Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tân Phúc Âm hóa

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

 

                     

(HỌC TẬP THƯ CHUNG 2013 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM)

 

Truyển thống tốt đẹp của Ki-tô Giáo đã dành tháng 11 hàng năm thể hiện cụ thể Mầu nhiệm Hiệp thông khơi nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, tuôn tràn qua 3 Giáo Hội quen gọi nôm na là GH Chiến Đấu (GH Lữ Hành), GH Đau Khổ (GH Thanh Luyện) và GH Chiến Thắng (GH Khải Hoàn). Vì thế, tháng 11 thường được gọi vắn tắt là Tháng Cầu Hồn. Đó thật sự là một “ý tưởng lành thánh” rất đáng trân trọng như Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (điều 958) đã viết: “Nhận biết sự hiệp thông này trong lòng toàn Nhiệm Thể Chúa Giê-su Ki-tô, ngay từ buổi đầu của Ki-tô Giáo, Hội Thánh lữ  hành hết lòng kính mến, tưởng nhớ những người đã chết và dâng lời cầu cho họ “vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2Mcb 12, 46; GH, 50). Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn.”

 

Tháng 11 năm nay (2013), ngoài những nghi thức truyền thống chung của Hội Thánh toàn cầu, Giáo Hội Việt Nam còn mừng kính kỷ niệm 25 năm (1988–2013) Lễ “TÔN VINH HIỂN THÁNH 117 CHÂN PHƯỚC TỬ VÌ ĐẠO VIỆT NAM”; đồng thời bế mạc NĂM ĐỨC TIN; bế mạc chu kỳ 3 năm (2010-2013) sống “MẦU NHIỆM – HIỆP THÔNG – SỨ VỤ” và mở ra chu kỳ 3 năm (2013-2016) sống sứ vụ “TÂN PHÚC-ÂM-HÓA”, như Thư Chung gửi cộng đồng Dân Chúa ngày 10/10/2013, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho biết: “Trong 3 năm qua (2010-2013), tất cả chúng ta đã cùng nhau học hỏi và sống ý nghĩa Giáo Hội: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ. Định hướng đó và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hoá để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Đồng thời định hướng chương trình mục vụ trong 3 năm tới: * Năm 2014: Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình; * Năm 2015: Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn; * Năm 2016: Phúc-Âm-hoá đời sống xã hội.” (Thư Chung, số 2-4). Như vậy, sau 3 năm sống “Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ”, Giáo Hội Việt Nam tiếp tục sống sứ vụ “Tân Phúc-Âm-hóa” đời sống gia đình và xã hội. Trước khi tìm hiểu thế nào là “Phúc-Âm-hóa” và tại sao lại phải “Tân Phúc-Âm-hóa”, xin được nêu lên một vấn nạn:

 

Trước hết, xin sơ lược về từ ngữ: Phúc Âm hay Tin Mừng là cụm từ dịch tiếng La-tinh “Evangelium”, có nghĩa là tin vui thắng trận. Vì thế, trước đây ở Việt Nam quen gọi là Evan: sách Evan, đọc Evan, nghe Evan. Mãi về sau mới dịch là Phúc Âm, Tin Mừng. Tôi vẫn còn nhớ hồi còn nhỏ (cách đây hơn 60 năm) vì Thánh lễ còn dùng tiếng La-tinh, nên khi linh mục chủ tế công bố Tin Mừng thì Giáo dân phải đứng để “nghe đọc Evan”. Nghe nhưng chẳng hiểu bài Evan đó nói gì, phải đợi sau bài giảng của chủ tế mới hiểu ra. Tới sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II (1962-1965), tiếng Việt được dùng trong Thánh lễ, chữ Phúc Âm (từ Hán Việt) được phổ biến: sách Phúc Âm, rao giảng Phúc Âm, các lời khuyên Phúc Âm. Tới cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 (thế kỷ XX) mới thấy xuất hiện và phổ biến chữ Tin Mừng (từ thuần Việt).

 

Cũng đã có thắc mắc “Nghĩa của từ Evangelium là “tin vui thắng trận” được dịch là Tin Mừng (từ thuần Việt) dùng trong Phụng vụ là được rồi, tại sao vẫn còn dùng chữ Phúc Âm (từ Hán Việt)?” Ngôn ngữ Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi chữ Hán (Trung Quốc), chuyện đó cũng bình thường, giống như bên Tây phương các nước đều chịu ảnh hưởng bởi La ngữ. Phúc Âm là tiếng Hán đã Việt hóa, nên gọi là Hán Việt. Sau này dùng từ Tin Mừng, Tin Vui, Tin Lành (từ thuần Việt) thì dễ hiểu hơn, nhưng thực sự chưa lột tả được hết ý nghĩa của từ Phúc Âm, nên trong nhiều trường hợp vẫn dùng từ Phúc Âm (Vd: chỉ dùng “3 lời khuyên Phúc Âm”, “Phúc Âm hóa”; chớ không dùng “3 lời khuyên Tin Mừng” hay “Tin Mừng hóa” v.v…). Tại sao lại thế? Vì Tin Mừng mới chỉ nói được ý nghĩa sự mừng vui khi được tin thắng trận, nhưng Phúc Âm còn hàm chứa sự hạnh phúc, tốt đẹp do trận thắng đó mang lại (Đức Giê-su Ki-tô chiến thắng tử thần đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại).

 

Trước nay, thường thì khi đề cập đến vấn đề “Tân Phúc Âm hóa” đa phần các Sứ điệp hay Thông điệp đều viết không có dấu nối (-) giữa 3 từ “Phúc Âm hóa”. Cụ thể như Sứ điệp “Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục châu Á” (16/12/2012), với tiêu đề “Canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á” và nơi phần mở đầu đã viết: “Chính Thần khí đã từng thúc đẩy Công đồng Vatican II nay cũng đang hiệu triệu chúng ta thành những sứ giả được đổi mới của Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa… Để trở nên những thừa sai mới, chúng ta phải đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới, trong sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người. Chúng ta cần phải sống linh đạo Tân Phúc âm hóa.” Bây giờ, trong Thư Chung 2013 của HĐGMVN, thì lại thấy ghi có dấu nối như một từ ghép: “Phúc-Âm-hóa”. Sự kiện này mang ý nghĩa gì?

 

Bản thân tôi khi đi chia sẻ tại các Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh với tư cách giảng viên, cũng đã nhiều lần đụng phải vấn nạn này. Không những chỉ ở phía học viên, mà ngay cả giảng viên, nhiều người cũng hiểu cụm từ “Tân Phúc Âm hóa” như kiểu hiểu từ “Tân Ước”. Họ lý luận: Nếu Tân Ước là Giao Ước Mới, thì Tân Phúc Âm là Phúc Âm Mới (Tin Mừng Mới). Còn “hóa” là biến đổi. Vậy “Tân Phúc Âm hóa” là biến đổi con người theo Phúc Âm Mới. Tôi phải đem ít vốn liếng về cách dùng từ Hán Việt ra trình bày: Trước hết phải hiểu theo Hán Việt, thì tĩnh từ luôn đứng trước danh từ mà nó bổ nghĩa, khác với tiếng Việt (Vd:  Thanh thiên: Trời xanh; Hồng trần: Bụi hồng; Tân Ước: Giao Ước Mới; Cựu Ước: Giao Ước Cũ…). Còn động từ thường đi sau danh từ (Vd: Âu hóa = Biến đổi tư tưởng, phong tục, tập quán… theo ảnh hưởng của Âu Châu). Vậy “Phúc Âm hóa”: Biến đổi (con người) theo Phúc Âm. Đó là một cụm từ được coi như một từ ghép đóng vai trò “danh từ kép”: Phương cách biến đổi con người theo Phúc Âm. Và vì là danh từ nên tĩnh từ Tân đứng ở trước sẽ bổ nghĩa cho cả cụm từ đó. Như vậy “Tân Phúc Âm hóa” mang ý nghĩa: “Phúc-Âm-hóa mới” (đó là một cuộc “biến đổi con người theo Phúc Âm bằng phương pháp mới” vậy). Chỉ có một Đấng Cứu Thế là Đức Giê-su Ki-tô, nên Phúc Âm (Tin Mừng) nói về Người chỉ có một, không hề có Phúc Âm cũ hay Phúc Âm mới.

 

Giả thử như hồi đó (khoảng thời gian từ 2012 trở về trước), tôi có được bản Thư Chung 2013 như hôm nay thì đỡ biết mấy! Chắc chắn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thấy rõ được vấn đề, nên mới để dấu nối giữa 3 từ “Phúc-Âm-hóa” để coi đó như một từ ghép và khi nói “Tân Phúc-Âm-hóa” thì dễ hiểu hơn, như Thư Chung 2013 (số 4) đã viết: “Tân Phúc-Âm-hoá” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hoá, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.”

 

Như vậy là đã rõ, Phúc-Âm-hóa là phương cách biến đổi con người theo Phúc Âm, làm sao để có thể “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô” (Pl 3, 10). Một cách cụ thể thì “Mục tiêu của Phúc-Âm-hoá là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.” (Thư Chung 2013, số 3). Một cách cụ thể, chính cuộc đời người Ki-tô hữu phải được biến đổi theo Phúc Âm, phải được củng cố và làm mới lại đức tin của bản thân, nhiên hậu giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, trong khi một số người chỉ còn là Ki-tô hữu trên danh nghĩa, thì người Ki-tô hữu đích thật hãy sống đúng với ơn gọi Ki-tô hữu của mình, đồng thời hãy chiếu tỏa ánh sáng của Tin Mừng cho mọi người chung quanh, như Lời dạy của Đức Ki-tô: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 14-16).

 

Hiểu rõ được thế nào là “Phúc-Âm-hóa” và tại sao lại cần “Tân Phúc-Âm-hóa”, mỗi Ki-tô hữu, mỗi gia đình Ki-tô hữu, mỗi cộng đồng Ki-tô hữu Việt Nam “chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Ki-tô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình.” (Thư Chung 2013, số 5). Đối với Giáo Hội toàn cầu thì gia đình là Giáo Hội tại gia, còn đối với xã hội thì gia đình là tế bào của xã hội, là xã hội thu nhỏ. Chính vì thế, nên sự gắn kết bất khả phân ly của mỗi Ki-tô hữu với gia đình, với Giáo xứ, với xã hội là điều hiển nhiên. Sống không phải là chỉ sống cho riêng mình mà là sống với cộng đoàn, sống bởi cộng đoàn, nên càng cần phải sống cho cộng đoàn. Nói cách khác là phải sống đủ, sống đúng, sống tốt cả 2 bổn phận thiết yếu: bổn phận công dân nước trần thế và bổn phận công dân Nước Trời.

 

Để thực hiện những mục tiêu trên, Thư Chung 2013 (số 6) đã kêu gọi: “xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng:

 

* Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia.

 

* Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu.

 

* Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hoá qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống.

 

* Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hoá, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình Công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.

 

Tóm lại, như trên đã giới thiệu, năm 2013 Giáo Hội Việt Nam kỷ niệm 25 năm Lễ “Tôn phong hiển thánh 117 vị Chân Phước Tử Vì Đạo Việt Nam”, mà muốn sống sứ vụ “Tân Phúc-Âm-hóa” cách tốt đẹp, không gì bằng học hỏi và cầu nguyện với các Thánh Tử Vì Đạo, bởi chính các ngài là những hoa trái thánh thiện của công cuộc Phúc-Âm-hoá, chính các ngài là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa. Ấy cũng bởi vì “cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (GH, 50); “Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn” (Giáo lý HTCG, điều 958).

 

Cuối cùng, xin tất cả mọi Ki-tô hữu Việt Nam hiệp ý với Hội Đồng Giám Mục dâng lời cầu nguyện: “Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Ki-tô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, xin giúp chúng con biết trân trọng di sản đức tin mà các ngài đã truyền lại cho chúng con bằng máu và nước mắt. Xin cho chúng con mạnh dạn sống đức tin trong gia đình cũng như xã hội, theo tấm gương xán lạn của Thánh Gia Thất, để chiếu toả ánh sáng đức tin khắp nơi nơi; nhờ đó chúng con có thể tích cực góp phần thi hành sứ mệnh truyền giáo, đem lại hoa quả dồi dào trên quê hương Việt Nam thân yêu.” (Thư Chung 2013, phần kết)

JM. Lam Thy ĐVD.