Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mẹ Sầu Bi

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MẸ SẦU BI (15/9/2012)

 

Chuyện toà án: Vừa khi nghe công tố viên đề nghị mức án tử hình cho bị cáo, cả toà án lặng ngắt trong một tích tắc, rồi oà vỡ vì một tiếng kêu thảm thiết “con ơi!”, và tiếng động của một người té xỉu. Cả toà xôn xao trong khi vị chủ toạ ngồi ngẩn ra, quên cả sử dụng cái búa để vãn hồi trật tự. Người bị ngất xỉu – là mẹ của bị cáo – mãi một lúc sau mới tỉnh và cứ thế liên tục gọi con trong tiếng khóc nghẹn ngào. Hình như mọi người trong phiên toà cũng không còn ai nhớ tới bản cáo trạng công tố viên vừa tuyên đọc trước đó, mà chỉ chăm chăm nhìn bà mẹ đang quằn quại trong tay người con gái đi cùng, có nhiều người đưa tay quệt nước mắt lặng lẽ khóc theo tiếng gọi con từng hồi nấc lên. Không biết đến bao lâu, vị chủ toạ mới chợt nhớ đến cái búa và giọng nói vãn hồi trật tự của ông cũng trầm hẳn xuống, không còn hùng hồn dõng dạc được như lúc thẩm vấn bị can, tranh luận với luật sư hoặc khi tuyên án.

 

Toà lại trở lại vẻ trang nghiêm cổ kính, nhưng thỉnh thoảng vẫn nổi lên những tiếng nấc não lòng. Bỗng nhiên, nơi hàng ghế bên nguyên, có một bà già – có lẽ tuổi tác cũng tương đương với bà mẹ bị cáo (khoảng trên 60) – đưa tay xin phát biểu ý kiến. Giọng nói của bà run run cất lên: “Kính thưa quý toà! Đằng nào thì con tôi cũng đã chết, không còn cách nào hay sự gì có thể làm cho nó sống lại được. Hơn một năm qua, sống trong sự đau đớn tột cùng của một người mẹ mất con, tôi tưởng chừng không còn đứng vững nổi trên đời này nữa. Giờ đây, mặc dù công lý đã soi xét và xử đúng tội của can phạm, tôi vẫn thấy sự mất mát của tôi còn y nguyên, không gì bù đắp nổi. Lại nhìn thấy một người mẹ nữa cũng sắp bị mất con. Cái chết của con tôi không được báo trước, nhưng cái chết của bị cáo đã được đề nghị. Là những người mẹ, đứng trước cái chết của con mình, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng con mình chết như vậy là đáng hay không đáng, do phạm tội hay oan uổng. Vì thế, kính đề nghị toà xem xét khoan hồng cho bị cáo, tôi xin bãi nại vì biết nói ra lúc này là muộn màng”. Cả toà án lại lặng đi, trừ tiếng khóc của hai bà mẹ càng to hơn trước.

 

Xếp lại chồng báo cũ, tính đem bán ve chai kiếm tí tiền còm uống cà phê, bất chợt đọc được câu chuyện toà án nêu trên, tôi thấy lòng chùng hẳn lại. Quả thực lòng người mẹ – thứ nhất đó lại là người mẹ Việt Nam – thương con không bút mực nào có thể tả cho hết được. Thương con đã đành, còn thương cả kẻ thù đã giết con mình một cách dã man, có lẽ rất hiếm trong cái thế giới xô bồ những tội ác chất chồng hiện nay. Nhiều, nhiều lắm những lời ca ngợi tình mẹ khắc sâu trong tấm khảm mỗi người chúng ta. Hình ảnh bi thảm của 2 bà mẹ đang ôm lấy nhau khóc ngất trong toà án cho thấy sự bi thương thảm sầu đã lên tới tột cùng. Sự liên tưởng cuả tôi đi từ hình ảnh thảm sầu bi thương biểu hiện lòng thương con vô bờ bến của hai bà mẹ Việt Nam, đến một người mẹ vĩ đại – Mẹ của Thiên Chúa – Mẹ của những người mẹ: Đức Mẹ Đồng Trinh Maria với một tước hiệu đặc biệt: MẸ SẦU BI.

 

Được nhìn (hay đọc trên báo, nghe kể lại) những khuôn mặt rạng rỡ, tự mãn của những bà mẹ có con làm giám đốc, thứ trưởng, bộ trưởng (chưa dám nói đến thủ tướng, tổng thống)… thời nay, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng Đức Mẹ khi đón nhận ơn Thiên triệu làm Mẹ Thiên Chúa, hẳn phải sung sướng lắm, hạnh phúc lắm, mãn nguyện lắm. Sau khi từ giã cõi đời, Mẹ còn được tôn vinh là Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương Hoàn Vũ, Nữ Vương Hội Thánh, Nữ Vương Các Thánh, Nữ Vương Gia Đình …, thì phải nói là không một người phụ nữ nào trên đời này dám mơ ước được đến thế. Như vậy, hẳn nhiên Đức Mẹ phải là người hạnh phúc, sung sướng nhất trần đời. Có thể sẽ không có các biểu hiện ra mặt như quý vị hiền mẫu tôi vừa nhắc đến ở trên, nhưng ít ra thì trong lòng Đức Mẹ cũng vui mừng mãn nguyện lắm chứ, lẽ nào còn buồn thảm đến độ được tôn xưng là Mẹ Sầu Bi?

 

Tuy nhiên, nói Đức Mẹ là Mẹ Sầu Bi, thì chính bản thân tôi – cũng như mọi Ki-tô hữu – cũng vẫn thấy, vẫn tin là rất đúng, đúng vô cùng. Tại sao lại thế? Chúng ta cùng lần giở những trang Thánh sử về Đức Mẹ trong Kinh Thánh, sẽ tỏ tưởng. Tuy nhiên, theo ngu ý thì nên “Ngắm Bảy Sự Đau Đớn Đức Bà” (xc. SÁCH KINH – Địa phận Thái Bình – Hải Phòng – Bùi Chu – ấn bản 1970 của “Mẫu Tâm Thư Quán” – trang 173) thì có ơn ích hơn, vì: “Ai lần hạt Bảy Sự Đau Đớn hay đọc những kinh khác kính ĐỨC BÀ BẢY SỰ một tuần 9 ngày, mỗi ngày được 5 năm ân xá, một lần. Hết chín ngày được một ân đại xá, song phải xưng tội rước lễ, viếng và cầu xin như ý Đức Giáo Hoàng. (N. 346)” (SÁCH KINH -nt- trang 179). Đề nghị trước mỗi ngắm, nên đọc 1 đoạn Tin Mừng ứng với nội dung ngắm  đó, để dễ suy niệm. Xin cùng hiệp ý:

 

+ Lời nguyện mở đầu: Lạy Đức Mẹ, xin Đức Mẹ lấy lòng thương xót mà cầu nguyện cho chúng con được nhờ công nghiệp Đức Chúa Giê-su, cùng nhờ công nghiệp Đức Mẹ, cho được khỏi tội lỗi chúng con đã phạm, cùng những hình phạt chúng con đã đáng chịu. Lại xin Đức Mẹ phù hộ cho chúng con làm việc này cho nên, ngõ hầu được hưởng những ơn phúc Hội Thánh ban cho kẻ làm việc kính những sự thương khó Đức Mẹ.

 

 Tin Mừng 1: Ông Si-mê-ôn nói tiên tri“Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2, 33-35) – * Thứ nhất thì ngắm: Khi ông Thánh Si-mê-on ẵm kính Đức Chúa Giê-su thì nói cùng Đức Mẹ rằng: "Con Đức Mẹ ngày sau nên như bia bắn cùng như dao sắc thâu qua lòng Đức Mẹ." Đức Mẹ nghe lời làm vậy thì trọn đời những nhớ liên, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được nhớ những sự thương khó Đức Chúa Giê-su như Đức Mẹ thuở xưa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

 Tin Mừng 2: Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.” (Mt 2, 13-15) * Thứ hai thì ngắm: Khi thánh Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Vua Hê-rô-đê đi tìm Đức Chúa Giê-su mà giết, thì Đức Mẹ đem Con sang nước Ai Cập, mà Người thương Con còn non nớt mới sinh, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con chớ làm sự gì trái nghịch cùng mất lòng Đức Chúa Giê-su nữa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

 Tin Mừng 3:  Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do-thái  “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.  Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. ” (Lc 2, 41-46) * Thứ ba thì ngắm: Khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ thành Giê-ru-sa-lem, mà khi về lạc mất Con, thì Đức Mẹ những thức thâu đêm than thở khóc lóc, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con chớ còn đi đàng tội lỗi, mà bỏ mất nghĩa cùng Đức Chúa Giê-su nữa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

 Tin Mừng 4:  Đức Giê-su vác thập giá  – “Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa.” (Ga 19, 16-18)  – * Thứ tư thì ngắm: Khi Đức Mẹ theo Con khi đi chịu chết, thì thấy Con vác Thánh Giá lên núi Cal-va-ri-ô nhiều lần ngã xuống đất, mà quân dữ đạp dậy giục đi cho chóng, thì hai con mắt Đức Mẹ nên như hai suối nước chảy xuống, đau đớn trong lòng như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được vác Thánh giá theo Đức Chúa Giê-su, ấy là chớ theo ý mình, một theo ý Đức Chúa Giê-su liên. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

 Tin Mừng 5:  Bảy lời trăng trối “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Ga 19 25-27) * Thứ năm thì ngắm: Khi Đức Mẹ thấy Con treo trên cây Thánh giá phán ra bảy lời, như trối của trọng để cho Mẹ, đoạn thì gục đầu xuống giã Đức Mẹ mà sinh thì, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được nhớ bảy lời trọng ấy, như của châu báu Cha trối cho con, và giữ trong lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

 Tin Mừng 6 Liệm xác Đức Giê-su “Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống. Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái.” (Ga 19 38-40) –  * Thứ sáu thì ngắm: Khi ông thánh Giu-se cùng ông thánh Ni-cô-đê-mô tháo đanh mà đem xác Đức Chúa Giê-su xuống mà phó ở tay Đức Mẹ, khi ấy Đức Mẹ giơ hai tay lên toan đỡ lấy xác Con, đến khi đã được thì ẵm vào lòng, đoạn áp mặt xuống trên đầu Con, chẳng quản những gai nhọn ở đầu Con thâu vào mặt Mẹ, mà mặt Mẹ thì chan chứa những máu Con dính vào, mặt Con thì dầm dìa những nước mắt Mẹ chảy xuống. Ai suy cho được sự trong lòng Đức Mẹ bấy giờ, thương xót khóc lóc thảm thiết đau đớn khốn cực là thể nào! Đoạn lấy khăn trắng mà liệm xác Con, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như dao sắc thâu qua lòng đứt ruột ra vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được ăn năn lo buồn ghét tội, vì làm cho Đức Chúa Giê-su chịu chết làm vậy. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

 Tin Mừng 7:  Mai táng Đức Giê-su  “Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su. Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.” (Mt 27, 57-61) – * Thứ bảy thì ngắm: Khi tắm xác Đức Chúa Giê-su mà táng trong hang đá, đoạn lấy hòn đá lớn mà che ngoài cửa hang, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như đã chết mà chôn một mồ cùng Con vậy, vì khi trước còn xem thấy xác Con mà còn đau đớn khốn cực dường ấy, song le bây giờ chẳng còn xem thấy xác Con nữa, thì biết đau đớn khốn cực là thế nào! Như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được ăn năn lo buồn mọi tội, vì làm cho mất nghĩa cùng Đức Chúa Giê-su, cùng xin in những sự thương khó Đức Chúa Giê-su vào lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

+ Lời nguyện kết thúc: Chúng con cám ơn Đức Chúa Giê-su, xưa đã chịu nạn chịu chết vì chúng con, thì đã hợp như lời ông thánh Si-mê-on nói, mà Đức Mẹ nhớ liên. Vậy chúng con dốc lòng kính nhớ bảy sự đau đớn Đức Mẹ cho liên, và xin Đức Mẹ hằng cứu giúp chúng con cho khỏi ngã phạm tội mất lòng Đức Chúa Giê-su cùng Đức Mẹ, nhất là khi mong sinh thì cho được chịu các phép Bí Tích và khỏi chết tươi, cùng những sự khốn khó hiểm nghèo về phần xác, và được trông ơn Đức Mẹ hằng cứu giúp chúng con cho khỏi. Vậy chúng con chỉ một lòng cậy Rất Thánh Đức Mẹ là Quan Thầy, là Chúa Bầu, là Sao Mai dẫn đàng cho chúng con đang còn vượt biển thế gian này cho khỏi lạc, cho ngày sau được vào nước thiên đàng, chầu chực Đức Chúa Giê-su cùng Rất Thánh Đức Mẹ đời đời chẳng cùng. Amen.

 

Bảy sự đau đớn mà Đức Mẹ gánh chịu bằng 2 tiếng “xin vâng” khởi từ giờ phút đón nhận Thiên sứ truyền tin, cũng đã quá đủ để chúng ta tôn xưng Mẹ là Mẹ Sầu Bi. Sự tưởng thưởng của Thiên Chúa dành cho Mẹ (Hồn Xác lên trời, Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương Hoàn Vũ, Mẹ của Giáo Hội… ) quả thực rất xứng đáng, nhưng ngoài những tước hiệu vinh quang đó, tôi nghĩ Mẹ vẫn còn và mãi mãi còn là Mẹ Sầu Bi, bao lâu mà con người trên trái đất này vẫn còn xâu xé, chém giết lẫn nhau, vẫn còn chìm đắm trong đam mê dục vọng để ngày càng sản sinh ra những thứ bệnh lạ kỳ khủng khiếp, giết người hàng loạt. Nơi những Lộ Đức, những Fatima, những La Vang… phải chăng Đức Mẹ hiện ra với sự vui mừng hoan hỉ, hay là với sự đau đớn buồn thương vì những bệnh tật, tội lỗi của con cái nơi trần gian?

 

Hiện diện nơi toà án hoặc chỉ đọc những thông tin qua báo chí, hay nghe kể lại, biết bao người đã khóc theo 2 bà mẹ trong phiên toà kể trên; nhưng khi ngắm “Bảy sự đau đớn Đức Bà” hay khi Dâng Hạt (vào những ngày có ngắm 15 sự Thương Khó trong Mùa Chay) hoặc khi đọc Vãn (ngày Thứ Sáu Tuần Thánh), thử hỏi đã có mấy ai thực sự xúc động đến rơi lệ? Hay lại đổ thừa là tại hai bà mẹ trong phiên toà đang hiện diện ở thời hiện tại, còn Đức Mẹ ở vào thời quá khứ cách chúng ta đã quá xa. Thương bà mẹ có đứa con phạm tội giết người bị đề nghị án tử hình, còn thương hơn nữa bà mẹ xin toà khoan hồng cho kẻ đã giết con mình, tuy không nói ra nhưng trong lòng chúng ta hẳn ai cũng cầu mong cho bồi thẩm đoàn và vị chủ toạ phiên toà hôm đó cứu xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đó chính là Tình Thương – tôi cứ muốn viết là TÌNH YÊU – của chúng ta đã được thể hiện, được hiện thực hoá. Nhưng với những thương khó của Đức Mẹ, ngoài những lời than vãn lên xuống giọng theo nhạc điệu bởi thói quen, chúng ta đã làm được gì để gọi là chia sẻ nỗi Sầu Bi của Mẹ? Nói khác hơn, chúng ta đã “biến đau thương thành hành động” được những gì để thông phần với Mẹ “đồng công cứu chuộc” cùng Chúa chúng ta ?

 

E rằng chúng ta vẫn “nói” nhiều hơn “làm”. Tôi có bi quan quá chăng? Nếu có, xin chịu lỗi, nhưng dù bi quan hay lạc quan, mà nhờ đó chúng ta có được sự canh tân trong suy niệm, chiêm niệm cuộc Thươnng Khó và Phục Sinh vinh hiển của Đức Ki-tô – thông qua Mẹ Sầu Bi – để từ đó chúng ta sẵn sàng “vác thập giá mình” theo chân Thầy Chí Thánh trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, thì chúng ta vẫn có quyền hy vọng chiếm hữu được Nước Trời mà Thiên Chúa vẫn luôn luôn dành sẵn cho chúng ta. Mong lắm thay! Ôi! Lạy Mẹ! “Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu. Đồng công cùng Con dấu yêu. Vì thương nhân loại khốn cùng. Xin dẫn đưa bao tâm hồn lạc hướng về bên Me, Mẹ ơi!” (Kim Long – “Mẹ Đứng Đó” – TCCĐ). Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.