dựng Hội thánh" (1Cr 14, 4b) ‘đừng ngăn cản người ta’; ‘tất cả là một trong Đức Kitô’. Vì "chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24, 48).
“Các giáo hữu vì nhận những đặc ân khác biệt (Rm 12, 6) nên phải cộng tác vào việc rao giảng Phúc âm, mỗi người tuỳ theo khả năng, phương tiện, đặc ân và chức vụ của mình (1Cr 3, 10). Bởi vậy, hết mọi người, kẻ gieo và kẻ gặt (Ga 4, 27), kẻ trồng và kẻ tưới, phải hợp nhất với nhau (1Cr 3, 8), để hết mọi người nhắm cả về một đích (Hiến Chế Hội thánh, 18) cách tự do và có trật tự, cùng nhau thi thố sức lực để kiến thiết Giáo hội. Bởi các cố gắng của kẻ giảng Phúc âm và sự giúp đỡ của các giáo hữu được hướng dẫn và liên kết với nhau, để mọi sự được thi hành theo trật tự (1Cr 14, 40) trong mọi cảnh vực hoạt động và công tác truyền giáo” (trích phần Mở đầu sắc lệnh truyền giáo - Ad gentes).
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: