Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự chết - Một trật tự mới

Tác giả: 
Lm Bùi Trọng Khẩn
SỰ CHẾT – MỘT TRẬT TỰ MỚI
TRONG  CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ
 
 
Giả thiết con người không phải chết thì sẽ đặt ra nhiều vấn đề phức tạp và nan giải. Khó mà ổn định được mức sống cũng như mọi tương quan khác khi mà quả đất này cứ vậy thôi.
 
 
      Trật tự tự nhiên rất cần để bảo đảm và duy trì được sự tồn tại cũng như phát triển của tạo vật. Trong đó sự chết cũng là một điều nằm trong trật tự tự nhiên. Tuy dù nó xảy ra như một cái gì làm đảo lộn trật tự, nhưng bản chất của nó chính là đang diễn r a trong khuôn khổ của một trật tự (quy luật). Bởi thế, sự chết chúng ta bàn không dừng lại ở trật tự tự nhiên, nhưng là đi vào một trật tự mới, trật tự của cuộc sáng tạo mới. Mà đã nói đến sáng tạo là phải nói đến việc cứu độ.
 
 
       Trước hết, sự chết xảy ra như một dấu chỉ báo hiệu về một chương trình cứu độ sẽ được thực hiện. Cũng như lời hứa cứu độ chỉ được mạc khải sau khi tổ tông loài người phạm tội và bị kết án phải chết (St 3, 15). Một viễn tượng đầy phấn khởi. Một chương trình nghiêm trọng, nếu xét theo cái nhìn của  con người thì cần phải một sự hỗ trợ của thời gian để làm nên một bề dầy mang tính lịch sử bao nhiêu có thể.
 
 
      Theo cái nhìn về cánh chung thì yếu tố trật tự là điều hợp lý và rất quan trọng. Lúc đó, chính Thiên Chúa sẽ quy tụ muôn loài trong trời mới đất mới. Việc cứu độ con người được Thiên Chúa xếp đặt diễn tiến trong trật tự với thời gian, nhưng sau sự chết sẽ là một thứ trật tự không ở trong thời gian. Đây quả là điều khó hiểu và khó diễn tả. Giới hạn của con người chúng ta cũng do yếu tố thời gian chi phối do đó khi màn đời hạ xuống người ta khó thấy được một trật tự khác của thân phận mình. Đối với Thiên Chúa thì không có một kế hoạch, một chương trình dang dở, tất cả đều phải đi đến chỗ viên mãn. Việc sự chết xảy ra sẽ là đỉnh cao trong kế hoạch của Ngài. Nhưng kế hoạch ấy lại không phải là một thực tại giống như bất cứ thực tại nào của trần thế. Nó không hiển thị như một bản đồ, nhưng được thực hiện theo một ý tưởng tuyệt đối mà hoàn toàn không bị sai trật. Trong trật tự mới này, chính Đức Giêsu là người đầu tiên đã đi vào bằng cuộc tử nạn của Ngài. Chính Ngài đã thực hiện chương trình cứu độ và khai mở ra một trật tự mới khi Ngài bước vào cõi vinh quang. “Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù” ( Tv 67, 19 ). Nhờ Người là đầu và là trưởng tử của những kẻ chết mà chúng ta được dẫn vào một trật tự mới trong cõi vĩnh hằng ( Cl 1,18 ). Ơn cứu độ đã được thực hiện cho những ai dám chết theo con đường của Đức Kitô . Đấng cứu độ đã kinh qua con đường này để mạc khải rõ ràng ranh giới giữa cái phải kết thúc và mở ra cái vô tận. Như thế, người kitô hữu chúng ta không trông chờ một viễn tượng ảo tưởng, mơ hồ mà thực sự nhập cuộc vào trong cái thực tại và trong chính Thiên Chúa nữa. Trong niềm tin thì sự chết chính là khởi điểm cho một hành trình mới, hành trình của ơn cứu độ . Bởi thế tất cả mọi người đề phải trải qua cái chết để có lấy điều kiện đầu tiên. Tính chất xác thực của kế hoạch cứu độ luôn đòi hỏi một sự thay đổi , một sự hy sinh mất mát nào đó. Những điều này phải được thực hiện trên cơ sở của niềm xác tín vào tình thương Thiên Chúa. Tuy nhiên vẫn có những người chẳng chịu hy sinh, mất mát vì tin mà vẫn đuợc cứu độ. Đó cũng là ý định của Thiên Chúa ( Mt 25, 31 –46 ).
 
 
       Thì ra trong trật tự mới mọi sự phải trở nên hoàn hảo. Và cái nghĩa hoàn hảo này nó đã được hàm chứa trong cuộc sống hiện tại ở trần gian bên cạnh những việc thiện, việc quên mình …. Đó cũng là điều cho chúng ta hiểu được rằng: một trật tự chỉ có thể kết thúc hoàn hảo khi nó có từng bước hoàn hảo trước đó. Dĩ nhiên chúng ta không đưa ra một kiểu lý luận thuần túy nhân loại và càng không được cậy dựa vào sức mình để đi đến một trật tự mới hoàn hảo mà loại trừ Thiên Chúa. Tất cả đều do Thiên Chúa dẫn dắt từng bước, và ở đỉnh cao của nó thì Ngài phải nâng đỡ hết sức. Sự chết xem ra manh nha ràng buộc Thiên Chúa phải thực hiện chương trình cứu độ cho con người ! Nói như vậy có phần nào là xấc xược đối với Thiên Chúa. Nhưng quả thực la như vậy, bởi vì bản chất của Ngài là thánh thiện và hoàn hảo tuyệt đối thì Ngài cũng không bao giờ lỡ để cho công trình của mình nơi các tạo vật bị trở về hư vô khi mà Đức Giêsu đã phải cứu chuộc toàn thể vũ trụ bằng giá máu của mình ; huống chi là con người. Cho nên “những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính ; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng vinh quang” ( Rm 8, 30 ). Và  “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”
(Tv 8, 6).
                   
 
Lm Bùi Trọng Khẩn