Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lịch Phụng Vụ Tháng 6/2012

 
 
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 6/2012
 
 
 
 


Tháng Sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa với Lễ Kính Thánh Tâm vào ngày Thứ Sáu 15/6.


Trong Tháng Sáu, chúng ta cũng mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi (Năm B) (ngày 3/6), Chúa Nhật Kính Mình và Máu Thánh Chúa (Năm B) (ngày 10/6), Lễ Trái Tim Đức Mẹ (Thứ Bảy ngày 16/6), Chúa Nhật 11 Mùa Thường Niên (Năm B) (ngày 17/6) và Chúa Nhật Lễ kính Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (ngày 24/6).


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI: Bài Đọc 1 hôm nay trích trong sách Đệ Nhị Luật (4:32-34,39-40) cho chúng ta biết: Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, không  có Chúa nào khác, chúng ta phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi, và phải tuân giữ các lề luật Ngài đã ban để được sống đời đời.  Bài Đọc 2 trích trong Thơ Rôma (8:14-17), Thánh Phaolô cho chúng ta biết: nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta biết Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng ta là nghĩa tử của Chúa và có thể thưa với Chúa là Cha. Trong Bài Phúc Âm (Matthêu 28:16-20), Chúa Giêsu cho chúng ta  hay: Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất, nhưng Ngài có Ba Ngôi,  khi  Chúa Giêsu nói với các Tông đồ trước khi Chúa về trời: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”


Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao cả nhất mà chúng ta biết được do Chúa Giêsu dạy chúng ta.
Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi mỗi khi chúng ta cúi đầu đọc kinh Sáng Danh:  “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.”  Mỗi khi làm dấu Thánh Giá chúng ta cũng tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.” Chúng ta làm dấu Thánh Giá nhiều lần trong một ngày, như khi khởi đầu và kết thúc Thánh Lễ và các việc thờ phượng khác, cũng như các buổi hội họp, cũng như khi ăn cơm… Chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách nghiêm trang với ý thức tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.


CHÚA NHẬT LỄ KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA: Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta về đêm Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu ăn bữa ăn cuối  cùng với các Tông đồ và Lập Bí Tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn. Nầy là MÌNH  THẦY, sẽ bị nộp vì các con...” Vào cuối bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Nầy là chén MÁU  THẦY, Máu Giao Ước mới, Giao Ước vĩnh cửu…” Và Chúa Giêsu cũng truyền chức Linh Mục cho các Tông đồ khi nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy…” Từ ngày đó, Thánh lễ được dâng khắp nơi trên thế giới, nơi có Linh Mục hiện diện.


Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa để hiện diện thật sự giữa chúng ta (qua Hình Bánh và Hình Rượu đã được truyền phép) và làm của nuôi linh hồn chúng ta, cũng như bảo đảm cho chúng ta cuộc sống đời đời, nếu chúng ta biết tôn thờ và siêng năng rước Mình và Máu Thánh Chúa cách xứng đáng. Bài Đọc 1 (Sách Xuất Hành 24: 3-8) ghi lại việc ông Môisen nói cho dân chúng biết về các lề luật Chúa ban, và dâng lễ hiến tế để thờ phượng Chúa theo lề luật, và nói về Máu Giao Ước (Giao Ước cũ) giữa Thiên Chúa và dân Israel. Bài Đọc 2 (Thơ Do Thái 9:11-15): Thánh Phaolô cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã đổ máu ra để cứu chuộc nhân loại và ký giao ước với Thiên Chúa và loài người, Giao Ước Mới, Giao Ước Vĩnh Cửu, Giao Ước bảo đảm cuộc sống đời đời, không phải chỉ cho Dân Isrel mà thôi, nhưng cho tất cả những ai tin và giữ lề luật Chúa. Bài Phúc Âm (Matcô 14:12-16,22-26) ghi lại việc Chúa Giêsu ăn bữa tối với các Tông đồ để mừng lễ Vượt Qua của người Do Thái, và trong bữa ăn đó, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, và ban cho các Tông đồ chức Linh Mục để được quyền dâng Thánh Lễ.


LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA: Thánh lễ hôm nay tôn vinh Chúa qua việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu, Đấng đã vâng lời Đức Chúa Cha xuống trần gian để chịu bao nhiêu đau khổ, chịu nạn chịu chết để đền tội cho chúng ta. Lễ kính Thánh Tâm cũng thường được mừng vào các ngày Thứ Sáu đầu tháng. Thánh Gioan Eudes   (1601-1680) đã có công rao giảng lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu .


Bài Đọc 1 (Hôsê 11: 1, 3-4, 8-9): Thiên Chúa đã dựng nên loài người “theo hình ảnh Chúa” và luôn yêu thương tha thứ lỗi lầm loài người xúc phạm đến Chúa, chối từ Chúa và chạy theo các ngẫu tượng; nhất là dân Do Thái trong thời gian được Chúa đưa ra khỏi ách nô lệ Ai Cập để đưa về quê hương của cha ông, về Đất Hứa. Trong suốt cuộc hành trình dài 40 năm, Thiên Chúa đã yêu thương săn sóc, dưỡng nuôi họ, nhưng họ đã luôn chống lại Chúa, chống lại người đại diện của Chúa là Môisen; họ đã thờ “bò vàng…” Nhưng Chúa vẫn tha thứ và kêu gọi họ ăn năn trở lại. (Bài Đọc 2: Thơ Êphêsô 3:8-12,14-19): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về tình yêu bao la của Thiên Chúa vượt trên hết mọi sự hiểu biết của chúng ta. Ngay từ khi Adong, Evà phạm tội, Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế đến để chuộc tội loài người. Vì thế Thánh Phaolô khẩn khoản cầu  xin Chúa cho chúng ta hãy tôn kính Thánh Tâm Chúa và noi gương Chúa để yêu thương và tha thứ cho nhau như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Bài Phúc Âm (Gioan19: 31-37): Thánh Gioan ghi lại giờ tử nạn đau thương của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Chúa đã đổ những giọt máu cuối cùng khi một người lính lấy gươm đâm vào cạnh sườn Chúa. Thật là một tình yêu tận cùng đối với nhân loại tội lỗi chúng ta.


Trái tim là trụ sở của tình yêu. Chúng ta hãy tôn thờ Thánh Tâm Chúa cho xứng đáng, đặc biệt trong tháng Thánh Tâm nầy, và trong suốt cuộc đời chúng ta, để tôn vinh tình yêu của Chúa đối với nhân loại tội lỗi chúng ta, và đền bù, phạt tạ vì bao nhiêu tội lỗi chúng ta đã phạm đến tình yêu Chúa.


LỄ KÍNH TRÁI TIM ĐỨC MẸ: Trái Tim của Mẹ Maria cũng vô cùng đau đớn khi nhìn thấy bao nhiêu đau khổ con Mẹ đã phải chịu, nhất là trong cuộc khổ nạn của Con Mẹ trên Thánh Giá. Muôn vàn tội lỗi của chúng ta đã xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa thì cũng xúc phạm đến Trái Tim Mẹ. Vì thế Giáo Hội cũng kêu gọi chúng ta hãy sùng kính Trái Tim Mẹ. Ngay từ thế kỷ 17, Thánh Gioan Eudes đã cổ võ lòng sùng kính Trái tim Vẹn Sạch Mẹ cùng với việc cổ vỏ lòng sùng kính  Thánh Tâm Chúa. Đức Giáo Hoàng Piô XII vào năm 1947, đã dâng thế giới cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Bài Đọc1 (Isaia 61:9-11). Bài Phúc Âm (Luca 2:41-51).


CHÚA NHẬT 11 MÙA THƯỜNG NIÊN:  Khi mới đọc Phúc Âm, tôi lấy làm lạ làm sao ‘cây cải’ lại có thể là cây to mà chim trời có thể làm tổ được; vì ở Việt Nam chúng ta, ‘cây cải’ là loại rau để nấu canh ăn hay để muối dưa. Nhưng khi có dịp đi hành hương kính viếng Đất Thánh, tôi mới có dịp nhìn thấy “cây cải”  khá lớn và có cành xum xuê, và hiểu rằng “cây cải” trong bản dịch tiếng Việt Nam, chính là cây “Mù tạt” (mustard), hạt nhỏ li ti và khi mọc thành cây thì khá lớn. Vì thế Chúa Giêsu mới nói dụ ngôn “hạt cải nhỏ nhất trong các hạt giống” nhưng khi mọc lên thành cây thì lớn và có cành xum xuê chim trời có thể làm tổ được (Xin xem Bài Phúc Âm Mátcô 4:26-34).


Chúa Giêsu nói dụ ngôn nầy để chỉ về Nước Trời đi vào lòng con người, đi vào thế giới cách rất âm thầm không ai thấy được, nhưng khi phát triển rồi thì thật mạnh mẽ, lan tràn đến mọi người, lan tràn khắp thế giới, và đem lại những hoa trái thiêng liêng thật tốt lành để canh tân tâm hồn con người chúng ta, canh tân thế giới. Việc đó chỉ có Chúa mới làm được (xem Bài Đọc 1: Egiekiel 17:22-24); nhưng mỗi người chúng ta phải âm thầm cộng tác vào công việc canh tân đó, sau khi chính tâm hồn chúng ta đã được canh tân. Trước hết là các chủ chăn, các Linh Mục Tu Sĩ có bổn phận cộng tác vào công việc nầy để gieo rắc hạt giống nước trời vào lòng  mọi người (Công Giáo hay không Công Giáo). Các bậc cha mẹ cũng có bổn phận góp phần vào việc nầy, nhất là cho con cái chúng ta, để khi lớn lên các em có một Đức Tin mạnh mẽ và thực hành vào đời sống hằng ngày…Mỗi tín hữu đều có bổn phận nầy, tùy theo hoàn cảnh: khi ở trong gia đình, khu xóm, hay sở làm, và gieo rắc bằng chính đời sống làm gương sáng của mình. Vì thế trong bài đọc 2 ( 2 Côrintô 5: 6-10), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy luôn sống đẹp lòng Chúa, làm lành lánh dữ, sống xứng đáng các tín hữu của Chúa để mở mang Nước Chúa.


CHÚA NHẬT XII QUANH NĂM, KÍNH  SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ. Trong một năm, Giáo Hội có hai ngày lễ kính Thánh Gioan Tẩy Giả: Lễ kính Sinh Nhật của Ngài (ngày 24 tháng 6) và Lễ kính Ngài bị xử tử (ngày 29 tháng 8). Thánh Gioan đóng vai trò trung gian giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ngài là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Ngài dọn đường để Chúa Cứu Thế đến, nên cũng được gọi là Thánh Gioan Tiền Hô. Để dọn lòng dân chúng sẵn sàng đón Chúa Cứu Thế đến, Ngài đã ban Phép Rửa Thống Hối tại Bêtania, bên kia sông Giodan ( Gioan 1:28), nên được gọi là Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu đã khen Thánh Gioan là “Trong các người nam sinh ra, không có ai cao trọng bằng Gioan Baotixiata….”


Lễ kính ngày sinh của Thánh Gioan Baotixita là một lễ Trọng đặc biệt, nên có Lễ Vọng vào chiều hôm trước với các Bài Đọc 1 (Giêrêmia 1:4-10); Bài Đọc 2 (1 Phêrô 1:8-12); Bài Phúc Âm (Luca 1:5-17). Lễ Chính Ngày: Bài Đọc 1 (Isaia 49:1-6) nói đến vai trò của các Tiên Tri được Chúa chọn để rao giảng mệnh lệnh của Chúa để dân chúng tuân giữ; nhưng các ngài thường bị nhiều người chống đối, thù ghét và đe dọa tính mạng; ngay cả Thánh Gioan Baotixita cũng bị giết vì dám nói lên sự thật; đến Chúa Giêsu cũng bị thù hằn và giết chết. Bài Đọc 2 (Công Vụ 13:22-26): Thánh Phaolô nói đến Chúa Giêsu khi xuống thế làm người đã thuộc dòng dõi vua Đavid, và Thánh Gioan Baotixta đã khiêm tốn chỉ cho dân chúng biết chính Chúa Giêsu mới là Đấng Cứu Thế, còn Thánh Gioan chỉ là  kẻ dọn đường trước cho Đấng Cứu Thế đến. Bài Phúc Âm (Luca 1:57-66,80) ghi lại ngày sinh ra của Thánh Gioan Baotixita, họ hàng đến chúc mừng. Tám ngày sau khi sinh, thì cắt bì và đặt tên là Gioan như Sứ Thần đã báo trước và ông Giacaria được khỏi câm và dâng lời chúc tụng tạ ơn Chúa.


Trong Tháng Thánh Tâm, chúng ta hãy dâng nhiều hy sinh hãm mình và kinh nguyện kính Thánh Tâm Chúa, hãy có ảnh Thánh Tâm trong gia đình và dâng gia đình chúng ta cho Trái Tim Chúa để xin cho vợ chồng biết yêu thương tha thứ cho nhau, sống đạo đức và lo giáo dục Đức Tin cho con cháu. Xin cùng cầu nguyện chung cho nhau, xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta.

 

(Linh mục Anphong Trần Đức Phương)