Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Người được tạo thành lạ lùng

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

NGƯỜI ĐƯỢC TẠO THÀNH CÁCH LẠ LÙNG                             

(SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ)

 

Có một đoạn trong bài đọc 2 Lễ vọng Sinh  Nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả (1Pr 1, 10-12) rất đáng lưu ý: “Thần Khí dùng ngôn sứ mà mạc khải: Các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em. Thần Khí Đức Ki-tô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Đức Ki-tô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó xảy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào. Thiên Chúa đã mạc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em.” Điều này cho thấy Thiên Chúa rất cần sự cộng tác của các ngôn sứ và nói chung là các Ki-tô hữu ("Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" – Thánh Âu-tinh).

 

Một trong những cộng tác viên đắc lực của Thiên Chúa khi thực hiện chương trình giải thoát loài người khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết, là Thánh Gio-an Tẩy giả – người có mặt tại trần gian trước Đấng Cứu Thế chỉ có 6 tháng, nhưng đã được báo trước (khoảng 5 thế kỷ) từ ngôn sứ I-sai-a (“Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” – Mc 1, 2-3). Trong lịch Phụng vụ của Giáo Hội, ngoại trừ Đức Ki-tô và Mẹ Maria, chưa có vị thánh nào có lễ mừng sinh nhật như thánh Gio-an Tẩy Giả. Ấy cũng bởi vì sự hiện diện của Thánh nhân nơi gia đình nhân loại, được khởi đi từ Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại của Người. Vì thế, kể từ khi hình thành thai nhi Gio-an trong lòng mẹ (bà Ê-li-da-bet) đã có biết bao sự kiện lạ lùng:

 

Lời Thánh vịnh nói về Thánh Gio-an Tẩy Giả được tạo thành cách khác thường: “Con ca ngợi Chúa, vì con được tạo thành cách lạ lùng” (Tv 138, 14a). Lạ lùng vì cha mẹ đã cao niên không thể sinh nở, mà nay lại thụ thai một nhân vật “sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa”; Mới chỉ hình thành bào thai, cha già đã bị câm vì tội nghi ngờ (không tin là vợ mình đã lớn tuổi như vậy mà còn có thể thụ thai – Lc 1, 20); Mới được sáu tháng trong bụng mẹ đã biết nhảy mừng (Lc 1, 41) vì được Mẹ Thiên Chúa (cũng vừa thụ thai Đức Giêsu-Thiên-Chúa-làm-người) tới thăm viếng và ở lại chăm sóc 3 tháng cuối thai kỳ; Cất tiếng khóc chào đời làm mọi người (láng giềng và thân thich) mừng rỡ đến chia vui (Lc 1, 57); Được mẹ (bà Ê-li-da-bet) xướng tên gọi Gio-an làm mọi người sửng sốt vì “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả” (Lc 1, 61); và chỉ tới khi viết tên con là Gio-an, người cha già (ông Da-ca-ri-a) mới khỏi câm (Lc 1, 65) và cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa bằng bài ca “Chúc tụng” (Lc 1, 67-79).

 

Được tạo thành cách kỳ diệu như vậy, hẳn nhiên Thánh Gio-an Tẩy Giả phải là một nhân vật cao trọng không thể thiếu trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Vì thế, đến thời điểm đã định, Thiên Chúa sai sứ thần truyền tin cho ông Da-ca-ri-a biết – qua một thị kiến trong Đền Thờ – là vợ ông (bà Ê-li-da-bet) sẽ thụ thai và “sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa” (Lc 1, 13-15). Điều này chứng tỏ vị thế của Thánh Gio-an Tẩy Giả rất cao trọng, bởi chính ngài là “một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1, 6-8).

 

Thánh Gio-an Tẩy Giả hiểu rõ ngài chỉ là một nhân vật đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, ngài chỉ là tiếng hô trong hoang địa báo cho mọi người biết phải giục lòng ăn năn sám hối để được ơn tha tội và đón nhận hồng ân Cứu Độ. Vì thế, Thánh nhân đã vào “trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (Lc 1, 80).sống đời sống rất khắc khổ như một người khổ tu chay tịnh “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3, 4). Thánh Gio-an Tẩy Giả vào hoang địa là để hãm mình ép xác, khổ luỵên, ngõ hầu có thể thực thi sứ vụ cao trọng của mình, và tới 30 tuổi mới chính thức “ra mắt dân It-ra-en” loan báo Tin Mừng. Hoang địa chĩ có cát đá bụi bặm, thú dữ, thời tiết khắc nghiệt, đâu có người ở, thì “hô” cho ai nghe? Vậy tại sao lại gọi ngài là “tiếng hô trong hoang địa”?

 

Vấn nạn trên tưởng cũng không đến nỗi khó trả lời. Chúng ta vẫn từng nghe nói “nhiều lúc thấy tâm hồn trống trải, hoang vắng như sa mạc” hoặc câu nói “tôi đang lang thang trong sa mạc cuộc đời”. Đó là những lúc không thấy một tư tưởng nào, một ấn tượng nào rõ rệt trong đầu óc, cũng chẳng có một điểm tựa nào cho cuộc sống thiếu vắng niềm tin. Và từ chỗ đó có thể suy ra tiếng hoang địa ở đây chính là tâm hồn (tâm địa) con người khi chưa có ánh sáng chân lý soi rọi, hoang vắng như sa mạc vậy. Và Thánh Gio-an Tiền Hô là người được sai đến để khai thông hoang mạc tâm hồn con người, hầu đón nhận một tư tưởng chính thống, một niềm tin kiên định về một cứu cánh bất diệt: Hồng ân Cứu Độ từ nơi Thiên Chúa. Nói khác hơn, Thánh Gio-an Tiền Hô là người được sai đến để thức tỉnh con người đang chìm đắm trong u mê tăm tối của sa mạc cuộc đời – Thức tỉnh cho loài người biết được thời của Con Một Thiên Chúa Cứu Độ Trần Gian đã điểm, Người đã đến, hãy dọn sẵn tâm hồn mà đón tiếp Người. Vậy gọi Thánh nhân là “tiếng hô trong hoang địa” là rất chính xác.

 

Thánh Gio-an không chỉ là “tiếng hô trong hoang địa” (loan báo Tin Mừng), mà còn là “kêu gọi người ta chịu phép rửa” và bản thân đứng ra làm phép rửa cho họ (“Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội… Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.” (Mt 3, 3-6). Vì thế, thánh nhân còn được gọi bằng một danh xưng khác là “Gio-an Tẩy Giả”. Đối với con người, nếu muốn làm sạch thân thể hoặc một vật dụng nào đó, thì phải dùng nước – nước là nguyên liệu chính – để rửa sạch mọi vết nhơ. Từ thực tế đó, Thiên Chúa dùng nước làm biểu tượng Ngôi Ba Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới tẩy rửa tâm hồn con người cho nên thiện hảo được mà thôi (“Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” – Mt 3, 11).

 

Được chứng kiến gương sáng, lòng đạo đức, sự thánh thiện, cùng với những lời giảng dạy chân tình và những công việc Thánh Gio-an Tẩy Giả đang làm, đám đông dân chúng có nhiều người đã ngộ nhận ngài là Đấng Mê-si-a; nhưng ngài thẳng thắn trả lời: “Tôi, tôi làm phép rửa anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa ( Lc 3, 16 ). Thánh nhân đã khiêm nhường phủ nhận vai trò Mê-si-a mà đám đông dân chúng gán cho ngài, đồng thời khẳng định chính “Đấng đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi vì có trước tôi” mới thực sụ là Đấng Mê-si-a mà mọi người trông đợi; và vì thế nên “Người phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 1, 20; 3, 30). Đức khiêm nhường toả sáng bằng cả lời nói và việc làm, thể hiện tính trung thực tuyệt đối của Thánh Gio-an Tẩy Giả. Không những thế, đức tính trung thực của ngài còn khiến hung thần Hê-rô-đê lấy đi mạng sống của mình (Mc 5, 17-29).

 

Quả thật đây là một con người “được tạo thành cách lạ lùng”, là “một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1, 6-8). Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin rộng ban cho con cái Chúa được biết theo lời thánh Gio-an Tiền Hô kêu mời để tiến bước trên con đường cứu độ và chắc chắn gặp được Vị Cứu Tinh thánh nhân đã tiên báo, là Ðức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, Chúa chúng con, Ðấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gio-an Tẩy Giả ).

 

JM. Lam Thy ĐVD.