Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đấng xét xử tối cao

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

ĐẤNG XÉT XỬ TỐI CAO (CN.II/MV-A)

 

Thánh Gio-an Tẩy Giả đã được Cựu Ước tiên báo là một nhân vật đi trước để dọn đường đón Đấng Cứu Thế (“Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” – Mt 3, 3-6). Ngài kêu gọi mọi người đến chịu phép rửa tỏ lòng ăn năn sám hối, nhưng khi thấy trong đám đông có những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu và Xa-đốc thì ngài lại nổi nóng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3, 7). Tuy đối với nhóm người Xa-đốc và Pha-ri-sêu thì rất đáng để nhận những lời ấy, vì họ quả thực là những “con rắn độc”; nhưng ở câu nói này, Thánh Gio-an Tiền Hô lại nói là họ muốn “trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”. Vậy chẳng lẽ Thánh Gio-an đang dọn đường đón Đấng Thiên Sai đến để trút cơn thịnh nộ của Thiên Chúa hay sao?

 

Trước hết, thử tìm hiểu xem vì sao mà Thánh Gio-an lại nặng lời như vậy. Với đám đông thì khác hẳn, khi họ hỏi thánh nhân: "Chúng tôi phải làm gì đây?" thì ngài trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.", với những người thu thuế thì ngài bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh", còn với binh lính thì: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." (Lc 3, 10-14). Chỉ riêng có đám người Pha-ri-sêu và Xa-đốc, Thánh Gio-an quá rõ họ đến xin ngài làm phép rửa chỉ là “cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống” thôi, chứ họ đâu có thực lòng sám hối. Họ coi phép rửa của Thánh Gio-an chỉ là một thứ nghi thức hay phù phép để tránh sự trừng phạt của Thiên Chúa, không hơn không kém. Cái kiểu đặt nặng hình thức bề ngoài vẫn là căn bệnh trầm kha của nhóm người tự cho mình là công chính!

 

Không những tự coi mình là người công chính, đám người Pha-ri-sêu và Xa-đốc còn tự phụ về gốc gác của họ là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Xét theo vỏ bọc, thì quả thực họ là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng trong lòng họ đâu còn chút tinh thần nào của tổ phụ nữa! Vì thế, Thánh Gio-an mới nói thẳng: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.” (Mt 3, 9). Tổ phụ Áp-ra-ham đã tin tưởng vào Thiên Chúa và những việc Người làm, nhất là đã hiểu và đã vui mừng vì hy vong được thấy ngày Con Thiên Chúa giáng trần cứu độ nhân loại (như chính Đức Giê-su đã khẳng định khi nhóm người này tự nhận là con của Áp-ra-ham: “Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” – Ga 8, 56). Còn đám “con của Ap-ra-ham” thì nói Đức Giê-su là “người Sa-ma-ri bị quỷ ám”, rồi “lượm đá để ném Người” (xc Ga 8, 31-57). Thế đó!

 

Chính vì hiểu rõ tâm địa đám người Pha-ri-sêu và Xa-đốc chỉ muốn “trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”, nên Thánh Gio-an Tẩy Giả mới gọi họ là “nòi rắn độc”. Tuy nhiên, sau khi nổi nóng, Thánh nhân đã đi thẳng vào vấn đề: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”, và cảnh tỉnh đám “rắn độc” đó: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10). Nói với đám đông đến chịu phép rửa thì Thánh Gio-an đã rất ôn tồn; nhưng với đám người Pha-ri-sêu và Xa-đốc thì Thánh nhân đã “đi guốc ở trong lòng” (tục ngữ VN) họ rồi, nên ngài mới nổi nóng và thẳng thừng như vậy. Vấn đề đã sáng tỏ, tuy nhiên, vẫn còn đó vấn nạn: “Vậy chẳng lẽ Thánh Gio-an đang dọn đường đón Đấng Thiên Sai đến để trút cơn thịnh nộ của Thiên Chúa hay sao?” Xin được cùng suy niệm:

 

Nhiều người thường nghĩ khi linh hồn lìa xác về trước Tòa Chúa và đặc biệt lúc sống lại sau hết, mọi người sẽ phải trình diện trước mặt Ðấng Chí Tôn để chịu phán xét. Đúng vậy, nhưng như thế không có nghĩa là Đấng Thiên Sai giáng thế lần đầu tiên chỉ để cứu độ, không phải để phán xét. Cả ngôn sứ I-sai-a và Thánh sử Gio-an đều không nghĩ như vậy. Theo các ngài, khi Ðấng Cứu Thế đến, dù là đến trong thế gian để làm công việc cứu chuộc, Người đã là Ðấng Thẩm Phán Chí Công rồi. Cụ già Si-mê-on chia sẻ quan niệm đó, khi ẵm kính Hài Nhi Giê-su đã cất tiếng loan báo: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên.” (Lc 2, 34) nghĩa là hư đi hay được cứu rỗi. Và thật sự hễ Ðức Ki-tô đến nơi nào là ở chỗ đó có người tin theo và có người chống đối. Giáo lý Người truyền ra tức khắc làm cho nhiều người tin nhận, nhưng cũng không ít kẻ nhạo báng chê cười. Chỉ với 12 Tông đồ tiên khởi, Người đã khiến 11 người trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá”, nhưng vẫn còn một Giu-đa It-ca-ri-ốt trở thành tên phản phúc. Đến ngay trên đỉnh Núi Sọ, dưới đất thì những người lành (Đức Mẹ, thánh Gio-an…) chen vai với những kẻ dữ (treo Người trên thập tự giá cho đến chết); và trên thập giá, cũng có một tên trộm lộng ngôn, đang khi người trộm khác được vào nơi an nghỉ.

 

Đức Giê-su đã từng khẳng định: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (Ga 12, 47). Người đã nói như vậy mà cứ gọi Người là Đấng Xét Xử e có vẻ khiên cưỡng. Tuy nhiên, tiếp liền với lời dạy trên, thì Người lại tiếp: “Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.” (Ga 12, 48). Người không xét xử, nhưng chính Lời Người “sẽ xét xử”, mà Đức Giê-su Ki-tô là Ngôi Lời nhập thể, nên Người và Lời chỉ là một. Điều đó cho thấy chính Người là Ðấng Xét Xử. Để hiểu rõ hơn, thì phải trở về nguyên ủy vấn đề. Vì tình yêu, Thiên Chúa dựng nên loài người và ban cho loài người được tự do. Chính cái quyền được tự do ấy đã làm cho con người sa ngã, bị tội lỗi thống trị. Vậy thì phải nói con người đã tự kết án mình vì không tuân giữ giới răn của Thiên Chúa. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn thương xót và cứu vớt (câu chuyện “Lụt Hồng Thủy” và mầu nhiệm “Ngôi Lời Giáng Thế”). Vậy thì Đức Ki-tô không xét xử, nhưng con người đã tự xét xử mình khi không tuân giữ Lời Người.

 

Nói Đức Giê-su là Đấng Xét Xử chỉ là cách nói nhấn để cụ thể hóa vấn đề. Cũng như lời Thánh Gio-an Tẩy Giả: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." (Mt 3, 11-12). Thánh sử Gio-an cũng trình thuật lời Đức Giê-su: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5, 22). Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, Người chính là vị Thẩm Phán Tối Cao chí công vô tư. Duy có điều “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo hèn trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.” (Is 11, 3-4). Nói “Lời Người nói là cây roi” thì có khác gì chính Ngôi Lời dạy “chính lời tôi đã nói sẽ xét xử”. Rõ ràng Người là Ðấng Xét Xử, nhưng là Ðấng Xét Xử đầy Thánh Linh, mà Thánh Linh là tình yêu, nên sự Phán Xét của Người không giống như “tư tưởng loài người” vẫn nghĩ.

 

Cũng vì thế nên Thánh Gio-an Tẩy Giả mới kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội. Ngay như với đám người Pha-ri-sêu và Xa-đốc, Thánh nhân cũng khuyên bảo “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”. Chỉ có “cây nào không sinh quả tốt” mới “bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10) mà thôi. Một cách cụ thể, vì Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Vì Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Đức Ki-tô là hiện thân Tình Yêu của Chúa Cha gửi đến cho loài người một cách nhưng không. Còn loài người vì được tự do lựa chọn nên có thể đón nhận hoặc từ khước. Ai “sinh hoa quả tốt” thì được cứu độ, còn ai “không sinh hoa quả tốt” thì bị “chặt đi và quăng vào lửa” là điều tất nhiên.

 

Tóm lại, vấn đề đặt ra cho người Ki-tô hữu là đừng bao giờ chờ "nước đến chân mới nhảy", mà phải là sống trong một tư thế tỉnh thức và sẵn sàng đón Đấng Xét Xử. Hãy tự hỏi như những người đến chịu phép rửa tại sông Gio-đan đã hỏi Thánh Gio-an Tẩy Giả: "Chúng tôi phải làm gì?", và kiên quyết thực hành theo đúng lời dạy của Thánh nhân. Cứ kể lời dạy của thánh Gio-an Tẩy Giả cũng đơn giản thật: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy", đâu đã đến nỗi chỉ có một áo, hoặc chỉ có một chén cơm, mà phải nhường hết cho anh em, còn mình thì cởi trần, nhịn đói. Mà thậm chí, đến như kẻ thù đã đoạt áo ngoài thì cũng sẵn sàng nhường luôn áo trong cho nó ("Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong" – Lc 6, 29), hoặc như bà goá sẵn sàng "rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình" (Lc 21, 4). Ấy mới là biết dọn đường cho Chúa đến. Vâng, hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào lòng mình, lấp cho đầy những thung lũng tị hiềm, bạt cho thấp mọi núi đồi kiêu căng, uốn cho ngay khúc quanh co hiểm ác, san cho phẳng những lồi lõm bất minh; tắt một lời, hãy sửa lối đi tâm hồn cho ngay thẳng, công chính. Có như vậy mới xứng đáng theo chân thánh Gio-an Tiền Hô mà gióng lên "tiếng hô trong sa mạc", tiếng hô trong hoang mạc cuộc đời.

 

Nói và diễn cho hết ý thì dài dòng văn tự, nhưng rút gọn lại chỉ cần nhấn mạnh điều mà Chân Phước Gio-an Phao-lô II trong suốt triều đại của ngài, đã đề ra và kêu mời tín hữu thực hiện, đó là "canh tân và sám hối". Để thực sự dọn dẹp con đường tâm linh cho ngay thẳng đón Cứu Chúa, thì cần phải đổi mới con người và ăn năn về những sai phạm thiếu sót của mình. ĐTC Phan-xi-cô I cũng dạy: "Đức Chúa Giê-su Ki-tô có thể phá vỡ các mô hình nhàm chán mà chúng ta có ý giam hãm Người vào đó và Người làm chúng ta ngạc nhiên với óc sáng tạo thần linh không ngừng của Người.  Mỗi khi chúng ta tìm cách trở về nguồn để lấy lại sự tươi mát ban đầu của Tin Mừng, thì những con đường mới, những phương pháp sáng tạo, các hình thức diễn tả khác, những dấu chỉ hùng hồn nhất, những lời nói đầy ý nghĩa mới mẻ cho thế giới ngày nay được nảy sinh.  Thực ra, tất cả các hoạt động rao giảng Tin Mừng đích thực vẫn luôn luôn “mới mẻ.” (Tông huấn “EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG” – số 11).

 

Muốn đổi mới con người, cuộc đời của mình, cần phải đổi mới cả phương cách dọn dep, tẩy uế con đường tâm linh để dọn đường đón chờ Chúa đến.Nói khác hơn, muốn đổi mới, cần phải biết nhìn lại mình mà sám hối và đổi mới luôn cả tư duy và hành động sám hối. Sám hối không phải là ngoẹo đầu méo miệng, đấm ngực thật mạnh, day tay vào mắt cho đỏ lên và chảy nước mắt ra; sám hối cũng không phải là hô khẩu hiệu, kêu gọi người khác ăn năn khóc lóc; mà phải là toàn tâm toàn ý đối diện với con người thực của mình, bóc trần mình ra trước thánh nhan Chúa để cầu xin được thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót, đồng thời cầu nguyện cho mình có đủ dũng khí và kiên tâm như một Gio-an Tẩy Giả đã sám hối trong sa mạc, rồi làm phép rửa và kêu gọi mọi người sám hối để  ”... dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3, 3).

 

Sẽ có thật nhiều câu hỏi được đặt ra: "Anh có thực sự tin rằng Đấng Xét Xử đã đến, đang đến và sẽ đến với anh, với cả nhân loại không? Với những hiện tượng thiên nhiên và nhân sinh như hiện nay, anh có tin rằng Nước Chúa đã đến gần không? Anh có tin rằng "những sợi tóc trên đầu anh đã được đếm cả rồi", hay nói khác hơn, anh có tin rằng Chúa thấu suốt mọi điều tới tận chân tơ kẽ tóc con người của anh không? Nếu anh tin, thì đừng quanh co che giấu nữa, mà hãy sám hối, sám hối và canh tân cuộc đời của anh để chờ đón Chúa đến. Cụ thể nhất, nếu anh thực lòng tin, thì đừng chần chờ nữa, mà hãy hành động, bởi "Đức tin không có hành động là đức tin chết" (Gc 2, 17)". Vâng, hãy tỉnh thức và sẵn sàng hành động dọn đường chờ đón Chúa quang lâm. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.