Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đức tin bèo dạt mây trôi làm đời ta lo mãi

Tác giả: 
Lm Hương Quất

Suy niệm Chúa Nhật 8- A TN, bài 2:

ĐỨC TIN BÈO DẠT MÂY TRÔI LÀM ĐỜI TA LO LẮNG MÃI (Mt 6, 24-34)

 

Tin Mừng Chúa Nhật 8 TN vừa công bố Chúa Giêsu cho ta chìa khoá để hết lo lắng, để tìm được bình an đích thức ngay ở đời này: “Trước tiên các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn tất cả các điều khác, Ngài sẽ ban thêm cho các con”. Điều này cũng có nghĩa, Chúa Giêsu dạy ta biết tín thác vào sự Quan phòng của Chúa, và Ngài cũng là Cha chúng ta.

 

Thực tế cuộc sống có nhiều thứ làm ta lo lắng, bất an, thông dụng nhất là chuyện cơm áo gạo tiền, công ăn việc làm. Thậm chí, trong biển đời ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh ấy, không ít người bi quan, xem là bể thảm, đời người tựa bèo dạt mây trôi, bao quanh bởi sóng gió lo lắng dập vùi, rồi không biết trôi dạt đi đâu, về đâu.

 

Hẳn cuộc sống dù còn khiếm khuyết, song phần tươi đẹp nhiều hơn, do bởi lo lắng âu lo thái quá, rồi bi quan nên có cái nhìn phiến diện, coi cuộc đời mảnh tối nhiều hơn mảnh sáng, sự dữ nhiều hơn sự lành, người xấu đông hơn người ngay lành…

 

Là người môn đệ theo Chúa Giêsu mà cuộc đời đeo bám bởi u ám âu lo thì làm sao phản chiếu Tin Mừng Cứu độ. Theo Chúa Giêsu, mà Ngài chính là Tin Mừng Cứu độ cho nhân thế mà ta đeo hoài gương mặt đám ma ấy thì liệu chăng phản cảm? Có chăng đang thoái mạ chính Chúa Giêsu và Giáo hội của Người?

 

Vậy ta thử hỏi, làm sao ta lo lắng, làm sao ta diệt  lo âu?

 

Trở về bài Tin Mừng cho ta biết nguyên nhân và cho ta phương cách để diệt lo lắng.

Về nguyên nhân lo lắng:

 

1. Chớ làm tôi hai chủ: Vừa làm tôi tiền bạc, vừa làm tôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ : vì hoặc sẽ ghét chủ này và mến chủ kia, hoặc hết lòng với chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được”.

 

Đây là thái độ theo Chúa nửa nạc nửa mỡ, kiểu nước đôi, kiểu đu dây.

 

Vậy, để có Bình an, ta bỏ thói sống Đạo mập mờ kiểu dở dở ương ương, bắt cá hai tay đó đi. Ta cần dứt khoát chọn theo một chủ, song cẩn trọng, phải xác định chủ nào tốt, chủ nào xấu, kẻo chọn phải chủ xấu khốn đời này và khốn cả đời sau. Người Kitô hữu trong ánh sáng Lời Chúa biết rõ chủ nào tốt, chủ nào xấu.

 

Ở đây ta thử đặt giả thiết chọn chủ ‘thần tài”, gạt Chúa qua một bên. Có chân lý rất đúng mà trong chúng ta ít nhiều đã có kinh nghiệm sương máu: Tiền bạc là tên đầy tớ tốt song là ông chủ tàn ác.

 

Lòng tham con người là vô đáy, không biết sao cho đủ cho vừa. Khi ta tôn thờ tiền làm chủ, để có tiền, để giàu có ta có thể làm tất cả, bất chấp đạo đức, bất kể hiếu thảo.

 

Một người chuyên lừa gạt, làm việc tội lỗi, bất công liệu lương tâm họ có bình an không!? Ta có thể dùng tiền che đậy tội lỗi, thoát vòng tù tội, song ta không che dấu được lương tâm - tiếng nói của Thiên Chúa nơi cung lòng con người. Và trước tòa an lương tâm, ta càng lo âu, càng bị rày vò, càng thêm khốn khổ.

 

Minh họa: Mới đây Vụ ông Nguyễn Thanh Trấn đi tù oan 10 năm tù do bị ép cung đã được giải oan nhờ tên sát nhân ra tự thú vì lương tâm căn rứt. Anh nói với điều tra viên:  “trước đây lúc nào em cũng cảm giác đang đeo vật gì nặng hàng tấn trên người. Giờ em trút được 900 cân rồi. Biết thế em ra đầu thú sớm hơn’. Lương tâm theo sát ta trọn đời này, và khi chết sẽ phơi bày ra trước mặt Đấng chí công và phải trả lẽ mọi việc tốt xấu ta làm khi còn sống trên dương thế.

 

 Như vậy, chọn theo chủ tiền, chẳng khác nào trao phó vào tay chủ ác. Và không phải đợi đến đời sau, mà ngay đời này ta đã nếm trải cảnh hỏa ngục: sống trong nghi ngờ, bất an; sống trong lương tâm cắn rứt. Sống làm tôi tiền, giả như bởi đồng tiền kiếm được do chính đáng, ta vẫn canh cánh lo lắng bởi trộm cướp. Hơn nữa, một người có lương tâm, liệu có yên ổn sống trên nhung lụa không, khi mà quanh ta đầy người khôn khổ? Giả như ta vô cảm theo  chủ thuyết ‘makeno’ (mạc kệ nó) chắc chắn ta phải trả giá rất đắt khi ra trước Tòa Chúa. Dụ ngôn tên phú hộ và người hành khất nghèo Lazaro làm sáng tỏ vấn đề này (x. Lc 16, 19-31).

 

Dù chính đáng thế nào, chủ tiền bạc vẫn là tạm bợ, có thể gây ra thù oán.  Chúa Giêsu  cảnh cáo: được lời lãi cả thế gian mà mất phần Linh hồn, thì được ích gì. Thờ thần tài để kết cục xuống hỏa ngục, thì không còn bi kịch nào lớn hơn.

 

2. Không hoặc thiếu sự tín thác vào Chúa Quan Phòng, là Cha đầy yêu thương. Sở dĩ con người lo lắng thái quá và từ đó không có được hạnh phúc trong cuộc sống, là vì ta không tin hay tin chưa đủ ở sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa, là Cha của chúng ta. Bài đọc I, ngô sứ Isaia ví Thiên Chúa  như Người Mẹ hiền: “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu

 

Vậy làm thế nào ta diệt được lo lắng, u sầu?

 

Thực ra khi ta biết nguyên nhân khiến ta lo âu, cũng có nghĩa ta tìm được giải pháp chữa trị. Theo Tin Mừng, Chúa Giêsu cho ta hai giải pháp tích cực mang tính chìa khóa.

 

1. Sống giây phút hiện tại: “các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”, Lời Chúa hướng ta đến sống giây phút hiện tại.

 

Để diệt lo lắng, ta hãy tập sống giây phút hiện tại. Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, giây phút đẹp nhất là giấy phút hiện tại. Tin ở tình yêu quan phòng của Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận từng giây phút hiện tại, sống sung mãn từng khoảnh khắc cuộc sống.

 

Trong thời gian biệt giam, Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận - trong tương lai gần sẽ là vị thánh hiển tu đầu tiên của Giáo hội Việt Nam, ngài  dựa trên nền tảng Đức tin đã để lại cho nhân thế nhiều câu nói để đời, được in thành tập “Đường Hy vọng” (được dịch ra nhiều thứ tiếng), liên quan đến sống phút giây hiện tại, ngài nói: “Chấm này này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành con đường dài. Phút này nối tiếp phút kia muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp, sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng; đời hy vọng do mỗi phút hy vong’ (số 978).

 

Sống giây phút hiện tại, lần nữa ta gặp lại ý tưởng này trong logic dạy cầu nguyện của chính Chúa Giêsu: “xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”.

 

2. Biết ưu tiên chọn Chúa. Chúa Giêsu nói: “Vậy các con chớ áy náy lo lắng… Trước tiên các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn tất cả các điều đó, Ngài sẽ ban thêm cho các con.

 

Tôi coi đây là chìa khóa vạn năng để diệt hết lo lắng, để tìm được bình an hạnh phúc và giúp Đức tin không ngừng tăng trưởng, phong phú.

 

Nếu Đức tin ta không có chìa khóa này, không dặt trên nền tảng này thì Đức tin ta cũng chẳng khác nào bèo dạt mây trôi, đời này phập phồng đầy âu lo, mất phương hướng. Không có Chúa làm nền tảng đời sống, liệu đời sau có gì đảm bảo cho ta vào Nước Trời ?!.

 

Trước tiên các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, đấy là sự lựa chọn sống Đức tin, là thể hiện sự tín thác vào Thiên Chúa là Đấng quan phòng, đồng thời là Cha quyền thế và đầy yêu thương.

 

Hôm nay Chúa dạy: “các con đừng lo lắng mà nói: “Chúng ta sẽ ăn gì?”, “Uống gì?”, hoặc :“Sẽ lấy gì mà mặc ?”.  Tất cả các điều đó, dân ngoại tìm kiếm; nhưng Cha các con trên trời biết rõ các con cần đến các điều đó. Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con, mỗi người chúng con biết tín thác vào Chúa là Chúa quan phòng, để đời sống chúng con tỏa sáng hương thơm Tin Mừng Bình an, Tin Mừng hy vọng, nhất là trước mặt anh chị em Lương dân. Amen  (1.451)

 

Lm. Đaminh Hương Quất