Ba ngọn núi thần kỳ
BA NGỌN NÚI THẦN KỲ
(Lễ Chúa Hiển Dung – 6/8)
Lịch Phụng vụ của Giáo Hội đã lấy ngày 6/8 là Lễ kính “Chúa Hiển Dung”. Biến cố “Hiển Dung” (còn gọi là “Biến Hình”) đã xảy ra vào khoảng 8 ngày sau Lời dạy của Đức Giê-su về mầu nhiệm Tử Nạn: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9, 22). Có lẽ cũng vì thế, nên lịch Phụng vụ của Giáo Hội đã trích bài Tin Mừng trình thuật biến cố Hiển Dung vào Chúa nhật II Mùa Chay. Như vậy thì cũng có thể nói biến cố Hiển Dung đã hiển dương (bày tỏ sự rực rỡ, vinh quang) mầu nhiệm Phục Sinh. Ðiều này cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh luôn đi liền với mầu nhiệm Tử Nạn. Đức Ki-tô muốn cho các môn đệ được thấy trước ánh sáng Phục Sinh để họ khỏi nao núng khi Người chính thức buớc vào cuộc khổ nạn thập giá. Tất cả sứ vụ cao trọng của Con Người (từ khổ nạn thập giá đến chiến thắng tử thần để cứu độ nhân loại) đều đã được tiên báo.
Biến cố Hiển Dung xảy ra trên núi Ta-bo, có ba môn đệ được chứng kiến (“Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê.” – Lc 9, 28). Về sau, ba môn đệ này cũng được lên núi Cây Dầu, nơi mà Đức Giê-su trước khi bị quân dữ bắt, đối diện với cuộc khổ nạn, đã cầu nguyện với Đức Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22, 42-44). Khi biến cố Hiển Dung xảy ra, thì “có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.” (Lc 9, 30-31). Nói về “cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành”, cũng tức là tiên báo về mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh đã cận kề. 3 môn đệ được chứng kiến cuộc gặp gỡ của 3 nhân vật đặc biệt: Đức Giê-su hội kiến với một nhà luật pháp (Mô-sê) và một ngôn sứ (Ê-li-a). Cũng lại là những con số 3 gợi nhớ đến 3 ngọn núi thần kỳ: * NÚI XI-NAI – “Núi Giao-Ước” (Ngôn sứ Mô-sê ký Giao Ước – Xh 24, 1-18); * NÚI TA-BO – “Núi Vinh Quang” (hiển dương mầu nhiệm Cứu Độ – Lc 9, 28-36); * NÚI GÔN-GÔ-THA – “Núi Tình Yêu” (hiện thực hóa Giao Ước Mới – Lc 23, 33-56; 24, 1-7).
Núi là biểu tượng cho sự uy nghi, hùng vĩ, cao cả. Trong Thánh Kinh, núi thường được xem là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa thần linh và con người. Những mạc khải quan trọng trong Thánh Kinh đều diễn ra trên núi. Suy niệm về biến cố Hiển Dung, ĐGH Biển Đức XVI đã viết những lời thật ý nghĩa về các ngọn núi: “Chúa Giê-su đem theo các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an riêng với mình và dẫn họ lên một ngọn núi cao (Mc 9, 2). Chúng ta lại gặp ba vị này trong vườn Cây Dầu (Mc 14, 33), lúc đó cơn âu lo cuối cùng của Đức Giê-su như hình ảnh nghịch lại với Hiển Dung, dù vậy cả hai vẫn thuộc vào nhau. Ở đây không nên bỏ qua đoạn Xh 24 (1-18), ông Mô-sê lên núi cùng với A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu và bảy mươi người trong hàng kỳ mục Ít-ra-en… Nếu chúng ta đi tìm một lời giải thích, sẽ gặp ở hậu cảnh biểu trưng chung về núi: núi là vị trí nâng cao, không những phải trèo lên bên ngoài, nhưng ngay cả bên trong; núi như giải thoát gánh nặng thường nhật, như hít thở không khí trong lành của sáng tạo; núi cho chúng ta một cái nhìn thật xa và vẻ đẹp của vũ trụ; núi cho tôi một cảm giác nâng cao trong tâm hồn và cho tôi cảm nghiệm về Đấng Sáng Tạo. Ngoài lịch sử, còn có cảm nghiệm về một Thiên Chúa, Đấng đang nói và kinh nghiệm về cuộc khổ nạn mà đỉnh cao đạt được trong cuộc hy tế I-sa-ac, trong hy tế Con chiên, tiền ảnh của Con Chiên cuối cùng bị sát tế trên núi Gôn-gô-tha. Trên núi, ông Mô-sê và ông Ê-li-a được đón nhận mạc khải của Thiên Chúa; các ngài đàm đạo với Đấng là mạc khải của Thiên Chúa nơi bản thân Người”. (“Đức Giê-su thành Na-da-ret”, Lm Âu-tinh Nguyễn Văn Trinh biên dịch, trang 266-267).
Chỉ xét riêng về biến cố trên núi Ta-bo cũng đủ rõ về con số 3 kỳ diệu: 3 môn đệ chứng kiến 3 nhân vật biểu trưng cho 3 bước trong công trình cứu độ của Thiên Chúa: Từ Lời Hứa Cứu Độ (Giao Ước) đến cuộc Thương Khó (Tử Nạn) và kết thúc bằng chiến thằng vinh quang (Phục Sinh). Chưa hết, ngay trong cuộc đàm đạo của 3 nhân vật thì thấy ngoại cảnh là có một đám mây bao phủ các môn đệ khiến các ông hoảng sợ, “Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” (Lc 9, 35). Đám mây đó chính là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, cùng với Lời phán dạy của Chúa Cha về Chúa Con “Đây là Con Ta…”, đã minh chứng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trước đây, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng đã hiển dương trong biến cố “Đức Giê-su chịu Phép Rửa trên sông Gio-đan” (“Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” – Lc 3, 22). Điều này chứng tỏ Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiện diện trong Ngôi Hai, hay nói cách khác, Ba Ngôi luôn ở trong nhau, Ba Ngôi nhưng chỉ là Một Chúa vậy.
Rõ ràng Tin Mừng về biến cố Hiển Dung giúp cộng đoàn Ki-tô hữu ý thức mình được dẫn lên núi cao (Mt 17, 1) như các Tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, để tái đón nhận món quà Ân Sủng của Thiên Chúa Cha ban tặng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Một cách cụ thể, đây là dịp Thiên Chúa đặt trước mắt người tín hữu vinh quang của Đấng Cứu Độ Giê-su Ki-tô, báo trước cuộc phục sinh vinh hiển của Người. Đó chính là lời mời gọi Ki-tô hữu hãy tránh xa sự ồn ào của cuộc sống thường nhật, để ngụp lặn trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, Người muốn thông truyền cho những kẻ tin một Lời thấu vào tận thẳm sâu tâm hồn, ngõ hầu phân biệt được thiện và ác (Dt 4, 12); đồng thời củng cố ý chí vác thập giá mình mà theo Chúa đến cùng. Vâng, được mời gọi cùng đi lên núi cao để “mặc lấy Chúa Ki-tô”, được ngụp lặn trong hào quang vinh hiển của Thiên Chúa, ngõ hầu hoán cải, biến đổi toàn diện con người của mình sao cho ”trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (Pl 3, 10).
Trong Thông điệp “Lumen Fidei – Ánh Sáng Đức Tin” (số 21-22), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô I viết: “Người Ki-tô hữu có thể có đôi mắt của Chúa Giê-su, những tình cảm của Người, và tâm tình con thảo của Người, bởi vì người đó được thông phần vào Tình Yêu của Người, Tình Yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Chính trong Tình Yêu này mà chúng ta một cách nào đó nhận được cái nhìn riêng của Chúa Giê-su. Nếu không có việc nên đồng hình đồng dạng này trong Tình Yêu, nếu không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là Đấng được đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5), thì chúng ta không thể nào tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa (x. 1 Cor 12:3)… Đối với những người đã được biến đổi theo cách này, một cách nhìn mới được mở ra, đức tin trở thành ánh sáng cho đôi mắt của họ.”
Trước biến cố hiển dương mầu nhiệm Phục Sinh – cũng tức là lời hứa ban sự sống đời đời cho những kẻ tin – người Ki-tô hữu còn chần chờ gì nữa mà không quyết tâm từ bỏ tất cả những thói hư tật xấu, liên lỉ cầu nguyện để có được “đôi mắt của Chúa Giê-su, những tình cảm của Người, và tâm tình con thảo của Người, được thông phần vào Tình Yêu của Người”, ngõ hầu biến đổi con người của mình (như Chúa đã biến hình trên núi Ta-bo) để có “một cách nhìn mới được mở ra, đức tin trở thành ánh sáng cho đôi mắt” của mình. Vâng, cũng chính Lời Hứa (Giao Ước) của Đấng Cứu Độ thông qua biến cố Hiển Dung, chúng ta được mời gọi mỗi khi đối diện với những khủng hoảng, bế tắc nghiệt ngã trong cuộc sống vô thường ở đời này, hãy hướng lòng trí lên ngọn núi cao tràn trề Ánh-Sáng-Đức-Kitô để được khích lệ, để được ủi an, hầu có thể vượt qua được những thử thách đau thương ấy. Xin hãy cầu nguyện để Thần Khí Chúa soi sáng và thêm sức mạnh giúp chúng ta xác tín sứ mệnh Chúa trao cho chúng ta, bởi chính trong cầu nguyện, chúng ta sẽ được biến đổi và biến đổi tận căn.
Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Con Một Chúa biểu lộ dung nhan hiển vinh Người, Chúa đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia để củng cố niềm tin của các tông đồ vào mầu nhiệm cứu độ và báo trước hồng ân lạ lùng Chúa sẽ ban là nhận chúng con làm nghĩa tử. Xin cho chúng con nghe lời Con Một Chúa để mai sau được chung hưởng gia nghiệp với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Chúa Hiển Dung)
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: