Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Huấn Luyện Nhân Bản Nơi Tu Sĩ Thừa Sai

Tác giả: 
Jos Vinc Ngọc Biển

 

Huấn Luyện Nhân Bản 

Nơi Tu Sĩ Thừa Sai

Jos.Vinc. Ngọc Biển

 

Nếu một cánh cửa cần có bản lề để vừa đỡ cửa, vừa có chức năng đóng - mở. Thì đời sống nhân bản của người tu sĩ thừa sai cũng cần phải có một cái giá đỡ; cần phải có một nguyên tắc nhất định để hình thành và làm nên nhân cách người tu sĩ thừa sai, nguyên tắc đó, ta gọi là Nhân Bản Kitô Giáo. Vì vậy, việc huấn luyện nhân bản là điều cốt thiết có tính khẩn thiết trong các cộng đoàn tu trì. Nhất là các cộng đoàn có sứ mạng truyền giáo cách chuyên biệt. Nói cách khác, đời sống nhân bản như là một điều kiện cần cho sứ vụ thừa sai của người tu sĩ[1].

 

1.    Huấn luyện nhân bản Kitô Giáo

Người thừa sai là người được Giáo Hội sai đi để mang Chúa đến cho người khác. Nhưng trước khi mang Chúa đến cho người khác, nhà thừa sai phải là người mang trong mình hình ảnh của một vị Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, bao dung, độ lượng. Một vị Thiên Chúa thật dễ thương, dễ mến,...Như thế, ta mới có thể giới thiệu về Chúa cho người khác. Người ta sẽ không thể chấp nhận một vị Thiên Chúa nhân hậu, khiêm nhường, yêu thương...đang được nhà thừa sai giới thiệu, khi thấy con người và tâm tính của chính nhà thừa sai lại thật cọc cằn, nóng nảy và thiếu lịch sự, tế nhị...người ta cũng không chấp nhận một vị Thiên Chúa luôn đi tìm và đem lại hạnh phúc cho con người khi hình ảnh của nhà thừa sai lại đi ngược lại hoàn toàn, luôn gây chia rẽ ngay trong chính cộng đoàn, luôn gây gương xấu cho mọi người, luôn tìm đến với người giàu mà bỏ quên sứ mạng của mình là phải đến với người nghèo.Trong tông huấn Pastores Dabo Vobis, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có nói tới vấn đề đào tạo nhân bản cho người môn đệ của Đức Giêsu. Nếu không được đào tạo nhân bản cách kỹ lưỡng, người tu sĩ sẽ bị thiếu hụt trầm trọng nền tảng cần thiết để thi hành sứ vụ:“Không có đào tạo nhân bản thỏa đáng, thì việc đào tạo linh mục trong toàn bộ sẽ bị thiếu hụt mất nền tảng cần thiết”[2].                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       

 

Đứng trước thực trạng ngày nay, xã hội nhanh chóng phát triển, con người dễ dàng vươn xa và tiếp cận được với đủ mọi hạng người. Điều này có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến đời sống đức tin của người Kitô hữu nói chung và đời sống người tu sĩ nói riêng. Vì vậy, việc đào tạo nhân bản cho người tu sĩ trẻ ngày nay quả là điều cần thiết. Các dòng tu, Tu đoàn, Tu hội phải liệu sao cho người tu sĩ mà mình gửi đến các điểm, các nơi truyền giáo không bị hụt hẫng về mặt nhân bản. Có thế, người tu sĩ mới sẵn sàng và hiên ngang bước vào mặt trận mới, nơi đó đang cần nhà thừa sai mang niềm hy vọng đến cho họ.

 

Việc đào tạo này có tính thường xuyên và liên tục. Đồng thời, việc đào tạo này phải được coi là cấp bách mọi thời và mọi nơi. Mặt khác, đào tạo nhân bản là một trong yếu tố nền tảng để hình thành nhân cách của nhà thừa sai.

Như vậy, huấn luyện nhân bản là một chiều kích không thể thiếu trong tiến trình đào tạo người tu sĩ.

 

2.    Tại sao người tu sĩ cần trưởng thành nhân bản?

Dưới cái nhìn của người dân, các tu sĩ phải là người trưởng thành nhân bản và trưởng thành Kitô giáo. Người tu sĩ có mối tương giao thường xuyên với người khác, vì thế họ cần phải học cách cư xử và giao tế cho đúng phép. Hơn nữa, dưới cái nhìn chính danh, người tu sĩ là người được kêu gọi để trở nên “hình ảnh sống động” của Đức Giêsu, Đấng đã đến trần gian trong thân phận con người, hoàn hảo về phương diện nhân bản, đặc biệt qua thái độ của Người đối với tha nhân[3]. Vì thế, người tu sĩ cần được rèn luyện để ngày càng trở nên giống Thầy của mình hơn, hầu khả năng nhận thức được chiều sâu trong tâm trí con người, nhạy bén trước những khó khăn và những vấn đề của con người, dễ dàng gặp gỡ và đối thoại, gây được niềm tin và sự cộng tác, đưa ra những phán đoán ngay thẳng và khách quan.

 

Trong huấn từ ban cho Dòng Cátminh, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập học viện quốc tế của Dòng tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khẳng định sự quan trọng của việc trưởng thành nhân bản, ngài nói:

 

Trong khi chờ đợi người tu sĩ trẻ trở nên thành viên có nhân đức sáng ngời, thì họ phải luyện tập trở thành con người hoàn hảo trong những công tác thường nhật: vì làm sao con người có thể trèo lên đỉnh núi nếu dưới đồng bằng họ đi chưa vững bước! Vậy ước mong rằng người tu sĩ rèn luyện và biểu dương qua cuộc sống, một nghị lực thích ứng với tha nhân và tương quan xã hội, một thái độ cởi mở, một bộ diện nhu mì, một tâm hồn trung thực, và cũng ước mong rằng người tu sĩ ấy luôn luôn giữ lời hứa, làm chủ ngôn hành của mình, biết kính trọng mọi người, giữ đức công bình, giữ đức nhẫn nhục...[4]

 

Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh đào tạo linh mục cũng khẳng định:

Các chủng sinh phải tập cho quen biết điều thích hợp với cá tính mình, họ phải được huấn luyện cho có tinh thần quả cảm, và nói chung phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và  Sẽ thất bại khi gán ép sự thánh thiện Kitô giáo cho một người chưa đạt tới sự trưởng thành nhân bản[5].

Những điều nói về chủng sinh, cũng phải hiểu về các tu sĩ nữa, nhất là các tu sĩ lãnh nhận sứ mạng truyền giáo.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, đã khẳng định: “sự cần thiết phải có một nền giáo dục về lòng yêu mến chân lý, sự chân thành, thái độ tôn trọng mọi người, ý thức về công bình, trung tín với lời mình nói, sự cảm thông đích thực, tính nhất quán và nhất là quân bình trong phán đoán và thái độ cư xử[6].

 

Khi nói đến giáo dục nhân bản, chúng ta thường nghĩ đến việc vị giáo sư truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên. Điều này chỉ đúng một phần, mà có lẽ là phần nhỏ. Trong lĩnh vực đào tạo nhân bản, chính mỗi người phải tự đào luyện mình, với sự giúp đỡ của anh chị em hiện diện xung quanh.

Như vậy, sự trưởng thành nhân bản là rất cần thiết đối với người tu sĩ. Đó là nền tảng để xây dựng sự trưởng thành Kitô giáo và trưởng thành đời tu. Vậy, để trưởng thành nhân bản, người tu sĩ cần được huấn luyện thế nào? “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền,... thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

 

3.    Trưởng thành trong đời sống thánh hiến của người tu sĩ thừa sai

Người tu sĩ thừa sai phải là người trưởng thành về đời sống thánh hiến. Bởi vì, bản tính của sự trưởng thành đó là sống đời tu một cách sáng suốt đầy đủ và với một thiện chí hoàn toàn.

 

Người thánh hiến hôm nay được mời gọi đạt tới sự trưởng thành cần thiết, để có sự quân bình chín chắn trong cách suy nghĩ, cách chọn lựa và quyết định, cách phán đoán và hành động, sao cho toát lên vẻ đẹp chứng tá tươi vui và thuyết phục của đời sống thánh hiến. Một trong những biểu hiện làm toát lên sự trưởng thành của người tu sĩ là làm chứng cho sự thật.

 

Tấm gương của lương tâm sau những bụi mờ của “bệnh gian dối”, “bệnh thành tích”, sau những năm tháng luồn lách để có thể sống cái thời “lương tâm không bằng lương tháng”. Những chuẩn mực đạo đức, bậc thang giá trị, đạo làm người, đạo làm con Chúa xem ra mờ nhạt và chìm lắng dần trước cái chói chang ồn ào của thời kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, người thánh hiến được mời gọi để đưa ra cái gì là “thật”, “đích thực”, “tinh ròng”, “nguyên tuyền”, “chính cống”, qua những nhân đức tự nhiên như thành thật, công bằng, tôn trọng của chung và của cải người khác, kính trọng nhân phẩm, danh dự, giữ lời hứa, nhân từ, tin tưởng …[7].

 

Nói theo ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Thái Hợp là phải chống lại năm đứa con hư: “con người tiểu kỉ”[8] ngày xưa cùng với hai đứa con hư của thời bao cấp là “thói đạo đức giả” “vô trách nhiệm”, hai đứa con hư của cơ chế thị trường hoang dã là “nóng ruột kiếm tiền” “cắm đầu hưởng thụ”; đồng thời, phát triển nhũng đứa con ngoan rút tỉa và hấp thụ tinh hoa từ đạo đức truyền thống và tiếp thu, gạn lọc những giá trị của văn minh tiến bộ[9]. Hay nói cách khác theo tác giả Nguyễn Ngọc Sơn là “xây dựng con người mới, ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức […], có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời”[10].

Trong đời sống thánh hiến, cần phải có một sự trưởng thành và phát triển toàn diện như: thể lý, tâm lý, tình cảm, trí thức và tình yêu nữa: tình yêu con cái, tình yêu huynh đệ, tình bạn, tình yêu đam mê xác thịt, tình yêu cha mẹ[11].

 

Sự trưởng thành trong đời tu là sự trưởng thành nhân vị toàn diện, được thể hiện qua các tiêu chuẩn: khả năng yêu thương và đón nhận yêu thương, khả năng can đảm đối diện và đối thoại, khả năng làm việc và cộng tác có trách nhiệm, khả năng tự lập, khả năng lấy Thiên Chúa làm trung tâm.

 

4.    Người thừa sai là người trưởng thành tình cảm[12]

Tình cảm là một năng lực mãnh liệt có thể giúp chúng ta hăng say làm việc có ích hoặc có thể đẩy chúng ta vào con đường tha hóa. Chúng ta không thể hủy diệt tình cảm của mình. Vì vậy, cần phải rèn luyện tình cảm để khơi dậy sức mạnh nhân bản lớn lao, tức là điều khiển và hướng dẫn tình cảm vươn lên những đối tượng tốt đẹp hơn. Để chế ngự tình cảm và hướng nó đến những đối tượng cao đẹp, thì chúng ta cần tạo cho mình một ý chí mạnh mẽ. Để thành nhân, chúng ta phải biết tiết chế đam mê và hướng dẫn các khuynh hướng bản năng.

 

Rèn luyện khả năng yêu thương: trong thông điệp Redemptoris Missio, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Con người không thể sống mà không có tình yêu”. Vì thế, người trưởng thành nhân bản phải là người biết yêu bản thân mình, có trách nhiệm làm cho mình phát triển trọn vẹn cả về thể lý, tâm lý, thiêng liêng. Đó không phải là tình yêu vị kỷ, nhưng chính khi biết yêu bản thân mình, chúng ta biết trao hiến cho người khác, yêu thương và đón nhận họ như mình vậy.

 

Vì thế, người trưởng thành nhân bản là người biết khám phá và nhận biết chính bản thân mình với những nét độc đáo, riêng biệt. Biết chấp nhận thực tế về bản thân, có cái nhìn đúng đắn về mình, không huênh hoang tự đắc, cũng chẳng giả bộ giả hình. Ngoài ra, người tu sĩ trưởng thành còn phải biết chấp nhận hoàn cảnh, môi trường cuộc sống của cộng đoàn, hội dòng, và anh chị em. Nhờ biết chấp nhận thực tế, họ có thể sống bình an, hạnh phúc. Bên cạnh đó, người tu sĩ thừa sai trưởng thành nhân bản là người sống yêu thương chan hòa với mọi người, có khả năng mở rộng tâm hồn cho mọi người và đón nhận họ một cách thanh thản, không thiên kiến với ai. Trong giao tiếp, họ biết diễn tả hồn nhiên và đúng mức cảm xúc. Họ cũng phải là người có tinh thần trách nhiệm về công việc mình đảm nhận, về cuộc sống cũng như lựa chọn của mình. Ngoài ra, người tu sĩ thừa sai cần rèn luyện để có thể luôn giữ được mức quân bình cần thiết: giữa tâm lý và thể lý, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa lao động và nghỉ ngơi…Chính điều đó, giúp cho họ giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống, để sống đời tu hạnh phúc hơn.

 

Khi dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng đời sống độc thân, sự trưởng thành về mặt tình cảm là yếu tố cần thiết để hội nhập vào trong các mối quan hệ nhân sinh như tình bạn, tình huynh đệ và các tương quan cần thiết trong việc tông đồ. Nhờ trưởng thành về mặt tình cảm mà trong các phán quyết, cách cư xử, nhà thừa sai luôn hành động theo tiêu chuẩn của lý trí dưới sự soi sáng của đức tin. Có như vậy họ mới tránh được những phản ứng theo tình cảm uỷ mị và dễ có khuynh hướng theo tình cảm cá nhân, mất đi sự sáng suốt và khôn ngoan.

 

Kết:

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau lược qua để hiểu được đâu là việc huấn luyện nhân bản, và nguyên nhân tiên quyết trong vấn đề  huấn luyện nhân bản đối với tu sĩ thừa sai. Đồng thời chúng ta cũng thấy tính cấp bách của việc đào tạo nhân bản cho tu sĩ trong thời đài ngày nay, nhất là đào tạo để vươn tới sự trưởng thành tình cảm trong khi thi hành sứ mạng của mình...

Mong thay mỗi khi nhà thừa sai loan báo Tin Mừng và những giá trị nhân bản cho con người thì chính họ cũng phải là những người có dồi dào, phong phú những giá trị đó, để họ không bị rơi vào tình trạng cho cái họ không có.

 



[1] Thiên Phúc, nhân bản Kitô giáo, tủ sách giáo dục, tr.9.

[2]  Gioan Phaolô II. Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 43.

[3]  Xc. Ban Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Linh mục sống đức tin theo gương nhân bản của Chúa Giêsu, truy cập ngày 09-03-2013, trên: http://tonggiaophanhanoi.org/on-thien-trieu/dai-chung-vien/5131-linh-muc...

[4] Piô XII, huấn đức cho dòng Cát Minh, ngày 23.9.1951.

[5] Xc. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Optatam Totius, số 11.

[6] Xc. Gioan Phaolô II, tông huấn Pastores Dabo Vobis , số 43.

[7] Các nhân đức được đề cập đến trong các văn kiện Giáo Hội. X. OP, số 3; GLGHCG, số 1804-1811.

[8] “Tiểu kỷ” chính là cái tôi bé nhỏ, cam chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, vun quén, xà xẻo, khôn khéo lẩn tránh, não trạng khép kín, luồn cúi, khúm núm, an phận, phụ thuộc, manh mún, tiểu xảo, rình được một cơ hội nào đó thuận tiện thì tìm cách xoay xở, vun quén chút ít cho cái tôi nhỏ bé … X. Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn Hoá, in lần thứ hai, Hà Nội 1996, tr. 390-391.

[9] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, tr. 15-48; Ly Tâm, «Tiếng nói từ trái tim», trong Lê Nhân Tâm, Giới trẻ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tp. HCM 2004, 18-26.

[10] “Nếu như trước đây, người Việt Nam tin vào Trời - Phật độ trì, vào thiên mệnh của Nho giáo, vào Thiên Chúa của Kitô giáo, vào Ông bà Tổ tiên chứng giám thì giờ đây, những bài học bài bác thái độ duy tâm, đề cao chủ nghĩa duy vật từ 30 năm qua dường như đang có hiệu quả rõ rệt là xoá bỏ niềm tin mang tính tín ngưỡng ấy của người Việt. Nhưng một khi con người đánh mất ý nghĩa của đời sống tinh thần, chối bỏ sự hiện diện của chủ thể luân lý tối cao như là nền tảng cho đạo đức xã hội thì người ta dám làm bất cứ điều gì để chiều theo những tham vọng và dục vọng! Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời.”, Nguyễn Ngọc Sơn, Cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt Nam trong hoạt động xã hội, mục 2.3.4., mạng lưới Dũng Lạc, http://www.dunglac.org/index.php?m= module2&v = detailarticle&id=45&ia=635.

[11] Xc. Đinh Đức Đạo, Integral Development according to the Encyclical “Populorum Progressio”. An anthropological approach to the problem viewed within a world-wide context, Academia Alfonsiana, Roma 1976, tr. 14-22; Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, Đức tin & Văn hoá -2005, tr. 9, 179-208.

[12]  Gioan Phaolô II. Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 44.