Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Có Nên "Anh Đi Đường Anh, Tôi Đường Tôi?"

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CÓ NÊN “ANH ĐI ĐƯỜNG ANH, TÔI ĐƯỜNG TÔI”? (CN.XXVII/TN-B)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXVII-TN-B) trình thuật vụ mấy người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su về vần đề ly dị (Mc 10, 2-16). Thực ra, họ cật vấn Đức Giê-su không phải vì họ thắc mắc cần được giải đáp, mà vì muốn gài bẫy Người. Nếu Người đồng tình với việc ly dị, thì tỏ ra cùng lập trường với người Pha-ri-sêu (giữ đúng Luật Mô-sê) và là đồng minh số 1 của họ. Còn nếu Người không đồng ý, thì vi phạm Luật, sẽ bị đám đông phỉ báng, lên án. Quan trọng hơn nữa, Người sẽ bị vua Hê-rô-đê thù ghét, vì Người tỏ ra cùng phe với Gio-an Tẩy giả, là người lên án nhà vua về tội ngoại tình và đã bị ông giết chết (Mc 6, 17-28). Lúc đó, Người sẽ là đối thủ lợi hại của đám Pha-ri-sêu và tất nhiên, họ sẽ mượn tay hung thần Hê-rô-đê trừ khử Người.

 

Tương tự một lần khác, cũng đám người Pha-ri-sêu đem Lề Luật ra gài bẫy Đức Giê-su. Đó là câu chuyện ném đá “Người đàn bà ngoại tình” (Ga 8, 1-11). Không đồng ý ném đá thì vi phạm Lề Luật (Luật Mô-sê cho phép ném đá cho đến chết những người đàn bà ngoại tình). Đồng ý ném đá thì lại đi ngược lại với luật của đế chế Rô-ma đang cai trị Do-thái (mà người đại biểu là Tổng trấn Phi-la-tô). Đồng ý hay không đồng ý, đằng nào cũng kẹt, và nếu gặp phải tay mơ thì sập bẫy là cái chắc. Nhưng Đức Giê-su thì khác xa, chỉ với một câu nói ngắn gọn ("Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi"), Người đã lấy “gậy ông đập lưng ông” khiến đám kinh sư Pha-ri-sêu “tiu nghỉu như mèo bị cắt tai” âm thầm lủi mất tăm.

 

Bọn kinh sư, luật sĩ Pha-ri-sêu là vậy đó. Đối thủ của họ – nhất là đối thủ nặng ký cỡ “ông Giê-su Na-da-ret” – sẽ bị họ tìm đủ cách gài bẫy để trừ khử cho khuất mắt. Trở lai bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su Ki-tô không những đã không mắc bẫy đám người Pha-ri-sêu, mà còn dạy họ (kể cả các môn đệ) một bài học thấm thía về hôn nhân: “Thuở ban đầu, lúc tạo thành vạn vật, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 6-9). Chỉ đáng tiếc một điều, là sau khi Đức Ki-tô đã làm bọn Pha-ri-sêu câm miệng, thì “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10, 10-12). Đám người Pha-ri-sêu đã câm mịêng hến cũng chưa đủ làm cho các môn đệ sáng mắt ra ư? Đáng buồn thật!

 

Câu trả lời của Đức Ki-tô đã cho thấy cái cơ cấu đầu tiên và căn bản của xã hội loài người là gia đình. Gia đình Nguyên tổ là một minh hoạ sống động (“Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” – St 1, 27-28). Vì Tình Yêu, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ và con người, nên gia đình Nguyên Tổ là nguyên mẫu biểu tượng Tổ ấm Tình yêu đầu tiên của nhân loại (“chính Tình yêu của Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” – Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 14). Gia đình Nguyên tổ bắt đầu từ 2 ngôi vị (Adam và Eva) sống trong cái nôi Tình Yêu đã “sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất”. Và từ mối tương quan giữa 2 ngôi vị ban đầu, “toàn bộ những tương quan liên vị được đặt nên – những tương quan về tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em – qua những tương quan ấy, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong "gia đình nhân loại" và "gia đình Thiên Chúa" là Hội Thánh” (T/H Gia Đình, số 15).

 

Tuy con người có sa ngã, phải rời khòi vườn Địa đàng để vật lộn với cuộc mưu sinh trên trái đất, nhưng gia đình mãi mãi tồn tại, dù sự tồn tại ấy không còn được như nguyên mẫu ban đầu. Nói cách khác, vì được tự do, con người đã sa ngã, xa lìa Thiên Chúa, nên bị tội lỗi thồng trị và không ít những Tổ ấm Tình Yêu biến thành tổ cú, tổ rắn chứa đầy tội ác. Cũng chính vì thế, để khôi phục lại Tổ ấm Tình Yêu, cũng như để giúp con người chiến thắng được tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa đã ban chính Con Một xuống thế làm người cứu độ nhân loại và cũng đặt vào trong một Tổ ấm còn hơn cả Tổ ấm đầu tiên của nhân loại, đó chính là Thánh Gia Thất. Và cũng từ đó, Tổ ấm Gia đình Ki-tô Giáo được khôi phục và hoàn bị.

 

Vì thế, tiếng “gia đình” luôn hàm chứa một ý nghĩa thiêng liêng cao quý, một bầu khí nồng ấm, ăm ắp tình yêu thương. Với “gia đình Ki-tô giáo” thì còn hơn thế nữa, vì “gia đình còn là chiếc nôi của sự sống và tình yêu” (“Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội”, số 209). Trong “Thư gởi người Công Giáo Trung Hoa” – 5/2007 (số 15), ĐGH Biển Đức XVI viết: “Vì tương lai nhân loại phải thông qua gia đình, tôi nghĩ rằng điều cấp thiết là anh chị em tín hữu phải đề cao các giá trị gia đình và bảo vệ những nhu cầu của gia đình. Anh chị em giáo dân, những người mà đức tin đã cho phép họ nhận biết ý định tuyệt vời của Thiên Chúa đối với gia đình, có thêm một lý do để đảm nhận sứ vụ cụ thể và bức bách này: gia đình thực tế là nơi thông thường những người trẻ đạt tới sự trưởng thành cá nhân và xã hội. Gia đình cũng chính là người gìn giữ di sản của nhân loại, vì thông qua gia đình, sự sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Rõ ràng gia đình là xã hội thu nhỏ, là Hội Thánh tại gia vậy.

 

Nói đến vấn đề ly dị hay ngoại tình của xã hội loài người ở cái thế kỷ XXI này thì còn đáng sợ hơn ngàn lần xã hội Do thái thủa xưa. Không chỉ có đưa nhau ra toà ly dị, mà còn cà trăm ngàn cách phân ly: Từ chỗ “chán cơm, thèm phở”, “ham của lạ”… đi đến đánh đập vợ, đuổi vợ ra khỏi nhà, giết vợ để lấy vợ khác… xảy ra nhan nhản. Các bà cũng chẳng kém, cũng đủ trăm mưu ngàn chước để thoả mãn giấc mơ ngoại tình. Vẫn còn đó câu chuyện làm xôn xao dư luận Việt Nam mới xảy ra gần đây: “Vợ theo trai, đánh bạc, nợ nần chồng chất, về nhà “đốt chồng” để hưởng thừa kế lấy tiền trả nợ, du hí” (vụ nhà báo Hoàng Hùng). Ôi chao là nhân tình thế thái! Với gia đình Ki-tô hữu tuy không lùm xùm kiện tụng, rùm beng đưa nhau ra toà…, nhưng cũng vẫn còn không ít cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, “đĩa bay, bát bay”, rồi âm thầm “Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!” (Thế Lữ).

 

Vấn đề ly dị đã hầu như trở nên một trào lưu được hầu hết các quốc gia công nhiên thừa nhận. Và vì thế, hôn nhân là đề tài không bao giờ cũ và cũng là đề tài gây nên những tranh luận không dứt. Lời Chúa hôm nay không đưa ra vấn đề nào mới mẻ cả, mà chỉ khẳng định những đặc tính bất biến Thiên Chúa đã xác định cho hôn nhân. Như vậy, trong mọi thời và mọi nơi, vấn đề không phải là đặt lại bản chất của hôn nhân, nhưng luôn luôn phải là làm thế nào sống cuộc sống hôn nhân cho trung thực với bản chất đích thực của nó. Hoá cho nên Lời Chúa vẫn luôn luôn mới, luôn luôn thích nghi với thời đại, mời gọi mọi tín hữu phải trở về nguồn gốc của hôn nhân là Tình Yêu Thiên Chúa. Như Thiên Chúa yêu thương nhân loại và như Chúa Giê-su yêu thương Giáo Hội thế nào, vợ chồng cũng phải yêu thương nhau như vậy.

 

Nói tóm lại, mọi gia đình Ki-tô hữu hãy trở nên xứng đáng với bản chất đích thực của mình là sự hiệp thông trong Tình Yêu Thiên Chúa – một sự hiệp thông bất khả phân ly – sự hiệp thông mở rộng với tất cả mọi thành phần trong gia đình (ông bà, cha mẹ, con cháu), để từ đó hiệp thông với xã hội và nhất là hiệp thông trong mầu nhiệm Hội Thánh Chúa. Cũng bởi vì gia đình Ki-tô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh với một tư thế riêng biệt và độc đáo, bằng cách tự đặt mình phục vụ Hội Thánh và xã hội cả từ trong yếu tính lẫn từ trong hành động của mình, với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu. Sau khi đã xác định nền tảng cho phép các gia đình Ki-tô hữu tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh như thế, việc quan trọng bây giờ là đưa ra ánh sáng những gì bao gồm trong sự tham dự ấy, theo ba sự quy chiếu, mà thật ra chỉ là một, tức là quy chiếu vào Đức Giê-su Ki-tô, trong tư cách là ngôn sứ, là tư tế và là vua, bằng cách trình bày gia  đình Ki-tô hữu như là: * Một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng; * Một cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa; * Một cộng đồng phục vụ con người (T/H Gia Đình, số 50). Tắt một lời, mọi “Giáo Hội tại gia” vẫn cần, rất cần đặt lại vấn đề giữ gìn bảo vệ hạnh phúc gia đình, nhiệt tình tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển xã hội với tư cách là “xã hội thu nhỏ”; đồng thời với tư cách là “Giáo Hội tại gia” sẵn sàng dấn thân vào việc phục vụ cộng đồng Hội Thánh Chúa. Mà muốn được như vậy thì không gì bằng học hỏi, chiêm niệm mẫu gương tuyệt hảo: Thánh Gia Thất.

 

Ôi! Lạy Chúa! Chúa đã coi Giáo Hội như một hiền thê của Chúa. Cúi xin Chúa ban thêm lòng tin và nhất là đức mến cho các hiền thê của Chúa là “Giáo Hội tại gia” để các thành phần trong mọi gia đình Ki-tô hữu (từ ông bà, cha mẹ đến con cháu) luôn biết sống yêu thương, hiệp nhất như Thánh Gia Thất thủa xưa. Ôi! “Lạy Chúa, chính Chúa đã tạo lập gia đình để trở thành tổ ấm cho tình thương và sự phát triển. Xin ban cho hết mọi gia đình biết noi gương Thánh Gia Thất để lại, mà ăn ở theo lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái; hầu được chung hưởng niềm vui vĩnh cửu. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.” (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho gia đình).

 

JM. Lam Thy ĐVD.