Nuôi Con Ngày Nay Sao Quá Nhiêu Khê
NUÔI CON THỜI NAY SAO QUÁ NHIÊU KHÊ?
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe các cụ thắc mắc: “Ngày xưa mình nuôi năm sáu đứa con thật dễ dàng, sao bây giờ chúng nó có ít con mà cứ lo lắng đủ thứ chuyện, mệt đến thế?”
Thắc mắc ấy thật hữu lý vì nó nói lên một thực trạng của xã hội ngày nay, và quả là bây giờ các cha mẹ trẻ cứ “lăng xăng” thấy mệt.
Nhưng nếu đi xa hơn, nhìn vào những bất an và cạm bẫy chung quanh, người ta có thể lý giải tại sao cha mẹ thời nay nuôi con với nhiều lo toan vất vả hơn ngày xưa.
Có lẽ lý do dễ nhận thấy nhất là kinh tế. Ở miền Nam Việt nam trước đây, thời chế độ Cộng Hoà, hầu như ai cũng có việc làm ổn định và đời sống kinh tế dư dả. Một giảng viên Đại Học Sư Phạm đã về hưu cho biết khi thầy mới ra trường dạy ở Nha Trang, lương thầy lãnh là 21 đồng (tiền miền Nam), thầy trả tiền ăn uống, nhà trọ, chi phí đi lại, vui chơi giải trí và mọi thứ khác hết khoảng 3 đồng. Và thầy còn dư ra 18 đồng! Một người đi làm mà để dành được 85% lương thì nếu nuôi con hẳn là không phải lo. Bây giờ thì người ta làm được 3 triệu, nếu chi đúng ý mình thì chắc phải 21 triệu, thiếu 85%!
Lý do thứ hai là giáo dục. Một phần do xã hội chịu ảnh hưởng của khoa học với bao cạm bẫy từ máy móc, truyền thông và những phương tiện khác. Nhưng cái chính vẫn là giáo dục không tương xứng với sự phát triển xã hội nên phận người cứ bấp bênh. Chẳng hạn giáo dục thì dạy những cái đâu đâu và không giúp trẻ em phát triển óc phân tích suy luận, mà khi tiếp xúc với thực tế, các em cần phải sử dụng cái đầu của mình, thì điều gì sẽ xảy ra?
Một ví dụ khác về giáo dục trong xã hội là phương tiện giao thông phát triển, nhưng giáo dục ý thức con người thì quá kém. Sự thiếu tương xứng bao giờ cũng sinh ra khập khiễng và khiếm khuyết. Người có quyền thế thì có tiền; có quyền và có tiền thì con cái dễ hư hỏng; đám con cái hư hỏng ấy lái những chiếc xe đời mới phóng như bay coi thường mạng sống con người. Thế thì cha mẹ đàng hoàng nào lại không lo sợ khi con mình hàng ngày phải đi học trên đường phố?
Ở đây chúng tôi muốn dừng lại để nói ra ngoài đề một chút. Nếu người ta đọc kỹ Giáo huấn Xã Hội Công Giáo và dừng lại nghiền ngẫm nguyên tắc đầu tiên và căn bản: nguyên tắc nhân vị, để nhận ra rằng con người có phẩm giá vì là hình ảnh Thiên Chúa, là imago Dei như Thánh Augustine trình bày, thì hẳn là xã hội không thê thảm bấn loạn như hôm nay. Cứ loại trừ Thiên Chúa đi, các anh sẽ thấy mình chỉ còn là con cờ của hoả ngục.
Cũng nói về giáo dục, chúng ta cứ xem nội dung ngày xưa trẻ con học là gì thì sẽ thấy rằng cha mẹ không cần phải lo uốn nắn con cái nhiều lắm. Ở trường các em được học lễ nghĩa, ở trường của các tôn giáo thì được học giáo lý và nhân bản, thầy cô luôn dạy sự thật. Do đó cha mẹ không mất giờ uốn nắn, dạy lại cho các em khi chúng về nhà. Còn bây giờ cha mẹ nào cũng kiểm tra xem có gì thầy cô dạy sai hay nhồi nhét, để còn dạy lại cho các em.
Lý do thứ ba là sự an toàn trong xã hội. Ở xã hội miền Nam trước đây hiếm khi có nạn bắt cóc, trấn lột hay dụ dỗ trẻ em. Ngày nay thì nhan nhản. Học sinh ra khỏi cổng trường mà ba mẹ chưa đến đón kịp thì đã có bao cạm bẫy giăng ra. Này là đồ chơi ma quái. Kia là thức ăn thiếu vệ sinh. Bên cạnh đó là trấn lột. Và cứ như thế, cha mẹ trẻ không dám để con đi học một mình hay chơi đùa ngoài đường như ngày trước.
Còn lý do nào nữa không? Thưa còn. Đó là thực phẩm chứa quá nhiều hoá chất độc hại. Lương tâm con người ngày xưa chưa bị xói mòn như hôm nay. Mà cũng dễ hiểu thôi. “Đói ăn vụng túng làm càn”. Ngày xưa người ta không đói không túng nên họ cũng không bán rẻ lương tâm. Con người ngày nay sẵn sàng vì lợi nhuận mà làm ra những thực phẩm dơ bẩn, độc hại và nguy hiểm, nhất là để dụ dỗ trẻ con. Ngày xưa Trung quốc không thể vươn vòi đến miền Nam, nên chẳng có đồ ăn hay đồ chơi toàn chất độc. Bây giờ thì thật khủng khiếp. Làm sao cha mẹ thời nay dám cho con mình ăn bất cứ thức ăn gì như thời vàng son thuở trước?
Đứng về phương diện Đức Tin, chúng ta cảm nhận rõ ràng khi xã hội cố gắng loại trừ Thiên Chúa thì xã hội bất an. Xin được lặp lại lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng của Ngài khi Ngài về thăm quê hương Ba lan của Ngài lần đầu tiên: “Không thể loại Đức Giêsu Kitô ra khỏi lịch sử nhân loại ở bất cứ nơi nào trên thế giới này… Loại trừ Đức Giêsu khỏi lịch sử nhân loại là một tội ác chống lại loài người”. Trong một xã hội muốn loại trừ Đức Giêsu, thì cha mẹ Công giáo nào yên tâm nổi khi con mình lớn lên mỗi ngày?
Bài viết này xin được kết thúc với lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn che chở dân Ngài: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.” (Tv.23)
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs