Từ Trời Xuống
TỪ TRỜI XUỐNG (CN XIX/TN-B)
Người Do-thái thấy Đức Giê-su là một con người rất bình thường, vì Người xuất thân từ một gia đình nghèo khó tại một miền quê nghèo nàn, nên khi nghe Người nói “Tôi là bánh từ trời xuống”, họ liền xầm xí: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” Đối với họ, thật khó mà chấp nhận Người là một ngôn sứ, nói gì đến chuyện công nhận Người là Con Thiên Chúa từ trời xuống. Lý do khiến họ không chấp nhận cũng chưa hẳn là phi lý. Họ đã hiểu Thánh Kinh hoàn toàn theo nghĩa đen: Một người từ trời xuống có nghĩa là một người phải thật sự bay “từ trời xuống” như kiểu “mưa man-na” trong Cựu Ước, chớ không phải là một người sinh ra từ trong bụng một người mẹ ở trần gian như bao người khác. Từ cách hiểu trần tục đó, họ không chấp nhận được con người từ trời xuống lại chẳng có vẻ “từ trời xuống” (theo nghĩa vật chất) một chút nào.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, từ ngữ “từ trời xuống” được dùng nhiều lần: có từ được áp dụng vào Đức Giê-su, có từ được áp dụng vào bánh trường sinh. Người Do thái và nói chung là loài người tin vào lời các ngôn sứ lưu truyền về hiện tượng “Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống,/ và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ.” (Tv 78, 24), vì man-na thực sự là vật chất (“Man-na như hạt ngò và trông nó như nhựa hương” – Ds 11, 7). Nhưng khi Đức Ki-tô nói “Tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6, 41) thì họ không thể tin nổi vì Đức Ki-tô là một con người bình thường như bao người khác, không phải và không thể là vật chất như man-na, đồng thời Người do bà Maria sinh ra chớ đâu có rơi từ trời xuống như man-na.
Với con người thì lúc nào cũng đòi được “thực mục sở thị” mới tin, nhưng đến khi được nghe thấy, trông thấy nhãn tiền thì lại chỉ hiểu theo những thành kiến, định kiến của loài người. Cũng vì sự non kém, bất toàn đó, nên Thiên Chúa phải mạc khải cho con người hiểu được những công trình kỳ diệu của Người. Mà muốn hiểu được những mạc khải, thì điều tiên quyết là phải có đức tin. Đám nguời Do thái ngày xưa cũng như không ít con người ngày nay vì cứng lòng không tin, nên chỉ hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen và nghe Lời Chúa bằng đôi tai nghễnh ngãng. Chính vì thế nên không lạ khi thấy họ cho rằng chỉ có đồ điên mới đại ngôn “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.(Ga 6, 51). Nhưng nếu họ hiểu rằng Lời Chúa phải lắng nghe bằng tâm linh chớ không thể nghe bằng hai lỗ tai của cái vỏ bằng đất là xác thịt nặng nề (“cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống” – Kn 9, 15). Với Lời Đức Ki-tô Thiên Chúa thì lại càng cần phải lắng nghe bằng nội tâm kết hợp với lời cầu nguyện xin ơn soi sáng, thì mới hy vọng hiểu được, vì Người luôn dùng dụ ngôn với “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), thậm chí có nhiều lúc Người còn dùng sự tương phản trong cách nói ẩn dụ để nhấn mạnh ý chủ đạo (Vd: "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” – Mt 10, 34-35; "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ" – Lc 9, 60; “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.” – Lc 17, 33).
Trở lại bài TM hôm nay, với đám người Do thái thì quả là phi lý khi một con người bằng xương bằng thịt bình thường lại dám nói mình là bánh hằng sống từ trời xuống, rồi còn khẳng định “ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ được sống đời đời”; bởi đây là lần đầu họ nghe nói và cũng vì những sự kiện minh hoạ cho lời nói đó chưa xảy ra. Họ không tin cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, khi minh chứng hùng hồn đã thực sự xảy ra là chính Người nói câu nói kỳ dị ấy đích thị là Thiên Chúa từ trời xuống thế, chịu khổ hình thập giá và sống lại hiển vinh, đem lại sự sống vĩnh cửu cho những kẻ tin; thì sau đó cả hàng ngàn năm cũng vẫn còn nhan nhản những kẻ cứng lòng, vẫn cho Lời nói ấy là chướng tai, là phi lý. Ấy cũng chỉ vì họ cũng không hơn gì đám người Do thái, chỉ hiểu Lời Chúa bằng nghĩa đen, nghĩa vật chất, không chịu loại suy để tìm đến chiều kích vũ trụ của Lời (“Truyền thống tư duy Ki-tô Giáo vốn khai triển yếu tố chủ chốt trong bản hòa tấu lời này. Như Thánh Bonaventura, chẳng hạn, người vốn theo truyền thống các Giáo Phụ Hy Lạp mà nhìn ra mọi khả thể sáng thế trong Logos, đã nói rằng “mọi tạo vật đều là lời Chúa, vì nó công bố Người”. Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã tổng hợp các dữ kiện ấy khi cho rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và duy trì mọi vật bằng chính lời của Người (Ga 1:3), đã cho ta chứng cớ mãi mãi về chính Người ngay trong các thực tại tạo dựng” – T/H LỜI CHÚA, số 7).
Tấm màn đã được vén lên (mạc khải), mọi sự đã rõ ràng: Để hiểu được Lời Chúa thì điều kiện tiên quyết là phải có đức tin (“Đức tin đến từ điều nghe được, và điều nghe được đến từ lời Chúa Ki-tô” – Rm 10:17). Lời Chúa Ki-tô đích thị là Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể (“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,/ điều chúng tôi đã nghe,/ điều chúng tôi đã thấy tận mắt,/ điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,/ và tay chúng tôi đã chạm đến,/ đó là Lời sự sống, là Ngôi Lời.” – 1Ga 1, 1-3; “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa… Và Ngôi Lời trở nên xác phàm” – Ga 1, 1-14). Rõ ràng Ngôi Lời đã từ trời xuống mặc lấy xác phàm để cứu độ nhân loại bằng chính thân thể Người bị bầm giập vì đòn roi, chết treo trên thập giá còn bị lưỡi đòng của sự dữ đâm thâu trái tim khiến máu chảy ra đến giọt cuốí cùng. Thân xác ấy, dòng máu ấy há chẳng phải là nguồn ơn cứu độ đem lại sự sống vĩnh hằng cho những kẻ tin đó sao? Và như vậy, Lời dạy “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51) đã là hiện thực 100%.
Liên tục 2 Chúa nhật XVIII và XIX, bài TM đều được trích trong “Bài giảng tai hội đường Ca-phac-na-um” (Ga 6, 21-66) trình thuật về Bánh Hằng Sống Giê-su Ki-tô. Đó cũng chính là phép Thánh Thể được Ngôi Lời thiết lập vào bữa Tiệc Ly trước ngày khổ nạn, và cũng chính vì thế mới gọi là Bí tích Thánh Thể (dấu tích bí nhiệm ẩn tàng Lời Chúa). Bí tích nhiệm mầu này được tái hiện hàng ngày hàng giớ trên bàn thánh ở khắp năm châu bốn biển để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mọi tín hữu. Muốn được Lời Chúa dưỡng nuôi trên hành trình đức tin tiến về quê trời, không gì bằng chạy đến với MẸ CỦA LỜI, “vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể … Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do Lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Ki-tô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Am-brô-si-ô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Ki-tô đều tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Ki-tô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin. Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.” (T/H LỜI CHÚA, số 20).
Ôi! Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thần Khí gia tăng lòng tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào Chúa, tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể và để mỗi lần chúng con tham dự thánh lễ, mỗi lần chúng con rước Chúa vào lòng, là chúng con được nhận lãnh bánh trường sinh ban sự sống vĩnh hằng. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của Lời Hằng Sống, Mẹ Đức Tin, xin Mẹ cho chúng con được ở trong cung lòng của Mẹ, để chúng con được “nhờ Mẹ, đến với Chúa” và tin vào sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể, bây giờ và mãi mãi. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: