Lễ Đức Mẹ Lộ Đức
LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC VÀ NGÀY THẾ GIỚI CÁC BỆNH NHÂN
Năm nay Lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/02) nhằm đúng ngày mồng 2 Tết Quý Tỵ và trước Lễ Tro (13/02) một ngày. Sự trùng hợp tuy là ngẫu nhiên nhưng mang thật nhiều ý nghĩa. Trước hết, ngày mồng 2 Tết là ngày “Cầu cho Tổ tiên, ông bà, cha mẹ”. Đó chính là tinh thần bác ái Ki-tô Giáo (mến Chúa, yêu người). Đức hiếu thảo là nhân đức hàng đầu thể hiện lòng vị tha (Trong 10 điều răn, sau 3 điều “mến Chúa” thì điều thứ tư đứng đầu trong 7 điều “yêu người” là: Thảo kính cha me). Còn Lễ Tro mở đầu Mùa Chay, mà “Việc cử hành Mùa Chay, trong bối cảnh của Năm Đức Tin cho chúng ta một cơ hội quý báu để suy niệm về mối quan hệ giữa đức tin và đức ái: giữa việc tin vào Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô, và tình yêu, là hoa quả của tác động của Chúa Thánh Thần, và là điều hướng dẫn chúng ta trên con đường tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân.” (Lời mở đầu Sứ điệp Mùa Chay 2013 của ĐTC Biển Đức XVI). Quả thực “Đứng trước một thế giới đang đòi hỏi các tín hữu Ki-tô một chứng tá được đổi mới về tình yêu thương và lòng trung thành với Chúa, tất cả chúng ta cảm thấy sự cấp thiết phải nỗ lực thi nhau làm việc bác ái, phục vụ và làm việc lành (Xc Dt 6,10). Lời kêu gọi này đặc biệt mạnh mẽ trong mùa thánh chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh”. (Sứ điệp Mùa Chay 2012, kết luận).
Vâng, hơn nơi nào hết, Lộ Đức là nơi thể hiện sinh động nhất, thuyết phục nhất điều răn quan trọng nhất là “yêu Chúa hết lòng, hết linh, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình”. Nói yêu người thì không gì bằng thể hiện qua hành động, mà hành động cụ thể hơn cả là đến với người tật bệnh, khó nghèo, lao tù như Lời Chúa Giê-su Ki-tô đã dạy (“Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” – Mt 10, 7-8; "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." – Mt 9, 12-13) và chính Người đã thực hiện.
Với tinh thần “xin vâng”, chính Người Mẹ Đức Giê-su Thiên Chúa đã thực hiện đúng như lời dạy của con mình là thể hiện tình mẹ hiền đối với đàn con nơi trần thế, nhất là những người con yếu đau, sầu khổ. Vào ngày 11/02/1858, Đức Mẹ đã hiện ra với ba chị em nhà nghèo (Bernadette Soubirous, Toinette, Jeanne Abadie) đi kiếm củi ở Lộ Đức (Lourdes, miền nam nuớc Pháp). Sau đó, Đức Mẹ liên tục hiện ra với nhiều người và chữa đủ thứ bệnh cho rất nhiều bệnh nhân. Quả thật “Điều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Đức Mẹ Lộ Đức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên và theo dòng thời gian, Lộ Đức đã trở nên một cứ điểm thật sự của đời sống và hy vọng”. Chính vì thế nên "Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là cơ hội để tái khám phá mối “quan hệ sâu sắc” giữa Đức Mẹ và những người đau yếu.." (xc Sứ điệp thành lập “Ngày Quốc Tế cầu cho các bệnh nhân năm 1992” của ĐTC Gioan-Phaolô II).
Đã có trên 200 triệu lượt người hành hương Lộ Đức kể từ năm 1860. Trong hơn 6.000 trường hợp được lành bệnh, thì Giáo Hội đã công nhận 68 phép lạ Đức Mẹ chữa lành bệnh một cách công khai. Trường hợp được chữa lành của ông Serge François (mắc chứng thoát vị đệm (hernia) từ nhiều năm và được giải phẫu hai lần, khiến cho chân trái gần như hoàn toàn tê liệt) là phép lạ thứ 68 được Giáo Hội nhìn nhận sự lành bệnh không thể giải thích được của một bệnh nhân đến cầu nguyện tại Lộ Ðức. Cũng đã có nhiều cuộc điều tra cùa Giáo quyên địa phương tới Giáo Hội toàn cầu, kể cả những cuộc thử nghiệm nước suối Lộ Đức của các bác sĩ, khoa học gia. Tất cả đều công nhận những bệnh nhân được chữa lành là do quyền phép của một đấng thần linh, chớ hoàn toàn không phải do con người trần thế hoặc nước suối thiên nhiên có sẵn dược tính. Điều đó chứng tỏ Đức Maria Vô Nhiễm đã chọn Lộ Đức để biểu lộ tình thương của Thiên Chúa và của Mẹ. Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, Thiên Chúa đã bày tỏ vinh quang của Người cho nhân loại, khi chữa lành nhiều bệnh tật của nhiều anh chị em được đem đến Lộ Đức.
Từ những phép lạ này, Mẹ Maria chữa lành bệnh tật thể xác cho những người tin, kêu gọi họ sám hối, để từ đó Mẹ mở cửa tâm hồn chữa lành cả tâm bệnh cho họ. Quả nhiên các bệnh nhân đến Lộ Đức đã khám phá ra giá trị khôn lường của đau khổ, dưới ánh sáng đức tin, họ đã tiến đến và hiểu được mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời họ. Họ đã không còn bị quằn quại bởi ngọn lửa đau khổ dằn vặt đốt cháy họ, nhưng đã giúp họ đón nhận đau khổ như hy lễ góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Họ đã dâng những đau khổ để cầu nguyện cho người có tội ăn năn trở lại, để cầu nguyện cho nhân loại sám hối và trở về với Thiên Chúa. Vì thế, có thể khẳng định phép lạ cao cả nhất tại Lộ Đức là phép lạ của niềm tin, nhiều bệnh nhân đã chấp nhận với tinh thần lạc quan, những bệnh tật họ đang mang và can đảm chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời mình.
Như vậy, Lộ Đức không chỉ là nơi tập trung những bệnh nhân hay những Ki-tô hữu hành hương đến cầu nguyện xin ơn tha tội, mà đã trở nên như một điểm hẹn của những con người thiện chí không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc trên khắp thế giới. Vâng, chính tại nơi đây người ta đã tổ chức các hội nghị quốc tế về y khoa, và cũng chính tại nơi đây đã phát sinh nhiều tổ chức thiện nguyện giúp đỡ các bệnh nhân từ nhiều nơi trên thế giới. Lộ Đức quả thực đã trở thành trung tâm hành hương của tình thương và tính hịêp nhất huynh đệ.
Một số nét sơ lược về Đức Mẹ Lộ Đức, ngu mỗ muốn được chia sẻ với anh chị em bè bạn gần xa – nhất là các bạn trẻ – về một mục đích nhắm tới của chúng ta là nhân ngày Đầu Năm Mới Quý Tỵ tiếp liền với ngày Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay Thánh năm 2013, chúng ta hãy noi gương Mẹ, học theo Mẹ “xin vâng” thánh ý Chúa, thực hành Lời dạy của Người, bằng cách đến với những anh chị em khó nghèo tật bệnh. Để thực hiện ước nguyện đó, xin được gửi tới toàn thể tài liệu học tập về Sứ điệp “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân – 2013” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
Trước khi chúng ta cùng học tập Sứ địêp, xin hiệp ý cầu nguyện:
Kinh Cầu Với Ðức Mẹ Lộ Ðức
Ôi Maria Vô Nhiễm Khiết trinh, là Mẹ của Lòng thương xót, là Sức khỏe của người bệnh, là Chốn ẩn náu của người tội lỗi, là Niềm ủi an của người đau khổ, Mẹ biết rõ những ước muốn, khó khăn, và đau khổ của chúng con. Xin Mẹ đoái nhìn đến chúng con với Lòng thương xót.
Khi Mẹ hiện ra nơi hang đá Lộ đức, Mẹ đã biến nơi đó thành chốn linh thiêng, nơi mà chúng con đến nhận những ơn lành của Mẹ, và là nơi những kẻ khốn khổ đến nhận sự chữa lành bệnh tật về tâm linh và thể xác của họ. Vì thế, chúng con chạy đến với lòng tin tưởng hoàn toàn vào Mẹ và van xin lời cầu bầu của Mẹ. Hỡi Mẹ yêu dấu của chúng con! Xin Mẹ nhận lời kêu xin của chúng con. Chúng con cố gắng học các nhân đức của Mẹ, để một ngày kia chúng con sẽ cùng chia sẻ hạnh phúc và dâng lời chúc tụng Mẹ trên nước thiên đàng. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
--------------------------------------------------
TÀI LIỆU HỌC TẬP: SỨ ĐIỆP
“NGÀY THẾ GIỚI CÁC BỆNH NHÂN – 2013”
1- Hỏi: Vì lý do gì mà Giáo Hội thiết lập “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân”?
Đáp: Ngay từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo trên quê hương Việt Nam, thì những anh em không cùng tín ngưỡng (kể cả những người vô thần) đều gọi Đạo Công Giáo là Đạo Yêu Thương, Đạo Bác Ái. Cũng bởi vì giới luật căn bản của Ki-tô Giáo là “Mến Chúa yêu người”, muốn “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” thì phải “yêu người thân cận như chính mình”, và chỉ có “yêu người như yêu chính mình (ái nhân như ái thân)” mới là thực sự “mến Chua”. Ngay trong Cựu Ước cũng tiên tri về Người Tôi Trung của Thiên Chúa là Đức Ki-tô: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 4), và cũng chính Đức Vua Tình Yêu Giê-su luôn luôn dậy: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9, 12-13). Người cũng ra lệnh cho các môn đệ ngoài việc rao giảng Tin Mừng, còn phải giải quyết những nhu cầu thể chất và cấp bách của dân chúng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 7-8).
Giáo Hội Công Giáo luôn trung thành với truyền thống đó và đã thể hiện trong tất cả mọi hoạt động truyền giáo bằng những “chứng tá bác ái”. Trải dài theo lịch sử Giáo Hội, thì tất cả 21 Công Đồng Chung đều luôn thể hiện tinh thần đó, nhưng đặc biệt hơn cả là Công Đồng Chung thứ 21 Va-ti-ca-nô II đã dành hẳn một chương trong chương trình nghị sự để bàn về công tác chăm sóc bệnh nhân. Các Nghị Phụ đã khẳng định: “Ðó là học thuyết Ki-tô giáo về đau khổ, học thuyết duy nhất mang lại bình an. Xin biết chắc chắn rằng anh em không cô độc, không bị loại trừ, bị bỏ rơi hoặc bị coi là vô dụng. Trái lại anh em là những người được Chúa Ki-tô kêu gọi, là hình ảnh sống động và trong suốt của Chúa. Nhân danh Chúa, Công Ðồng âu yếm chào thăm anh em, cảm ơn và đoan chắc với anh em về tình thân hữu, về sự giúp đỡ của Giáo Hội và chúc phúc lành cho anh em.” (xc Sứ Ðiệp Của Công Ðồng Nhân Dịp Bế Mạc (8-12-1965) “Gửi Người Nghèo, Bệnh Tật Và Ðau Khổ” – số 26-27). Đó chính là lý do thúc đẩy ĐGH Gioan-Phaolô II ban hành Thư thành lập “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân – 13/5/1992” và coi đây là “thời điểm ưu tiên để cầu nguyện, chia sẻ, dâng đau khổ để mưu ích cho Giáo Hội và nhắc nhở tất cả mọi người cần nhận ra nơi khuôn mặt của người anh em đau yếu của mình Thánh Nhan Chúa Ki-tô, Đấng cứu độ nhân loại qua đau khổ, chịu chết và sống lại” (Thư thành lập “Ngày Thế Giới các bệnh nhân”, số 3).
2- Hỏi: Hãy sơ lược về quá trình thiết lập “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân”?
Đáp : Kể từ ngày ĐTC Gioan-Phaolô II ban hành Thư thành lập “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân”, thì ngày này được ấn định vào lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/02 hàng năm). Thật là ý nghĩa khi lấy ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức làm ngày “Thế Giới các Bệnh Nhân”, vì vào năm 1858 Đức Mẹ đã hiện ra với ba chị em nhà nghèo (Bernadette Soubirous, Toinette, Jeanne Abadie) đi kiếm củi. Sau đó, Đức Mẹ liên tục hiện ra với nhiều người và chữa đủ thứ bệnh cho rất nhiều bệnh nhân. Giới y khoa thế giới cũng đã tới điều tra và phân tich nước của dòng suối Lộ Đức, thì chỉ thấy nước suối cũng như nước suối của các nơi khác. Cuối cùng thì khoa học phải công nhận những bệnh nhân được chữa khỏi nhờ nước của dòng suối này là phép lạ của thần linh, khoa học không giải thích được. Thật là diệu huyền! Chỉ cần có một niềm tin và lời cầu nguyện chân thành, khi được uống hoặc chạm tay chân vào dòng nước suối Lộ Đức, thì bệnh tật (kể cả những bệnh nan y như phong cùi, bất toại...) sẽ tiêu tan. Đã có trên 200 triệu lượt người hành hương Lộ Đức kể từ năm 1860. Đã có trên 6.000 trường hợp được lành bệnh, và Giáo Hội đã công nhận 68 phép lạ Đức Mẹ chữa lành bệnh một cách công khai. Trường hợp được chữa lành của ông Serge François – mắc chứng thoát vị đệm (hernia) từ nhiều năm và được giải phẫu hai lần, khiến cho chân trái gần như hoàn toàn tê liệt – là phép lạ thứ 68 được Giáo Hội nhìn nhận sự lành bệnh không thể giải thích được của một bệnh nhân đến cầu nguyện tại Lộ Ðức.
Chính vì thế, nên mở đầu Sứ điệp “Ngày Thế Giới các Bệnh Nhân – 2013” (số 1), ĐTC Biển Đức viết: “Ngày 11-2-2013 lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 sẽ được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting. Ngày này đối với các bệnh nhân và các nhân viên y tế, các tín hữu Ki-tô và mọi người thiện chí là “thời điểm ưu tiên để cầu nguyện, chia sẻ, dâng đau khổ để mưu ích cho Giáo Hội và nhắc nhở tất cả mọi người cần nhận ra nơi khuôn mặt của người anh em đau yếu của mình Thánh Nhan Chúa Kitô, Đấng cứu độ nhân loại qua đau khổ, chịu chết và sống lại” (ĐTC Gioan Phaolô II, Thư thành lập “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân” – 13-5-1992, số 3). Trong hoàn cảnh này, tôi đặc biệt cảm thấy gần gũi mỗi người trong anh chị em, các bệnh nhân quí mến, là những người đang sống một thời điểm thử thách khó khăn, tại các nhà từ thiện, dưỡng đường hoặc tại gia, vì bệnh tật và đau khổ. Ước gì những lời trấn an này của các Nghị Phụ Công đồng chung Va-ti-ca-nô II cũng được gửi đến tất cả anh chị em: “Anh chị em không bị bỏ rơi, cũng chẳng phải là vô dụng: anh chị em được Chúa Ki-tô kêu gọi, anh chị em là hình ảnh trong sáng của Chúa” (Sứ điệp gửi người nghèo, các bệnh nhân và người đau khổ).
3- Hỏi: Mỗi sứ điệp đều có những suy tư gợi ý. Cho biết ĐTC Biển Đức XVI đã có gợi ý gì khi ban hành sứ điệp “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân”. Hãy phân tích nội dung suy tư gợi ý đó.
Đáp: ĐTC viết trong Sứ điệp (số 2): “Để tháp tùng anh chị em trong cuộc hành hương thiêng liêng từ Lộ Đức, là địa điểm và là biểu tượng hy vọng và ân phúc, dẫn chúng ta đến Đền thánh Altoetting, tôi muốn đề nghị anh chị em suy tư về hình ảnh biểu tượng người Samaritano Nhân Lành (Xc Lc 10, 25-37)”. Về biểu tượng “Nguời Sa-ma-ri nhân lành”, Thánh sử Lu-ca đã trình thuật: “Có một người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống." Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" (Lc 25-29). Để trả lời thắc mắc của người thông luật (và nói chung là của loài người), Đức Giê-su đã kể dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành”. Điều này cho thấy quan điểm nhất quán của Đức Giê-su Thiên Chúa luôn coi tất cả loài ngươi đều là người thân cận với nhau (“tứ hải giai huynh đệ”: người trong bốn bể đều là anh em) vì cùng là con một Cha trên trời.
Đó là lý do ĐTC lấy dụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân lành” để mời gọi mọi người cùng suy tư. Ngài nhấn mạnh (Sđ nêu trên, số 2): “Dụ ngôn Phúc Âm được thánh Lu-ca thuật lại được tháp nhập vào trong một loạt những hình ảnh và trình thuật rút từ đời sống thường nhật, qua đó Chúa Giê-su muốn giúp ta hiểu tình thương sâu đậm của Thiên Chúa đối với mỗi người, đặc biệt khi họ ở trong bệnh tật và đau khổ. Nhưng đồng thời, qua lời kết luận dụ ngôn người Samaritano Nhân Lành, ”Anh hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37), Chúa chỉ rõ đâu là thái độ mà mỗi môn đệ của Chúa phải có đối với tha nhân, nhất là những người cần được chăm sóc. Vấn đề ở đây là kín múc, từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, qua một quan hệ nồng nhiệt với Chúa trong kinh nguyện, sức mạnh để sống hằng ngày sự quan tâm cụ thể như người Samaritano Nhân Lành, đối với những ai bị thương tích trong thân xác và tinh thần, những người đang kêu cứu, và cả những người vô danh và thiếu thốn phương tiện. Điều này được áp dụng không những cho các nhân viên mục vụ và y tế, nhưng cho tất cả mọi người, kể cả bệnh nhân, họ có thể sống tình trạng của mình trong viễn tượng đức tin. ”Không phải tránh né đau khổ, trốn chạy trước đau khổ, chữa lành con người, nhưng là khả năng chấp nhập sầu muộn và trưởng thành trong đó, tìm được ý nghĩa nhờ sự kết hiệp với Chúa Ki-tô, Đấng đã chịu đau khổ với tình thương vô biên” (Thông điệp Spe salvi, 37).
4- Hỏi: Từ hình ảnh “Người Sa-ma-ri nhân lành”, ĐTC muốn Ki-tô hữu phải làm gì đối với các bệnh nhân?
Đáp: ĐTC đã viết “Nhiều Giáo Phụ đã nhìn thấy chính Chúa Giê-su nơi hình ảnh người Samaritano Nhân Lành” (Sđ nêu trên, số 3). Vì sao vậy? Ấy cũng bởi vì khi có một người bị cướp lột sạch tiền bạc, đánh nhừ tử “nửa sống nửa chết nằm bên vệ đường”, thì có 2 người (một thầy Tư tế và một thầy Lê-vi) tình cờ đi ngang qua chỗ đó, trông thấy người bị cướp đả thương, liền tránh qua bên kia mà đi. Thái độ của những “người thông luật” (cỡ Tư tế, Luật sĩ, Thượng tế Do thái thời đó) là vậy đó: thờ ơ, lãnh đạm với nỗi đau khổ của anh em. Nhưng ngược lại, người Sa-ma-ri (dân ngoại) khi chứng kiến cảnh ấy đã chạnh lòng thương và “lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10, 34). Không những thế, còn lấy tiền trao cho chủ quán trọ nhờ tiếp tục săn sóc cho bệnh nhân. Rõ ràng, người Sa-ma-ri là bản sao trung thực nhất của Vua Tình Yêu Giê-su vậy.
Từ mấu chốt đó, ĐTC viết tiếp: “Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng làm cho tình thương của Chúa Cha hiện diện, tình thương trung tín, vĩnh cửu, không có hàng rào cũng chẳng có biên cương. Nhưng Chúa Giê-su cũng là Đấng ”tự cởi bỏ chiếc áo thần linh của Ngài”, hạ mình xuống từ thân phận thần linh, để mặc lấy hình người (Pl 2,6-8), và đến gần đau khổ của con người, đến độ xuống ngục, như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính, và mang lại hy vọng và ánh sáng. Ngài không coi sự đồng hàng với Thiên Chúa, địa vị là Thiên Chúa của Ngài như một kho báu riêng (Xc Pl 2,6), nhưng cúi mình xuống, đầy lòng từ bi, trên vực thẳm đau khổ của con người, để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng.” (Sđ nêu trên, số 3).
Vâng, Đức Giê-su đã “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6), đồng thời “Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 4). Khi đọc Tin Mừng, ai cũng thấy rõ Chúa Giê-su luôn tỏ ra đặc biệt quan tâm tới những người yếu đau, bệnh tật. Nhiều câu chuyện chữa lành tuyệt vời được kể lại: “Thiên hạ đem đến cho người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt và Người đã chữa họ.” (Mt 4, 24); “Chúa Giêsu trên núi đi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa, một người phong hủi tiến lại…Người giơ tay đụng vào anh và bảo, tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.” (Mt 8, 1-3); “Đức Giê-su chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại (với người đàn bà bị băng huyết thì Người phán: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh." (Mc 5, 34); còn với con gái ông Trưởng Hội đồng 12 tuổi, đã chết, nhưng khi Đức Ki-tô truyền "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! " thì ngay lập tức con bé đứng dậy và đi lại được (Mc 5, 42); “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa các bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 9, 35)…
Thiên Chúa đã dựng nên loài người giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27), vậy thì tại sao loài người lại không “nhìn thấy chính Đức Giê-su Thiên Chúa nơi hình ảnh người anh em”, nhất là những anh em nghèo khó, bệnh tật, tù tội...? Năm nay là năm Đức Tin mà “Đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” (Thánh Âu-tinh), vậy thì người Ki-tô hữu hãy khắc ghi lời giáo huấn của người Cha Chung nơi Giáo Hội trần thế: ”Năm Đức Tin chúng ta đang sống là một cơ hội thuận tiện để tăng cường việc phục vụ bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta, để mỗi người trở thành người Samaritano Nhân Lành đối với tha nhân, đối với những người đang ở cạnh chúng ta.” (Sđ nêu trên, số 4).
5- Hỏi: ĐTC đã dùng những hình ảnh hay sự kiện nào để mình hoạ cho lời kêu gọi của ngài trong “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân”?
Đáp: Để minh hoạ cho lời mời gọi Ki-tô hữu dấn thân cho “Ngày Thê Giới Các Bệnh Nhân”, đến với anh em nghèo khó bệnh tật, ĐTC đã nêu bật nhiều tấm gương sáng trong Giáo Hội như: Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã sống ”trong sự kết hiệp sâu xa với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su” căn bệnh ”đưa thánh nữ đến cái chết qua đau khổ lớn lao”; Đấng Đáng Kính linh mục Luigi Novarese khi thi hành sứ vụ, đã đặc biệt cảm thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho và với các bệnh nhân và những người đau khổ; Ông Raoul Follereau dâng hiến trọn cuộc đời để săn sóc những người bị bệnh phong cùi (Hansen); Chân phước Mẹ Tê-rê-sa Calcutta suốt đời luôn luôn với xâu chuỗi Mân Côi trong tay, để gặp gỡ và phụng sự Chúa trong những người đau khổ, nhất là nơi những người ”không được mong muốn, không được yêu thương, chăm sóc” (mà xã hội đã coi họ như một đống phế liệu); Thánh nữ Anna Schaeffer cũng biết kết hiệp một cách gương mẫu những đau khổ của chị với khổ đau của Chúa Ki-tô: “chị trở thành một dụng cụ chuyển cầu không biết mệt mỏi trong kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa đối với nhiều người tìm kiếm lời khuyên của chị”.
Tất cả những tầm gương sáng được nêu lên đó dẫn đến một mẫu gương tuyệt đối vô song là “Đức Trinh Nữ Maria, Người đã theo Chúa Con chịu đau khổ cho đến hy tế tột cùng trên đồi Golgota. Mẹ không bao giờ mất niềm hy vọng nơi chiến thắng của Thiên Chúa trên sự ác, đau khổ và sự chết, và Mẹ biết đón nhận với cùng một vòng tay tin yêu Con Thiên Chúa sinh ra nơi hang đá Bê-lem và chết trên thập giá. Niềm tín thác mạnh mẽ của Mẹ nơi quyền năng của Thiên Chúa được chiếu sáng nhờ sự sống lại của Chuá Ki-tô, Đấng ban hy vọng cho những ai ở trong đau khổ và canh tân niềm xác tín về sự gần gũi và an ủi của Chúa.” (Sđ nêu trên, số 4)
Nhân nói về những tấm gương sáng trong việc chăm sóc bệnh nhân, xin nêu thêm hai hình ảnh rất đáng trân trọng ở Việt Nam: Đó là Đức Cha Jean Cassaigne đã gắn bó với anh em dân tộc K’Hor ở Di Linh bị phong cùi một thời gian dài, rồi sau 15 năm làm Tổng Giám Mục Sài gòn, đã lại xin tình nguyện quay trở về sống giữa những người bệnh cùi ở Di Linh. Ngài sống với họ thêm 18 năm rồi lây bệnh và qua đời năm 1973; Linh mục Paul Mahu, một Linh Mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi, đến sống giữa những người cùi ở Quy Hoà cho đến chết. Xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người ngài thương yêu nhất. Ngoài ra, còn thật nhiều những hội từ thiện, bác ái cả trong Giáo Hội lẫn ngoài xã hội đã dấn thân, xả mình cho những bệnh nhân – nhất là những bệnh thế kỷ Siđa HIV Aids.
6- Hỏi: Nơi phần kết luận, ĐTC đã viết gì?
Đáp: Nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các tổ chức, hội đoàn, dòng tu và tất cả cộng đoàn dân Chúa đã dấn thân trong mục vụ y tế, ĐTC viết nơi phần kết luận (số 5): “Sau cùng, tôi muốn nghĩ đến, với lòng biết ơn nồng nhiệt và khích lệ, tất cả các tổ chức y tế Công Giáo và xã hội dân sự, các giáo phận, cộng đoàn Ki-tô, các gia đình dòng tu dấn thân trong việc mục vụ y tế, tôi nghĩ đến các hiệp hội các nhân viên y tế và thiện nguyện. Ước gì tất cả đều gia tăng ý thức rằng ”khi quảng đại và yêu thương tiếp đón mỗi sự sống con người, nhất là những người yếu thế và bệnh tật, Giáo Hội ngày nay đang sống một thời điểm căn bản trong sứ vụ của mình” (Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám Mục ”Người Tín hữu giáo dân”, số 38).
Nói đến tấm gương tuyệt đối vô song là Đức Trinh Nữ Maria, thì không thể quên tước hiệu của ngài: Mẹ Sầu Bi. Chỉ với tước hiệu này cũng đủ để nói lên tình Mẹ hiền đối với Trưởng Tử Giê-su và đoàn con trần thế – nhất là những người con “đang khóc lóc cần được ủi an, chia sẻ” (mối phúc thứ 3 trong “8 Mối Phúc”). Vì thế, Đức Thánh Cha viết: “Tôi phó thác Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria Ân Phúc chí thánh được tôn kính tại Altoetting, xin Mẹ luôn tháp tùng nhân loại đau khổ, đang tìm kiếm sự thoa dịu và niềm hy vọng vững chắc, xin Mẹ trợ giúp tất cả những người can dự vào công việc tông đồ từ bi để họ trở thành những người Samaritano Nhân Lành cho anh chị em mình đang chịu thử thách vì bệnh tật và đau khổ, đồng thời tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh” (Sđ nêu trên, số 5).
Mong rằng tất cả mọi Ki-tô hữu khi được nghe tuyên đọc Sứ điệp “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân” sẽ nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Cha Chung, cùng hiệp sức cầu nguyện Thần Khi Chúa soi sáng và ban cho can đảm dấn thân cộng tác với Giáo Hội, cộng tác với Thiên Chúa ("Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" – Thánh Âu- tinh) trong sứ vụ cao quý nhưng không ít khó khăn thử thách này, để đến với anh em khó nghèo, tật bệnh với tất cả tấm lòng quảng đại hy sinh. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
-----------------------------------------
THAM KHẢO:
SỨ ĐIỆP “NGÀY THẾ GIỚI CÁC BỆNH NHÂN - 2013
VATICAN – Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi các tín hữu tăng cường các hoạt động bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội nhân dịp Năm Đức Tin. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 8/01/2012, nhân dịp Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 sẽ được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting ở miền nam nước Đức vào ngày 11-2 tới đây, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề là câu nói của Chúa Giê-su sau khi kể dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành ”Anh cũng hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37).
Sau đây là bản dịch Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến!
1. Ngày 11-2-2013 lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 sẽ được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting. Ngày này đối với các bệnh nhân và các nhân viên y tế, các tín hữu Kitô và mọi người thiện chí là ”thời điểm ưu tiên để cầu nguyện, chia sẻ, dâng đau khổ để mưu ích cho Giáo Hội và nhắc nhở tất cả mọi người cần nhận ra nơi khuôn mặt của người anh em đau yếu của mình Thánh Nhan Chúa Kitô, Đấng cứu độ nhân loại qua đau khổ, chịu chết và sống lại” (Gioan Phaolô 2, Thư thành lập Ngày Quốc Tế các bệnh nhân, 13-5-1992,3). Trong hoàn cảnh này, tôi đặc biệt cảm thấy gần gũi mỗi người trong anh chị em, các bệnh nhân quí mến, là những người đang sống một thời điểm thử thách khó khăn, tại các nhà từ thiện, dưỡng đường hoặc tại gia, vì bệnh bật và đau khổ. Ước gì những lời trấn an này của các Nghị Phụ Công đồng chung Vatican 2 cũng được gửi đến tất cả anh chị em: ”Anh chị em không bị bỏ rơi, cũng chẳng phải là vô dụng: anh chị em được Chúa Kitô kêu gọi, anh chị em là hình ảnh trong sáng của Chúa” (Sứ điệp gửi người nghèo, các bệnh nhân và người đau khổ).
2. Để tháp tùng anh chị em trong cuộc hành hương thiêng liêng từ Lộ Đức, là địa điểm và là biểu tượng hy vọng và ân phúc, dẫn chúng ta đến Đền thánh Altoetting, tôi muốn đề nghị anh chị em suy tư về hình ảnh biểu tượng người Samaritano Nhân Lành (Xc Lc 10,25-37). Dụ ngôn Phúc Âm được thánh Luca thuật lại được tháp nhập vào trong một loạt những hình ảnh và trình thuật rút từ đời sống thường nhật, qua đó Chúa Giêsu muốn giúp ta hiểu tình thương sâu đậm của Thiên Chúa đối với mỗi người, đặc biệt khi họ ở trong bệnh tật và đau khổ. Nhưng đồng thời, qua lời kết luận dụ ngôn người Samaritano Nhân Lành, ”Anh hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37), Chúa chỉ rõ đâu là thái độ mà mỗi môn đệ của Chúa phải có đối với tha nhân, nhất là những người cần được chăm sóc. Vấn đề ở đây là kín múc, từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, qua một quan hệ nồng nhiệt với Chúa trong kinh nguyện, sức mạnh để sống hằng ngày sự quan tâm cụ thể như người Samaritano Nhân Lành, đối với những ai bị thương tích trong thân xác và tinh thần, những người đang kêu cứu, và cả những người vô danh và thiếu thốn phương tiện. Điều này được áp dụng không những cho các nhân viên mục vụ và y tế, nhưng cho tất cả mọi người, kể cả bệnh nhân, họ có thể sống tình trạng của mình trong viễn tượng đức tin. ”Không phải tránh né đau khổ, trốn chạy trước đau khổ, chữa lành con người, nhưng là khả năng chấp nhập sầu muộn và trưởng thành trong đó, tìm được ý nghĩa nhờ sự kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ với tình thương vô biên” (Thông điệp Spe salvi, 37).
3. Nhiều Giáo Phụ đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi hình ảnh người Samaritano Nhân Lành, và các vị nhìn thấy nơi người bị cướp đả thương, Adam, Nhân loại bị hư mất và bị thương vì tội lỗi của mình (Xc Origne, Bài giảng về Tin Mừng Luca XXXIV, 1-9; Ambrogio, Chú giải Tin Mừng thánh Luca, 71-84; Augustino, Bài giảng 171). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng làm cho tình thương của Chúa Cha hiện diện, tình thương trung tín, vĩnh cửu, không có hàng rào cũng chẳng có biên cương. Nhưng Chúa Giêsu cũng là Đấng ”tự cởi bỏ chiếc áo thần linh của Ngài”, hạ mình xuống từ thân phận thần linh, để mặc lấy hình người (Pl 2,6-8), và đến gần đau khổ của con người, đến độ xuống ngục, như chúng ta đọc trong kinh Tin Mính, và mang lại hy vọng và ánh sáng. Ngài không coi sự đồng hàng với Thiên Chúa, địa vị là Thiên Chúa của Ngài như một kho báu riêng (Xc Pl 2,6), nhưng cúi mình xuống, đầy lòng từ bi, trên vực thẳm đau khổ của con người, để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng.
4. ”Năm Đức Tin chúng ta đang sống là một cơ hội thuận tiện để tăng cường việc phục vụ bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta, để mỗi người trở thành người Samaritano Nhân Lành đối với tha nhân, đối với những người đang ở cạnh chúng ta. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc đến một số nhân vật giữa vô số các vị trong lịch sử Giáo Hội, đã giúp đỡ những người bệnh tật yếu đau, đề cao giá trị của đau khổ trên bình diện nhân bản và thiêng liêng, để trở thành mẫu gương và khích lệ. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh, ”chuyên gia và khoa học tình yêu” (Gioan Phaolô 2, Tông thư ”Ngàn Năm mới đang đến”, 42), đã biết sống ”trong sự kết hiệp sâu xa với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu” căn bệnh ”đưa thánh nữ đến cái chết qua đau khổ lớn lao” (Buổi tiếp kiến chung, 6-4-2011).
Đấng Đáng Kính linh mục Luigi Novarese, mà nhiều người ngày nay vẫn còn giữ kỷ niệm sống động, khi thi hành sứ vụ, đã đặc biệt cảm thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho và với các bệnh nhân và những người đau khổ, mà Cha thường tháp tùng đến các trung tâm Thánh Mẫu, nhất là tới Hang Đá Lộ Đức. Được đức bác ái đối với tha nhân thúc đẩy, Ông Raoul Follereau dâng hiến trọn cuộc đời để săn sóc những người bị bệnh phong cùi (Hansen) cho đến tận những vùng xa xăm hẻo lánh nhất trên trái đất, Ông cũng cổ võ Ngày Thế giới chống bệnh phong cùi. Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta luôn bắt đầu mỗi ngày bằng cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh Thể, trước khi ra đường, với xâu chuỗi Mân Côi trong tay, để gặp gỡ và phụng sự Chúa trong những người đau khổ, nhất là nơi những người ”không được mong muốn, không được yêu thương, chăm sóc”.
Thánh nữ Anna Schaeffer làng Mindelstetten bên Đức, cũng biết kết hiệp một cách gương mẫu những đau khổ của chị với khổ đau của Chúa Kitô: ”Cái giường đau khổ trở thành ... căn phòng tu viện và đau khổ trở thành công tác phục vụ truyền giáo của chị.. Được củng cố nhờ Rước lễ hằng ngày, chị trở thành một dụng cụ chuyển cầu không biết mệt mỏi trong kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa đối với nhiều người tìm kiếm lời khuyên của chị” (Bài giảng lễ phong thánh, 21-10-2012). Trong Phúc âm nổi bật hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, Người đã theo Chúa Con chịu đau khổ cho đến hy tế tột cùng trên đồi Golgota. Mẹ không bao giờ mất niềm hy vọng nơi chiến thắng của Thiên Chúa trên sự ác, đau khổ và sự chết, và Mẹ biết đón nhận với cùng một vòng tay tin yêu Con Thiên Chúa sinh ra nơi hang đá Bethlehem và chết trên thập giá. Niềm tín thác mạnh mẽ của Mẹ nơi quyền năng của Thiên Chúa được chiếu sáng nhờ sự sống lại của Cháu Kitô, Đấng ban hy vọng cho những ai ở trong đau khổ và canh tân niềm xác tín về sự gần gũi và an ủi của Chúa.
5. Sau cùng, tôi muốn nghĩ đến, với lòng biết ơn nồng nhiệt và khích lệ, tất cả các tổ chức y tế Công Giáo và xã hội dân sự, các giáo phận, cộng đoàn Kitô, các gia đình dòng tu dấn thân trong việc mục vụ y tế, tôi nghĩ đến các hiệp hội các nhân viên y tế và thiện nguyện. Ước gì tất cả đều gia tăng ý thức rằng ”khi quảng đại và yêu thương tiếp đón mỗi sự sống con người, nhất là những người yếu thế và bệnh tật, Giáo Hội ngày nay đang sống một thời điểm căn bản trong sứ vụ của mình” (Gioan Phaolô 2, Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng Giám Mục ”Người Tín hữu giáo dân”, 38).
Tôi phó thác Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria Ân Phúc chí thánh được tôn kính tại Altoetting, xin Mẹ luôn tháp tùng nhân loại đau khổ, đang tìm kiếm sự thoa dịu và niềm hy vọng vững chắc, xin Mẹ trợ giúp tất cả những người can dự vào công việc tông đồ từ bi để họ trở thành những người Samaritano Nhân Lành cho anh chị em mình đang chịu thử thách vì bệnh tật và đau khổ, đồng thời tôi vui lòn ban Phép Lành Tòa Thánh”
Vatican ngày 2 tháng 1 năm 2013
Biển Đức 16, Giáo Hoàng
----------------------------------
Trong thời gian qua, ĐTC cũng đã bổ nhiệm ĐTGM. Zygmund Zimowski, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, làm Đặc Sứ của ngài đến chủ sự Ngày Thế Giới các bệnh nhân tới đây tại Trung tâm Thánh Mẫu Altoetting ở miền nam Đức. Đền thánh này được thành lập hồi cuối thể kỷ 15, sau khi một em bé 3 tuổi chết đuối được Đức Mẹ hồi sinh vào năm 1489.
Lm. G. Trần Đức Anh O.P. - RV
- Loại bài viết: