Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nên hay dừng?

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

NÊN HAY ĐỪNG? (CN.VII/TN-A)                      

 

Cả chương 5 sách Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu trỉnh thuật Lời dạy của Đức Giê-su nhằm giúp các môn đệ và những kẻ tin trở nên người công chính: Từ “8 mối phúc” đến “muối, men và ánh sáng cho đời”. Tiếp liền theo đó, Đức Giê-su lại dạy 5 “Đừng”: Đừng giận ghét – Chớ ngoại tình – Đừng ly dị – Đừng thề thốt – Chớ trả thù; và 1 “Nên”: Phải yêu kẻ thù.

 

Bài Tin Mừng tuần trước (CN VI/TN-A – Mt 5, 17-37) trích Lời Đức Giê-su dạy các môn đệ 4 “Đừng”; đến bài Tin Mừng hôm nay (CN VII/TN-A – Mt 5, 38-48), Người lại dạy thêm 1 “Đừng” nữa: Chớ trả thù. Vì sao con người hay trả thù? Chung quy cũng do tự ái quá cao mà thôi, bởi tự ái là gì nếu không phải là tự yêu mình. Khi chỉ biết yêu mình một cách thái quá thì sẽ cho là mình đúng, lúc nào và trong trường hợp nào cũng đúng hết. Bởi thế nên được người khen thì chẳng nói làm gì, nhưng bị chê thì sửng cồ lên ngay. Bị phê bình trúng tim đen thì bằng mọi giá sẽ tìm cách trả đũa. Nói cách khác, khi con người tự ái quá đáng, sẽ rất dễ giận ghét và từ giận ghét sẽ đưa đến hành động trả thù.

 

Ngay trong Cựu Ước, Lề Luật cũng dạy: “Luật báo phục tương xứng: Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” (Đnl 19:21); “Nếu ai làm cho người đồng bào phải mang tật, thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta: chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng; nó đã làm cho người khác mang tật thế nào, thì người ta cũng sẽ làm cho nó như vậy.” (Lv 24, 19-20); “Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Xh 21, 23-24). Mới nghe qua những điều khoản đó thì thấy quả thật là Lề Luật quá khe khắt. Và cũng vì thế nên đã có những bài suy niệm cho rằng hành động như vậy là phản Ki-tô giáo. Sẽ có phản biện: Nếu là phản Ki-tô giáo thì tại sao Đức Giê-su không bãi bỏ mà Người lại dạy “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn Lề Luật” (Mt 5, 17)?

 

Thực ra, vấn đề cũng không đến nỗi nan giải cho lắm. Trước hết, cần phải hiểu Lề Luật của Cựu Ước dù sao cũng chỉ là luật do con người đặt ra, mà đối với con người thì chỉ thích sòng phẳng theo kiểu “ân đền oán trả” (đền ơn trả oán), nên mới đòi “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân”. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là lề luật có tính răn đe: Chỉ có nghiêm ngặt như vậy mới có thể răn đe, ngăn ngừa người ta phạm tội. Coi lại câu chuyện Nguyên tổ phạm tội thì vấn đề sáng tỏ ngay. Thiên Chúa đưa ra giới luật “trái cấm” cũng là để răn đe. Nếu con người biết vâng phục thì đâu có sao. Đã không vâng lời, còn muốn trở nên “những vị thần biết điều thiện điều ác" (St 3, 5) ngang bằng với Thiên Chúa, nên mới thành cớ sự. Biết là tội mà còn cứ cố tình phạm tôi, rõ ràng Nguyên tổ loài người đã tự xử án mình. tự kết án mình vậy. Đức Giê-su Thiên Chúa cũng đã từng khẳng định: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.” (Ga 12, 47-48).

 

Không những chỉ khuyên “Chớ trả thù”. Đức Giê-su còn đi xa hơn: “Phải yêu kẻ thù”. Để cụ thể hóa vấn đề, Người lại tiếp tục dùng kiểu nói “Luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”, để răn dạy môn đệ: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5, 38-42). Đã không “ăn miếng trả miếng”, mà lại còn lấy đức độ mà đáp trả oán thù (dĩ đức báo oán), sẵn sàng chịu đựng gấp bội sự tàn độc của ác nhân, thì quả là… thiên nan vạn nan, khó lòng mà chấp hành.

 

Con người chỉ có thể tự yêu mình (tự ái), khó lòng yêu được người khác, chớ đừng nói đến yêu cả kẻ thù. Mà có lẽ cũng chính vì thế nên mới có vụ “cửa rộng, cửa hẹp” ("Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. Mt 7, 13-14). Như vậy thì phải làm sao? Cái đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào bản thân, bởi “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15, 16-17). Nếu không muốn bận tâm bận trí, không muốn hy sinh này, thiệt thòi khác, con người được quyền tự do chọn cho mình cửa rộng – còn rộng thênh thang nữa kia! – còn ngược lại, sẽ được vào cửa hẹp.

 

Nói cách khác, con người hoàn toàn tự do khi yêu hoặc ghét, Chúa không hề ngăn cấm hay bắt buộc, Người chỉ khuyên bảo, nhắc nhở thôi. Có lẽ cũng nhờ thế mà trong cuộc sống vẫn còn nhiều thật nhiều những con người sẵn sàng quyết tâm chọn cho mình cửa hẹp. Thế thì tại sao lại cứ đưa cái tự ái lố bịch của mình lên quá cao như thế? Vâng, hãy bình tâm lại mà  “xoay cái nhìn ra khỏi cái tôi”, để thấy được rằng mình đã “nhận” quá nhiều từ Thiên Chúa, kể cả của anh em đồng loại. Vậy tại sao lại cứ khép chặt cửa lòng, bịt chặt miệng túi, mà không biết đem chia sẻ với anh em những gì mình đã được nhận? Hãy nhớ rằng, nếu bản thân có đem “cho” anh em cái gì thì cái đó cũng chẳng phải là của riêng mình, mà là của Thiên Chúa đã ban cho, vậy đâu có mất mát thiệt thòi gì mà cứ phải ca cẩm? Vâng, Lời Chúa còn rành rành ra đó: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10, 8).

 

Như vậy là đã rõ, Đức Giê-su không bãi bỏ Lề Luật, “dù một chấm một phết cũng không thay đổi”, mà Người chỉ “kiện toàn”. Nói cho dễ hiểu hơn thì Lề Luật vì do con người soạn thảo nên chưa đầy đủ, chưa nêu bật được cái cốt lõi của vấn đề (giữ Lề Luật để phụng thờ, tôn vinh Thiên Chúa). Vì thế, Người mới dùng cách nói “Luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” để các môn đệ hiểu được rằng những điều Lề Luật dạy chỉ là những “lý lẽ”, những “tư tưởng của loài người”, và cần phải nhìn vấn đề theo “tư tưởng của Thiên Chúa”, đó là “điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.” (Mt 23, 23). Và cũng vì “điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín”, nên sau 5 lời khuyên “Đừng”, thì tiếp liền theo đó, Đức Ki-tô lại khuyên “Nên” (“Phải yêu kẻ thù”). Thay vì “lấy oán báo oán (“dĩ oán báo oán”) thì hãy lấy ơn báo oán (“dĩ đức báo oán”).

Cả 6 điều khuyên bảo “Đừng” và “Nên”, xét cho thấu đáo, đều nằm trong luật yêu thương, mà ở đây là Luật yêu thương của Thiên Chúa (vô hạn) chớ không phải của con người (hữu hạn). Nói về luật yêu thương thì chính là nói về nguyên lý tình yêu, nguyên lý ấy xuất phát từ Thiên-Chúa-Tình-Yêu. Vâng, kể từ khi Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, muôn loài, thì đã vì tình yêu mà Người dựng nên loài người và đặt làm chủ mặt đất. Con người đầu tiên được sinh ra chỉ có một mình, Thiên Chúa lại thương "Con người ở một mình thì không tốt" (St 2, 18), nên ban cho một người bạn khác giới tính để từ đó có thể sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất. Sự đối kháng giới tính không nhằm loại trừ nhau mà là bổ túc cho nhau, hỗ trợ nhau nên hoàn thiện. Cũng vì tình yêu, không những Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, có nam có nữ, mà Người lại ban cho con người một đặc ân là được tự do đến gần như tuyệt đối. Cũng vì được tự do như vậy, nên con người đã vượt qua giới răn của Thiên Chúa mà phạm tội. Sau khi phạm tội, con người vẫn không bị trách phạt; chẳng những thế, còn được Thiên Chúa ban Con Một xuống thế để cứu chuộc, để giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi và đem lại đời sống vĩnh cửu. Nếu không vì tình yêu, thì Thiên Chúa có đối xử với con người như vậy không?

 

Nói tóm lai, bản chất con người vốn dĩ là thích yêu hơn bị ghét, và nếu có yêu thì chỉ thích yêu mình hơn cả. Còn oái oăm hơn nữa là khi thù ghét người khác thì lại không muốn người ta thù ghét mình. Nếu không vì thế, các bậc thánh hiền đã không mất công truyền dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác), “ái nhân như ái thân” (yêu người như yêu mình). Thiên Chúa thì còn hơn thế nữa, tình yêu Người dành cho nhân loại đã lên tới tuyệt đỉnh: Người đã ban cả Con Một làm giá chuộc muôn người vì tình yêu. Và chính Con Một Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô – luôn luôn day: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7, 12); “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 15).

 

Ôi! Lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con, đã ban cho con một tấm lòng, một trí khôn biết phân biệt thiện ác, biết yêu và ghét, và nhất là đã ban cho con sự tự do tuyệt đối, để con có thể tự quyết định cuộc đời của mình bằng cách lựa chọn một con đường. Con đã sai lầm trong lựa chọn để chỉ biết yêu mình trên hết, co mình vào cái vỏ ốc “ích kỷ” đến độ có thể “hại nhân” (“ích kỷ hại nhân”: lợi mình hại người). Xin Chúa đoái thương, ban cho con một tâm hồn quảng đại, một tấm lòng bao dung độ lượng; xin cho con biết yêu người như yêu chính mình, biết coi tất cả mọi người (kể cả những người thù ghét con) đều là anh em một nhà (“tứ hải giai huynh đệ”), cùng con một Cha trên trời.

 

Ôi! “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi ghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái! Xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình.” (TCCĐ Kinh Hoà Bình). Amen.

 

 

JM. Lam Thy ĐVD.