Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thánh Lu-ca

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

  THÁNH LU-CA

 

(Tác giả sách Tin Mừng – Lễ kính: 18/10)

 

Theo nhiều tài liệu để lại, Thánh sử Lu-ca là một thầy thuốc, hành nghề ở An-ti-ô-ki-a và ngài cũng là một văn sĩ giỏi. Thánh nhân là một người ngoại giáo gốc Hy-lạp, đã theo thánh Phao-lô nhiều năm trên đường rao giảng Tin Mừng. Ngài được Thánh Phao-lô ưu ái gọi là “thầy thuốc yêu quý” (Cl 4, 14) và coi là một cộng sự viên đắc lực (“các cộng sự viên của tôi là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và Lu-ca.” – Plm, 24). Thánh nhân đã lãnh nhận triều thiên tử đạo cùng với thánh An-rê tại Patras thuộc vùng Achaie.

 

Thánh sử Lu-ca không chỉ là tác giả của sách Tin Mừng thứ ba mà còn là tác giả sách Tông Ðồ Công Vụ nữa. Là một dân ngoại, nên ngài viết Tin Mừng trước hết là để dành cho các tín đồ dân ngoại, với mục đích minh chứng rằng Đạo Chúa Ki-tô là một đạo giáo toàn cầu qua cách quảng diễn lòng nhân từ của Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức; nêu cao lòng thiện cảm của Chúa dành cho dân ngoại. Thông qua sách Tin Mừng, Thánh sử Lu-ca đã diễn đạt chân lý mà Thánh Phao-lô công bố trong thư gửi tín hữu Ga-lat: “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em là một trong Ðức Giê-su Ki-tô.” (Gl 3, 28).

 

Vì là một người học thức uyên thâm, có một tâm hồn tế nhị, nên Thánh Lu-ca được coi là một nhà văn có biệt tài với cách hành văn thật chải chuốt, trôi chảy và rất truyền cảm. Tác phẩm của ngài tuy bị ảnh hưởng bởi những tư liệu của sách Tin Mừng theo Thánh Mac-cô, nhưng vẫn giữ được “tính cách lịch sử” như Hiến chế “Tín Lý về Mạc Khải” (số 19) đã nhận định: “Phần các thánh sử đã viết bốn Phúc Âm: các ngài chọn một ít trong số chất liệu được truyền lại bằng miệng hay bằng sách vở, tóm tắt một số khác hay tùy hoàn cảnh của các Giáo Hội mà giải thích thêm, nhưng vẫn giữ hình thức của bài giảng thuyết và như vậy để luôn chân thành truyền đạt cho chúng ta những điều chân thật về Chúa Giê-su. Thực vậy, dựa trên trí nhớ hay kỷ niệm riêng tư, hoặc dựa trên chứng tá của những người "đã chứng kiến từ buổi đầu và trở nên thừa tác viên của lời Chúa", các thánh sử đã viết các sách Phúc Âm với mục đích giúp chúng ta nhận biết rằng các lời mà chúng ta đã nghe dạy dỗ đều là "chân thật" (x. Lc 1,2-4).”

 

Theo thứ tự các sách của bộ Tân Ước hiện nay, sách Tin Mừng Lu-ca và sách Tông Đồ Công Vụ nằm cách biệt nhau, vì có sách Tin Mừng Gio-an xen vào giữa. Ngày xưa thì trái lại, Tin Mừng Lu-ca và Tông Đồ Công Vụ chỉ là một cuốn sách kể lại Tin Mừng trong 2 giai đoạn khác nhau (trước và sau Phục Sinh) mà thôi. Nhìn vào cách hành văn, sử dụng từ ngữ và cấu trúc các tích truyện, cùng những mối quan tấm và nhiều điểm trùng hợp nhau giữa 2 sách, sẽ nhận rõ đó là 2 tác phẩm của cùng một tác giả. Chính tác giả cũng muốn làm sao để đừng gây ra khoảng cách không đáng có giữa những tín hữu theo Chúa Ki-tô từ trước hay sau Phục Sinh, bởi tất cả đều là nhân chứng về Người suốt dòng lịch sử nhân loại về sau. Theo Thánh Lu-ca, Tin Mừng phải là Tin Mừng cho hết mọi người và có thể được mọi người chứng giám. Vì thế, ngài đã kết hợp hoạt động của các Tông đồ sau Phục Sinh với hành trình cứu độ của Đức Giê-su như một hiện thực Giáo Hội tiên khởi “tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (CV 1, 8). Quả thật Thánh Lu-ca muốn viết về Tin Mừng không chỉ như một sử gia đứng ở góc độ khách quan ghi lại những sự kiện xảy ra theo dòng thời gian, mà còn muốn chứng tỏ ngài là một nhân chứng sống động trong từng diễn biến của mầu nhiệm Cứu Độ cả trước và sau Phục Sinh.

 

Thánh sử Lu-ca còn nhấn mạnh đến những đòi hỏi của ơn gọi. Một mình ngài đã nói tới sự “từ bỏ tất cả” để theo Chúa. Cũng như trong phần đầu của sách Công vụ, Lu-ca trình bày việc “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. “Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2, 44-45), như là dấu hiệu của nếp sống mới mà Tin Mừng đem đến giữa con người ở với nhau trong xã hội. Khi trình thuật bữa ăn có tầm quan trọng (do Lê-vi khoản đãi khách trọng thể, khi được Đức Giê-su thu nhận làm môn  đệ – Lc 5, 27-32), cũng như trường hợp người cha nhân từ thết tiệc mừng đứa con hoang trở về (Lc 5, 23) – theo nhãn quan của Lu-ca – Đức Giê-su không còn là “chủ tịch” một giáo đoàn mới như Mac-cô kể, cũng không phải là một tôn sư như Mat-thêu trình bày, nhưng là một vị “cứu nhân độ thế” mời gọi mọi người – không phân biệt “nội” hay “ngoại” – trở về với nẻo chính, đường ngay.

 

Phải công nhận sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca vừa hấp dẫn về nội dung (rao giảng Tin Mừng cứu độ được thực hiện bởi chính Con Thiên Chúa làm người: Đức Giê-su Ki-tô), vừa lôi cuốn về hình thức (văn phong sáng sủa, bố cục mạch lạc). Riêng về bố cục của sách Tin Mừng, thì ngài lấy lại những nét chính của bố cục sách Mac-cô, tuy có dời đổi hoặc bỏ bớt một vài chỗ: 

 

I. THỜI THƠ ẤU : ÔNG GIO-AN TẨY GIẢ VÀ ĐỨC GIÊ-SU SINH RA VÀ SỐNG ẨN DẬT.  (Ch. 1-2)         

       

II. ĐỨC GIÊ-SU CHUẨN BỊ THI HÀNH SỨ MỆNH (Ch. 3)    

  

1- Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng, bị bỏ tù và giết chết.

2- Đức Giê-su chịu phép rửa và chịu cám dỗ.  

 

III. ĐỨC GIÊ-SU RAO GIẢNG TẠI MIỀN GA-LI-LÊ   (Ch. 4-8)            

 

1- Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và chữa bệnh tai Na-da-ret, Ca-phac-na-um, Giu-đê-a.

2- Đức Giê-su thu nhận môn đệ, đến với người tội lỗi; tranh luận về truyền thống; giảng dạy về các mối phúc và các mối họa.

 

IV. ĐỨC GIÊ-SU LÊN GIÊ-RU-SA-LEM  (Ch. 9-17)   

 

1- Đức Giê-su giảng dạy về sứ vụ loan báo Tin Mừng, chữa bệnh.

2- Sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.

 

V. ĐỨC GIÊ-SU RAO GIẢNG TẠI GIÊ-RU-SA-LEM. (Ch.19-21)

 

1- Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a.

2-Giảng dạy (bằng dụ ngôn) và tiếp tục chữa bệnh.

3- Bài giảng về ngày cánh chung.

 

VI. CUỘC THƯƠNG KHÓ  (Ch. 22-23)         

 

1- Âm mưu hại Đức Giê-su.

2- Cuộc chiến đấu quyết liệt.

 

VII. SAU PHỤC SINH  (Ch. 24)        

 

Nếu tiếp tục tỉ mỉ so sánh sách Lu-ca với các tài liệu gốc mà ngài đã sử dụng hoặc với tài liệu được tham khảo từ 2 sách Tin Mừng (theo thánh Mat-thêu, Mac-cô), sẽ thấy rõ năng lực hoạt động luôn tỉnh thức của một văn sĩ đại tài. Thật vậy, ngài sửa đổi một ít, thêm chỗ nọ bớt chỗ kia và nhờ thế, nhất là nhờ những tư liệu phong phú do ngài tự điều tra, Thánh Lu-ca bộc lộ rõ ràng những phản ứng và ý hướng chủ đạo của chính tâm hồn mình – một Tông đồ mẫn cảm với công trình cứu độ được thực hiện bởi chính Con Thiên Chúa làm nguời. Nói đúng hơn, nhờ dụng cụ ưu tuyển này, Thánh Thần linh hứng sứ điệp Tin Mừng một cách vừa phong phú về dữ kiện, vừa ưu việt về đạo lý; đồng thời nêu bật chủ đề thần học lớn (các ý tưởng chủ đạo vẫn là những ý tưởng thấy ở hai sách Mác cô và Mát-thêu).

 

 Tóm lại, Thánh sử Lu-ca đã viết sách Tin Mừng cùng với sách Tông Đồ Công Vụ, nêu bật những đặc điểm:

 

* 1- Tin Mừng của Lòng Thương Xót: Thánh Lu-ca đặc biệt nêu bật lòng Thương Xót của Chúa Giê-su đối với những tội nhân và những kẻ đau khổ. Bởi chính Đấng Nhân Lành Hay Thương Xót đã xác định: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5, 31-32) và luôn mở rộng đôi tay để đón nhận họ (những người xứ Sa-ma-ri-a, những kẻ bị bệnh phong hủi, những người thu thuế, những kẻ phạm tội công khai, những người nghèo cũng như các mục đồng thất học. Người đã dạy môn đệ và công chúng bằng những dụ ngôn: Dụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình, về một con chiên lạc, một đồng tiền bị đánh mất, về đứa con hoang đàng và người trộm lành). Tất cả được ngòi bút của Thánh Lu-ca ghi lại rất phong phú và sinh động.

 

* 2- Tin Mừng của Ơn Cứu Rỗi phổ quát và đại chúng: Nền tảng thần học về mầu nhiệm Thập Giá là ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, không phân biệt “nội” hay “ngoại”. Trong luồng tư tưởng này, Thánh Lu-ca ghi lại gia phả của Chúa Giê-su không dừng lại ở điểm Người là con vua Ða-vit, mà ngược dòng lịch sử đến nguyên tổ A-đam, minh nhiên vai trò A-đam Mới của Đức Giê-su, đồng thời còn chỉ rõ Người “là Con và cũng là Chúa của vua Đa-vit” (Lc 20, 41-44). Và trong lúc Chúa Giê-su hoạt động rao giảng Tin Mừng, nhiều người dân không phải là Do-thái cũng được Người ân cần tiếp đón và thi ân.

 

* 3- Tin Mừng của những người nghèo khó, bất hạnh: Quả thật sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca chú ý rất nhiều đến những những người khó nghèo; và trong số đó, những người đơn sơ, nhỏ bé, đóng một vai trò quan trọng (Ðức Maria và Thánh Giu-se, ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-da-bet, những người mục đồng, ông Si-mê-on và bà góa Anna…).

 

 * 4- Tin Mừng của niềm an vui: Thánh Lu-ca đã rất thành công trong việc phác họa hình ảnh Giáo Hội sơ khai tràn đầy niềm hoan lạc vì cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ơn Cứu Rỗi.

 

* 5- Tin Mừng của sự cầu nguyện: Trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, nhất là trong những trường hợp chũa bệnh hoặc làm phép lạ, Đức Giê-su luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Vì thế, có thể nói sách của Thánh Lu-ca là Tin Mừng của sự cầu nguyện và nhờ thế, Thần Khí Chúa luôn đồng hành, bảo trợ, dẫn đưa Giáo Hội đến chỗ hoàn hảo cuối cùng.

 

Mừng lễ kính Thánh sử Lu-ca, người Ki-tô hữu hãy cùng nhau đọc và suy niệm đoạn cuối của sách Tin Mừng (“Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.” – Lc 24, 50-53); để hiểu được đây là một gạch nối giữa sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ, một tiến trình đi từ mầu nhiệm Nhập Thể => mầu nhiệm Thương Khó => mầu nhiệm Phục Sinh, chuyển sang hành trình thi hành Sứ Vụ Tông Đồ. Đồng thời có thể coi đó như một hướng lộ dẫn đưa toàn thể Giáo Hội đến chung cuộc của hành trình tiến về Quê Trời vĩnh cửu.

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã chọn Thánh Lu-ca, sai đi rao giảng và viết sách Tin Mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Xin cho những người mang danh Ki-tô hữu được đồng tâm nhất trí với nhau hầu muôn dân được thấy ơn cứu độ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ kính Thánh Lu-ca, tác giả Tin Mừng).

 

JM. Lam Thy ĐVD.