Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Gửi ngân hàng

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

GỞI NGÂN HÀNG (CN XIX/TN-C)

 

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay (CN XIX/TN-C – Lc 12, 32-48) Đức Giê-su đã dạy: "Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó" (Lc 12, 33-34). Biết rõ tâm địa con người luôn luôn tiềm ẩn cái kho tài sản vật chất mình tạo dựng được, coi như một kho báu và lòng luôn hướng về đó để mong xây những kho lẫm kiên cố mà tàng trữ; vì thế nên Chúa mới dạy hãy bán hết tài sản ấy đi mà làm việc thiện, một cách đầu tư mua sắm lấy một kho tàng vĩnh cửu. Khi cái kho lẫm tài sản trần thế đã bán đi hết thì lòng dạ con người mới thật sự không còn vương vấn tới nó nữa, mà hướng về cái kho tàng mình đang đầu tư. Khi đã thấu hiểu được cái kho báu vô tận là cuộc sống vĩnh cửu mai sau, thì tất cả lòng dạ sẽ tập trung vào kho báu đó. Và chỉ có như thế, thì mới đem hết tâm lực ra mà chiếm hữu cho kỳ được. Quả thật Chúa thấu suốt lòng dạ con người, “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó”, chí lý!

 

Cần phải ý thức được kho tàng không bao giờ hư nát ấy tất nhiên không phải là những thứ đang trông thấy nhãn tiền, những thứ “sớm nở tối tàn” (phù dung), những thứ sống nhờ, sống gửi (phù sinh, phù thế), kể cả cuộc sống cũng chỉ là “bức tranh vân cẩu”. Vâng, “tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát” (Gv 2, 11). Nói khác hơn, cuộc sống trần gian dù có vàng bạc châu báu đầy kho thì cũng chỉ là tạm bợ, chóng qua, và cho đến lúc “trở về với cát bụi” thì những thứ đó cũng trở thành vô nghĩa (“Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng, Chết xuống âm phủ cũng chẳng mang được gì” – ca dao VN). Vì thế, mới có quan niệm coi cuộc đời trần thế là cõi phù sinh, cõi tạm và con người sống trên trần thế chỉ là những khách lữ hành, khách qua đường mà thôi. Sống chỉ là sống tạm, sống gửi, chết rồi mới thực sự trở về sự sống thật (“sống gửi thác về”).

 

Thời Cựu Ước, các tổ phụ đã tự coi mình là lữ khách, là ngoại kiều nơi trần thế, để luôn ở trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng hướng về, tiến về quê hương đích thực (“Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời” – Dt 11, 13-16). Mà muốn đạt được cái mong ước tìm thấy quê hương đích thực thì cần phải tỉnh thức và sẵn sàng, luôn “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” như người đầy tớ chở ông chủ đi ăn cưới về (Lc 12, 35).

 

Như vậy, sẵn sàng làm theo ý chủ thì phải như ông A-ben, ông Kha-nốc, ông Nô-ê đã làm đẹp lòng Thiên Chúa, biết dâng lên Thiên Chúa những hy lễ cao qúy; đặc biệt nhất là tổ phụ Áp-ra-ham đã dám hiến tế chính con một của mình là I-xa-ác (Dt 11, 3-17). Đừng “giả mù sa mưa” nữa, mà hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Tỉnh thức không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay chờ chủ về, mà là phải sẵn sàng tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc, để phục vụ không bao giờ ngưng nghỉ. Và khi trở về, thấy đầy tớ đã hiểu ý chủ mà làm việc hết mình, thì Ông Chủ sẽ thắt lưng, đưa đầy tớ vào bàn ăn và đến bên phục vụ từng người. Ông chủ mà lại phục vụ đầy tớ ư? Chuyện thật khó tin nhưng đã xảy ra, bởi chính Ông Chủ ấy đã từng quỳ xuống rửa chân cho đầy tớ, đã từng phục vụ và hiến dâng cả mạng sống làm giá chuộc muôn người.

 

Tóm lại, biết được ý chủ thì phải làm theo ý chủ, mà ý chủ ở đây là muốn các đầy tớ đều sẽ trở nên những quản gia trung tín và khôn ngoan, biết quản lý tài sản, biết sử dụng tiền của, ý thức sâu sắc sự “cho đi tức là nhận về” (“bán tài sản đi mà bố thí”). Người quản gia phải là người một lòng một dạ tin tưởng ((trung tín) vào Ông Chủ. Vâng, có tin mới hy vọng. Một cách rất trần tục: Có tin khi trúng số độc đắc sẽ có được cuộc sống dư dả về vật chất, thì mới bỏ tiền mua vé số để hy vọng mình sẽ trúng độc đắc. Dám bỏ tiền ra mua một cái hy vọng ảo, thế thì tại sao lại không bỏ hết tâm lực ra để hy vọng đạt được phần thưởng đích thực nơi Thiên Quốc? Chỉ lo tích trữ kho tàng vật chất, tại sao không biết tích trữ kho tàng tinh thần mà đầu tư vào ngân hàng Nước Trời?

 

Vâng, “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6, 19-20), muốn được vậy thì “anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!" (Mt 25, 27). Nói thì đơn giản, nhưng chỉ đến khi “bán tài sản” đã tich trữ được nơi trần thế để “gởi số bạc đó vào ngân hàng” bằng cách bố thí, mới thấy là khó khăn. Phải chăng đó chính là “Những thử thách nhằm tinh luyện đức tin” của những người dám bán của cải phù vân mà gừi vào ngân hàng “không lo mối mọt, cũng chẳng có trộm cắp”? Thật thế, “đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1Pr 1, 7).

 

Ôi! Lạy Chúa! Con luôn miệng lặp đi lặp lại lời nhắc nhở “của cải chỉ là phù vân”, nhưng khốn nỗi trong lòng con vẫn không tin, bởi những của cải ấy sờ sờ trước mắt, có thể cầm nắm, tích trữ được, trong khi những của cải Nước Trời thì lại không nhìn thấy và đòi hỏi phải có một đức tin vững vàng mới có thể chiếm hữu được. Cúi xin Chúa ban Thần Khí soi sáng cho con biết được đâu là “kho tàng không thể hao hụt” để con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng dốc hết sức mình ra chiếm hữu cho kỳ được. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.