Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tam vị nhất thể

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TAM VỊ NHẤT THỂ

 

I

“Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả” (1)

Vốn từ nguyên thuỷ đến ngàn sau

Cùng chung bản thể, cùng hằng hữu

Mà rất cao siêu, rất nhiệm mầu

Nguồn suối Tình Yêu không giới hạn

Hồng ân Cứu Độ toả muôn màu

Ba Ngôi trong Một tình thương mến

Giải thoát loài người hết khổ đau.

 

II

Nói đến Tinh Yêu là nói đến:

Vừa “cho” vừa “nhận” giữa đôi nơi

Mỗi khi nhận lại từ ai đó

Phải biết cho đi tới mọi người

Vị kỷ (2) ươn hèn nên khép lại

Vị tha (3) quảng đại sẽ lên ngôi

Nhận về tất cả từ Thiên Chúa

Sao chẳng cho đi với cuộc đời ?

 

III

Dù “nhận” hay “cho” cũng vậy thôi

Niềm tin hệ tại Chúa Ba Ngôi

Xin đừng ích kỷ vì mình hết

Mà hãy vị tha với mọi người

Động lực Tình Yêu nên khắc cốt

Mục tiêu Nước Chúa sẽ dành nơi

Châm ngôn sống: “Thực thi Lời Chúa”

Loan báo Tin Vui Đức Chúa Trời.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

Chú thích: (1) Kinh cầu cổ (thường gọi là “kinh cầu chữ”), sau 3 câu: “Tại thiên Thiên Chúa Phụ giả:  在 天 天 主 者 ” (Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật), “Cứu thế Thiên Chúa Tử giả:  救 世 天 主 子 者 ” (Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật), “Thánh Thần Thiên Chúa giả:  聖 神 天 主 者 ” (Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật); thì có câu tổng hợp: “Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả”:  三 位 一 體 天 主 者 ” (Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời).

(2 và 3) - Xc Thông điệp “Deus Caritas Est – Thiên Chúa là Tình Yêu” (số 3-6):

* Tình yêu vị kỷ (vì mình) là “Tình ái” (“Eros”) – còn gọi là tinh yêu chiếm hữu, tình yêu “nhận về” (“amor concupiscentiae”).

* Tình yêu vị tha (vì người) là “Tình bác ái” (“agape”) – còn gọi là tinh yêu “cho đi” (amor benevolentiae).