Lời nói đi đôi với việc làm
LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM (CN VII/PS – CHÚA THĂNG THIÊN)
Bài Tin Mừng tuần trước (CN VI/PS-C – Ga 14, 23-29) trình thuật việc Đức Giê-su cáo biệt các môn đệ, chính thức bước vào cuộc khổ nạn. Trong những lời cáo biệt đó, có một câu khó hiểu: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Hôm nay (CN VII/PS-C), cả 3 bài đọc đều chung một chủ đề: Chúa lên trời. Với “Những lời chỉ bảo sau hết cho các Tông Đồ” (Lc 24, 44-49), lại một lần nữa Đức Giê-su nói một cách khó hiểu. Vừa mới nói “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế", thì ngay lập tức "Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa". Cái mâu thuẫn của hiện tượng này khiến các Tông đồ cứ mải miết “đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi”.
Hành động “đăm đăm nhìn lên trời” của các môn đệ biểu lộ một tâm trạng hoang mang lo sợ, vì chưa hiểu rõ việc Chúa về trời. Sở dĩ vậy, vì cho đến giờ phút này các môn đệ vẫn còn bán tín bán nghi ("Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi" – Mt 28, 17) đối với Người Thầy luôn có những Lời dạy khó hiểu. Thực thế, nếu chỉ với đầu óc bất toàn của con người thì làm sao có thể hiểu ngay được những Lời Người dạy, chẳng hạn như: “Một môn đệ khác thưa với Người: "Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã." Đức Giê-su bảo: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” (Mt 8, 21-22), “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” (Mt 10, 34-36).
Trước đó không lâu, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã từng báo trước biến cố Chúa Lên Trời cho các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó." (Ga 14, 1-3). Vậy mà khi nghe Thầy nói “Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 13, 3), thì Phê-rô, Tô-ma, Phi-lip-phê, Giu-đa (không phải Giu-đa It-ca-ri-ôt) đã nhao nhao nêu thắc mắc về con đường Chúa sẽ đi, về Chúa Cha, kể cả việc “tỏ mình ra” của Thầy (Ga 14, 4-10). Thế đó!
Tâm lý thông thường của con người là vậy, luôn sống bằng và sống với giác quan: Phải nhìn thấy tỏ tường (thị giác), nghe thấy rõ ràng (thính giác), sờ mó cầm nắm được (xúc giác), biết được mặn nhạt (vị giác), ngửi được mùi hương (khứu giác). Điều này cũng chẳng có gì đáng trách. Do đó, Thầy vừa nói Thầy sẽ ở với mình luôn mãi, thì ngay sau đó Thầy lại đi mất hút, bảo sao khỏi ngỡ ngàng, hụt hẫng, nếu không muốn nói là đau đớn, buồn rầu, hoang mang lo sợ. Chính vì thế nên các ngài chỉ lo nhìn lên theo bóng Thầy, với tâm trạng vừa hoài nghi, vừa chán nản, chẳng còn tin tưởng vào đâu đựoc nữa. Niềm tin lại một lần nữa bị thử thách, khiến các ngài quên mất những điều Thầy vừa truyền dạy. Cũng vì biết rõ con người là thế, nên Thiên Chúa đã phải sai thiên sứ đến cảnh tỉnh: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời." (Cv 1, 11).
Từ đó, các Tông đồ mới bình tâm trở lại và nhờ Đức Ki-tô “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24, 45) nên hiểu ra: Chúa Giê-su lên trời không có nghĩa là Người đã kết thúc sứ mệnh, mà chỉ là chuyển đổi sang một giai đoạn mới – giai đoạn cần sự tiếp tay của các môn đệ – và vì thế Người mới dạy: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3), “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20). Thời gian Chúa Giê-su hoạt động với tư cách Thiên-Chúa-làm-người đã mãn, để bắt đầu từ bây giờ Người sẽ hoạt động bằng Thần Khí của Thiên Chúa. Sứ mệnh tại thế của Chúa Giê-su là Nhập Thể, rao giảng Tin Mừng, “phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”. Biến cố Lên Trời mở ra một giai đoạn mới, tiếp tục những gì Người đã thực hiện trong những năm tháng “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).
Trong giai đoạn mới này, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ cộng tác. Sứ mệnh Người trao cho họ gồm hai việc: *a)- Rao giảng cho thế giới biết Tin Mừng Cứu Độ Người đã thực hiện cho nhân loại (“Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” – Lc 24, 46-47); *b)- Làm chứng nhân cho Người và cho những giá trị Tin Mừng (“Chính anh em là chứng nhân về những điều này” – Lc 24, 48). Để thi hành sứ vụ cao quý này, các môn đệ được Chúa sai đi cần phải có hành trang. Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai đến với nhân loại và hành trang của Người là Thần Khí Tình Yêu. Giờ đây, Người sai môn đệ đi và hành trang của họ cũng phải là Ngọn Lửa Yêu Thương của Thần Khí Sự Thật. Người bảo họ cứ ở lại Giê-ru-sa-lem một thời gian ngắn và họ sẽ được lãnh nhận Thánh Thần làm hành trang cho hành trình thi hành sứ vụ.
Trước hết, cần tìm hiểu xem vì sao trước khi về trời, Đức Giê-su lại trao phó sứ vụ của Người cho các môn đệ? Về vấn đề này Thánh Âu-tinh đã nói một câu chí lý: "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài". Thật thế, khi Đức Giê-su Thiên Chúa vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, nếu chỉ một mình Người “đơn thương độc mã” thi hành sứ vụ thì chắc chắn không có kết quả hoặc nếu có thì cũng chẳng là bao. Vẫn biết với quyền năng vô hạn, Người chỉ phán một lời là loài người được cứu rỗi; nhưng như thế thì nhân loại vẫn chìm trong u tối vì chưa được “vén tấm màn lên” (mạc khải), chẳng hiểu được công trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa rất cần sự cộng tác đắc lực của những “kẻ tin” mà tiên khởi là các vị Tông đồ vậy.
Đến như việc làm chứng nhân cho Người cũng là một yếu tố hết sức quan trọng, bởi với loài người thì bất cứ một công việc, một sự kiện gì cũng đòi phải được thực mục sở thị, được đụng vào hay cầm nắm, hoặc ít ra cũng phải được nghe một nhân chứng sống đáng tin cậy thì mới chịu tin. Cái kiểu đòi trông thấy nhãn tiền “dấu đinh ở tay Người”, được “xỏ ngón tay vào lỗ đinh” và “đặt bàn tay vào cạnh sườn Người” như Tô-ma thì nhan nhản khắp nơi. Thấu hiểu tận chân tơ kẽ tóc lòng dạ con người là như vậy, nên Đức Giê-su mới đòi các môn đệ và rộng ra là các tín hữu không chỉ rao giảng mà còn phải làm chứng cho Tin Mừng. Vâng, “Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có tin vào các thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân” (ĐTC Gioan-Phaolô II “SL Giáo Dục Ki-tô Giáo”).
Công cuộc rao giảng và làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ cũng ví như “muối cho đời” và “ánh sáng cho trần gian” (“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” – Mt 5, 13-14). Tuy nhiên “muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi… Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” – Mt 5, 13-16). Rõ ràng việc “rao giảng” và “làm chứng” tuy hai mà một, việc rao giảng chỉ đạt hiệu quả khi có chứng liệu cụ thể, mà chứng liệu thuyết phục nhất cũng chính là bản thân người rao giảng. Nói cách cụ thể, người rao giảng phải “lời nói đi đôi với việc làm”, tất cả cụôc sống phải làm chứng cho lời mình rao giảng.
Tóm lại, một lần nữa Thiên Chúa lại vén tấm màn lên (mạc khải) cho các môn đệ, và nói chung là cho loài người hiểu được mầu nhiệm cứu chuộc thông qua những hiện tượng trong biến cố Lên Trời của Đức Giê-su Ki-tô. Đồng thời để mời gọi con người cộng tác bằng cách “dùng sự bất toàn của con người để công bố Lời Toàn năng, dùng miệng lưỡi nhơ uế của con người để nói Lời Chí thánh”. Ấy cĩng bởi vì “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt, 4, 12-13).
Người Ki-tô hữu ngày hôm nay đừng “đăm đăm nhìn lên trời” nữa, mà hãy nhìn xuống bản thân mình để thấy được "Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mc 8, 33), từ đó cầu xin Chúa thương ban Thần Khí dạy dỗ và hướng dẫn, ngõ hầu có đủ hiểu biết và can đảm dấn thân trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho Nước Trời vĩnh cửu. Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Thăng Thiên).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: