Lịch Phụng Vụ tháng 3/2013
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 3/2013
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, tháng 3 hằng năm là tháng đặc biệt dâng kính Thánh Giuse với ngày 19/3 là Lễ Trọng kính Thánh Giuse Bạn Đức Trinh Nữ Maria. Ngoài ra trong Tháng Ba này, chúng ta sẽ mừng Lễ các Chủa Nhật 3,4,5 Mùa Chay (Năm C), Chủa Nhật Lễ Lá, Tuần Thánh, Chủa Nhật Phục Sinh.
CHỦA NHẬT 3 MÙA CHAY (Ngày 3/3): Bài Đọc 1 (Sách Xuất Hành 3:1-8,13-15) ghi lại việc "Thiên Chúa hiện ra với ông Moisê tại núi Horeb, giữa ngọn lửa cháy trong bụi gai, mà không thiêu đốt bụi gai; rồi Chúa bảo ông Moisê không được đến gần và phải cởi dép ở chân ra, vì chỗ ông đang đứng là nơi thánh. Thiên Chúa tự xưng mình là "Đấng Hằng Hữu" là "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacob." Rồi Thiên Chúa gọi ông và sai ông đến với dân tộc ông là Israel để giải thoát họ khỏi cảnh áp bức của người Ai Cập. Trong Bài Đọc 2 (1 Côrintô 10:1-6,10-12), Thánh Phaolô nhắc lại việc ông Moisê dẫn đưa dân tộc Israrel vượt qua Biển Đỏ, đi qua sa mạc để về lại quê hương, nhưng có một số không sống đẹp lòng Chúa và đã "bị gục ngã trong hoang địa." Rồi Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy lấy đó như một điều cảnh tỉnh, đề phòng: "Ai tưởng mình đứng vững, hãy ý tứ kẻo sa ngã!" Trong Bài Phúc Âm (Luca 13:1-9), Chúa Giesu nhắc lại việc Philatô giết mấy người Galilê và việc 18 người bị tháp siloe đổ xuống đè chết và Chúa nói "những người đó không phải là những người tội lỗi hơn các người khác; nhưng ai không ăn năn hối cải thì sẽ bị hủy diệt như vậy. Chúa Giêsu cũng kể dụ ngôn cây vả để nói là Thiên Chúa chờ đợi chúng ta ăn năn trở lại cho đến phút chót, nếu cuối cùng chúng ta cũng không ăn năn hối cải thì sẽ "bị chặt đi." Mùa Chay là mùa Ăn Năn Hối Cải, như Giáo Hội đã nhắc nhở chúng ta ngay từ Thứ Tư Lễ Tro. Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, người kiên nhẫn chờ đợi chúng ta chừa bỏ tội lỗi để trở về đường ngay nẻo chính. Nhưng chúng ta không được lợi dụng lòng nhân từ của Chúa để cứ đắm chìm trong đam mê tội lỗi "sống thù nghịch với Thánh Giá của Chúa Kitô, thì chung cục cuộc đời của chúng ta sẽ phải hư vong! "(Thơ Philipphê 3:18-19).
CHỦA NHẬT 4 MÙA CHAY (Ngày 10/3): Bài Đọc 1 (Sách Giôsuê 5:9,10-12) nói đến việc Dân Israel mừng Lễ Vượt Qua tại cánh đồng Giêricô và ăn các thổ sản địa phương xứ Canaan, lúc đó Manna không còn nữa. Manna là của ăn Chúa nuôi dân Israel khi họ đi trong sa mạc khô cằn. Hằng năm Dân Israrel mừng Lễ Vượt Qua để kỷ niệm việc Thiên Chúa đã giúp họ trốn khỏi Ai Cập và dưới sự lãnh đạo của Moisê, Thiên Chúa đã đưa họ vượt qua được Biển Đỏ, thoát sự đuổi bắt của người Ai Cập. Trong Bài Đọc 2 (2 Côrintô 5:17-21), Thánh Phaolô mời gọi chúng ta, các tín hữu của Chúa, hãy luôn suy ngẫm cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu để chuộc tội chúng ta và quyết tâm chừa bỏ tội lỗi, xa tránh dịp tội, trở về làm hòa với Thiên Chúa. Bài Phúc Âm (Luca 15:1-3,11-32): Khi thấy những người thu thuế và những người tội lỗi, cũng đến nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy, những Luật Sĩ và Pharisiêu chỉ trích Chúa là đón tiếp cả những người tội lỗi và còn ngồi đồng bàn với họ; vì vậy, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn "Người Con Phung Phá" để cho họ hiểu rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ yêu thương mọi người và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của những người tội lỗi, nếu họ thật lòng ăn năn tội lỗi và trở về cùng Chúa. Đây là một dụ ngôn rất cảm động giúp chúng ta tin tưởng nơi lòng nhân lành của Chúa là Cha chúng ta, và quyết tâm ăn năn trở về với Chúa khi chúng ta trót sa ngã phạm tội vì yếu đuối của con người. Bài dụ ngôn cũng dạy chúng ta đừng tự kiêu tự đại như những Luật sĩ và Pharisiêu để kết án người khác, cũng đừng bắt chước người con cả, giận dữ với người Cha vì cha anh vui mừng, làm tiệc đón tiếp người em của anh trở về. Trái lại chúng ta hãy vui mừng với Chúa khi có người tội lỗi ăn năn trở lại.
Trong Thánh Lễ hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng biết noi gương lòng nhân lành của Chúa để sẵn sàng tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta cách này, cách khác. Trong tinh thần sám hối của Mùa Chay, chúng ta cũng hãy cầu nguyện xin Chúa giúp ta được ơn ăn năn hối cải tội lỗi của chúng ta, đi xưng tội, rồi quyết tâm chừa bỏ tội lỗi, xa tránh dịp tội và dâng những việc lành, những hy sinh hãm mình để đền tội (Chúng ta hãy nhớ đến những lời chúng ta đọc trong kinh "Ăn Năn Tội").
Chúng ta cũng hãy nhớ lời Chúa Giêsu đã nói: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc; người bịnh hoạn mới cần thầy thuốc. Con Người đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi." ( Matcô 2:17).
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY (Ngày 17/3): Trong Bài Đọc 1 (Isaia 43:16-21), Tiên tri Isaia nói về tình thương của Chúa đối Dân Chúa: Thiên Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi và đã "mở đường trong hoang địa và khai sông nơi khô cạn để Dân Chúa có nước uống...." Hãy quên đi dĩ vãng và sống đời sống mới trong tình thương của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc 2 (Philipphê 3:8-14), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là Chúa Giêsu đã chết để chuộc tội chúng ta; nhưng Người đã sống lại và lên trời để mở đường cứu độ cho chúng ta. Chúng ta hãy coi thường những sự thế gian, hãy từ bỏ con đường tội lỗi quá khứ, "hãy quên đi dĩ vãng và hướng về phía trước" và hãy thẳng tiến theo đuổi ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kiô, Chúa chúng ta. Bài Phúc Âm (Gioan 8: 1-11) ghi lại việc các Luật Sĩ và Pharisiêu đem đến với Chúa Giêsu một người "đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình," mà theo luật Do Thái bấy giờ thì người đàn bà này phải tội ném đá đến chết. Họ có ý thử Chúa Giêsu xem Ngài có thái độ thế nào. Thấy rõ tâm địa của họ, Chúa Giêsu đã phản ứng một cách rất khôn ngoan và bảo họ: " Ai vô tội hãy ném đá chị ấy đi, rồi Ngài cúi xuống viết trên đất..." Họ đều bỏ đi, vì sợ Chúa thấu suốt lòng họ và nói tội họ ra. Bấy giờ Chúa Giêsu nói với người đàn bà: "TA CŨNG KHÔNG KẾT ÁN CHỊ. CHỊ HÃY ĐI VÀ TỪ NAY ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA!"
LỄ TRỌNG KÍNH THÁNH GIUSE BẠN ĐỨC TRINH NỮ MARIA (Ngày 19/3): Trong một năm, có hai ngày lễ kính Thánh Giuse: Lễ Thánh Giuse Lao Công vào ngày 1/5 (Ngày Lễ Lao Động Quốc tế) để kính cuộc sống khiêm nhường và làm việc lao động vất vả của Thánh Giuse để sinh sống và nuôi gia đình. Còn Lễ Thánh Giuse Bạn Đức Trinh Nữ Maria mà chúng ta mừng hôm nay kính Thánh Giuse là người công chính, đã được Thiên Chúa chọn để làm bạn đời của Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi Chúa Giêsu. Thánh Lễ hôm nay cũng đề cao đời sống thánh thiện của Thánh Giuse mà Kinh Thánh gọi Ngài là "Đấng Công Chính," nên đã được Chúa chọn vào một vai trò rất quan trọng trong chương trình cứu thế của Thiên Chúa. Trước hết Thánh Giuse đã luôn biết cầu nguyện với Thiên Chúa để nhận ra Thánh Ý Chúa, như khi thấy Đức Maria có thai, Thánh Giuse đã không giận giữ, tức tối, nhưng đã âm thầm cầu nguyện và đã được Thiên Chúa soi sáng cho biết là Đức Maria đã chịu thai Đấng Kitô bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, nên Thánh Giuse đã vui mừng rước Đức Maria về nhà mình như người vợ theo lề luật để bảo vệ Đức Maria không bị luật lệ kết án.
Thánh Giuse đã luôn vâng theo Thánh ý Chúa và phó thác mọi sự trong tay Chúa, như khi phải đưa Đức Maria sắp đến ngày sinh đi Belem, rồi sinh Chúa Con nơi hang đá bò lừa, rồi lại vâng theo Thánh Ý Chúa đưa "Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập" là nơi xa xôi phải đi bao ngày đàng, và lại không biết nói tiếng Ai Cập thì sinh sống làm sao; nhưng Ngài cứ đi như Thiên Chúa truyền dạy, không phàn nàn, than trách; chờ đến ngày nghe tin vua Hêrođê đã qua đời, mới đưa gia đình về lại quê hương và sinh sống tại Nagiaret. Như vậy, Thánh Giuse đã luôn biết sống kết hiệp với Thiên Chúa trong sự tin tưởng và hoàn toàn phó thác nơi Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc đời. Hơn nữa, sau cả cuộc đời thầm lặng, vất vả để cộng tác vào công việc của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã chết đi trong thầm lặng. Kinh Thánh rất ít nói về Thánh Giuse. Nhưng Thiên Chúa đã soi sáng cho Giáo Hội nhận ra cuộc đời thánh thiện của Ngài và tôn kính Ngài như một Đại Thánh, nhận Ngài là Bổn Mạng của Giáo Hội toàn cầu. Giáo Hội Việt Nam cũng nhận Thánh Giuse làm Bổn Mạng, vì chính trong ngày lễ kính Thánh Giuse (19/3), mà vị truyền giáo đầu tiên đã đặt chân lên quê hương Việt Nam để rao truyền Phúc Âm tình thương của Chúa cho dân tộc Việt Nam. Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (2 Samuel 7:4-5,12-14,16); Bài Đọc 2 (Thơ Roma 4:13,16-18,22); Bài Phúc Âm (Mattheu 1:16,18-21,24; hoặc Luca 2:41-51).
CHỦA NHẬT LỄ LÁ (Ngày 24/3): Chúa Nhật hôm nay là "Chúa Nhật Thương Khó," nhưng thường được gọi là Chúa Nhật Lễ Lá, vì có phần làm phép lá và rước lá trước Thánh lễ. Phần Rước Lá: Giáo dân cầm lá sẵn trên tay, Chủ tế mặc phẩm phục màu đỏ tiến ra cùng với đoàn giúp lễ, chào cộng đoàn, đọc lời dẫn giải về ý nghĩa Thánh Lễ hôm nay, rồi đọc lời cầu nguyện làm phép lá và rảy nước thánh trên cộng đoàn; đoạn đọc bài Phúc Âm (Năm C, Luca 19: 28-40) nói về việc Chúa Giêsu cưỡi trên lừa và long trọng tiến vào thành Giêrusalem và dân chúng trải áo và cành lá trên đường hân hoan tung hô chào đón Chúa. Sau đó bắt đầu đi kiệu tiến vào Thánh Đường để cùng dâng Thánh Lễ.
Các Bài Đọc trong Thánh Lễ: Bài Đọc 1 (Isaia 50:4-7) là những lời Tiên tri Isaia nói về những sự thương khó Đấng Cứu Thế sẽ phải chịu để chuộc tội nhân loại. Trong Bài Đọc 2 (Philipphê 2:6-11), Thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu "dầu là Thiên Chúa thật, nhưng Ngài đã hạ mình xuống làm người" và chịu những khổ nạn và cái chết trên Thánh Giá để cứu chuộc loài người chúng ta; vì thế "Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài" và mọi tạo vật phải thờ lạy Ngài. Bài Phúc Âm (Năm C) là Bài Thương Khó trích trong Phúc Âm Theo Thánh Luca (22:16 - 23:56) nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giesu từ lúc Ngài ăn bữa Tiệc Ly với các Tông Đồ và lập Bí Tích Thánh Thể và truyền chức Linh Mục cho các Tông Đồ, rồi cùng với các Tông Đồ ra đi cầu nguyện tại vườn Cây Dầu, rồi để cho quân lính bắt, trói và dẫn đi, rồi chịu những hành hạ thật đau đớn, sau đó bị đóng đanh vào Thánh giá, chịu chết và táng trong mồ.
Thánh lễ hôm nay mở đầu tuần Thương Khó (Tuần Thánh), đặc biệt với Tam Nhật Thánh: Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday), Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) và Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday).
THỨ NĂM TUẦN THÁNH (Ngày 28/3): Kỷ niệm Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh và truyền chức Linh Mục cho các Tông Đồ. Hôm nay, buổi sáng, trong mỗi Giáo Phận chỉ có một Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa, gọi là Thánh Lễ Làm Phép Dầu, vì có phần làm phép Dầu: Dầu Dự Tòng, Dầu Thánh, Dầu Bệnh Nhân. Thánh lễ này cũng là dịp các Linh mục tụ họp về Nhà Thờ Chánh tòa để tỏ lòng hiệp thông với Đức Giám Mục và anh em Linh mục trong cùng một Giáo Phận trước sự hiện diện của giáo dân dự lễ.
Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (Isaia 61:1-3,6,8-9) là những lời tiên tri về Đấng Kitô sẽ được Chúa Thánh Thần thánh hiến và ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ và đem nguồn an ủi cho mọi người đau khổ trên thế giới. Bài Đọc 2 (Khải Huyền 1:5-8) nói về Chúa Giêsu Kitô đã chịu nạn chịu chết để chuộc tội nhân lọai, nhưng đã sống lại và lên trời vinh hiển và mở đường về quê trời cho chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 4:16-21) ghi lại việc Chúa Giêsu về thăm quê hương Nagiarét, và ngày Sabat, Ngài vào Hội Đường để giảng dạy cho dân chúng về chính đoạn sách tiên tri Isaia (xem Bài đọc 1) nói trước về Ngài. Trong Bài giảng sau Phúc Âm, Đức Giám Mục sẽ kêu gọi các Linh Mục hãy trung thành với chức Linh Mục đã lĩnh nhận và cố gắng chu toàn các bổn phận Đức Giám Mục đã trao phó để chăn dắt đoàn chiên Chúa trong Giáo Phận. Sau đó Đức Giám Mục hỏi các Linh Mục những câu hỏi để các Linh Mục đáp lại lời đã hứa khi chịu chức Linh Mục; rồi Đức Giám Mục mời gọi giáo dân đang hiện diện hãy luôn nhớ cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho các Linh Mục, và Đức Giám Mục cùng xin các Linh Mục và Giáo Dân hãy cầu nguyện nhiều cho Ngài để nhờ ơn Chúa giúp, Ngài có thể chu toàn nhiệm vụ của mình. Sau đó Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ.
Tại Hoa Kỳ, trong những Giáo Phận rộng lớn, thường tổ chức lễ Chầu Dầu vào Thứ Năm trước Thứ Năm Tuần Thánh một tuần, và vào buổi chiều, để các Linh Mục và giáo dân các nơi có thể đến dể dàng hơn.
Tháng Lễ Buổi Chiều: Tại mỗi Giáo Xứ thường cũng chỉ có một Thánh Lễ để quý Cha và toàn thể Giáo Dân trong Giáo Xứ cùng hiệp dâng Thánh lễ. Tuy nhiên, Giáo Xứ nào quá rộng lớn, số giáo dân quá đông, thì Cha Xứ có thể xin phép Đức Giám Mục Giáo Phận để dâng thêm các Thánh Lễ tại nhà thờ các Họ Lẻ để giáo dân có thể dể dàng cùng đến dâng Thánh Lễ.
Thánh lễ chiều hôm nay để kỷ niệm việc Chúa Giêsu và các Tông Đồ ăn bữa tối cuối cùng trước khi Chúa Giêsu chia tay với các Tông Đồ để đi vào cuộc khổ nạn cứu chuộc tội nhân loại; vì thế gọi là Thánh Lễ Tiệc Ly.
Trong Thánh lễ chiều nay có đọc (hoặc hát) Kinh Vinh Danh, nhưng không có Kinh Tin Kính. Khi đọc (hát) kinh Vinh Danh thì rung chuông, sau đó không rung chuông nữa cho đến lễ Vọng Phục Sinh.
Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (Sách Xuất Hành 12:1-8,11-14) nói về các luật lệ phải giữ khi mừng Lễ Vượt Qua hằng năm để kỷ niệm việc Thiên Chúa đã làm những phép lạ kỳ diệu để đưa Dân Chúa ra khỏi Ai Cập, vượt qua biển Đỏ về lại quê hương Palestine. Bài đọc 2 (1 Côrintô 11:23-26) ghi lại Bữa Tiệc Ly mà Chúa Giêsu cùng ăn với các Tông Đồ. Trong bữa ăn đó Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức và truyền chức Linh Mục cho các Tông Đồ (trừ Giuđa, đã ra đi để dẫn quân lính đến bắt Chúa). Bài Phúc Âm (Gioan 13:1-15) ghi lại việc Chúa đã cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ trong bữa Tiệc Ly và dạy các Ngài bài học yêu thương và khiêm tốn phục vụ lẫn nhau. Trong Bài Giảng, Chủ Tế sẽ đề cập đến việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh, và cũng nói về việc Chúa Giêsu hạ mình xuống rửa chân cho các tông đồ để dạy chúng ta bài học yêu thương, khiêm tốn phục vụ lẫn nhau. Sau Bài Giảng, Chủ Tế làm nghi thức Rửa chân cho các vị đại diện Giáo xứ. Sau đó, là phần Đọc Lời Nguyện Giáo Dân. Rồi Thánh lễ tiếp tục như thường lệ.
Sau Thánh lễ sẽ Kiệu Mình Thánh Chúa về Bàn Thờ cạnh hoặc Nhà Nguyện và chầu Mình Thánh Chúa cho đến nửa đêm.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH (Ngày 29/3): Tưởng Niệm cuộc Thương Khó của Chúa. Hôm nay đặc biệt kỷ niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để chuộc tội nhân lọai. Hôm nay ăn chay và kiêng thịt. Đặc biệt nên suy ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể. Hôm nay không có Thánh Lễ. Vào lúc thuận tiện sẽ cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa vào buổi chiều; Nếu có thể, nên cử hành vào lúc 3 giờ chiều.
Các Nghi Thức gồm có 3 phần:
Phần 1: Phụng vụ Lời Chúa và các Kinh cầu nguyện: Chủ tế mặc phẩm phục màu đỏ cùng với đoàn giúp lễ, tiến ra trước Bàn Thờ, quỳ gối cầu nguyện một lúc, rồi đứng lên và về ghế chủ tế, quay về phía giáo dân đọc lời nguyện; tiếp theo là các Bài Đọc. Bài Đọc 1 (Isaia 52:13-53:12). Bài Đọc 2 (Thơ Do Thái 4:14-16;5:7-9). Bài Phúc Âm là Bài Thương Khó (Phúc Âm Gioan 18:1-19:42). Sau Bài giảng là những lời cầu nguyện cho Hội Thánh, Cho Đức Giáo Hoàng, cho hàng Giáo Sĩ và các Tín Hữu, cầu cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội, cầu cho những người không tin Chúa Kitô, cầu cho những người không tin Thiên chúa, cầu cho chính quyền, cầu cho những người đau khổ.
Phần 2: Suy Tôn Thánh Giá: Chủ Tế và đoàn tùy tùng đi xuống cuối Nhà Thờ rước Thánh Giá lên trước Bàn Thờ và mọi người tuần tự đi lên tôn kính và hôn Thánh Giá.
Phần 3: Rước Mình Thánh Chúa; sau đó Chủ tế đọc lời cầu nguyện kết thúc và mọi người yên lặng ra về. Không ban Phép Lành.
THỨ BẢY TUẦN THÁNH (Ngày 30/3): Tưởng niệm Chúa Giêsu nằm trong mồ. Hôm nay cũng không có Thánh lễ cho đến Lễ Vọng Phục Sinh vào ban tối, thường là vào nữa đêm. Thánh lễ Vọng Phục Sinh gồm có 4 phần: Phần 1: Làm phép và rước nến Phục Sinh, tuyên bố Tin Mừng Phục Sinh. Phần 2: Phụng Vụ Lời Chúa, gồm những Bài Đọc Trích trong Cựu Ước kèm theo những lời Cầu Nguyện; rồi Bài Thánh Thư (Roma 6:3-11), Bài Phúc Âm (Năm C: Luca 24:1-12). Phần 3: Làm phép Nước Thánh, lập lại lời tuyên hứa khi chịu phép Rửa Tội, ban Phép Rửa Tội cho các dự tòng (nếu có), rảy Nước Thánh trên dân chúng. Phần 4: Sau Lời Nguyện Giáo Dân, Thánh lễ tiếp tục như thường lệ.
CHỦA NHẬT PHỤC SINH (Ngày 31/3): Bài Đọc 1 (Công Vụ 10:10: 34,37- 43) ghi lại Bài Giảng của Thánh Phêrô tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu từ khi ra đi rao giảng Tin Mừng cho dân chúng, rồi bị bắt, bị hành hạ và giết trên Thánh Giá, nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại và đã hiện ra với các Tông Đồ và nhiều người khác; rồi sai các Tông Đồ đi rao giảng. Trong Bài Đọc 2 (Côlôssê 3:1-4), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời vinh hiển, vậy chúng ta hãy luôn "hướng tâm trí về quê trời, chứ đừng đam mê những sự dưới đất." Qua cái chết, chúng ta cũng sẽ được về hưởng vinh quang Nước Chúa. Bài Phúc Âm (Gioan 20:1-9) : Vào lúc sáng sớm ngày đầu tuần, các bà đạo đức đi xức xác Chúa mà không thấy xác Chúa, liền chạy vội về báo tin cho Phêrô và Gioan; hai ông liền chạy ra và xem thấy mộ trống, lúc đó Gioan "đã thấy và đã tin!" (Nếu dâng lễ vào buổi chiều thì có thể dùng Bài Phúc Âm (Luca 24:13-35) nói về việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ đi về Emmaus và các ông vội trở lại Giêsrusalem báo tin cho các Tông Đồ).
Tuần lễ tiếp theo Chủa Nhật Lễ Phục Sinh được gọi là Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh, đặc biệt cầu nguyện cho các Tân Tòng được ơn vững mạnh trong đức tin và sống Đức Tin trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng cầu nguyện cho chúng ta được luôn biết cảm tạ Chúa đã ban Bí Tích Rửa Tội cho chúng ta, để chúng ta chết đi với tội lỗi và luôn sống đời sống xứng đáng các tín hữu của Chúa, và lo chu toàn bổn phận truyền giáo, tìm mọi dịp để đem Chúa đến cho mọi người chung quanh chúng ta; nhất là trong Năm Đức Tin này.
Nhờ lời Mẹ Maria và các Thánh bầu cử, xin Chúa chúc lành cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, cho toàn thể Giáo Hội. Amen! Alleluia!
- Loại bài viết: