Suối Nguồn Tình Yêu
SUỐI NGUỒN TÌNH YÊU (CN X/TN-B)
Ngay từ trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su Ki-tô đã giảng tại hội đường Ca-phác-na-um: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uồng máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uòng máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 53-56). Lời dạy này không chỉ làm cho đám người Do thái sôi nổi tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”; mà còn khiến nhiều môn đệ của Người thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi” (Ga 6, 60).
Quả thật là khó nghe lọt tai được, bởi theo nghi thức Do thái thì trong những dịp lễ lớn như lễ Vượt Qua, hy lễ toàn thiêu sẽ là chiên hay bò (Xh 24, 5) bị sát tế, dùng máu rảy lên bàn thờ và trên đầu những người tham dự, còn thịt thì nướng chín để làm của ăn. Bây giờ Đức Ki-tô lại bảo ăn thịt và uống máu Người thì làm sao mà nghe cho được? Phải chờ đến đúng thời điểm, Đức Ki-tô đã cùng với các môn đệ tổ chức lễ Vượt Qua như một bữa Tiệc Ly, và nhân dịp này Người lập bí tích Thánh Thể. Khi lập bí tich Thánh Thể, Đức Giê-su dùng rượu bánh để nói đến Thịt và Máu của Người làm hy tế toàn thiêu dâng lên Chúa Cha và cứu độ nhân loại. Tiếp liền theo đó là cuộc khổ nạn mà chính Mình Máu Thánh Chúa đã thực sự đổ ra trên thập tự giá. Chỉ đến lúc ấy, “Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa." (Mt 27, 54).
Điều khó tin và chướng tai đối với người Do thái và các môn đệ đã thực sự xảy ra: Cuộc tử nạn của Đức Giê-su chính là một hy lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha. để đền tội cho toàn thể nhân loại. Cuộc sát tế chính Con Thiên Chúa – thay vì chiên sát tế – mang 2 chiều kích rõ rệt: chiều kích “vì Thiên Chúa” biểu hiện tình yêu tuyệt đối trong vâng phục Thánh ý Thiên Chúa Cha + chiều kích “vì con người” biểu hiện tình yêu vô song đối với nhân loại tội lỗi, nhằm cứu vớt, giải thoát họ khỏi sự chết đời đời. Như vậy, Bí tích Thánh Thể (trên Hy tế Thập giá) chính là suối nguồn Tình Yêu đích thực: chiều doc (thẳng đứng) thể hiện tình yêu Cha con giữa Thiên Chúa với loài người (MẾN CHÚA hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn) + chiều ngang thể hiện tình yêu đồng loại (YÊU NGƯỜI như yêu chính mình).
Để hiểu được Mầu nhiệm Thánh Thể, không gì bằng học trong Thông điệp HỘI THÁNH TỪ THÁNH THỂ do ĐGH Gioan-Phaolô II ban hành đúng vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh (17/4/2003). Nơi chương I (số 11), Thông địêp đã khẳng định: “Đức Giêsu, trong đêm bị nộp” (1Cr 11, 23) đã thiết lập Hy tế tạ ơn là Mình và Máu Người…” Hy tế Tạ ơn – “nguồn gốc và tuyệt đỉnh của đời sống Ki-tô hữu” – chứa đựng toàn thể kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh: Đức Giê-su Ki-tô, Đấng hiến mình cho Chúa Cha để cứu chuộc thế giới. “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Ki-tô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quý giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trổi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ. Vì thế, Thông điệp mở đầu “Hội Thánh múc nguồn sự sống từ Thánh Thể. Sự thật này không chỉ đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu nhiệm Hội Thánh… Hội Thánh vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ mãnh liệt duy nhất. Kể từ ngày lễ Ngũ tuần, khi Hội Thánh, Dân của Giao ước Mới, bắt đầu cuộc hành trình đi về Quê trời, Bí tích thần thiêng tiếp tục ấn dấu trên ngày sống, bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hi vọng tin tưởng”.
Chỉ cần đọc bố cục của Thông điệp đã đủ thấy Mầu nhiệm Thánh Thể là chóp đỉnh Tình Yêu, là “nguồn gốc và tuyệt đỉnh của đời sống Ki-tô hữu”:
Chương I: MẦU NHIỆM ĐỨC TIN: Quả thật, bản chất hy tế của Thánh Thể là “Mầu nhiệm đức tin ”. Việc cử hành Thánh lễ tái hiện mầu nhiệm Thánh Thể không phải là một sự lập lại lễ Vượt qua của Đức Ki-tô, hay là việc nhân lễ ấy lên nhiều lần trong những thời gian và nơi chốn khác nhau; nhưng đó là hy tế duy nhất trên Thánh Giá, được tái diễn cho đến tận thế.
Chương II: BÍ TÍCH THÁNH THỂ XÂY DỰNG HỘI THÁNH: Thánh Thể trong hình Bánh và Rượu đã truyền phép là sức mạnh sinh ra sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Hội Thánh được kết hiệp với Chúa Cứu Thế đang ở trong Hội Thánh và xây dựng Hội Thánh. Hội Thánh tôn thờ Người không những trong Thánh Lễ, nhưng còn trong mọi thời khắc khác, gìn giữ như “kho tàng” quí báu nhất của mình.
Chương III: ĐẶC TÍNH TÔNG TRUYỀN CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CỦA HỘI THÁNH: Hội thánh đã và vẫn còn được thiết lập “trên nền móng các tông đồ” (Ep 2, 20), là những chứng nhân được chính Đức Ki-tô tuyển chọn và sai đi truyền giáo. Thánh Thể cũng đặt nền tảng trên các tông đồ, bởi vì nó được Đức Giê-su ủy thác cho các tông đồ, và được truyền lại cho chúng ta bởi các tông đồ và những người kế vị các ngài. Chính trong sự tiếp nối với hành động của các tông đồ và vâng theo lệnh truyền của Chúa mà Hội thánh cử hành Thánh Thể trong suốt các thời đại.
CHƯƠNG IV: THÁNH THỂ VÀ SỰ HIỆP THÔNG CỦA HỘI THÁNH: Trong cuộc lữ hành trên trần thế, Hội Thánh được mời gọi gìn giữ và cổ võ sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và sự hiệp thông giữa các tín hữu. Vì mục tiêu ấy, Hội Thánh có được Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, nhờ đó, Hội Thánh “luôn sống động và tăng triển”. Bản tính Giáo Hội là hịêp thông và từ hiệp thông đã trở nên một trong số những tên gọi của bí tích cao vời này.
Chương V: PHẨM GIÁ CỦA VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ: Việc cử hành “Thánh lễ” mang những dấu bên ngoài nhằm làm nổi bật niềm vui đã quy tụ các tín hữu chung quanh quà tặng vô giá là Bí tích Thánh Thể. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương và nói chung, tất cả mọi hình thức nghệ thuật chứng tỏ rằng, qua bao thế kỷ, Hội Thánh luôn tôn trọng và duy trì sự phát triển của nghệ thuật thánh và kỷ luật phụng vụ. “Đó chính là đường hướng đã được Công đồng Vatican II cổ võ liên quan đến nhu cầu “hội nhập văn hoá” cách lành mạnh và thích hợp.”
Phần kết luận: “Trong dấu chỉ khiêm hạ của bánh và rượu, được biến đổi thành Mình và Máu, Đức Kitô đồng hành với chúng ta như một nguồn sức mạnh và của ăn đàng, và Người biến chúng ta thành những chứng nhân của niềm hy vọng cho anh chị em chúng ta. Đối diện với mầu nhiệm này, nếu trí khôn cảm thấy những giới hạn, thì trái lại, con tim, được ân sủng Chúa Thánh Thần soi sáng, biết phải có thái độ nào, đó là đắm chìm trong sự tôn thờ và tình yêu vô biên”.
Thánh Âu-tinh đã dạy:."Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài". Chính vì thế, nên trong Sắc lệnh Truyền Giáo (số 35), ĐTC Gioan-Phaolô II cũng dạy: “Tất cả các tin hữu vì là chi thể của Chúa Ki-tô hằng sống, được tháp nhập vào Người và nên giống Người nhờ Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay”. Vâng, mỗi Ki-tô hữu hãy nhìn lại mình để thấy được là: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Như vậy là với cái thân xác yếu hèn, chúng ta đã được Đức Ki-tô Phục Sinh tháp nhập vào Người để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Vậy thì tại sao ta lại không thể toàn tâm toàn ý cộng tác với Giáo Hội vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được ngày càng sung mãn? Hỏi tức là trả lời rồi vậy.
Lạy Chúa Cha toàn năng hằng hữu! Đức Giê-su là Thiên Chúa mà lại yêu thương con người như vậy, đang khi chúng con cùng là con người với nhau, cùng chịu đau khổ như nhau, mà chúng con lại hờ hững không thông cảm nhau, không yêu thương nhau, không quan tâm tới nhau. Chúng con quá ích kỷ, tình yêu của chúng con quá nghèo nàn. Ôi! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh! “Trong hình bánh Chúa náu thân khó hèn. Con dù không thấy luôn vững niềm tin. Đây chính Máu Thịt Con Đức Chúa Trời. Là Vua trên hết các vua trần ai. Con xin kính tin sấp mình thờ lạy Chúa, và dâng tiến lên niềm yêu mến chân thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn Thiên đình.” (“Lòng Chúa Ái Tuất” – Nguyễn Bang Hạnh – TCCĐ). Ôi! Lạy Chúa! Xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn yêu mến Thánh Thể và siêng năng rước Chúa vào lòng, cũng như chia sẻ cho anh em Mình Máu Chúa như một bảo đảm cho sự sống đời đời của chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: