Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

THÁNG GIÊNG ĂN TẾT Ở NHÀ

TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA

 

Việt Nam là nước nông nghiệp, trước đây một năm chỉ có 2 vụ: Vụ Chiêm (tháng hai bắt đầu gieo mạ để thu hoạch vào tháng tư, tháng năm), vụ Mùa (gieo mạ vào tháng sáu, thu hoạch vào tháng chín, tháng mười), các tháng còn lại chuyển sang chăn nuôi, buôn bán để tăng thu nhập. Riêng có tháng giêng là nghỉ ngơi, vì thế ca dao mới có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi” hoặc “Tháng giêng ăn Tết ở nhà”. Cả tháng giêng chỉ lo hội hè, đình đám để thưởng Xuân, “ăn Tết”.

 

Ăn Tết thì nhiều kiểu lắm, từ thượng đẳng quyền quý cao sang đến hạ đẳng bình dân mộc mac. Tuy hình thái khác nhau, nhưng tựu trung đều quy tập vào việc “ăn” – ăn để duy trì sự sống. Có duy trì được sự sống, mới có cơ hội để “ăn mừng” Năm Mới thêm tuổi mới, làm ăn phát đạt, gia đình an khang thịnh vượng, hạnh phúc dư đầy. Đó là nói về việc ăn uống thể chất, nhưng còn mặt tinh thần thì cũng cần “ăn” lắm chứ! Tất nhiên rồi, và vì thế, nhân dịp đầu Năm Mới, xin cùng suy niệm về một vấn đề thiết yếu: “ăn” BÁNH HẰNG SỐNG. Nói “ăn Bánh Hằng Sống”, nhưng bởi đâu mà có Bánh Hằng Sống?

 

Đó chính là thứ Bánh do chính Đấng Cứu Thế thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, ngay trước giờ bước vào cuộc Thương Khó. Vâng, vào “Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.” (Mt 26, 17-19). Chính trong khung cảnh gia đình ấm cúng ấy đã diễn ra “Bữa ăn cuối cùng của Đức Giê-su và các môn đệ”. Vì là bữa ăn cuối cùng Đức Giê-su ly biệt các môn đệ để bước vào cuộc Khổ Nạn, nên mới gọi đó là “bữa Tiệc Ly”.

 

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã làm 2 việc mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc:

 

1- Rửa chân cho các môn đệ: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-5). Lời dạy “Thầy là Thầy là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” đã nói lên đầy đủ mục đích chính của việc làm không tiền khoáng hậu này: Yêu người như yêu chính mình (“ái nhân như ái thân”), khiêm nhường phục vụ lẫn nhau.

 

2- Lập Bí tích Thánh Thể: Cũng trong bữa ăn đó, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." (1Cr 11, 23-25). Trước đây, trên núi Si-nai, Thiên Chúa đã lập Giao Ước và ban hòm bia 10 Điều Răn (Mến Chúa yêu người) cho Dân Người thông qua ngôn sứ Mô-sê (Xh 24, 12-18); thì giờ đây, Đức Giê-su Thiên Chúa lại lập một Giao Ước Mới ban chính Thịt Máu mình làm hy tế Thập giá cứu độ nhân loại, đồng thời làm của dưỡng nuôi linh hồn đàn chiên tín hữu đến muôn đời muôn kiếp. Rõ ràng Thiên Chúa, thông qua Con Một Người, lại một lần nữa lập Giao Ước Tinh Yêu với toàn thể nhân loại (nói chung) và cách riêng với những người tin (tín hữu).

 

Có 2 văn kiện quan trọng của Giáo Hội nói lên ý nghĩa và mục đích sâu xa của Bí tích Thánh Thể:

 

+ Thông Điệp “Ecclesia De Eucharistia – Hội Thánh Từ Thánh Thể” (do Chân phước Gio-an Phao-lô II ban hành ngày 17/4/2003) viết: “Hội Thánh múc nguồn sự sống từ Thánh Thể. Sự thật này không chỉ đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu nhiệm Hội Thánh. Trong niềm hân hoan, Hội Thánh kinh nghiệm, dưới nhiều hình thức, sự thực hiện liên lỉ lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tân thế” (Mt 28,20). Nhưng trong Bí tích Thánh Thể, qua việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa, Hội Thánh vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ mãnh liệt duy nhất. Kể từ ngày lễ Ngũ tuần, khi Hội Thánh, Dân của Giao ước Mới, bắt đầu cuộc hành trình đi về Quê trời, Bí tích thần thiêng tiếp tục ấn dấu trên ngày sống, bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hi vọng tin tưởng.” (số 1).

 

+ Tông huấn “Sacramentum Caritatis – Bí tích Thánh Thể” (do ĐGH Biển Đức XVI ban hành ngày 22/02/2007) viết: “Bí tích Thánh Thể là quà tặng của Đức Giê-su Ki-tô tự hiến chính mình; với Bí tích này, Người mạc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trong Bí tích kỳ diệu này đã bày tỏ được tình yêu “vĩ đại”, tình yêu thúc bách “trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13). Vâng, Chúa Giê-su đã yêu những kẻ thuộc về mình “cho đến cùng” (Ga 13, 1). Với cách diễn đạt này, tác giả Phúc Âm hướng chúng ta vào cử chỉ tự hạ tuyệt đối Chúa Giêsu đã thực hiện. Trước khi chết trên thập giá, Người đã lấy khăn thắt lưng và rửa chân cho các môn đệ. Cũng vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su vẫn yêu thương chúng ta “cho đến cùng”, đến độ hiến ban mình và máu Người.” (số 1).

 

Rõ ràng Bí tích Thánh Thể là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa Ba Ngôi, là Giao Ước Mới và vĩnh cửu trong Máu Con Chiên, đã được chính Thiên Chúa Ngôi Hai trao ban cho Hội Thánh. Chính trong khung cảnh một bữa ăn gia đình, Bí tích Thánh Thể được thiết lập đã nói lên sự hiệp thông liên kết mọi phần tử hiện diện đón nhận “Một Tấm Bánh – Một Trái Tim” cực thánh (báo hiệu tính chất “hiệp thông, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyên” của Giáo Hội về sau). Vì thế mới gọi Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu. Đã gọi là tình yêu thì phải có “trao” và “nhận”, Ngôi Lời Nhập Thể đã nhận lãnh sứ vụ cao trọng từ Thiên Chúa Ngôi Cha, đem Tình Yêu trao cho chính nhiệm thể Người là Giáo Hội.

 

Như vậy, Giáo Hội khi nhận Thánh Thể thì cũng là lúc đón nhận sứ vụ trao ban Thánh Thể cho nhân loại (“anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”). Một cách cụ thể, Bí tích Thánh Thể đòi hỏi người tín hữu khi đón nhận, phải làm sao cho mình được trở nên như một “tấm bánh được bẻ ra cho sự sống của thế giới cùng với Chúa Giê-su.” (xc “THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM ĐỂ TRAO BAN CHO THẾ GIỚI” – T/H “Bí Tích Thánh Thể”, số 88). Đó chính là sứ vụ căn bản của Hội Thánh Công Giáo, bởi vì “Khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau. "Chúng ta tuy nhiều, nhưng là một tấm bánh, một thân thể, vì hết thảy chúng ta đồng thông hưởng cũng một tấm bánh" (1Cor 10,17). Thế nên tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể ấy (x. 1Cor 12, 27), "vì mỗi người là chi thể của nhau" (Rm 12,5).” (Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium”, số 7).

 

Để được sống và cử hành cách trọn vẹn Bí tích Thánh Thể – Nguồn Sự Sống khởi đi từ Suối Nguồn Tình Yêu vô tận của Thiên Chúa – thì điều tiên quyết là phải cậy nhờ vào vai trò trung gian độc nhất vô nhị nơi “Người Phụ Nữ của Thánh Thể” – Đức Trinh Nữ Maria – “Mẹ của Lời, Mẹ của những kẻ tin”. Chính bởi vì “Trong Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta thấy thể hiện trọn vẹn hình thái bí tích điều mà Thiên Chúa dùng để đến và đưa con người thọ tạo vào kế hoạch cứu độ của Người… Vì thế, trong phụng vụ Thánh Thể, mỗi lần đón nhận Mình và Máu thánh Đức Ki-tô, chúng ta cũng hướng về Mẹ, Đấng đã đón nhận hy tế của Đức Ki-tô cho toàn thể Hội Thánh, bằng cách đồng thuận hoàn toàn.” (xc. Tđ “Hội Thánh Từ Thánh Thể”, Chương VI; T/H “Bí tích Thánh Thể”, số 33).

 

Cũng trong dịp “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà” năm nay, Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Lộ Đức, cũng là ngày “Quốc tế bệnh nhân” (11/02 dl, nhằm ngày 12 th. Giêng – Giáp Ngọ). Sự trùng hợp này càng giúp người Ki-tô hữu sống và cử hành bí tích Thánh Thể một cách trọn hảo hơn. Đó là hãy hiệp cùng Đức Mẹ trở nên “TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA” cho các bệnh nhân trong khắp tứ phương thiên hạ, cách riêng là tại mảnh đất hình cong chữ S thân yêu này. (“Bởi thế, khi cử hành Thánh Thể, những cộng đoàn của chúng ta phải ngày càng ý thức hơn rằng hy tế của Đức Ki-tô là cho mọi người, và vì thế Thánh Thể thúc đẩy mọi tín hữu cũng phải trở nên “bánh được bẻ ra” cho những người khác và dấn thân cho một thế giới ngày càng công bằng và huynh đệ hơn.” – T/H “Bí Tích Thánh Thể”, số 88)

 

Xin cùng hiệp ý với ĐTC Biển Đức XVI trong Sứ điệp “Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân”: “Tôi phó thác Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria Ân Phúc chí thánh được tôn kính tại Altoetting, xin Mẹ luôn tháp tùng nhân loại đau khổ, đang tìm kiếm sự thoa dịu và niềm hy vọng vững chắc, xin Mẹ trợ giúp tất cả những người can dự vào công việc tông đồ từ bi để họ trở thành những người Samaritano Nhân Lành cho anh chị em mình đang chịu thử thách vì bệnh tật và đau khổ.” Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm