Con của Thiên Lôi
CON CỦA THIÊN LÔI (THÁNH GIA-CÔ-BÊ, TÔNG ĐỒ)
Khi thành lập nhóm mười hai Tông đồ tiên khởi, Đức Giê-su đặt lại tên cho 3 môn đệ: Ông Si-mon được đặt tên là Phê-rô (nghĩa là Tảng Đá) và hai anh em ông Gia-cô-bê và Gio-an cùng được gọi là “Bô-a-nê-ghê” (nghĩa là con của Thiên Lôi), thêm 9 người nữa là các ông: An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người (Mc 3, 13-19). Vì trong danh sách mười hai Tông đồ Chúa chọn, có hai người cùng mang tên là Gia-cô-bê, nên để phân biệt, Tông đồ Gia-cô-bê là anh của Gio-an Thánh sử, con ông Dê-bê-đê, được gọi là Gia-cô-bê Tiền. Còn Tông đồ Gia-cô-bê con của ông An-phê được gọi là Gia-cô-bê Hậu. Theo lịch Phụng vụ thì ngày 25/7 hằng năm cử hành lễ kính Thánh Tông đồ Gia-cô-bê Tiền.
Đặt tên cho ông Si-mon là Phê-rô (Tảng đá), Đức Giê-su đã căn cứ vào một câu trong Kinh Thánh: “Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!” (Mc 12, 10-11). Cũng vì Người đã thấy rõ bản tính của Si-mon vừa kiên định (vững chắc, bền bỉ) lại vừa cương trực (cứng rắn, ngay thẳng) giống như một tảng đá có thể làm nền móng xây dựng tòa nhà Giáo Hội, nên Người mới phán dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16, 28-29). Như vậy, tên gọi Phê-rô là rất ý nghĩa; nhưng còn tên gọi “Con của Thiên Lôi”, Thiên Lôi mà cũng có con sao? Chẳng lẽ Đức Giê-su đặt tên này cho 2 ông Gia-cô-bê và Gio-an lại mang ý nghĩa tiếu lâm, gây cười? Xin cùng tìm hiểu.
Thánh Gia-cô-bê Tông đồ xuất thân trong một gia đình ngư phủ tương đối khá giả tại Bết-xai-đa, thân phụ ngài là ông Dê-bê-đê có mướn thêm những người làm công phụ việc chài lưới (Mc 1, 19-20). Thánh nhân là một trong bốn môn đệ được Chúa gọi đầu tiên tại biển hồ Ga-li-lê (ông Si-môn với người anh là ông An-rê, ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an – Mc 1, 16-20). Nơi những biến cố quan trọng trong cuộc đời trần thế của Đức Giê-su, vị Tông đồ này luôn có mặt: Ông đã chứng kiến phép lạ Chúa chữa cho nhạc mẫu của ông Phê-rô được khỏi bệnh (Mc 1, 29-31), chữa con gái ông Trưởng Hội đường Gia-ia đã chết được sống lại (Mc 5, 37-43), Chúa hiển dung trên núi Ta-bo (Mc 9,2-8), và lúc Chúa cảm thấy bồi hồi xao xuyến trong khi cầu nguyện ở vườn Ghết-sê-ma-ni, trước giờ bước vào cuộc khổ nạn (Mc 14, 32-42).
Có hai biến cố trong Thánh Kinh diễn tả tính cách của Thánh Gia-cô-bê và người em là Gio-an. Đó là chuyện hai ông đến xin với Ðức Giê-su "cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Ngay lập tức, Ðức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì!'" để cảnh tỉnh các ông không nên học theo những thủ lãnh "dùng uy mà thống trị dân" hay những người làm lớn “lấy quyền mà cai quản dân”; mà phải là “muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ, muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người”. Đức Ki-tô đã lấy chính bản thân Người làm dẫn chứng: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." Xin được “ngồi bên tả và bên hữu Thầy khi Thầy được vinh quang” bộc lộ một tham vọng quyền lực (khi Thầy được vinh quang tức là khi Thầy được tôn vinh là Chúa tể, là Vua; như vậy thì cũng chẳng khác gì muốn được ngồi ở vị trí “Tả hữu Thừa tướng” trong chế độ quân chủ thời phong kiến). Vì thế nên mới khiến cho “mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.” (Mc 10, 35-45).
Tuy nhiên, Đức Giê-su vẫn thương mến và tin tưởng các ông, nên Người đặt câu hỏi: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10, 37-39). Và khi thấy họ trả lời “Thưa được”, thì Ðức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được." Tham vọng quyền lực ấy của hai ông Gia-cô-bê và Gio-an lại biểu lộ trong một trường hợp khác: Đó là khi thấy một làng người Sa-ma-ri không chịu đón tiếp Đức Giê-su vì Người đang trên đường đến Giê-ru-sa-lem, "Thấy thế, hai môn đệ là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?' Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác." (Lc 9, 51-56). Điều này chứng tỏ rằng biệt hiệu "con của Thiên lôi” mà Ðức Giê-su đặt cho họ quả là xứng hợp.
Tính ngay thẳng bộc trực nghĩ sao nói vậy của Thánh Gia-cô-bê và Gio-an cũng giống như “Ông ruột ngựa” Phê-rô. Thánh Phê-rô cũng rất nhiều lần được Thầy nhắc nhở là kém tin, thậm chí có lần còn bị quở trách nặng nề (“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy”), nhưng Thầy vẫn tin tưởng và trao cho sứ mệnh làm Tảng Đá “xây dựng và chăm sóc đàn chiên Giáo Hội”. Đối với Gia-cô-bê và Gio-an cũng vậy, được một Người Thầy là Đức Ki-tô Thiên Chúa uốn nắn, dạy dỗ, hai Tông đồ đã biến đổi hoàn toàn. Thánh Gio-an thì trở nên một “môn đệ được thương mến” và được Thầy Chí Thánh trước khi chết trên thập giá, trao phó cho thân mẫu là Đức Maria: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Ga 19, 26-27). Còn Gia-cô-bê thì được ơn là Tông đồ đầu tiên Tử vì Đạo (“Thời kỳ ấy, vua Hê-rô-đê ra tay ngược đãi một số người trong Hội thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Gia-cô-bê là anh ông Gio-an” – Cv 12,1-2).
Tóm lại, cũng như các môn đệ khác, Thánh Gia-cô-bê khi theo Đức Giê-su đều mong muốn được trở nên những người có bản lĩnh, uy quyền (có thể “lưới người như lưới cá”). Đó cũng là tâm lý chung của con người trần thế. Ăn thua là khi đã được Thầy dạy dỗ, rèn luyện, các ngài có “lột xác” hay không. Một minh chứng hùng hồn là trong số 12 Tông đồ tiên khởi thì có tới 11 vị đã lột xác hoàn toàn, để trở nên những chứng nhân anh hùng cho Đấng Cứu Độ Giê-su Ki-tô; chỉ có một Giu-đa It-ca-ri-ốt là bán Chúa phản Thầy mà thôi. Rõ ràng Thánh Gia-cô-bê với bản tính cương trực được tôi luyện trong “Phép Rửa bởi Thánh Thần và Lửa” của Thầy Chí Thánh (Mt 3, 11), đã cháy lửa nhiệt tình đạt tới đỉnh cao hy sinh tính mạng mình cho sứ vụ “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15). Đó chính là một tấm gương sáng chói cho mọi Ki-tô hữu học theo để xứng đáng là môn đệ của Chúa trong mọi nơi mọi lúc cho đến trọn đời.
Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ Người cầu thay nguyện giúp, Hội Thánh được luôn nâng đỡ phù trì” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giacô-bê tông đồ ).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: