Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Quyền bình an

Tác giả: 
Giuse Việt, O.Carm.

 

 

Quyền bình an

 

Tên em là Ngọc.

 

Ngọc tự bản chất rất quý giá. Đó là sự thật. Nhưng Ngọc nhiều lúc rơi vào trạng thái ê chề thất vọng, cứ tự trách: “Mình tệ quá. Dở quá. Tội lỗi quá. Chẳng ra cái quái gì. Thôi, đừng cố gắng gì nữa cho mất công. Rồi cũng lại tệ, lại dở, lại tội, lại chẳng ra cái quái gì. Bỏ cuộc đi cho xong!”

 

Những lời nói ấy cùng những ý nghĩ tiêu cực khác về bản thân cứ thấp thoáng ẩn hiện một cách dai dẳng trong tâm trí Ngọc. Chúng làm Ngọc rối ren, hoang mang. Mới đầu thì Ngọc thấy khó chịu nhưng sau một thời gian thì bắt đầu tin vào chúng. Càng tin chúng thì càng bất an. Càng bất an càng dễ rơi vào trạng thái nghi ngờ. Nghi ngờ sự tốt lành của Cha nhân từ là rất nguy hại, nhưng nguy hại hơn nữa là nghi ngờ sự tốt lành Cha đã đặt vào trong bản thân của Ngọc. Ngọc dần dần cảm thấy mình không còn quý báu nữa.

 

Bình an nội tâm là điều vô giá mà ai cũng cần. Ngọc cần bình an giữa dòng đời này. Nhưng bình an ư? Làm sao để bình an trong khi cuộc sống có muôn vàn đảo điên? Làm sao an bình trong cái thân phận đầy yếu đuối mỏng manh và lỗi tội này? Một cảm giác bất lực và chán nản muốn buông xuôi vẫn nổi lên.

 

Loay hoay có khi tìm được cái may. Vâng, Ngọc cho là mình đã gặp may. Hôm đó, một người cô của Ngọc rủ Ngọc cùng đi tĩnh tâm với cộng đoàn cuối tuần. Những chuyện như tĩnh tâm thật ra chẳng hấp dẫn gì đối với Ngọc. Mấy lần trước cô rủ đi, Ngọc đều tìm lý do từ chối vì Ngọc không cảm thấy hứng thú. Đối với Ngọc, có hứng thú thì mới làm. Tuy vậy, lần này Ngọc đồng ý đi cho cô vui. Nhưng trước khi đi còn đặt ra điều kiện với cô rằng sẽ đến trễ hoặc về sớm nếu có … ‘việc đột xuất’. Hôm ấy, Ngọc đến trễ vì cứ chần chờ hoài. Dù sao đi nữa, đã hứa là phải đi. Cuối cùng Ngọc đã đến, đến vào giờ tĩnh tâm cuối cùng.

 

Người hướng dẫn thấy Ngọc đến trễ, sau khi chào đón Ngọc, muốn Ngọc cảm thấy được trân trọng nên tế nhị mời Ngọc đọc một đoạn Tin Mừng để mọi người cùng suy niệm trước khi chia tay nhau trở về cuộc sống. Tuy ngại một chút nhưng Ngọc nhận lời. Ngọc bắt đầu đọc:

 

Rồi Ðức Giêsu nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.”

 

Nghe đến đây, mọi người trong phòng tĩnh tâm nhận thấy một sự thay đổi trong giọng nói của Ngọc. Có một nét gì đó xúc động. Ngọc thấy mình thổn thức. Tay bỗng rung lên. Ngọc phải cầm chặt cuốn Kinh Thánh trên tay để lấy lại bình tĩnh, hắng giọng nhẹ và cố gắng đọc tiếp.

 

Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chầm anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. (Luca 15:11-24)

 

Ngọc đã nghe đoạn Tin Mừng này bao nhiêu lần rồi, nhưng lần này thì Ngọc tìm thấy mình và câu chuyện đời mình trong đó. Ngọc thấy mình giống như người con hoang đàng này. Anh ta bị Satan tấn công hai lần. Ngọc cũng vậy. Cuộc tấn công lần thứ nhất là cám dỗ phạm tội phung phí hết gia sản mồ hôi nước mắt bao năm của cha anh. Vì vậy khi hồi tâm, anh đã tự nhủ: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha.”” Ngọc cũng có những lỗi phạm trong đời và cũng có những lần thú nhận, xin lỗi Cha.

 

Cuộc tấn công thứ hai còn nguy hiểm hơn, thể hiện trong câu nói tiếp theo của anh: “con chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa.” Đây là một chiêu cám dỗ rất hiểm độc. Đó là một lời nói dối trắng trợn của Satan mà người con này bắt đầu tin vào. Lời nói dối ấy trắng trợn vì nó hoàn toàn ngược lại với sự thật rành rành này: anh ta luôn luôn là con của Cha và Cha luôn luôn đối xử với anh như con, cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa. Sự làm con và được Cha yêu thương của anh không đến từ công trạng hay thành tích của anh mà đến từ trái tim tràn ngập tình yêu của Cha. Cha yêu anh vì Cha là Cha chứ không phải vì anh đã làm điều gì có lợi cho Cha. (Tv 27:10). Đây là chân lý không thể đổi thay, cho dù đất trời có qua đi.

 

Ngọc chợt nhận ra mình cũng nhiều lần bị rơi vào cuộc cám dỗ thứ hai này. Đã bao lần tiếng nói ấy vang lên trong tâm trí Ngọc, xúi giục Ngọc coi thường bản thân. Từ việc cay đắng trách móc bản thân đã dẫn đến suy nghĩ mình không xứng đáng làm con Cha, tức là phủ nhận một sự thật không thể phủ nhận được. Cho rằng mình không xứng đáng với tình yêu của Cha cũng đồng nghĩa với việc cho rằng tình yêu của Cha không lớn hơn lỗi tội của mình, rằng lòng bao dung của Cha không đủ rộng để đón nhận tất cả con người mình. Dĩ nhiên đây là điều hoàn toàn sai. Vì nghĩ sai nên Ngọc tự nhủ mình chẳng xứng với sự tha thứ và tự cho phép mình tránh xa vòng tay yêu dấu của Cha. Nói cách khác, Ngọc bị cám dỗ nghi ngờ tình yêu vô điều kiện của Cha. Rất dại. Chính điều này phá hoại sự bình an của một tâm hồn vốn đã tổn thương trong lần bị rơi vào cám dỗ đầu tiên.

 

Nhưng điều làm cho Ngọc xúc động và an ủi nhất là điều tiếp theo đây. Chính điều này giúp giải thoát Ngọc khỏi sự bất an. Điều ấy nằm sâu nơi người Cha nhân hậu. Người con hoang đàng cố gắng nói những lời anh dự tính sẽ nói khi gặp mặt Cha nhưng chỉ nói được một nửa. Có hai lý giải cho việc Cha không để anh nói hết những gì anh muốn nói. Thứ nhất, điều quan trọng nhất đối với Cha bây giờ là con của Cha đang ở trong vòng tay Cha. Cha vui mừng đến nỗi chỉ còn biết ôm chầm lấy con mình, hôn lấy hôn để, rồi bảo mọi người hãy mở tiệc ăn mừng. Sự quá đỗi vui mừng ấy không còn chỗ cho những thứ khác. Thứ hai, anh bắt đầu nói những lời không đúng sự thật, lời nói dối mà Satan đã gieo vào lòng anh. Cha giúp anh cắt đứt sự tấn công dối trá hiểm độc này của Satan. Một lời có tính đoạn tuyệt tình nghĩa cha-con như thế là một mũi đao đâm vào tim Cha. Cha không thể không là Cha của anh, cho dù là anh đã làm chuyện gì đi nữa. Chính Cha là người thấy anh trước trong khi anh còn lê những bước chân rệu rã ở đàng xa. Thật ra, mắt Cha đâu có rời khỏi anh bao giờ. Anh không thấy Cha nhưng Cha luôn thấy anh. Có lẽ anh không biết rằng lúc anh phung phí mồ hôi nước mắt của Cha cũng là lúc Cha đã đứng đó ngóng trông con trở về. Cha hiểu tính con nên cảm thông cho con. Điều Cha lo sợ nhất là con mình không dám trở về, vì không trở về với Cha là chạy xa khỏi nguồn hạnh phúc ấm áp, là trúng kế Satan, là đau khổ triền miên. Bởi thế nên ngày anh về, không cần biết anh đã làm gì, Cha chạy về phía anh, còn bao nhiêu sức tàn chạy hết bấy nhiêu, chỉ để ôm lấy con mình, ôm thật chặt, vừa ôm vừa khóc vì thương nhớ. Có thể con sẽ lại đi hoang, nhưng điều quan trọng nhất đối với Cha bây giờ là Cha đang ôm con trong lòng. Phải mở tiệc ăn mừng thôi. Niềm vui dâng lên chất ngất rồi!

 

Ngọc chợt nhận ra điều có sức giải thoát vô cùng hiệu quả sau đây: Là con Cha, Ngọc có quyền được bình an. Quyền ấy đến từ chính Cha – Đấng không bao giờ thay đổi. Chính Cha muốn Ngọc phải giữ lòng bình an khi vấp phạm, sai lầm, nhất là trong lúc chưa có cơ hội trở về gặp Cha. Tâm hồn giống như một chiếc thuyền nhỏ. Khi sai lỗi thì tâm hồn trở nên bất an như chiếc thuyền chòng chành vì sóng gió. Satan – kẻ chuyên thừa nước đục thả câu – lập tức tranh thủ lợi dụng tình trạng này để ra sức khuấy động dòng nước làm cho chiếc thuyền thêm chao đảo quay cuồng. Những lời nói, ý nghĩ tự ti mặc cảm, coi thường bản thân, nghi ngờ tình yêu vô điều kiện của Cha chính là những cách khuấy động xảo quyệt. Cha muốn Ngọc tỉnh táo giữ bình tĩnh và bình an nội tâm, ngay lập tức, để không bị Satan lợi dụng tấn công lần thứ hai. Cha biết rõ lúc lòng bất an là lúc dễ bị tổn thương. Ngọc ơi, cho dù là chuyện gì đã xảy ra, phải cố gắng nhớ mình có một người Cha nhân hiền và hiểu biết mọi chuyện. Tình yêu không bao giờ giảm sút của Cha cho con cái của Cha quyền được bình an thật sâu thật chắc trong lòng. Người con nào hiểu Cha sẽ sử dụng quyền ấy một cách vững tâm. Có tình yêu này của Cha là có giá trị mãi mãi. Trong mọi hoàn cảnh, không ai, ngay cả bản thân Ngọc, có quyền hạ thấp giá trị này của mình. Còn Satan – kẻ lừa đảo – thì luôn rình rập mọi cơ hội để xui khiến Ngọc đánh mất sự tự tin nơi Cha, rồi từ đó rơi vào tự ti mặc cảm. Cẩn thận nhé Ngọc ơi. Hãy nhớ kĩ điều này để giữ vững bình an nội tâm: Là con của Cha, Ngọc luôn có quyền được bình an. Cha muốn Ngọc vững tâm sử dụng quyền ấy của mình giữa biển đời nổi trôi.

 

Đọc xong đoạn Tin Mừng, Ngọc ngồi xuống. Dòng thác cảm nghiệm tuôn trào. Hai dòng lệ lăn trên gò má. Nước mắt rơi nhưng lại có nụ cười. Mọi người thấy thế thầm mừng cho Ngọc.

 

Kể từ ngày ấy, mỗi khi đổ vỡ vấp ngã, Ngọc không hốt hoảng hay thất vọng nữa nhưng lập tức đứng thẳng dậy. Đứng thẳng dậy vì Cha nhân hậu muốn như thế. Đứng vững trong lòng tin vào tình Cha thì giữ được bình an. Bình an thì Satan không thể khuấy động. Là con Cha, Ngọc có quyền bình an. Ngọc đang khôn ngoan và vững tâm sử dụng nó.

 

[26A+V0913]

Giuse Việt

http://only3minutes.wordpress.com/tieng-viet/quyen-binh-an/