Chuyện Chúa Giêsu xin nước uống
Chuyện Chúa Giêsu xin nước uống
Đi dọc ngoài đường, nhất là ở thành phố, thấy các quán nước giải khát mọc lên rất nhiều. Các loại nước giải khát cũng đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Nhu cầu giải khát của con người ngày một tăng, nhất là giới đàn ông thanh niên. Nhiều khi bà xã hỏi : anh đi đâu đấy? Các ông, các anh trả lời : anh ra quán giải khát mà!
Uống nước là nhu cầu rất tự nhiên của con người . Nước vô cùng cần thiết cho sự sống. Không có nhà cửa, quần áo, người ta vẫn có thể sống. Không ăn người ta vẫn sống một thời gian khá dài. Nhưng không uống nước, người ta sẽ chết sau một vài ngày.
Ơ đâu có nước là ở đó có sự sống. Nước là biểu tượng của sự sống. Trong Kinh thánh, nước biểu tượng cho ân huệ của Thiên Chúa, là sự hiện diện của Thiên Chúa. Như tổ tông loài người sống trong vườn địa đàng dồi dào nước. Thánh Gioan tông đồ diễn tả hạnh phúc thời cứu độ bằng hình ảnh đền thờ Giêrusalem mới, trong đó có một dòng sông hằng sống, nước sông tưới mát quanh năm, làm cây cối sinh trái (x. Kh 22, 1-2).
Chúa Giêsu là con người thật sự 100%. Ngài cũng ăn uống như chúng ta, cũng mỏi mệt như chúng ta. Khoảng 12 giờ trưa hôm ấy, Chúa Giêsu mệt mỏi, khát nước vì đi đường xa và giảng dạy quá nhiều. Ngài cũng đi tìm quán nước giải khát mà không có. Thời đó không văn minh, dễ dàng như bây giờ. Các môn đệ khôn lỏi, đói khát không chịu nổi đã vào thành phố tìm quán ăn uống trước rồi. Còn một mình Chúa Giêsu lủi thủi đi tìm chỗ uống nước. Ngài chủ trương lần mò tới một 'quán nuớc' trống thiên trống địa không có cửa kín cửa hở gì cả! Đó là bờ giếng Giacóp (x. Ga 4, 5-15. 19b -26.39a. 40-42). Đây là một cái giếng nổi tiếng, lâu đời lắm rồi, cung cấp nước uống cho dân làng và đàn gia súc. Thời gian Chúa Giêsu ở 'quán nước' này là giữa trưa, tức là thanh thiên bạch nhật, ai cũng thấy.
'Chủ quán nước' mµ Chúa Giêsu gặp lại là một người phụ nữ. Rắc rối vậy. Có vấn đề rồi đây ! Chị ta đang mang gầu đi múc nước. Chúa Giêsu 'tỏ tình' bằng câu : 'này cô, cho tôi xin miếng nước'. Thế là mọi sự bắt đầu. Câu chuyện Tin Mừng của thánh Gioan là một trình thuật văn chương rất hay, tình tiết hấp dẫn và ý nghĩa cứ dần dần được sáng tỏ về cuối.
Khi Chúa Giêsu bắt đầu câu chuyện với 'cô chủ quán' thì chúng ta nhận ra cuộc đối thoại giữa hai bên từ đầu đến cuối dường như cứ bị lệch pha kiểu 'ông nói gà bà nói vịt', 'trống đánh xuôi kèn thổi ngược' mấy lần ! Trước hết, 'cô chủ quán' phản đối Chúa Giêsu ngay : "ông là người Do thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria cho ông nước uống sao!" Cô ấy nghe giọng nói nên biết Chúa Giêsu thuộc vùng đất nào. Chúa Giêsu là người 'bên đạo', cô ấy là người 'bên lương'. Hai làng này không chơi với nhau bao giờ, thậm chí là kẻ thù của nhau từ bao nhiêu đời rồi. Giữa họ có một biên giới, một khoảng cách, một hàng rào cấm kỵ do nếp sống văn hoá, tập tục tôn giáo chi phối một cách khắt khe, chi li. Người Do thái thì hãnh diện tự hào, mình là con cái Thiên Chúa, là đạo gốc, là con nhà nòi, là người đạo đức thánh thiện , nắm giữ truyền thống của đạo, có thờ riêng Thiên Chúa một cách độc quyền; cho nên khinh thường người Samaria : cho họ là đạo rối, uế tạp, quân bị nguyền rủa, thuộc cấp hạ đẳng. Nếu ai giao du chơi bời với họ là đánh mất đi sự thánh thiện cao quý, làm vấy bẩn vinh quang của đạo Chúa.
Còn Chúa Giêsu hôm nay đã tự làm một cuộc cách mạng để phá đổ tất cả quan điểm và lối sống tiêu cực ấy. Ngài đã phá đổ hàng rào ngăn cách giữa người Do thái với dân ngoại, bất chấp mọi dư luận bàn tán xì xầm, không ngán ngẩm bố con thằng nào; mà lại đến ngồi chuyện vãn, tỉ tê dài dòng với người phụ nữ bên lương đã có năm đời chồng rồi và hiện nay đang sống lăng nhăng với người tình thứ sáu nữa chứ !
Chúa Giêsu dẫn chuyện một cách 'vòng vo Tam Quốc'. Từ việc khao khát đi tìm nước uống tự nhiên, Chúa Giêsu mạc khải cho chị ta một thứ nước trường sinh mà ai uống sẽ không bao giờ còn phải khát nữa - thứ nước đem lại sự sống đời đời.
Nguồn nước đó chính là Chúa Giêsu, đấng đến cho đoàn chiên 'được sống và sống dồi dào'(Ga 10,10). Nước đó tượng trưng cho Chúa Thánh Thần được ban cho nhân loại qua Chúa Giêsu. Người phụ nữ đã nhận ra thứ nước ấy nơi Chúa Giêsu nên mới ngỏ lời xin :' Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước".
Dường như Chúa Giêsu đã thoả mãn khi dẫn dắt và dạy cho 'cô chủ quán' nước xong bài giáo lý về nước hằng sống. Nhưng Ngài lại muốn dẫn cô đi xa hơn qua đề tài thứ hai được xen vào một cách đột ngột 'chị hãy gọi chồng chị rồi trở lại đây'. Chúa Giêsu đánh trúng tâm lý, nỗi đau dằn vặt, trắc trở, bấp bênh của người phụ nữ bất hạnh về đường tình duyên : 5, 6 đời chồng mà không ai là chồng thật, không cảm nghiệm được tình yêu thật sự; chỉ thấy giả dối, xót xa. An ở xong rồi lại bỏ đi mà. Nỗi khát khao cháy bỏng về tình yêu bây giờ của chị ta còn hơn khát nước. Khao khát có một người tình thuỷ chung, cảm thông và sống gắn bó suốt đời mà không được. Chẳng biết cậy nhờ vào ai, tìm ai nữa.
Chúa Giêsu thấu suốt cõi lòng băng giá, khổ sở của chị này, liền nói cho chị biết bài giáo lý thứ hai về Thiên Chúa là người tình duy nhất (number one), số 1 của mọi người, khi Ngài nói :"đã đến giờ và chính lúc này đây, những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế"(Ga 4, 23). Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu đã làm cho người phụ nữ được thoả mãn về tình yêu, không còn khát tình nữa. Chị đã tin nhận Chúa Giêsu là đấng cứu thế. Hơn nữa, chị còn chạy về làng loan báo cho mọi người được biết.
Mỗi người chúng ta hằng ngày ngoài khát nước ra, còn đói khát bao nhiêu thứ khác nữa. Khát tiền của vật chất, khát danh vọng sắc đẹp, khát quyền lực vinh quang, khát danh dự tiếng khen, khát tự do công bằng, khát chân lý sự thật, khát yêu thương hạnh phúc, khát cảm thông chia sẻ, khát niềm tin và hy vọng. Muốn giải toả được những cơn khát này chúng ta cũng bắt chước người phụ nữ Samaria để cho Chúa Giêsu dẫn dắt, nghe Lời Chúa hứơng dẫn, Chúa sẽ dẫn chúng ta đến chỗ phải khát cái gì trước và làm gì để hết khát. Đừng chạy hết quán này đến quán khác, người này đến người kia mà hết khát đâu, có khi còn chết khát nữa ! Làm sao chúng ta cũng phải thốt lên như tác giả Thánh Vịnh : "như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa"(x. Tv 42). Mỗi người phải biết gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa tình thương, biết thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật để đi vào mối tương giao mật thiết thâm sâu với Ngài để được cứu độ và bảo đảm không còn khát đời đời.
Chúng ta phải để cho nước hằng sống của Chúa Giêsu tuôn chảy qua các bí tích, phụng vụ, Lời Chúa, Thánh lễ đến với tâm hồn mình mỗi ngày thì mới hết khát được. Bao lâu những mạch nước này bị tắc nghẽn do tội lỗi của chúng ta thì mình còn khổ sở, bất hạnh ; mảnh đất linh hồn bị khô khan, cháy bỏng. Nước hằng sống của Chúa Giêsu là ơn cứu độ phổ quát được ban cho hết mọi người dù là Do thái hay Samaria, vô thần hay Phật giáo ; châu Âu, châu Phi hay châu Mỹ…. Điều đó mời gọi chúng ta hãy gỡ bỏ những hàng rào ngăn cách, cấm kỵ, xa lạ với những người khác tập tục, văn hoá, tín ngưỡng để dẫn đường cho nước hằng sống của Chúa Giêsu chảy tràn tới họ.
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
www.trongkhan.net
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: