Thánh Mat-thêu Tác giả sách Tin Mừng
THÁNH MAT-THÊU, TÔNG ĐỒ
(Tác giả sách Tin Mừng – Lễ kính: 21/9)
Thủa ấy, những người thu thuế bị dân Do-thái coi là những kẻ tội lỗi. Có một người thu thuế trong thành Ca-phac-na-um tên là Mat-thêu (cũng gọi là Lê-vi, con của ông An-phê) đang ngồi trong bàn thu thuế, thì Đức Giê-su đi ngang qua, Người bảo ông: “Hãy theo tôi!”, ông lập tức bỏ tất cả mà đi theo Người. Đồng thời, để bày tỏ sự vui mừng cùng với lòng biết ơn, “Ông làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.” (Lc 5, 29). Sự kiện này khiến đám kinh sư Pha-ri-sêu khó chịu, họ nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9, 11-13). Như thế, Đức Giê-su kêu gọi ông Lê-vi cũng như trước đó Người kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên (ông Si-mon và người anh là An-rê, ông Gia-cô-bê và người em là Gio-an) chính là để minh họa cho Lời dạy nêu trên vậy.
Từ đó, Thánh Mat-thêu đã trở thành một trong 12 môn đệ nền móng của Giáo Hội tiên khởi. Sau khi Đức Giê-su về trời, Thánh Mat-thêu đã cùng với các anh em Tông Đồ ở lại cùng Đức Mẹ. Rồi nhờ hồng ân Thánh Thần ban sự hiểu biết và lòng can đảm, Thánh nhân đã mạnh dạn đến với dân chúng để rao giảng và làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh. Trước khi rời Giu-đê-a Pa-let-tin, Thánh Mat-thêu đã soạn thảo Phúc Âm đầu tiên bằng tiếng Do-thái vào khoảng năm 80. Ngài là một trong 4 tác giả của 4 sách Tin Mừng, mà Hiến chế “Tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa – Dei Verbum” đã khẳng định: “Trong mọi thời và khắp nơi, Giáo Hội đã và đang quả quyết rằng bốn sách Phúc Âm bắt nguồn từ các Tông Ðồ. Thực vậy, những gì các Tông Ðồ rao giảng theo lệnh Chúa Ki-tô, sau này nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, chính các ngài và những người sống bên các ngài viết lại và lưu truyền cho chúng ta như nền tảng đức tin: đó là Phúc Âm trình bày dưới bốn hình thức: theo Thánh Mat-thêu, Thánh Mac-cô, Thánh Lu-ca và Thánh Gio-an.” (MK, số 18).
Sách Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu phản ánh nếp sống và các vấn đề bận tâm của một Giáo đoàn Ki-tô hữu gốc Do-thái. Sách được biên soạn đúng vào thời điểm Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm. Người Do-thái nhìn thấy nơi biến cố này nguyên nhân chủ yếu là sự bội tín của mình đối với Thiên Chúa. Vậy thì phải trở lại tuân giữ luật Chúa thật nghiêm túc, ngõ hầu được Chúa thứ tha và phục hưng lại sự nghiệp. Trong bối cảnh đó, Mat-thêu trình bày cho tín hữu Ki-tô giáo hiểu thế nào là trở lại với luật Chúa cho đúng nghĩa: Chẳng phải cốt lập ra hàng loạt quy định luật lệ, nhưng là tiếp nhận sứ điệp của Đức Giê-su, tổ chức nếp sống bước theo chân Người. Việc này vừa đơn giản hơn vừa có nhiều đòi hỏi hơn. Cả cộng đoàn tín hữu phải tiến hành tổ chức sống theo lời dạy và việc làm của Đức Ki-tô Phục Sinh (từ bỏ tội lỗi, làm cho kẻ chết sống lại, kẻ mù xem thấy, kẻ què được đi, người câm nói được. Những dấu lạ này vẫn tiếp tục xuất hiện nơi những ai tin tưởng vào sự có mặt của Đấng đã “trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.” – Mt 8, 16-17).
Tin Mừng Mat-thêu quả là một bài học quý giá cho tín hữu về sự xây dựng Giáo Hội trong niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, mở ra đón nhận mọi dân tộc đoàn kết yêu thương nhau. Có thể nói sách Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu được coi là đầy đủ nhất. Bố cục của sách được xây dựng thật công phu: Năm tập sách nhỏ nối tiếp nhau, tập nào cũng gồm những “Bài giảng” và bài giảng nào cũng đều được dẫn nhập bằng những sự việc mà tác giả đã khéo léo chọn lựa. Điều này, cộng với các trình thuật về thời thơ ấu và về cuộc Thương khó và Phục sinh của Đức Ki-tô, tạo thành một tập thể hài hòa gồm 28 Chương trong 7 Mục:
I. GIÁNG SINH VÀ THỜI THƠ ẤU CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Ch. I-2)
II. CÔNG BỐ NƯỚC TRỜI (Ch. 3-5)
1. Phần ký thuật (Ch. 3-4).
2. Bài giảng trên núi (Ch. 5-7).
III. RAO GIẢNG NƯỚC TRỜI (Ch. 8-10)
1. Phần ký thuật (Ch. 8-9).
2. Bài giảng về sứ mệnh truyền giáo (Ch. 10).
IV. MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI (Ch. 11-12)
1. Phần ký thuật (Ch. 11-12).
2. Bài giảng bằng dụ ngôn (Ch. 13).
V. GIÁO HỘI, BƯỚC ĐẦU CỦA NƯỚC TRỜI (Ch. 14-18)
1. Phần ký thuật (Ch. 14-17).
2. Bài giảng về Giáo hội (Ch. 18).
VI. NƯỚC TRỜI: TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN GẦN (Ch. 19-23)
1. Phần ký thuật (Ch. 19-23).
2. Bài giảng về thời cánh chung (Ch. 24-25).
VII. THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH (Ch. 26-28)
Nước Trời đã được Cựu Ước loan báo và tiên liệu (Con Người sẽ đến rao giảng về Tin Mừng trọng đại này) cần phải được tái lập ở giữa loài người, bằng quyền năng tối thượng của Thiên Chúa với tư cách là Vua. Chính vì vậy mà Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng giữa môi trường sinh hoạt Do-thái và cho người Do-thái, nên đã đặc biệt chú tâm trình thuật những sự kiện minh chứng rằng “Thánh Kinh đã được ứng nghiệm” nơi chính con người và hành trình thực hiện sứ vụ của Đấng Cứu Thế Giê-su Ki-tô. Đó là lý do giải thích tại sao ở mỗi khúc ngoặt của lịch sử cứu độ được trình thuật trong tác phẩm của mình, Thánh nhân đều dựa vào Cựu Ước để minh hoạ lề luật và lời các ngôn sứ đã được ứng nghiệm như thế nào:
a- Thánh sử Mát-thêu áp dụng điều này (“ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” – Mt 1, 22) cho con người Đức Ki-tô bằng những bản văn Thánh Kinh, ngài quả quyết rằng Đức Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Ap-ra-ham (Mt 1, 1-17), được một trinh nữ hạ sinh tại Bê-lem (Mt 1, 23; 2, 6), Người khởi đầu sứ vụ bằng cách vào hoang địa để “chịu quỷ cám dỗ”, lánh qua miền Ga-li-lê, rồi bỏ Na-da-ret đến ở Ca-phác-na-um (Mt 4, 12-16), Người vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a (Mt 21, 1-10).
b- Ấy là chưa kể Thánh Mat-thêu còn áp dụng điều này cho sự việc Đức Giê-su chữa lành bệnh tật cho mọi người (Mt 11, 4-15), cùng với những lời giáo huấn làm cho lề luật nên ứng nghiệm cách trọn hảo (Mt 5, 17-19; 19, 3-9.16-21).
Nói chung, Thánh sử Mat-thêu khi soạn sách Tin Mừng trình thuật các sự kiện, chủ yếu là nhằm mục đích làm sáng tỏ lời các ngôn sứ tiên báo từ trong Cựu Ước đã ứng nghiệm nơi chính Đức Giêsu-Thiên-Chúa-làm-người. Tuy Thánh sử Mat-thêu cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ sách Tin Mừng theo Thánh Mac-cô, nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng cho tác phẩm của ngài: Vừa có nội dung đầy đủ, vừa có bố cục chặt chẽ, mạch lạc, và nhất là cách hành văn trôi chảy, trong sáng, giản dị. Đó là điều giải thích tại sao sách Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu đã được Giáo Hội thời sơ khai đón nhận và sử dụng với lòng trân trọng. Sau khi rao giảng Tin mừng cho nhiều người ở rất nhiều nơi (Ê-thi-ô-pi, Ba Tư…), cuối cùng Thánh sử Mat-thêu đã được lãnh phúc tử vì đạo tại Ta-ri-um thuộc Ê-thi-ô-pi. Ngài đã hy sinh mạng sống mình vì Chân Lý đức tin mà ngài rao giảng cũng như trình thuật trong sách Tin Mừng do ngài biên soạn.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho chúng con biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ kính Thánh Mat-thêu Tông đồ, tác giả sách Tin Mừng).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: