Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hạt Giống Tự Phát

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HẠT GIỐNG TỰ PHÁT (CN XI/TN-B)

 

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật 2 dụ ngôn mà Đức Giê-su muốn nói về Nước Thiên Chúa, đó là “Hạt giống tự mọc lên” và “Hạt cải”. Người đã dùng cách “nói ví” (dụ ngôn) như chính Người đặt câu hỏi: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?” (Mc 4, 30). Trong dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên”, Đức Giê-su nói hạt giống được một người gieo xuống đất sẽ tự động mọc lên và nhờ đất sinh màu mỡ, cây lúa sẽ đơm bông kết trái. Tới khi "Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." (Mc 4, 29). Có một điều rất đáng lưu ý là “người gieo giống” chỉ việc gieo hạt giống xuống đất, sau đó thì “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt” (Mc 4, 27-28). Cuối cùng chỉ việc mang liềm hái ra gặt.

 

Mới đọc thoáng qua dụ ngôn này thì thấy có vẻ không ổn, vì người gieo giống ở đây chỉ việc gieo và gặt, còn hạt giống có mọc lên và trổ sinh hoa trái hay không thì… không cần biết. Hạt giống hoàn toàn “tự lực cánh sinh”, tự phát triển! Một vấn nạn nảy sinh: Thế ngộ lỡ hạt giống được gieo xuống vệ đường, trên sỏi đá, vào bụi gai như dụ ngôn “Người gieo giống” (Mc 4, 3-8) thì sao? Quả là khó trả lời cho vấn nạn này. Có thể thực tế, với hạt lúa thật được gieo vào những vị trí như trên thì sẽ không thể tự phát triển được. Tuy nhiên, vì đây là một dụ ngôn Chúa dùng để ví với một vấn đề siêu linh là Nước Thiên Chúa, nếu chịu khó suy niệm, thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay, Đã gọi là hạt giống (thứ nhất đây lại là hạt giống Đức Tin) tất nhiên phải là những hạt đã được chọn lọc và có thể được gieo trong nhiều môi trường khác nhau, nếu gặp được vùng đất màu mỡ thì khỏi nói, nhưng nếu gặp phải những môi trường khắc nghiệt như nêu trên (Mc 4, 3-8), thì phải hiểu và tin rằng chính những hạt giống ấy sẽ trở nên phân bón tuyệt hảo cho môi trường thêm màu mỡ và đồng thời sẽ tự phát triển, trổ sinh hoa trái một cách phi thương.

 

Người gieo giống duy nhất chỉ có thể là Đức Giê-su Ki-tô và những hạt giống tiên khởi đã được gieo xuống vùng đất có đủ cả những yếu tố như trong dụ ngôn “Người gieo giống”. Với 12 hạt giống đầu tiên tuy được chọn lọc nhưng cũng vẫn còn 1 hạt hư hỏng. Số còn lại đã thật sự trở nên đồng hình đồng dạng với Người Gieo Giống, cũng phải sống trong một môi trường khắc nghiệt và đã “chết đi” để trở nên phân bón xúc tác tuỵêt hảo cho môi trường, đồng thời “mọc lên” và tự phát triển “sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Môi trường đó chính là cánh đồng Truyền Giáo vậy. Xin đơn cử ngay trên cánh đồng Truyền Giáo Việt Nam cách đây 5 thế kỷ. Suốt một quá trình gieo giống mấy trăm năm đã có tới 130.000 hạt giống “chết đi” (bị giết hại). Bị giết hại nhưng không bị huỷ hoại vì chính những hạt giống ấy lại làm cho cánh đồng Việt Nam thêm màu mỡ và trổ sinh biết bao nhiêu hạt giống tốt lành khác, để cánh đồng Truyền Giáo Việt Nam phát triển đầy hoa trái như ngày nay. Cánh đồng Truyền Giáo của Giáo Hội toàn cầu cũng vậy, đã từ một vùng đất nhỏ (It-ra-en) và chỉ với 11 hạt giống đầu tiên mà đã phát triển khắp năm châu bốn biển với hàng tỷ hạt như ngày nay.

 

Cả 2 dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên” và “Hạt cải” tuy có vẻ trái ngược với tự nhiên và xã hội loài người (chẳng có nhà nông nào gieo giống mà chẳng cần biết lúa mọc và sinh hoa kết trái ra sao, chuyện chim làm tổ dưới cành là cây cải là chuỵên quá hiếm). Tuy nhiên, những chi tiết đi ngược lại với thường tình thế sự lại làm nổi bật chân lý: Sự phát triển của Nước Trời tuy rất cần con người đóng góp sức lực, nhưng thành quả chủ yếu lại do quyền năng vô hạn của Thiên Chúa. Thực tại Giáo Hội đã là một minh chứng hùng hồn cho lập luận này.

 

Nước Trời, Vương quốc Tình Yêu và Chân Lý luôn tăng trưởng cả về lượng lẫn về chất. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn được, kể cả quyền lực tử thần cũng không làm gì nổi. Ấy cũng bởi vì chính Thiên Chúa thực hiện công trình xây dựng Nước Trời vô cùng vĩ đại và cao sang đó. Tuy vậy, Thiên Chúa Tình Yêu lại muốn dành phần vinh dự cho con cái của Người được đóng góp sức mình vào công trình dựng xây Vương quốc ấy ("Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" – Thánh Âu-tinh). Trong SL “Truyền Giáo” (Ch. IV, số 23) ĐTC Gioan-Phaolô II cũng dạy; “Dù mọi môn đệ Chúa Ki-tô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo vãi đức tin, nhưng Chúa Ki-tô luôn gọi những kẻ chính Người muốn, trong số các môn đệ mình, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân. Vì thế, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng tùy ý ban phát các đoàn sủng để mưu lợi ích chung, Chúa Ki-tô khơi dậy ơn kêu gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời thúc đẩy trong Giáo Hội có những tổ chức đảm nhận như một bổn phận riêng nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm của toàn thể Giáo Hội… Do đó, những người có năng khiếu bẩm sinh thích ứng, đủ khả năng tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng lãnh nhận công cuộc truyền giáo, đều được kể là có ơn gọi đặc biệt, dù họ là người địa phương hay ngoại quốc, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Được quyền bính hợp pháp sai đi, do đức tin và đức vâng phục, họ ra đi đến với những người xa Chúa Kitô; họ được tách riêng ra để chu toàn công việc mà họ được chọn để thi hành như là những thừa tác viên của Phúc Âm, ‘để việc phụng hiến dân ngoại làm lễ vật được chấp nhận và được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần’ (Rm 15, 16).”

 

Ôi! Lạy Chúa! Kể từ khi con được nhận lãnh phép Thánh Tẩy, con đã được Chúa chọn làm hạt giống gieo trên cánh đồng Truyền Giáo của Giáo Hội toàn cầu, cách riêng là Giáo Hội Việt Nam. Con tự biết con không thể tự mọc lên và trổ sinh hoa trái được, nếu không được Thần Khí Chúa soi sáng, dạy dỗ và thêm sức mạnh. Cúi xin Chúa ban Thánh Linh, để con thực sự trở thành phân bón cho cánh đồng Truyền Giáo, cho con đủ dũng khí chấp nhận “cùng chết với Đức Ki-tô” để con được “cùng sống lại với Người”, ngõ hầu đóng góp sức mọn vào sự phát triển của Nước Trời mai sau. Ôi! Lạy Chúa! “Giữa cõi đời bụi đen, con phận hèn dám đâu tự cao. Nhưng Chúa đã gọi con, này thân con quyết lòng vâng nghe. Xin sai con vào đời, đem tin yêu cho người. Chúa sai con vào đời, mang niềm vui khắp nơi. Con hăng say vào đời, rao truyền Tin Vui cứu thoát. Xin theo con muôn phương để đừng lãng quên tình Ngài”. (“Lay Chúa xin sai” – Hoài Bắc – TCCĐ). Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.