Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Báo Hiếu- Một Ý Tưởng Lành Thánh

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

BÁO HIẾU – MỘT Ý TƯỞNG LÀNH THÁNH

(Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn - 02/11)

 

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là lòng thương yêu, không những chỉ là “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”; mà còn là “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vì thế nên đã dành cả tháng 7 (Âm lịch) làm tháng Báo Hiếu, để tưởng nhớ công ơn những người đã khuất ("Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân"). Cũng với mục đích trên, có đôi nơi ảnh hưởng Trung Quốc, lấy tháng ba là tháng "thanh minh", "tảo mộ" ("Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" – ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ của Nguyễn Du). Với Ki-tô Giáo thì lòng thương yêu thể hiện cụ thể nhất trong tính hiệp thông. Phạm trù hiệp thông không dừng lại ở Giáo Hội Lữ hành, mà còn xuyên suốt qua Giáo Hội Thanh luyện và Giáo Hội Khải hoàn nữa, để tất cả quy tụ trong Mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi (“ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hịêp của Chúa Thánh Thần” – 2Cr 13, 13). Vì thế, nên Giáo Hội đã dành cả tháng 11 hàng năm để “Kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải tinh luyện sau khi chết” (GH, 51). Đó phải chăng là một dịp “Báo Hiếu” để hợp hoan “Bản Hoà Tấu Lời” với các Thánh, đồng thời tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố còn đang trong thời gian thanh luyện, ngõ hầu được Thiên Chúa đoái thương, ân ban phần thưởng Nước Trời?

 

Tháng 11 thường được gọi vắn tắt là Tháng Cầu Hồn, thể hiện rõ nét nhất Mầu nhiệm Hiệp thông khơi nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, tuôn tràn qua 3 Giáo Hội quen gọi nôm na là GH Chiến Đấu (GH Lữ Hành), GH Đau Khổ (GH Thanh Luyện) và GH Chiến Thắng (GH Khải Hoàn). Bài viết này xin chia sẻ những cảm nghĩ về sự quan tâm đặc biệt của Ki-tô hữu dành cho những người quá cố trong suốt tháng 11 hàng năm: Từ xưng tội rước lễ, hiệp dâng Thánh lễ, đến cầu nguyện thông qua các giờ kinh Phụng vụ, rồi viếng Thánh đường, viếng nghĩa trang… nhằm mục đích tốt đẹp, lành thánh: cầu cho các linh hồn. Đó thật sự là một “ý tưởng lành thánh” rất đáng trân trọng (“Nhận biết sự hiệp thông này trong lòng toàn Nhiệm Thể Chúa Giê-su Ki-tô, ngay từ buổi đầu của Ki-tô Giáo, Hội Thánh lữ hành hết lòng kính mến, tưởng nhớ những người đã chết và dâng lời cầu cho họ “vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2Mcb 12, 46; GH, 50). Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn.” – Giáo lý HTCG, điều 958)

 

Khi cử hành những hành vi bác ái đó, chúng ta thường nghĩ các linh hồn đang phải chịu thanh luyện bằng đau khổ. Ý nghĩ đó không sai, vì các ngài “sẽ được cứu như thể băng qua lửa” (1Cr 3, 15) để trở nên trọn hảo trước mặt Đấng Chí Tôn. Vâng, kể từ khi Nguyên Tổ loài người xa lìa Thiên Chúa, bị tội lỗi thống trị, có thể nói tội lỗi đã trở thành căn nguyên, là nguyên nhân chính làm cho con người phải đau khổ. Điều này chứng tỏ con người tự gây ra đau khổ để rồi cũng chính mình gánh lấy sự đau khổ ấy. Thế nên mới có định kiến “Đời là bể trầm luân, là bể khổ”. Và để thanh tẩy cho sạch mọi tội lỗi, giũ sạch mọi vết nhơ gây nên đau khổ, con người cần phải được thanh luyện. Nơi thanh luyện đó Giáo Hội định tín là “Luyện ngục” như sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo viết: Điều 1030: “Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đat được sư thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc Thiên đàng”. Và Điều 1031: “Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là Luỵên ngục. Điều này khác hẳn với hình phạt đời đời của kẻ bị chúc dữ: Hội Thánh công bố giáo lý về Luyện nguc cách riêng trong các Công đồng Flôrence và Trentô. Dựa vào một số đoạn Kinh Thánh, Hội Thánh nói về lửa thanh luyện”  (1Cr 3, 15; 1Pr 1,7) ‘*’.

 

Vì tình yêu, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và muôn loài, trong đó Người đã dựng nên con người để “thống trị mặt đất” (St 1, 28). Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải đau khổ, “không muốn cho ai bị diệt vong” (2Pr 3, 9). Việc Người sai Con Một xuống chịu đau khổ và chịu chết thảm khốc trên thập giá để cứu nhân loại chứng tỏ điều ấy (“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” – Mc 8, 31). Một vấn nạn được đặt ra: Với quyền năng vô hạn, Thiên Chúa chỉ cần phán một lời thì nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi là nguyên nhân gây ra đau khổ; vậy tại sao Người không làm như thế, mà còn sai Con Một là Đức Giê-su Ki-tô – Đấng Trọn Lành, tinh tuyền không hề một chút bợn nhơ – phải chịu đau khổ và chịu chết như một tội nhân? Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Nếu chỉ “phán một lời” thì nhân loại sẽ không thấu hiểu được công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, nên đây chính là một mạc khải Mầu nhiệm Cứu độ để loài người “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền) mà tin. Đển như vây mà sau 2000 năm vẫn còn quá nhiều kẻ không tin, huống hồ!

 

Quả thật Đức Giê-su Thiên Chúa “đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1, 5). Tuy nhiên, con người vẫn ngụp lặn trong tội lỗi mà không tự biết, nên muốn rửa sạch tội lỗi rất cần phải có một cuộc thanh tẩy, khổ luyện. Nếu tỉnh ngộ sớm thì cuộc thanh luyện sẽ diễn ra ngay ở trần thế mang tính chủ quan (bản thân tội nhân tự ý thức và chủ động bước vào cuộc khổ luyện để thanh tẩy tội lỗi), còn nếu không tỉnh ngộ sớm thì khi trở về thế giới bên kia sẽ có hai cửa: một là “Hoả ngục – lò lửa không bao giờ tắt” (Mt 5, 22-29; 13, 41-42) dành cho những phạm nhân mắc trọng tội mà không biết hối cải, ở đó họ sẽ phải “khóc lóc nghiến răng” đời đời (Mt 25, 41); còn cửa kia là “Luyện ngục”, nơi dành cho những tội nhân vẫn còn biết hướng thiện, ở đó họ sẽ được thanh luyện “như thể băng qua lửa” (1Cr 3, 15). Vậy thì đau khổ là do con người tự chuốc lấy khi phạm tội, duy chỉ có điều con người có thực sự nhìn ra được tội lỗi của mình hay không mà thôi.

 

Tất cả tội lỗi của con người ở trần gian có thể quy về một nguyên nhân chính là tính ích kỷ. Ngoại tình ư? Vì tôi muốn thoả mãn cơn thèm khát tình dục của tôi. Gian dối, lừa lọc ư? Cũng chỉ nhằm trục lợi cho bản thân. Trộm cướp ư? Vì tôi muốn không làm mà vẫn có ăn, thậm chí còn trở nên giàu có nữa. Kiêu ngạo ư? Cũng chỉ vì muốn đưa mình lên cao hơn mọi người để bản thân được hường lợi (đứng hàng đầu, ngồi “cỗ nhất”…). Đến như ganh ghét, thù hận, chém giết nhau, rồi khủng bố, chiến tranh … chung quy cũng chỉ là muốn đem về cho mình những lợi lộc (cả vật chất lẫn tinh thần). “Ích kỷ hại nhân” ( : lợi mình hại người) là đương nhiên vậy. Ích kỷ là mưu lợi cho bản thân, nên có thể nói con người chỉ thích “vị kỷ” (   :  vì mình) hơn là “vị tha” (   : vì người), để từ đó sa vòng tội lỗi rồi tự gây nên đau khổ như một án phạt tất yếu. Vì thế nên Hiến chế “Mục Vụ về Giáo Hội” viết: “Mọi sinh hoạt hằng ngày của con người đang lâm nguy vì kiêu ngạo, và lòng ích kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Ki-tô (“Gaudium et Spes”, số 37).

 

Nhưng nếu ích kỷ là nguồn gốc phát sinh tội lỗi, thì tội lỗi lại là cơ hội Thiên Chúa biểu lộ tình thương xót nhân từ không biết mệt mỏi của Người, hầu đưa toàn thể nhân loại đạt tới cùng đích là sự sống đời đời. Quả thật "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5, 31-32). Chính vì thế nên “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20); “Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giê-su Ki-tô đã đổ tràn ân sủng trên thế giới tội lỗi”  (Rm 5,21). Do đó, người ta chỉ có thể vào được Thiên Đàng khi họ có đầy tràn tình yêu và không còn chút tính ích kỷ nào nữa. Nắm vững điều này, ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa Lời dạy của Đức Giê-su, khi có người thanh niên – vốn đã giữ rất chu đáo các lề luật – hỏi Người về cách đạt được sự sống đời đời: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi  (Mc 10,21). Điều đó có nghĩa là phải biết yêu thương và thật sự thể hiện tình yêu ấy thì mới được hạnh phúc đích thực là sự sống đời đời.

 

Người trộm lành trong bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ. Anh đã thể hiện được tinh thần vị tha trong tình yêu ấy. Trong cảnh đau khổ tột cùng (bị treo lên thập giá) nhưng anh không như tên gian phi đối diện chỉ nghĩ tới đau khổ của bản thân và mong được cứu vớt (“Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” – Lc 23, 39). Trái lại, người trộm lành chỉ nghĩ tới đau khổ của Đức Giê-su, thương cho Người bị hàm oan: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!  Chính vì thế, anh đã được Đức Giê-su ân thưởng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Người trộm lành tuy đầy tội lỗi, nhưng cuối cùng tình yêu đã biến anh thành người tốt lành, xứng đáng hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, đúng như lời dạy của thánh Phê-rô: “Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4, 8).

 

Thánh Gio-an Tông đồ đã viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20). Hiểu được như vậy, người Ki-tô hữu cần phải thực thi những “chứng tá bác ái” bằng hành vi lành thánh như nêu trên, không chỉ trong tháng Cầu Hồn, mà là trong cả năm Phụng vu; hơn thế nữa, trong suốt cả cuộc đời của mình trên hành trình tiến về quê Trời. Ấy cũng bởi vì “cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (GH, 50); “Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn” (Giáo lý HTCG, điều 958). Thật thế, hành vi bác ái cầu cho các linh hồn chính là Tình Yêu, mà Thiên Chúa là Tình Yêu, nên “ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4, 16). Tình yêu đó không chỉ là “cho đi” mà còn là “nhận về” cho chính bản thân mình những lợi ích siêu nhiên, bởi vì “eros và agape – tình yêu nhận về và cho đi – không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời.” (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 7).

 

Kính nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất chính là thể hiện tình yêu “nhận về” và “cho đi”. Thực thế, chúng ta đã nhận về từ các ngài (tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và nói chung là các đấng tiền nhân) những gia sản từ vật chất tới tinh thần, bổn phận chúng ta là phải biết “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nói cách khác là bày tỏ lòng hiếu thảo để tưởng nhớ công ơn tiền nhân như một hành vi “báo hiếu” – hành vi bác ái. Hành vi đó không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài bằng ở cường độ tình yêu tích cực bên trong, vì các ngài giờ đây không cần mâm cao cỗ đầy dâng cúng, mà cần những tấm lòng vị tha chia sẻ Tình Yêu Thiên Chúa cho các ngài. Một cách cụ thể là cầu nguyện xin Thiên Chúa thương ban cho các ngài sớm được hưởng phúc trên Thiên quốc, hon là những lễ giỗ, lễ tưởng niệm hoành tráng, tiệc tùng linh đình.

 

Như vậy là đã rõ, sở dĩ chúng ta cần cầu nguyện cho các đẳng linh hồn là vì các ngài đã mất khả năng tự “lập công chuộc tội” cho mình, mà chỉ trông nhờ vào công đức của chúng ta cầu thay nguyện giúp cho các ngài mà thôi. Vả lại, vì chúng ta cùng sống trong mầu nhiệm “các thánh thông công”, nên việc cầu nguyện cho các ngài thực sự là bổn phận của mỗi người chúng ta – những người đang sống trong Giáo Hội Lữ hành. Chúng ta là các chi thể trong cùng một “thân thể duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô”, nên chúng ta không thể nào làm ngơ giả điếc khi có một chi thể bị đau đớn. Hơn thế nữa, vì tình yêu là món quà vô giá chúng ta đã “nhận về” từ Thiên Chúa, thì không lý gì mà chúng ta lại quên “cho đi” với người anh em đang rất cần sự trợ giúp. Và khi đã “cho đi” như vậy, thì đừng nghĩ rằng mình sẽ mất đi tất cả. Ngược lại, chính sự “cho đi” ấy lại giúp chúng ta “nhận về” gấp bội từ Thiên Chúa, kể cả những tiền nhân nơi luyện ngục khi các ngài đã trở nên tinh tuyền hưởng nhan Thiên Chúa.

 

Ôi! Lạy Chúa, Thánh Gio-an Tông đồ đã dạy: "Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo" (1Ga 4,18). Con cảm thấy chính khi con thật sự có tình yêu thì con không sợ đau khổ, mà sẵn sàng đón nhận đau khổ để người khác được hạnh phúc, đồng thời cũng là cách thanh luỵên cho chính bản thân con nên hoàn thiện, hầu được Đức Giê-su Thiên Chúa trìu mến nói với con như với người trộm lành năm xưa: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Ôi! “Lạy Chúa, xin đoái thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, để khi chúng con tin Con Chúa đã từ cõi chết sống lại, thì cũng được vững lòng trông cậy rằng các tôi tớ Chúa sẽ sống lại. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen” (Lời nguyện lễ “Cầu cho các tín hữu đã qua đời” – Lễ Nhất).

 

JM. Lam Thy ĐVD.

Chú thích:  ‘*’ – “Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1Cr 3, 15); “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1, 7).