Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mừng Xuân, hãy dâng tất cả cho Chúa

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MỪNG XUÂN, HÃY DÂNG TẤT CẢ CHO CHÚA (CN.IV/TN-A – MÙNG 3 TẾT GIÁP NGO – LỄ DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH – LỄ NẾN)

 

Thật là kỳ thú vì năm nay (Giáp Ngo) ngày Mùng Ba Tết lại trùng vào CN. IV/TN-A – Lễ DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH (LỄ NẾN). Theo Lịch Phụng vụ của Giáo Hội thì ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam được dùng Ngoại lich (IM: “Institutio generalis Missalis Romano 2002 – Quy chế tổng quát sách lễ Rô-ma 2002”): Ba ngày đầu Xuân là dịp sum họp gia đình để CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI (Mùng Một Tết), KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ (Mùng Hai Tết) và THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM (Mùng Ba Tết). Để đạt được những ước nguyện tốt đẹp đó thì không gì bằng kính dâng lên Thiên Chúa toàn bộ gia tộc (từ tổ tiên ông bà cha mẹ đã khuất bóng đến con cháu hiện diện trong gia đình) – như năm xưa Đức Maria và Thánh Giu-se dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh – để cầu xin Thiên Chúa ban nhiều ân sủng cho gia đình trong Năm Mới.

 

Trước hết, xin tìm hiểu xem lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh và Lễ Nến có ý nghĩa như thế nào? Sách Xuất hành ghi nhận: “ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta.” (Xh 13, 1-2). Vì thế, Luật Mô-sê qui định tất cả các trẻ nam khi được một tháng tuổi, phải được đưa tới Đền thờ để làm lễ chuộc lại con, vì mọi con đầu lòng – dù là người hay là thú vật – đều phải tiến dâng cho Thiên Chúa, vì nó thuộc về Người, rồi phải chuộc nó lại từ Thiên Chúa (x. Xh 13, 2.12-13; Ds 18, 15-16). Đồng thời, khi con trai được 40 ngày (nếu là con gái thì khi nó được 80 ngày tuổi), người mẹ phải làm lễ tẩy uế, và phải dâng lễ toàn thiêu bằng một con chiên, người nghèo có thể thay thế bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non (x. Lv 5, 7; 12, 8). Mặc dù biết Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nhưng Người đã “sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật” (Gl 4, 5); nên Đức Maria và Thánh Giu-se vẫn tuân thủ tất cả những gì luật đòi buộc,

 

Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giê-ru-sa-lem và được “mừng một cách trọng thể như lễ Phục Sinh vậy” (tường trình của thánh nữ hành hương Aetheria). Mãi đến năm 650, Thánh lễ này mới du nhập vào Rô-ma. Nội dung Thánh lễ được triển khai như Tin Mừng theo thánh Lu-ca trình thuật (Lc 2, 22-40). Giáo Hội Đông phương hiểu Thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mê-si-a bước vào Đền thờ và gặp dân Thiên Chúa của Cựu Ước qua ông Si-mê-on và bà tiên tri Anna; Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: thanh tẩy theo luật Do-thái (Lv 12, 1-8). Khi du nhập vào Phụng vụ Rô-ma, Đức Thánh Cha Ser-gi-ô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến, vì thế, từ thế kỷ thứ VIII, Thánh lễ được gọi là Lễ Nến. Trong cuộc rước nến này, Đức Thánh Cha và cả đoàn đồng tế mặc phẩm phục tím, ám chỉ sự chưa thanh tẩy của Đức Maria khi lên Giê-ru-sa-lem; khi đoàn đồng tế đến đại thánh đường Đức Bà Cả, liền thay phẩm phục trắng, chỉ sự tinh tuyền đã được thanh tẩy của Đức Maria. (Lm Nguyễn văn Trinh – “Phụng Vụ Chư Thánh”, tập 1, tr 68).

 

Như vậy Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh chính là để kỷ niệm ngày Đức Maria đưa Đức Giê-su Thiên Chúa đến gặp gỡ Dân Người, đồng thời cũng là ngày Đức Mẹ tẩy trần theo Luật Do-thái (Lv 12, 1-9). Đó là dịp Dân Chúa (con cái của Đức Trinh Nữ Maria) được tôi luyện, thanh tẩy bằng “lửa của thợ luyện kim, thuốc tẩy của thợ giặt” (“Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc.” (Mlk 3, 1-3). Ý nghĩa của Lễ Nến là vậy.

 

Suy niệm về Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh, chợt nhớ đến chiều thứ bẩy 26-10-2013, ĐTC Phan-xi-cô I đã gặp gỡ hàng trăm ngàn tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Rô-ma nhân dịp Năm Đức Tin. Cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân tổ chức với chủ đề “Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin”. ĐTC chia sẻ niềm vui và bày tỏ cảm thông với bao nhiêu gia đình gặp khó khăn, nghèo khổ và chiến tranh, và cả những bạn trẻ muốn kết hôn giữa hàng ngàn khó khăn. Ngài đặc biệt diễn giải về đề tài cuộc gặp gỡ ”Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin!”. Trong bài Huấn dụ, ĐTC chia sẻ 3 ý:

 

+ Ý 1: ĐTC lấy câu Kinh Thánh trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, Ngài nói: “Có một câu của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Mat-thêu, Đấng đến gặp gỡ chúng ta: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng." (Mt 11,28)… Hỡi các gia đình thân mến, Chúa biết những cơ cực của anh chị em, những gánh nặng trong cuộc sống chúng ta. Nhưng Ngài cũng biết ước muốn sâu xa của chúng ta mong tìm được niềm vui được bồi dưỡng! Anh chị em có nhớ chăng? Chúa Giê-su đã nói: “Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15, 11). Người đã nói điều đó với các tông đồ và hôm nay Người lập lại điều đó với chúng ta. Vì vậy đây là điều đầu tiên mà tối hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em, và đó là một câu của Chúa Giê-su: ”Hãy đến cùng Thầy, hỡi các gia đình trên toàn thế giới, và Thầy sẽ bồi dưỡng cho các con, để niềm vui của các con được tràn đầy”.

 

+ Ý 2: “Câu thứ hai tôi rút từ sách “Nghi thức Hôn phối”. Người kết hôn trong bí tích, nói: “Anh (em) hứa trung thành với em (anh) mãi mãi, khi vui mừng cũng như khi đau khổ, khi khỏe mạnh cũng như lúc bệnh tật, yêu thương, tôn trọng em (anh) mọi ngày trong đời em (anh).” Đôi tân hôn, trong lúc đó, không biết đâu sẽ là niềm vui và đau khổ đang chờ đợi họ. Họ ra đi, như Ap-ra-ham, cùng nhau lên đường. Đó là hôn phối! Ra đi và đồng hành với nhau, tay trong tay, tín thác vào bàn tay to lớn của Chúa… Trong cuộc sống, gia đình cảm nghiệm bao nhiêu lúc tươi đẹp: nghỉ ngơi, ăn chung với nhau, ra công viên hoặc ra đồng quê, viếng thăm ông bà, thăm một người bệnh... Nhưng nếu thiếu tình yêu, thì thiếu niềm vui, thiếu buổi lễ, và Chúa Giê-su luôn ban tình yêu cho chúng ta: chính Người là nguồn mạch vô tận, và hiến thân cho chúng ta trong Thánh Thể. Tại đó Chúa ban cho chúng ta Lời Người, và Bánh sự sống để niềm vui của chúng ta được tràn đầy.”

 

+ Ý 3: ĐTC nhắc đến bức ảnh “Đức Mẹ Dâng Chúa Giê-su Trong Đền Thánh”. Ngài phát biểu: “Ở đây, trước mặt chúng ta, bức ảnh Dâng Chúa Giê-su vào Đền Thánh. Đó là một bức ảnh thật đẹp và quan trọng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng bức ảnh và để cho ảnh này giúp đỡ. Như tất cả anh chị em, cả những nhân vật chính trong cảnh tượng của ảnh này cũng có hành trình của mình: Mẹ Maria và Thánh Giu-se lên đường lữ hành, tiến về Giê-ru-sa-lem, tuân theo Luật của Chúa; cả cụ già Si-mê-on và nữ ngôn sứ Anna, rất cao tuổi, cũng đến Đền thờ vì được Thánh Linh thúc đẩy. Cảnh tượng cho chúng ta thấy sự gặp gỡ giữa ba thế hệ: Ông Si-mê-on ẵm Chúa Giê-su, nơi Ngài ông nhận ra là Đấng Mê-si-a, và bà Anna được mô tả trong cử chỉ chúc tụng Thiên Chúa và loan báo ơn cứu độ cho những ai đang mong đợi sự cứu chuộc Israel. Hai cụ già này tượng trưng niềm tin như ký ức. Mẹ Maria và Thánh Giu-se là Gia đình được thánh hóa nhờ sự hiện diện của Chúa Giê-su, là sự viên mãn mọi lời hứa. Mỗi gia đình, như thánh gia Na-da-ret, được tháp nhập vào lịch sử của một dân tộc và không thể hiện hữu mà không có các thế hệ trước đó.

 

Và ĐTC kết luận: ”Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em cũng là thành phần của dân Thiên Chúa. Hãy vui mừng tiến bước cùng với dân tộc này. Hãy luôn kết hiệp với Chúa Giê-su và mang Chúa đến cho tất cả mọi người qua chứng tá của anh chị em. Tôi cám ơn anh chị em đã đến đây. Cùng nhau chúng ta đón nhận lời thánh Phê-rô, lời này mang cho chúng ta sức mạnh và sẽ mang cho chúng ta sức mạnh trong những lúc khó khăn: ”Lạy Chúa, chúng con biết theo ai bây giờ? Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Với ơn thánh của Chúa Ki-tô, anh chị em hãy sống niềm vui đức tin! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, tháp tùng anh chị em”. (xc. “Đức Thánh Cha gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới” của tác giả G. Trần Đức Anh OP. trên <Thanhlinh.net>).

 

Tóm lại, tuy ba ngày Tết có ý cầu nguyện khác nhau, nhưng tựu trung vẫn toát lên một khung cảnh gia đình trong Năm Mới đoàn tụ, quây quần nhau chung một niềm vui trong Tình Yêu Thiên Chúa. Hãy nhìn về Gia Đình Thánh Na-da-ret để học tập, cầu nguyện, đồng thời mở rộng cửa lòng, cửa nhà mà đón nhận Đấng Thiên Sai đã từng phán dạy: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3, 20). Từ đó, noi gương Hiền Mẫu Maria và Dưỡng Phụ Giu-se dâng Con Đầu Lòng Giê-su – là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật – trong Đền Thánh; các gia đình Ki-tô hữu sẵn sàng và hân hoan dâng kính tất cả mọi thành viên trong gia đình (từ những người đã khuất bóng: tổ tiên, ông bà, đến những người hiện diện tại gia: cha mẹ, con cháu) lên Thiên Chúa, đồng thời hiệp cùng Mẹ Maria – Mẹ của những kẻ tin – cất cao lời chúc tụng, ngợi khen: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1, 46-47).

 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã mang kiếp người phàm và hôm nay được tiến dâng trong đền thánh. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho tâm hồn chúng con cũng nên trong sạch hầu xứng đáng dâng mình trước thánh nhan. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh).

 

JM. Lam Thy ĐVD.