Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngày 29/9 - Kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần: Mi-ca-e, Ga-bri-en, Ra-pha-en

Tác giả: 
Lm Nguyễn Hưng Lợi

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEN, GÁPRIEN, RAPHAEN

Ga 1, 47-51
 

Hôm nay toàn thể Giáo hội hân hoan mừng lễ các Tổng lãnh Thiên Thần Micaen, Gáprien và Raphaen. Trong niềm vui lớn lao được các Thiên Thần hộ phù, nâng đỡ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vai trò của các Thiên Thần trong đời sống Giáo Hội và con người.

 

THIÊN THẦN LÀ GÌ  ?

 

Theo điển ngữ Thần Học Thánh Kinh, tên các Thiên Thần không do bản tính mà do chức vụ. Thiên Thần là sứ giả. Các Ngài là” những thần khí chuyên lo phục vụ, được sai đi giúp ích những người sẽ thừa hưởng phần rỗi( Dt 1, 14 ). Các Ngài lập thành một thế giới huyền nhiệm ở ngoài lãnh vực tri giác thông thường của chúng ta.

 

 

Cựu Ước thường diễn tả Thiên Chúa như một Đế Vương phương Tây. Những phần tử của triều đình cũng là những tôi tớ Ngài. Người ta còn gọi Ngài là Thánh hoặc Con của Thiên Chúa. Trong số các thần Kêrubim đỡ nâng ngai tòa Chúa, kéo xa giá Ngài, làm xa giá cho Ngài hoặc giữ lối vào thánh địa của Ngài không cho kẻ phàm tục vào; các thần sêraphim chúc tụng vinh quang Chúa và chính một vị trong các thần ấy đã thanh tẩy môi miệng ngôn sứ Isaia trong thị kiến đầu tiên. Người ta còn gặp thấy các thần Kêrubim trong những bức tượng nơi Đền Thờ làm cánh che hòm bia. Như thế, cả một đạo binh thiên quốc ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, và tuân phục ý Ngài trong việc điều hành vũ trụ cũng như thi hành các mệnh lệnh của Ngài, đạo binh ấy lập thành một mối liên lạc giữa trời và đất( Stk 28, 12 ).

 

Tuy nhiên, bên cạnh những sứ giả huyền bí trên, có những đoạn Thánh Kinh đề cập đến một sứ thần của Giavê Thiên Chúa. Nhưng với đà tiến của mạc khải, vai trò sứ thần Giavê dần dần được trao cho các Thiên Thần, những sứ giả thông thường của Thiên Chúa. Vai trò của các Thiên Thần cũng tiến triển đều đều. Lúc đầu người ta xếp lẫn lộn vai trò của các Thiên Thần, họ gán cho các Thiên Thần những phận sự xấu tốt lẫn lộn. Tuy nhiên, sau cuộc lưu đầy ở Babylon về, các phận vụ của các Thiên Thần được phân loại rõ ràng hơn và các Thiên Thần có được một phẩm tính luân lý tương ứng với vai trò của mình. Sau này, các Thiên Thần nhận được tên tương ứng với chức vụ:” Raphaen”Thiên Chúa chữa lành”, Gáprien” Anh hùng của Thiên Chúa”, Micaen” Ai được như Chúa”. Chính Thiên Thần Micaen, thủ lãnh các Thiên Thần, được trao nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn Do Thái. Như vậy, gíao lý Cựu Ước đã luôn khẳng định sự hiện hữu của các Thiên Thần và sự hiện diện của họ trong thế giới nhân loại.

 

Tân Ước cũng liệt kê các Tổng Lãnh Thiên Thần( 1 Thes 4 ); các thần Kêrubim( Dt 9, 5 ), các Ngai Thần, Quản thần, Lãnh Thần, Uy Thần ( Colosê 1, 16 ), các Dũng Thần( Eph. 1, 21 ). Với nhiều cấp bậc thay đổi tùy theo kiểu nói, phẩm trật này không có tính cách một giáo lý nhất định mà chỉ là một yếu tố phụ thuộc và mềm dẻo.

 

Chính Chúa Giêsu còn minh định địa vị các Thiên Thần đối với con người, hình ảnh huyền bí của Người, nhất là trong vinh quang của Người sau này: tháp tùng Chúa ngày quang lâm( Mt 25, 31 ), lên xuống quanh Chúa( Ga 1, 51 ), Chúa  sai các Thiên Thần đi tụ tập những kẻ được chọn, xua đuổi những kẻ bị luận phạt khỏi Nước Trời. Ngay lúc chịu thương khó, Đức Giêsu đã có thể đòi hỏi sự can thiệp của các Thiên Thần hằng theo phục vụ Người. Như vậy, thế giới Thiên Thần lệ thuộc vào Đức Kitô và chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Người.

 

Đối với con người, các Thiên Thần có một mối giây liên lạc mật thiết. Thiên Thần Gáprien mang hai sứ điệp truyền tin( Lc 1, 19.26); cả một đạo binh Thiên Quốc hát mừng trong đêm giáng sinh( Lc 2, 9-14 ), các Thiên Thần còn báo tin Chúa phục sinh( Mt 28, 5 ) và loan báo cho các môn đệ ý nghĩa cuộc Thăng Thiên( Cv 1, 10t…), phụ tá Đức Kitô trong việc cứu rỗi nhân loại( Dt 1, 14 ). Các Thiên Thần chăm sóc giữ gìn loài người( Mt 18, 10), dâng lên Thiên Chúa lời kinh của các Thánh( Kh.5, 8 ), dẫn đưa linh hồn người công chính vào Thiên Đàng( Lc 16, 22 ). Để nâng đỡ Giáo Hội, các Thiên Thần sát cánh với thủ lãnh của mình là Micaen, tiếp tục cuộc chiến với satan, được khai diễn ngay từ nguyên thủy( Kh 12, 1-9 ).

 

LỄ HÔM NAY CÓ Ý NGHĨA GÌ  ?

 

Mừng lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần hôm nay, chúng ta toàn thể dân Chúa được hiểu rõ hơn vai trò, chức vụ, phẩm trật của các Thiên Thần, được hiểu rõ hơn về sự duy nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta hãy khắc ghi vào tâm hồn sứ điệp của Tin Mừng đem đến: Đức Kitô đến để làm chứng cho sự thật, sự cứu rỗi. Ngài đến để làm cho vai trò của Chúa Cha nổi bật và Ngài trở về trời để Chúa Thánh Thần tác động trong lịch  sử nhân loại. Ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô đã được tràn đầy Chúa Thánh Thần và các môn đệ cũng được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Nên cả Phêrô lẫn các môn đệ đều can đảm, hăng say làm chứng cho Chúa Giêsu chết và sống lại. Chính nhờ có Chúa Thánh Thần xuống, các môn đệ đã rút ra khỏi vỏ ốc sợ sệt của mình để hăng say, kiên trung làm chứng cho sự thật. Một sự thật đã bị con người cố tình làm cho lu mờ và muốn chối bỏ nó. Nhờ Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội sơ khai đã đứng vững trong lòng tin. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội hôm nay cũng kiên trì bền trí, đương đầu với những khó khăn thử thách và luôn đứng vững trước ba đào, thử thách, sóng gió.

 

Mừng lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần: Micaen, Gáprien và Raphaen, chúng ta hãy khẩn khoản nài xin các Ngài chuyển cầu cùng Chúa để chúng ta cùng với Tổng Lãnh

 

Thiên Thần Micaen oai dũng làm chứng cho sự thật, cho công bình và bác ái, để chúng ta cùng với Tổng Lãnh Thiên Thần Gáprien tung hô mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa mỗi khi đọc kinh”kính mừng”, để chúng ta cùng với Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen cứu chữa phần xác và phần hồn mọi người.

 

Lạy Chúa là Đấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho Thiên Thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ. Xin cho các Thiên Thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất( Lời nguyện nhập lễ, lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gáprien, Raphaen ).

 

Nguồn: 
simmonhoadalat.com