Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Miếng đỉnh chung

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MIẾNG ĐỈNH CHUNG (CN XXII/TN-C) Lc 14, 1-14

 

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay (CN XXII/TN-C – Lc 14, 1.7-14), Thánh sử Lu-ca viết: “Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.” (Lc 14,1). Đám người Pha-ri-sêu cứ hết “dò xét” lại “thử” Đức Giê-su (như trong câu chuyện “Người đàn bà ngoại tình”, họ hỏi Đức Giê-su có nên ném đá người đàn bà ngoại tình theo luật Mô-sê, “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” – Ga 8, 6; hoặc như câu chuyện “Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.” – Mc 10, 2). Rõ ràng đám người này chẳng phải vì thắc mắc muốn được giải đáp, hay vì kính trọng Đức Giê-su nên mời Người dự tiệc; mà thực chất lúc nào họ cũng chỉ muốn gài bẫy Đức Giê-su, để có cớ lên án và trừ khử Người.

 

Vì thế, Đức Giê-su liền dạy cho họ ba bài học liên tiếp (“Chữa người phù thũng trong ngày sa-bat”, “Hãy ngồi chỗ cuối”, “Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó”). Tâm lý chung con người ai chẳng muốn chọn cho mình phần tốt nhất, ai chẳng muốn đi ăn tiệc được ngồi vào cỗ nhất. Ngay đến các Tông đồ ở cận kề với Người Thầy luôn dạy dỗ môn đệ phải khiêm nhường, vậy mà cũng có hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang" (Mc 10, 37). Xin được ngồi bên tả và bên hữu Chúa (tức là Tả hữu Thừa tướng của Vua vũ trụ Giê-su!) há chẳng phải là muốn được ngồi cỗ nhất đó sao? Cũng không phải chỉ có 2 môn đệ này đâu, mà các môn đệ khác cũng tỏ ra tức tối ("Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an." – Mc 10, 41). Tức tối tức là ghen tị, là mong muốn mình phải được coi trọng hơn. Ngày xưa thì như vậy, còn ngày nay thì sao? Vấn đề muốn được ngồi cỗ nhất, thì xưa hay nay cũng vẫn mãi mãi là “chuyện thường ngày ở huyện”.

 

Cứ nhìn thử xem, xã hội thời hoàng kim này vẫn nhan nhan cảnh dùng đủ mọi chiêu thức mưu ma chước quỷ để tranh bá đồ vương, tiếm quyền tiếm chức, tranh danh đoạt lợi, để được ngồi cỗ nhất, được nổi danh nổi tiếng, tiền hô hậu ủng, xe hơi nhà lầu, võng lọng xênh xang. Và câu “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” vẫn luôn luôn và mãi mãi đúng với xã hội loài người. Ai chẳng ham chỗ ngồi mà “Dưới trướng nức mùi chung đỉnh” (tục ngữ); ấy cũng bởi vì “Có gương khoa giáp, có nền đỉnh chung” (truyện “Nhị độ mai”). Theo từ nguyên thì “đỉnh chung” là cái chuông và cái vạc (Đỉnh là cái vạc dùng để nấu cơm, chung là cái chuông. Ngày xưa nhà quyền quý dùng chuông để báo hiệu cho khách về ăn cơm). Đỉnh chung tượng trưng cho đời sống xa hoa nơi những nhà quyền quý sang trọng. Cụm từ “chung minh đỉnh thực:  鐘 鳴 鼎 食 ” (chuông kêu vạc ăn) viết gọn lại thành “Đỉnh chung”. Miếng đỉnh chung chính là cái “cỗ nhất” trong bài Tin Mừng hôm nay vậy.

 

Rõ ràng Đức Ki-tô quá hiểu tâm lý con người chỉ ham miếng đỉnh chung, được mời "dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi" (Lc 14, 7). Vì thế, nên Người mới dạy: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối" (Lc 14, 8-9). Người còn chỉ rõ những người ham ngồi “cỗ nhất”, đó là: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc." (Lc 20, 46). Ngay đến cả việc đãi khách, mời khách dự tiệc, Người cũng dạy trái ngược với thông lệ của người đời: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có… Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…" (Lc 14, 12-13).

 

Ôi chao! Được mời dự tiệc thì xuống “ngồi chỗ cuối”, còn mời người khác dự tiệc thì chỉ “mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…”, đó là chuyện không tưởng trong xã hội loài người! Lời dạy của Đức Ki-tô mới thoạt nghe sẽ thấy là mâu thuẫn, khó chấp nhận được. Tuy nhiên, suy nghĩ cho thấu đáo, thì thấy Đức Ki-tô chuyên dùng dụ ngôn với những cách nói tương phản, phản đề, cốt ý nhấn mạnh để nêu bật ý chính (chủ đề). Lời dạy trên, nếu trích đầy đủ, sẽ là: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." (Lc 14, 12-14). Và như vậy, mục đích nhắm tới của Lời dạy là "ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." Rõ ràng Đức Giê-su chỉ luôn mong muốn Lời dạy của Người có tác động mạnh mẽ, làm cho người nghe hiểu được ý nghĩa sâu xa và cái mục đích tối hậu cần đạt tới.

 

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, Đức Ki-tô chỉ muốn dạy môn đệ đức tính khiêm nhu tự hạ. Và nếu anh biết khiêm nhường chịu luỵ, anh sẽ được mời lên ngồi “cỗ nhất”. Anh đừng nghĩ khi được ngồi cỗ nhất là anh sẽ được kẻ hầu người hạ, anh sẽ vênh vang nhìn đời bằng nửa con mắt. Trái lại, "Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa" (Hc 3, 18); "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9, 35). Khiêm nhường cũng có nhiều cách thể hiện, có thể thực lòng và cũng có thể màu mè bên ngoài, thậm chí còn có trường hợp giả bộ khiêm nhường để nói móc, nói cạnh nói khoé. Vì thế, khiêm nhường phải xuất phát từ tấm lòng chân thực. Khiêm nhường phải là “khiêm nhường chịu lụy” như trong kinh “Cám Ơn Sau Rước Lễ” hàng ngày vẫn đọc: “Tôi xin Mình Thánh này chớ để cho tôi phải phạt lại được ích về phần linh hồn cùng xin gìn giữ kẻo phải chước ma quỉ cám dỗ được tôi, cùng cất hết nết xấu, và cho tôi bỏ lòng mê sự thế gian; lại xin cho được lòng kính mến Đức Chúa Trời cùng yêu người, và thêm sức chịu khó bằng lòng ở khiêm nhường chịu lụy…”

 

Một cách cụ thể thì khiêm nhường phải nói lên được lòng kính trọng kẻ khác với ý chí nhẫn nhục (sẵn sàng “chịu lụy” mọi người, sẵn sàng “ngồi chỗ cuối”, sẵn sàng “phục vụ mọi người”, “nếu bị ai vả má bên phải” thì sẵn sàng “giơ cả má bên trái ra nữa”, hoặc ai muốn “lấy áo trong, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài” – Mt 5, 39-40). Có như vậy mới thực sự “đắc nhân tâm” (được lòng người). Thực thế, người càng khiêm nhường bao nhiêu, càng chinh phục được lòng người bấy nhiêu; và từ đó – trong mọi công việc có liên hệ với cộng đồng xã hội – càng dễ thành công bấy nhiêu. Những người có thái độ khiêm nhu tự hạ sẵn sàng “ngồi chỗ cuối” sẽ được Ông Chủ “thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn”, mở rộng vòng tay mời lên ngồi “cỗ nhất”, và “đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12, 37). Thật rõ ràng: Thiên Chúa không hề được tôn vinh nơi những kẻ kiêu căng tự phụ, mà “Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3, 20). Vì vậy, “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA.” (Xp 3, 12). Chính Đức Giê-su Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật đã “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” và luôn dạy con người “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 19, 28).

 

Vì khiêm nhường, Đức Giê-su đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người khó nghèo và dùng chính cuộc sống của Người cùng những Lời dạy dỗ loài người về đức khiêm nhường. Người đã khiêm nhường vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu để cái tính kiêu ngạo của loài người hành hạ, đánh đòn, sỉ nhục, đóng đinh Người trên thập tự. Người đã thức tỉnh nhân loại bằng cách hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, phỏng đã được bao nhiêu người ý thức được tội kiêu ngạo đứng hàng đầu trong 7 mối tội đầu, hiểu được chính tội kiêu ngạo đã đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá? Và chẳng hiểu có được bao nhiêu con người dám hy sinh chỗ ngồi “cỗ nhất” (chưa dám nói hy sinh mạng sống mình) cho anh em, cho đồng loại, để sẵn sàng xuống ngồi “chỗ cuối” mà  phục vụ mọi người? Quả thực “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3, 28).         

   

Ôi! Lạy Chúa! Xin cho con được trở nên đơn sơ bé nhỏ, biết sống khiêm nhu tự hạ trong tâm tình hiền hậu “Mến Chúa yêu người”. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí Sự Thật hướng dẫn dạy dỗ con biết đâu là cửa hẹp đường chật, đồng thời thêm sức cho con có đủ nghị lực và can đảm vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trên con đường chật đầy cạm bẫy chông gai, để vào được cửa hẹp và nghỉ an trong Trái Tim Chúa. Ôi! Lạy Chúa! “Trong Trái Tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, như nước mưa tan trong biển khơi. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, trái tim con trong Trái Tim Người, nhỏ bé thôi, nhò bé thôi, là tình con trong khối Tình Người.” (TCCĐ “Trong Tim Chúa”).

 

JM. Lam Thy ĐVD.