Ai là thợ gặt
AI LÀ THỢ GẶT? (CN XIV/TN-C)
Trong khi “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9, 35-38). Và vì thế, Người tiếp tục sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (CN XIV/TN-C – Lc 10, 1-12.17-20). Trước đó, Người đã sai 12 môn đệ đi giảng dạy (Lc 6, 12-15), và vì là 12 môn đệ đầu tiên chính thức được sai đi, nên các Thánh sử nêu tên đầy đủ; nhưng lần này là con số đông gấp 6 lần. Sự kiện này mang ý nghĩa gì? Điều này cho thấy ngay từ giai đoạn khởi đầu cho sứ vụ cứu độ nhân loại, Đức Giê-su Ki-tô đã trao sứ vụ cho tất cả những ai tin và đi theo Người, được Người coi là bạn hữu (“Anh em là Bạn Hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” – Ga 15, 14). Như vậy là đã rõ, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được coi là “thợ gặt” trên cánh đồng lúa chín Truyền Giáo.
Đức Giê-su Ki-tô – Đầu của Giáo Hội – đã chỉ thị rõ ràng như vậy, nhưng tiếc một điều là sau đó, Giáo Hội lại chỉ dành cho Giám mục đặc quyền giảng dạy Lời Chúa. Đến Linh mục, Tu sĩ cũng không được phép, chớ đừng nói là giáo dân. Mãi đến thế kỷ XII, XIII, có những nhóm giáo dân tự phát chia sẻ Lời Chúa (như nhóm “Các bà mẹ khoác áo choàng” chẳng hạn). Một số Linh mục trong những dòng tu (Dòng Phan-sinh, Dòng Đa Minh) nhận chân được vấn đề, nên đứng ra trình bày với Toà Thánh để xin phép và được Đức Giáo Hoàng châu phê, cho giáo dân được chính thức tham dự vào công cuộc loan báo Tin Mừng (Dòng Phan Sinh cũng như Dòng Đa Minh từ đó có thêm Dòng Ba dành cho giáo dân, ngoài 2 Dòng Nhất và Nhì dành cho Linh mục, Tu sĩ, Đan sĩ). Kể từ đó, giáo dân mới được quyền rao giảng Tin Mừng và phải chờ đến thế kỷ XX, với Công đồng Va-ti-ca-nô II (1962-1965), người giáo dân mới chính thức được công nhận có quyền và có bổn phận loan báo Tin Mừng, chia sẻ Lời Chúa.
Sở dĩ như vậy, cũng một phần do cách hiểu Tin Mừng ở giai đoạn đầu của Giáo Hội. Tuy nhiên, cho đến ngày nay vẫn còn rải rác những tư tưởng cho rằng chỉ có hàng Giáo sĩ, Giáo phẩm (Giám mục, Linh mục, Phó tế) mới có quyền làm “thợ gặt” và trong những giờ chầu Thánh Thể, khi hát bài “Lời nguyện Truyền Giáo” (“Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…”), đa phần đều cầu nguyện xin Chúa ban thêm nhiều linh mục. Thật ra, làm “thợ gặt” không nhất thiết cứ phải là linh mục. Và cũng không phải hễ cứ là linh mục thì sẽ là “thợ gặt” đích thực. Điều cần thế là phải cầu xin Thiên Chúa ban cho có những “thợ gặt” đích thực, nghĩa là những “thợ gặt” lành nghề, chịu khó, có tinh thần và lương tâm tông đồ, chứ không phải là những thợ gặt “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.” (Lc 20, 46).
Còn nếu cứ thích hiểu “thợ gặt” là linh mục, thì xin đọc kỹ Tông huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân (số 14): “Thánh Phê-rô Tông đồ đã dạy khi gọi những người đã chịu phép rửa tội "là dòng giống được lựa chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, là dân tộc thuộc về Thiên Chúa" (1 Pr 2, 9). Và cũng vì nó bắt nguồn từ sự thông hiệp trong Giáo Hội nên việc tham dự của các tín hữu giáo dân vào ba chức vụ của Đức Ki-tô đòi hỏi phải sống và thực hiện trong sự thông hiệp, và để cho sự thông hiệp ngày càng tăng trưởng. Thánh Au-gus-ti-nô viết: "Cũng như chúng ta tất cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục duy nhât.”
Linh Mục duy nhất đó chính là Đức Ki-tô – vị Linh Mục Thượng Phẩm (Tư Tế Thượng Phẩm), Đấng là Đầu, là người chăn dắt các chiên linh mục. Tuy rằng tất cả những tín hữu đã lãnh nhận Phép Rửa đều được coi là linh mục, nhưng những người được đón nhận Ơn Gọi Tu Trì (Ơn Thiên Triệu) mới chính thức là người thừa kế công việc (thừa tác vụ) của Linh Mục Duy Nhất là Đức Giê-su, thông qua bí tích Truyền Chức (nên được gọi là Tư tế thừa tác). Số đông còn lại chỉ là những linh mục tự chăn dắt chính con chiên bản thân và đóng góp sức mình vào sứ vụ chung của cả đoàn chiên (nên được gọi là Tư tế cộng đồng). Rõ ràng các chiên linh mục được Linh Mục duy nhất Giê-su chăn dắt bao gồm cả Tư tế thừa tác và Tư tế cộng đồng.
Nhìn vào nhu cầu loan báo Tin Mừng cho thế giới, Đức Giê-su nhận thấy số người đi loan báo so với số người cần được loan báo quả thật còn quá ít. Vì thế, điều Người yêu cầu là “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Nghĩa là Người yêu cầu các tín hữu hãy cầu xin Thiên Chúa làm cho số “thợ gặt” đông lên. Điều lý thú ở đây là Người chưa yêu cầu các môn đệ làm “thợ gặt” chính hiệu, mà hãy cầu nguyện cho có nhiều “thợ gặt” đã. Khi thành tâm cầu nguyện như thế, ắt Ông Chủ sẽ thoả mãn nhu cầu, vì "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho" (Mt 7, 7). Và khi lời cầu xin ấy đạt hiệu quả tốt đẹp, thì những người cầu nguyện ấy đã đương nhiên là những “thợ gặt” chính hiệu rồi vậy.
72 “thợ gặt” được sai đi loan báo triều đại Thiên Chúa đã đến gần, đó là một sứ mệnh cao trọng và vô cùng khẩn thiết trong một thế giới chứa đầy hận thù gian ác. Một cách cụ thể thì đó là sứ mệnh hòa giải đem lại an bình cho nhân loại như chính Đức Giê-su đã đến và mời gọi cộng tác với Người trong sứ vụ cao trọng đó. Những tưởng sứ vụ hoà bình thì chỉ là đi vào một cánh đồng mênh mông bát ngát những bông lúa chín vàng để thoải mái gặt, ai dè lại được Người Sai Đi báo trước: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Chiên con mà đi vào giữa bầy sói thì không dễ dàng gì mà thực hiện nổi sứ vụ đi ngược lại với dục vọng của sói dữ.
Tuy nhiên, nếu chiên con tin tưởng mãnh liệt vào Người Thầy đã sai mình đi, thì sẽ được “Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.” (Lc 10:19), và sẽ hoàn tất được sứ mệnh. Chỉ đến khi nào “Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau” (Is 11, 6), “Sói với chiên con sẽ cùng nhau ăn cỏ, sư tử cũng ăn rơm như bò” (Is 65, 25); thì lúc ấy các thợ gặt sẽ hoan hỉ báo công và được Ông Chủ “sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.” (Mt 25, 33-34).
Còn biểu tượng nào diễn tả cảnh hòa bình cho bằng cảnh chiên con nằm chung với chó sói (Is 11, 6; 65, 25). Đó là hình ảnh tuyệt vời đến siêu thực. Đó cũng là sứ mệnh hòa giải khó khăn nhất mà người môn đệ phải thực hiện trên bước đường truyền giáo. Đức Giê-su đã biết trước tất cả những nguy hiểm đó vì chính Người cũng đã phải đối mặt với khổ đau và cái chết. Người môn đệ cũng phải chia sẻ cùng một thân phận, nên cần phải nhận chân được sự khổ đau và cái chết chính là thành quả gặt hái được của những “thơ gặt” chính hiệu trên cánh đồng Truyền Giáo. Hãy vững tin và kiên trì cầu nguỵên cho mình có đủ can đảm và dũng khí chấp nhận khổ đau và nhất là cái chết vì Tình Yêu như Chiên Thiên Chúa Giê-su Ki-tô, thì sẽ được trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Vâng, “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3, 10-11).
Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa thương ban cho nhân loại thật nhiều “thợ gặt” là những Tông đồ đích thực, thiện nghệ, có tình yêu thật sự đối với Thiên Chúa và tha nhân, để họ dám hy sinh cho vinh quang của Chúa và hạnh phúc của mọi “người thân cận” trên khắp năm châu bốn biển. Nhờ đó, Nước Chúa sẽ được thực hiện ngay trên trần gian này. Ôi! “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để Nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên Tông đồ thiện toàn mở Nước Chúa Trời”. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: