Tự tôn
TỰ TÔN (CN XXX/TN-C)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXX/TN-C) trình thuật dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”. Hai người cùng lên Đền Thờ cầu nguyện. Lên Đền Thờ khẩn cầu, tạ ơn, xin ơn là một việc tốt, nhưng ở đây hai người có hai thái độ trái ngược nhau. Người Pha-ri-sêu không thành thật cầu nguyện mà là tự khoe khoang, kể công, kể phúc. Ông cầu nguyện nhưng thực ra ông đang liệt kê một bảng thành tích: Ông đã giữ luật, đã không dám làm những điều lề luật cấm. Những điều được phép làm, ông còn làm nhiều hơn. Còn người thu thuế, tuy rằng ông tội lỗi thật vì đã từng phạm nhiều tội ác, nhưng ông đã hối hận và thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình. Ông không dám nói nhiều, mà chỉ một câu ngắn gọn bộc lộ hết tấm lòng chân thành của mình: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13).
Cũng đã có nhiều bài chia sẻ cho rằng người Pha-ri-sêu đã sống và làm những việc tốt lành và ông đến Đền Thờ là để cảm ơn Thiên Chúa chớ không phải để khoe khoang thành tích (lý do là ông đã chỉ “nói thầm” với Thiên Chúa, chớ không nói to cho mọi người cùng nghe). Vấn đề đặt ra ở đây không phải là nói nhỏ hay nói to, mà là nói những gì với mục đích ra sao. Hơn ai hết, người Pha-ri-sêu đã biết Thiên Chúa thấu hiểu tất cả những gì thầm kín nhất của con người, không cần nói ra thì Người đã hiểu tận căn nội dung và mục đích người đến cầu nguyện. Những việc làm tốt đẹp ấy của người Pha-ri-sêu nếu thật sự phát xuất từ tình yêu, thì ông ta đã chẳng cần phải mở dầu bằng câu "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia" (Lc 18, 11). Và sau đó là một loạt những thành tích để chứng mình ông ta là người công chính chớ không “tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia". Đúng là thái độ của một kẻ kiêu ngạo, tự tôn, háo thắng, coi khinh người khác.
Người Pha-ri-sêu tưởng rằng ông ta có thể cậy vào việc giữ lề luật và những việc đạo đức của mình để tự hào là công chính trước mặt Thiên Chúa. Thực ra, sự công chính không đến từ việc làm hay việc tuân giữ lề luật, mà đến từ việc tin vào ân sủng của Thiên Chúa và sống phù hợp với niềm tin ấy. Do đó, càng cậy vào việc giữ luật và những việc mình làm để tự hào về sự công chính của mình thì càng trở nên bất chính trước mặt Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy“ (Rm 3, 20). Những “dân nội” It-ra-en chỉ chuyên đi “tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm.” (Rm 9, 31-32). Trong khi đó thì đã có biết bao nhiêu tấm gương “các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin” (Rm 9, 30), mà người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình.
Nói đến đức tin thì không thể quên được đức mến. Thật vậy, “chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5, 6). Nếu “mến Chúa” mà không “yêu người” thì chưa thể gọi được là đã đặt hết lòng tin vào Thiên Chúa Tình Yêu. Thánh Phao-lô trong Thư gửi tín hữu Cô-rin-tô đã nói: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi." (1Cr 13, 3). Thật vậy, với những việc làm tốt đẹp, nhưng được làm với sự vô cảm, làm theo thói quen, theo truyền thống, hoặc làm để khoe mẽ “ra vẻ ta đây”, mà không làm vì lòng “mến Chúa, yêu người”, thì cũng kể như không. Lời khuyên phù hợp nhất trong trường hợp này là đừng bao giờ tự hào về sự thánh thiện hay những việc làm tốt đẹp của mình, vì “Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin sẽ làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính” (Rm 4, 5).
Ấy cũng chỉ vì “một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18, 9), nên Đức Ki-tô mới kể dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”. Người thẳng thắn kết luận: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (người Pha-ri-sêu) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 18, 14). Như vậy là đã rõ, chỉ những người khiêm nhu tự hạ mới có hy vọng được “no đầy ơn phúc”; còn kẻ tự tôn tất sẽ bị hạ bệ, dẹp tan (“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1, 51-52).
Lời khuyên chí tình vẫn mãi mãi là “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9, 35). Hãy thẳng thắn nhìn lại chính con người của mình, không kiêu căng tự phụ, nhưng cũng không tự ti thái quá về tội lỗi của mình. Với con người trần thế đã “bị tội lỗi thồng trị” kể từ khi Nguyên tổ sa ngã, thì không ai tránh khỏi tội lỗi, và trước mặt Thiên Chúa, “không ai là người công chính, dẫu một người cũng không” (Rm 3,10). Tuy nhiên, không vì thế mà Thiên Chúa ghét bỏ, trái lại Người càng thương nhiều hơn và tìm mọi cách cứu vớt con người khỏi vòng tội lỗi. Điều hiển nhiên không cần bàn cãi vì thực tế đã chứng minh: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Duy chỉ có điều con người có biết nhìn lại mình một cách chân thực để thấy được tội lỗi đã mắc phạm, đồng thời có thực lòng ăn năn hối cải về những sai lầm thiếu sót của mình hay không, mà thôi.
Người tín hữu hôm nay hãy "xoay cái nhìn ra khỏi ‘cái tôi’ của mình", ngõ hầu được “tái sinh bởi nước và Thánh Linh”, và "tái khẳng định quyết tâm vững vàng đáp ứng hoạt động của Ơn Thánh để làm môn đệ của Chúa" (Sđ Mùa Chay 2011, số 2), kiên quyết không bao giờ kiêu căng hợm hĩnh, chỉ biết “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” như anh chàng Pha-ri-sêu trong dụ ngôn. Đồng thời, hãy noi gương người thu thuế trong khi cầu nguyện thì thân thưa với Chúa: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, và trong cuộc sống đời thường hãy để “đức tin hành động nhờ đức ái”. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: