Bản Hòa Tấu Lời
BẢN HOÀ TẤU LỜI (LỄ CÁC THÁNH - 01/11)
Trong Tông huấn “Lời Chúa”, khi đề cập đến vấn đề “Loại suy Lời Thiên Chúa” để minh hoạ cho công trình Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và muôn loài đã trở nên như một “Bản hoà tấu Lời”, ĐTC Biển Đức XVI đã khẳng định: “Dù biến cố Chúa Ki-tô nằm ở tâm điểm mạc khải Thiên Chúa, nhưng ta vẫn cần hiểu rõ rằng chính tạo vật, chính cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), cũng là thành phần chủ yếu của cuộc hòa tấu đa điệu này trong đó Lời duy nhất được nói lên” (T/H “Lời Chúa”, số 6). Tiếp theo, khi triển khai “cuộc hoà tấu đa điệu” đó trong “Chiều kích vũ trụ của Lời”, để thêm xác tín, ĐTC còn nhấn mạnh: “Đối với chúng ta, Lời công bố đó chính là lời tự do. Sách Thánh cho ta biết: mọi sự hiện hữu không hiện hữu cách tình cờ, mà là do ý Chúa muốn và là một phần trong kế hoạch của Người, mà ở tâm điểm kế hoạch này là lời mời gọi ta tham gia vào sự sống Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô. Sáng thế do Logos, do Ngôi Lời mà ra và do đó mãi mãi mang dấu ấn của Lý Trí sáng tạo vốn ra lệnh và điều hướng nó; các Thánh vịnh đã ca ngợi với một niềm chắc chắn đầy hân hoan rằng: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú (Tv 33, 6)” (T/H “Lời Chúa”, số 7).
Như vậy là tất cả mọi thực tại trong vũ trụ –tự bản chất hiện hữu của nó – đã biểu hiện công trình sáng tạo của Thiên Chúa như một bản hoà tấu Lời Toàn Năng. Và từ đó hình thành truyền thống tư duy của Giáo Hội (“Truyền thống tư duy Ki-tô Giáo vốn khai triển yếu tố chủ chốt trong bản hòa tấu Lời này. Như Thánh Bonaventura, chẳng hạn, người vốn theo truyền thống các Giáo Phụ Hy Lạp mà nhìn ra mọi khả thể sáng thế trong Logos, đã nói rằng “mọi tạo vật đều là Lời Chúa, vì nó công bố Người”. Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã tổng hợp các dữ kiện ấy khi cho rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và duy trì mọi vật bằng chính Lời của Người (Ga 1:3), đã cho ta chứng cớ mãi mãi về chính Người ngay trong các thực tại tạo dựng” – T/H “Lời Chúa”, số 7). Rõ ràng ý nghĩa căn bản của Lời Chúa chính là Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa làm người, và khi lắng nghe Lời ấy, nhân loại được mở tấm màn ra (mạc khải) để thấy rằng đó là nền tảng của mọi thực tại trong vũ trụ. Vì thế, bản hoà tấu Lời không phải là một bản nhạc với đầy đủ âm điệu, cung bậc du dương trầm bổng; nhưng là một bài ca ngợi Thiên Chúa Toàn Năng hằng hữu bằng chính sự hiện hữu của thực tại vũ trụ và muôn loài.
Trong bản hoà tấu Lời đó, thiết tưởng sinh động nhất và dễ hình dung nhất là bản hoà tấu của “Đoàn người áo trắng đông không tài nào đếm nổi” (Kh 7, 9) đã được hào quang chiếu toả đến vô cùng vô tận. Đoàn người áo trắng ấy "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ." (Kh 7, 14-17). Áo của đoàn người áo trắng đã được “giặt sạch và tẩy trắng trong máu Con Chiên”, chính là vì các ngài đã đi theo Con Đường của Chiên Thiên Chúa Giê-su Ki-tô. Một cách cụ thể là trong cuộc lữ hành trần thế, các ngài đã thấm nhiễm và triệt để sống và hành động theo Lời Toàn Năng, đã kiên trì vượt thắng mọi thử thách nghiệt ngã, kể cả việc sẵn sàng đổ máu mình ra như Máu Con Chiên đã đổ ra trên thập giá, làm lễ vật hy sinh dâng lên Thiên Chúa Cha, đồng thời thanh tẩy cõi trần nhơ uế. Máu Con Chiên đã hoà trộn với máu các ngài, tẩy sach mọi vết nhơ khiến các ngài trở nên trong trắng tinh tuyền và vì thế áo các ngài (phản ánh trung thực chân dung của các ngài) cũng trắng tinh như tuyết, không gợn chút bụi trần.
Chìm đắm trong suy niệm và hình dung về thị kiến của Thánh sử Gio-an được Thiên Chúa mạc khải (Kh 7, 9-17), tôi như được chứng kiến một ca đoàn Thánh đang hoà tấu Lời Thiên Chúa: "Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen! " (Kh 7, 12). Đó chính là các Thánh Nam Nữ được Giáo Hội mừng kính trọng thể hôm nay (01/11). Mỗi khi nhắc đến Lễ Các Thánh là trong tôi lại rạo rực như được nhấp một ly rượu mạnh khi nhớ đến bài Thánh ca “Mừng Chư Thánh” của Hoài Đức, mà hồi nhỏ chúng tôi hay hát: “Hào quang Thiên quốc tươi sáng vô cùng. Nhạc ca Thiên quốc ngây ngất vô cùng. Bên Chúa vinh quang thần thánh tôn thờ. Bao toà triều thiên chứng minh toàn công”. Quả thật các Thánh đã đóng một vai trò quan trọng trong bản hoà tấu Lời. Ấy cũng bởi vì “Việc giải thích Thánh Kinh sẽ không đầy đủ nếu nó không gồm việc lắng nghe những người đã thực sự sống Lời Chúa, tức các thánh… Sự thánh thiện trong Giáo Hội cấu thành một việc giải thích Thánh Kinh mà ta không được xem thường. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng các tác giả thánh, cũng cùng là Thần Khí từng thúc đẩy các thánh hiến đời mình cho Tin Mừng. Bằng cách ráng học theo gương các ngài, ta quả đang trên đường chắc chắn hướng tới một cuộc giải thích Thánh Kinh đầy sống động và có hiệu quả” (T/H Lời Chúa, số 37).
Trong Kinh Tin Kính, khi xác tín về Giáo Hội, có câu “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công, tôi tin phép tha tội...”. Cụm từ “các thánh thông công” mang ý nghĩa gì? Một cách nôm na dễ hiểu là: Các Thánh trên Thiên quốc vẫn thông hiệp với công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội nơi trần thế. Cụ thể hơn là Giáo Hội Lữ hành đang trên đường lữ thứ trần gian, luôn cầu nguyện để đạt được mục đich chiếm hữu Nước Trời. Sự cầu nguyện ấy không chỉ dành riêng cho những tín hữu tại thế, mà còn rhể hiện tính hiệp thông cầu nguyện cho Giáo Hội Thanh luyện. Đến khi các linh hồn đã hoàn tất cuộc thanh luyện, gia nhập Giáo Hội Khải hoàn và lúc đó, chính các ngài – ở trước nhan Thiên Chúa – lại hiệp lời cầu nguyện cho Giáo Hội Lữ hành. Tính hiệp thông xuyên suốt 3 Giáo Hội (Giáo Hội Lữ Hành + Giáo Hội Thanh Luyện + Giáo Hội Khải Hoàn) để liên kết nên một trong Mầu nhiệm Hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, nét đặc trựng nhất của Giáo Hội Công Giáo chính là ở điểm này: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, như ĐTC Gio-an Phao-lô II đã khẳng định trong Tông huấn “Ki-tô Hữu Giáo Dân” (số 32): “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông … Sứ mệnh này có mục đích làm cho mọi người biết và sống sự hiệp thông "mới"; sự hiệp thông đi vào lịch sử thế giới nhờ con Thiên Chúa làm người”.
Khơi nguồn từ Mầu nhiệm Hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi, 3 Giáo Hội (Lữ hành, Thanh luyện, Khải hoàn) vẫn chỉ là một, một Giáo Hội duy nhất thánh thiện và tông truyền đi từ khởi điểm cuộc lữ hành trần thế (thực tại hiện hữu trong vũ trụ), trải qua biết bao thăng trầm, đối diện với biết bao nghịch cảnh và thử thách nghiệt ngã. Nếu những Ki-tô hữu trong Giáo Hội Lữ hành quyết tâm sống đúng và sống đủ “tám mối phúc”, giữ trọn giới răn trọng nhất “Mến Chúa yêu người” trong mọi tình huống và trải dài suốt lộ trình trần thế của bản thân, thì sẽ được vinh thăng ca khúc khải hoàn trên Thiên quốc. Đoàn người áo trắng trong thị kiến mạc khải nơi sách Khải huyền (Kh 7, 9-17) là một minh hoạ sống động. Còn nếu chưa hoàn toàn bị quỵ ngã trước ba thù, nhưng vẫn chưa được thập phần hoàn hảo. mà còn cần được tôi luyện thanh tẩy để nên thánh thiện, thì tất nhiên phải qua Giáo Hội Thanh luyện. Đường đi tất yếu để được nên như “Đoàn người áo trắng” chỉ có thể là Tin vào ơn Cứu Độ nhiệm màu + Hành động vì niềm tin đó, tức là đem ơn Cứu Độ nơi bản thân đã “nhận” từ Thiên Chúa đến “cho” mọi người (“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy" – Mt 10, 8), để nhờ đó, thanh tẩy con người của mình cho nên tinh tuyền, thánh thiện. Và đó chính là tính chất hiệp thông của Giáo Hội Hoàn vũ vậy.
Các thánh là những chứng nhân cao cả đã đổ máu vì đức tin và đức ái, các ngài liên kết với Giáo Hội Lữ hành khắng khít hơn trong Chúa Ki-tô, nên với lòng yêu mến đặc biệt, Giáo Hội tôn kính các ngài cùng Ðức Trinh Nữ Maria và các Thánh Thiên Thần, và sốt sắng nài xin các ngài trợ giúp, cầu bầu cho. Điều đó cho thấy tại sao Giáo Hội lại để Lễ kính Các Thánh Nam Nữ vào ngày đầu tiên và lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời vào ngày thứ hai trong tháng “Cầu Cho Các Linh Hồn”. Như vậy, để được nên như “Đoàn người áo trắng”, thì mỗi Ki-tô hữu đều phải trải qua cuộc thanh luyện tất yếu (hoặc thanh luyện tại thế như các vị Hiển thánh hay Tử vì Đạo, hoặc sẽ được thanh tẩy trong luyện ngục). Và cuộc lữ hành trần thế sẽ tới đích điểm là được cùng với “Đoàn người áo trắng” hợp hoan hoà tấu ca khúc khải hoàn trên Thiên quốc.
Mừng kính lễ “Các Thánh Nam Nữ” và hiệp thông lễ “Cầu Cho Các Linh Hồn” trong tháng 11, người Ki-tô hữu hãy “Kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải tinh luyện sau khi chết… Việc tôn kính các Thánh đích thực không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài bằng ở cường độ tình yêu tích cực của chúng ta. Tình yêu ấy giúp chúng ta tìm thấy "một gương mẫu trong khi gặp gỡ các ngài, được thông hiệp qua việc kết hợp với các ngài và được các ngài cầu bầu trợ giúp" (GH, 51). Vâng, chính vì tình yêu mà các Thánh nam nữ được hợp hoan bản hoà tấu Lời trên Thiên quốc. Các Thánh không chỉ là gương mẫu cho chúng ta, mà các ngài còn là nguồn trợ lực giúp chúng ta nên thánh, nếu chúng ta biết chạy đến với các ngài. Các ngài cũng là con người như chúng ta nên các ngài hiểu rất rõ những yếu đuối, những bất toàn của phận làm người; vì thế, khi chúng ta kêu cầu các ngài, chắc chắn các ngài sẽ tận tình cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, để sau này chúng ta cùng được hưởng vinh phúc với các ngài trên quê Trời vĩnh cửu.
Ôi! Lạy Chúa! Thánh Phao-lô đã dạy chúng con sống làm sao cho xứng với Tin Mừng của Chúa (“Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Ðức Ki-tô” – Pl 1, 27). Cúi xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Nam Nữ, thương ban cho chúng con một lòng Mến bao la xây dụng trên một niềm tin sắt đá vào Tin Mừng cứu độ, để chúng con ăn ở cho xứng đáng với Lời Chúa hằng răn dạy chúng con: “Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình” – Lc 10, 37). Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu. Trong ngày đại lễ hôm nay, Chúa cho chúng con được mừng kính toàn thể các thánh trên trời. Nhờ bấy nhiêu vị hằng nguyện giúp cầu thay, chúng con tin tưởng nài xin Chúa cho chúng con được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ – lễ Các Thánh).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: