Lectio Divina
LECTIO DIVINA
(ĐỌC VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA)
Trong Tông thư về Năm Đức Tin “Porta Fidei” (số 15), ĐTC Biển Đức XVI viết: “Ðiều mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến, đó là chứng tá đáng tin cậy của những người được Lời Chúa soi sáng trong tâm trí, có khả năng mở tâm trí của bao nhiêu người mong ước Thiên Chúa và sự sống chân thực, sự sống không tàn lụi. ‘Ước gì Lời Chúa hoàn tất hành trình của mình và được tôn vinh’ (2 Tx 3, 1): Ước gì Năm Ðức Tin này làm cho quan hệ với Chúa Ki-tô ngày càng vững chắc hơn, vì chỉ trong Ngài mới có sự chắc chắn để hướng nhìn về tương lai và bảo đảm một tình yêu chân thực và lâu bền.” Là Ki-tô hữu, ai cũng hiểu rằng "Lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững" (Is 40, 8), "Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng." (1Pr 1, 25). Để tiếp cận với Lời Chúa một cách hiệu quả thì điều tất yếu là phải biết đọc và suy niệm Lời Chúa trong Thánh Kinh. Đó là lối đọc Sách Thánh một cách như cầu nguyện (Lectio Divina), như Tông huấn Lời Chúa (số 57) đã khẳng định: “Origen, một trong các bậc thầy vĩ đại của lối đọc sách thánh này (Lectio Divina), chủ trương rằng muốn hiểu Thánh Kinh, hơn nữa muốn nghiên cứu nó, người ta cần phải gần gũi với Chúa Ki-tô và cầu nguyện”.
Lectio Divina là cách cầu nguyện với Thánh Kinh cổ điển. Trước Công đồng Va-ti-ca-nô II chỉ các Giáo phụ, Giáo sĩ mới dùng được cách này. Lý do là vì Thánh Kinh được phổ biến bằng tiếng La-tinh, trong các Thánh lễ thì chỉ có vị chủ tế mới được đọc Phúc Âm, lễ sinh và giáo dân chỉ được đọc Thánh thư và thường chỉ đọc như vẹt, chẳng hiểu bài sách Thánh mình đọc nói gì.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã mở ra một kỷ nguyên mới trong Phụng vụ: Thánh lễ được dùng tiếng bản địa nên Thánh Kinh cũng được dịch sang tiếng bản địa. Hiên chế “Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa” ("Dei Verbum") – một văn kiện quan trọng hàng đầu của Công Đồng – được ban hành "Trong niềm thầm kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa" (Hc "Dei Verbum", số 1). Việc đọc Lời Chúa được phổ biến, tuy nhiên thường người giáo dân chỉ đọc vì bổn phận được phân công hơn là để tâm hồn thực sự lắng nghe và cảm nghiệm Lời Chúa. Đó có lẽ cũng là lý do thúc đẩy ĐTC Biển Đức XVI ban hành Tông huấn "Lời Chúa" ("Verbum Divina"), và trong đó ngài nhấn mạnh đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa theo phương pháp "Lectio Divina" như đã dẫn trên.
Khi một người đọc Lời Chúa và cầu nguyện, người ấy có thể chú tâm đến những biến cố của đời sống hằng ngày, có thể sống cách sâu xa hơn và dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa hơn trong những biến cố thường nhật. Khi các Giáo Lý viên (người đảm nhận thừa tác vụ dạy Lời Chúa) thực hành thường xuyên việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh (qua Lectio Divina), họ đã đặt nền móng cho việc chia sẻ Đức Tin chân chính, như một tài nguyên giúp cộng đồng chú tâm đến giáo huấn của Chúa Giê-su (qua các sách Tin Mừng). Lectio Divina liên hệ với sứ vụ Phúc Âm hóa của các Giáo Lý viên, cũng là sứ vụ truyền giáo của Tin Mừng, sứ vụ của Chúa Giê-su, và tất nhiên, sứ vụ của Giáo Hội, của mỗi Ki-tô hữu.
Phương pháp Lectio Divina được thực hành theo 4 bước :
* Bước 1 – LECTIO: Bước đầu tiên trong tiến trình cầu nguyện là “đọc” (LECTIO). Thường khi đọc một bài văn, một bài thơ, chúng ta quen đặt câu hỏi: “Tác giả bài văn (bài thơ) này muốn nói lên điều gì?” Cũng vậy, khi đọc Lời Chúa (đọc cho bản thân mình nghe, cho cả cộng đoàn cùng nghe) thì cũng là lúc xướng lên Lời Thiên Chúa (tác giả chính của bài Sách Thánh) nói với chúng ta. Như vậy thì việc đọc (công bố) Lời Chúa cũng chính là lúc người tín hữu lắng nghe (tiếp cận) Lời Chúa, vì thế nên cần chú ý là đừng vội vàng đọc cho hết vài chương Thánh Kinh, mà chỉ nên đọc một đoạn ngắn, ngừng lại ở từng chữ hay cụm từ làm cho tâm trí rung động, để từ đó mở lòng ra đón nhận Lời Hằng Sống. Các Giáo phụ thời sơ khai hiểu rằng thành quả của các ngài tùy thuộc vào sự đơn giản, kính cẩn, và mở lòng của mình ra với Chúa Thánh Thần là Đấng đưa người đọc đến gần Lời Thiên Chúa.
* Bước 2 – MEDITATIO: Việc “đọc” đưa đến bước thứ nhì là “suy niệm” (MEDITATIO), là bước mời gọi người ta suy niệm về điều vừa đọc. Ở đây, mỗi người, trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách thành viên của một cộng đoàn, phải để cho mình được đánh động và thách thức. Tiến trình này (suy niệm: vừa suy tư vừa chiêm niệm) là một sự suy nghĩ sâu xa và chậm rãi về Lời Chúa, một sự suy đi nghĩ lại (gần giống như cách con bò nhai lại khi ăn cỏ) cho thật thấu đáo Lời mà mình vừa đọc bằng môi miệng, vừa lắng nghe bằng tâm thức. Khi mà Lời Chúa được đọc trong bước này, sẽ kéo sự chú tâm của người suy niệm từ những quan tâm của trí khôn (suy nghĩ, tìm hiểu Lời Chúa) đến những quan tâm của tâm hồn (yêu mến Lời).
* Bước 3 – ORATIO: Bước tiếp theo là “cầu nguyện” (ORATIO), mời người ta đáp lại Lời Thiên Chúa. Sự đáp trả này có tính cách đối thoại và có thể được hiểu như là “một cuộc đàm đạo giữa bằng hữu” (“Thiên Chúa đã nói với con người như bằng hữu, và sống giữa họ, để mời gọi họ và tiếp nhận họ vào hàng ngũ của Người” – Hiến chế "Dei Verbum", số 2; “Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì "chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sâm ngôn thần linh” (ibid, số 25).
Lúc đọc Lời Chúa là lúc Thiên Chúa nói với chúng ta thì lúc cầu nguyện là lúc chúng ta nói với Thiên Chúa. Cầu nguyện (hoặc “Chúc tụng và thờ lạy + Khấn xin + Chuyển cầu + Tạ ơn + Ngợi khen” – Giáo lý HTCG, điều 2626-2643) chính là phương cách hàng đầu nhờ đó Lời Chúa biến đổi cuộc đời người tín hữu. Một cách cụ thể, “cầu nguyện là nâng tâm hồn và trí khôn lên với Chúa”. Đây là dịp người tín hữu đặt câu hỏi cho chính mình: “Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người?” Và tự trả lời:
“Hãy thưa với Chúa về điều vừa đọc, vừa nghe, hay vừa cảm nghiệm, hoặc về những thắc mắc nảy sinh trong sâu thẳm của tâm hồn.” Câu trả lời này có thể có khả năng đổi đời khi một người đón nhận những sự thúc đẩy của Lời Chúa đi đến chấp nhận tất cả những gì mà cuộc đời hiện thời đang có.
* Bước 4 – CONTEMPLATIO: Cuối cùng, lối đọc “Lectio Divina” kết thúc bằng sự “chiêm niệm” (CONTEMPLATIO). Lời Chúa đánh động lòng người cách sâu xa hơn với bước này – một giai đoạn trong đó, ta tiếp nhận như một hồng ân lối nhìn và phán đoán thực tại của Người, và tự vấn xem Chúa đang yêu cầu ta phải hồi tâm, hồi trí, thay đổi đời sống ra sao? Chiêm niệm là vừa nhìn ngắm (chiêm ngưỡng) vừa suy niệm (tìm hiểu xem Lời Chúa xuất phát từ bản văn Sách Thánh, nói với chúng ta những gì và có gì liên hệ với đời sống thường nhật của chúng ta không?). Đặc tính của chiêm niệm là mở tâm hồn ra, nhờ đó người đọc cảm nghiệm được Thiên Chúa, Đấng cho phép người đang chiêm niệm nhận biết Lời Chúa mà không cần lời nói hay hình ảnh. Nhờ ơn Chúa, contemplatio cho người ta một khả năng đặc biệt để liên kết những hiểu biết mới được khám phá ra những kinh nghiệm hằng ngày trong đời sống, bằng một sự hứng khởi đến từ Lời Chúa.
Khi người tín hữu đọc Sách Thánh như cầu nguỵên thì cũng chính là lúc họ đang được đàm đạo và đối thoại với Thiên Chúa, như lời dạy của Thánh Âu-tinh: “Lời cầu nguyện của anh chị em chính là lời anh chị em nói với Chúa. Khi anh chị em đọc Sách Thánh, Chúa nói với anh chị em; khi anh chị em cầu nguyện, anh chị em nói với Chúa” (“Enarrationes in Psalmos”, 85, 7). Vì thế, “Hãy để người tín hữu hân hoan đi tới với chính bản văn Thánh, bất kể trong Phụng vụ Thánh, là Phụng vụ đầy Lời Chúa, hay khi đọc sách thiêng liêng hoặc khi làm những thao tác thích đáng và những hình thức trợ giúp khác, những trợ giúp hiện đang hết sức phổ quát khắp nơi trong thời đại ta, với sự chuẩn y và hướng dẫn của các mục tử Giáo Hội. Tuy nhiên, họ hãy nhớ rằng việc cầu nguyện luôn nên đi đôi với việc đọc Sách Thánh” (Hc Tín Lý “Lời Chúa”, số 25).
Việc tách ra 4 bước trong phương pháp Lectio Divina chỉ là nhằm mục tiêu cho dễ phân tích, còn trên thực tế 4 bình diện đó chỉ là một tổng thể thống nhất giúp người tín hữu đọc và suy niệm Lời Chúa một cách hiệu quả nhất, để được hưởng ơn toàn xá như lời dạy của ĐTC Biển Đức trong T/H Lời Chúa (số 57): ”Tập tục ơn toàn xá có ý nói tới tín lý công nghiệp bất tận của Chúa Ki-tô, mà Giáo Hội, trong tư cách thừa tác viên của ơn chuộc tội, được quyền ban phát và áp dụng. Nhưng nó cũng có ý nói tới việc hiệp thông các thánh và dạy ta rằng “Ở bất cứ mức độ ta kết hợp với Chúa Ki-tô thế nào, ta cũng kết hợp với nhau như thế, và sự sống thiêng liêng của mỗi người có thể có ích cho người khác”. Và vì thế, “diễn trình trong lối đọc “Lectio Divina” không kết thúc trước khi nó ”hành động” (ACTIO), tức việc nó thúc đẩy tín hữu hiến đời mình cho người khác trong tình bác ái” (T/H Lời Chúa, số 57). Một cách cụ thể, là người tín hữu sau khi đã lắng nghe và suy đi nghĩ lại trong lòng những Lời Thiên Chúa đã nói với mình trong khi đọc và suy niệm, thì giờ đây hãy đem ra thực hành Lời Người trong cuộc sống.
Vâng, nếu chỉ là đọc Lời Chúa ngoài môi miệng mà không để tâm trí cảm thụ, thì cũng chẳng khác gì những kẻ luôn miệng nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa! còn trong lòng thì rỗng tuếch” hay những kẻ “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy, họ nói mà không làm”. Đúng vậy, “Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi… Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 24…26). Rõ ràng Lời Chúa là Lời nói đích danh với mỗi Ki-tô hữu, song nó cũng là Lời để xây dựng cộng đoàn, để xây dựng Giáo Hội. Vì thế, bản văn Thánh phải được luôn luôn tiếp cận trong hiệp thông Giáo Hội. Thực thế, “một lối đọc Sách Thánh có tính cộng đoàn là điều cực kỳ quan trọng, vì chủ thể sống động trong Sách Thánh là Dân Chúa, là Giáo Hội… Như thế, điều quan trọng là phải đọc và cảm nghiệm Sách Thánh trong hiệp thông với Giáo Hội, nghĩa là, với mọi chứng nhân vĩ đại của Lời này” (Diễn văn của ĐGH Biển Đức XVI tại Đại Chủng Viện Rô-ma ngày19/12/2007).
Đọc Lời Chúa trong tâm tình cầu nguyện cộng đoàn, đã khiến người Ki-tô hữu không thể quên được hình ảnh các Tông đồ tập họp nhau cùng với Đức Mẹ cầu nguyện sau biến cố Thăng Thiên (Cv 1, 14). Và đó chính là tấm gương sáng để người Ki-tô hữu hiểu rõ hơn Lời Chúa khi tái khám phá ra những sự khôn ngoan cũng như chứng từ của Mẹ Thiên Chúa. Vì trong việc chú giải Thánh Kinh, cũng như trong toàn thể đời sống Ki-tô hữu, Đức Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo và là Đấng chỉ dạy chúng ta. Câu chuyện “Truyền Tin” trong Tin Mừng đưa chúng ta đến trọng tâm của việc đọc Thánh Kinh. “Lời” mà Mẹ đón nhận vào cuộc đời Mẹ qua tiếng “xin vâng” không những chỉ thành nhục thể trong lòng Mẹ, mà còn hình thành trong đời sống của Mẹ. Vì thế, Mẹ trở thành một Kitô-hữu-môn-đệ đầu tiên. Đến câu chuyện “Thăm Viếng”, Người Ki-tô hữu môn đệ đầu tiên này đã trở thành người Kitô-hữu-truyền-giáo đầu tiên, vội vã ra đi chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa với người chị em họ. Còn bà Ê-li-da-bet thì đã công bố rằng Đức Maria đã được chúc phúc bội phần vì đặc ân của Mẹ là được làm Mẹ Thiên Chúa (Lc 1, 42-43), và đức tin của Mẹ vào Lời mà Chúa của Mẹ đã phán hứa (Lc 1,45). Khi Đức Mẹ đáp lời bằng bài ca “Ngợi khen” (Magnificat), Mẹ đã chứng tỏ rằng Mẹ không những chỉ là người Ki-tô hữu môn đệ và nhà truyền giáo đầu tiên, mà cũng là người Kitô-hữu-Giáo-Lý-viên đầu tiên. Kinh Magnificat là một bài Giáo Lý gương mẫu. Kinh này gợi lên câu chuyện Xuất Hành trong việc công bố “những kỳ công mới” mà Đấng Toàn Năng đã làm, trong Mẹ và qua Con Mẹ, để cứu độ Dân Thiên Chúa. Kinh Magnificat là một bài ca chúc tụng, một kinh nguyện và một lời rao giảng, đồng thời cũng là một lời kêu cứu đầy tin tưởng cho công lý, chúc tụng Thiên Chúa vì đã nâng người hèn mọn lên và cho những người đói khó được dư đầy phúc lộc (Lc 1, 52-53).
Tóm lại, trong Mùa Chay Thánh, "việc đọc Lời Chúa nâng đỡ ta trên hành trình thống hối và trở về, giúp ta thâm hậu hóa cảm thức thuộc về Giáo Hội, và giúp ta lớn lên trong sự thân quen với Lời Chúa. Như Thánh Am-brô-si-ô từng nói: “khi ta tiếp nhận Sách Thánh trong đức tin và đọc nó với Giáo Hội, ta bước đi một lần nữa với Chúa trong Địa Đàng” (Epistula 49, 3)" (T/H Lời Chúa, số 57). Điều đó cho thấy Lectio Divina không những là kim chỉ nam cho những Giáo lý viên, mà còn là kim chỉ nam cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Cũng bởi vì, như trong Tông hiến "Indulgentiarum Doctrina" (số 18), ĐTC Phao-lô VI đã dạy: “Ở bất cứ mức độ ta kết hợp với Chúa Ki-tô thế nào, ta cũng kết hợp với nhau như thế, và sự sống thiêng liêng của mỗi người có thể có ích cho người khác.” Mong vậy thay.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: