Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tabor, một thoáng tuyệt vời

Tác giả: 
Lm Trịnh Ngọc Danh
 
 
CN II MC / A
Bài đọc 1 ; ( St. 12 : 1-4 ). Bài đọc 2 : ( 2 Tm. 1: 8-10)
Tin Mừng : ( Mt.17 : 1-9 )
 
TABOR, MỘT THOÁNG TUYỆT VỜI
 
 
Bắt đầu cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ và đặc biệt Ngài đã hai lần hóa bánh ra nhiều; nhưng dường như người ta vẫn chưa tin vào Ngài. Có lần, những người Pharisiêu và phái Xađốc đã đến xin Chúa Giêsu cho họ thấy một dấu lạ trên trời. Ngài đã khiển trách họ: " Thế hệ gian ác ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna." ( Mt 16:4). Chính các môn đệ đi theo Ngài, đã tận mắt chứng kiến những việc lạ Ngài làm, nhưng lòng tin của họ vẫn còn bấp bênh, vẫn còn đóng kín nơi cái nhìn vật chất. Họ chưa thể siêu việt hóa cái nhìn về Thiên Chúa. Bằng chứng là khi Ngài bảo các môn đệ: "Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisiêu và Xađốc", thì các ông lại nghĩ đến chuyện quên đem men để làm bánh; và Ngài đã khiển trách các ông là những người kém lòng tin: "Sao anh em lại nghĩ đến chuyện không có bánh. Anh em chưa hiểu ư? Anh em không nhớ chuyện năm chiếc bánh nuôi năm ngàn người sao? và anh em còn thu lại được bao nhiêu giỏ? Rồi chuyện bảy chiếc bánh nuôi bốn ngàn người nữa? Và anh em còn thu lại được bao nhiêu thúng? Tại sao anh em không thể hiểu rằng Thầy chẳng có ý nói về bánh, khi Thầy nói: Anh em phải coi chừng men Pharisiêu và Xađốc?" Bấy giờ các ông mới hiểu là phải coi chừng giáo lý Pharisiêu và Xađốc. ( Mt. 16:5-12). Rồi để xem các môn đệ nhìn mình là ai, có lần Ngài đã hỏi các ông: "Còn anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phêrô đại diện cho anh em đã trả lời: " Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" ( Mt. 16: 15-16). Tiếp đến, Ngài cũng tiên báo lần thứ nhất cho các ông về cuộc thương khó của Ngài sẽ phải trải qua: Ngài phải lên Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sống lại" ( Mt.16:21). Ngài cũng cho các ông biết  những điều kiện phải có để làm môn đệ của Ngài: " Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" ( Mt 16:24). Quả là một trường hợp bấp bênh cho những ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu. Bỏ tất cả mà đi theo Ngài, tương lai hạnh phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy toàn là những gian nan khổ cực đang chực chờ!
 
Đó là lý do tại sao sáu ngày sau, Đức Giêsu đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Gicôbê đi theo mình lên núi Tabo. " Ngài đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao, 
 
Rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia đang đàm đạo với Ngài. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: " Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều. Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái". 
 
Đức Giêsu lên núi Tabo vừa để thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt của mình, đồng thời nhân dịp này củng cố lòng tin của các môn đệ. Sự kiện xảy ra vào lúc Ngài khởi đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem. Ngài biết rằng định mệnh của Ngài đang chờ ở đó như lời Ngài đã tiên báo cho các môn đệ. Trước khi thực hiện sứ mệnh quan trọng ấy,  để tạo thêm sức mạnh, Ngài đã lên núi Tabo cùng với ba môn đệ để cầu nguyện, để tìm thêm sức mạnh nơi Chúa Cha. Và một lần nữa, Chúa Cha lại khẳng định: " Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người". 
Lời nói ấy vừa khẳng định Đức Kitô là ai, đồng thời cũng là lời trấn an các môn đệ hãy tin tưởng và vâng lời Ngài. 
Đây cũng là mục đích thứ hai của việc Chúa Giêsu đưa ba môn đệ cùng Ngài lên núi. Chúa Giêsu không tự nói mình là ai, nhưng qua lời của ông Phêrô và qua lời Chúa Cha, các môn đệ biết Ngài là ai. 
 
Chúa Giêsu đã lần lượt củng cố niềm tin cho dân chúng và đặc biệt là cho các môn đệ đi theo Ngài. Từ việc Chúa Cha mặc khải cho các mông đệ biết Đức Giêsu là ai trong lần Ngài nhận phép rửa của ông Gioan trong dòng sông Giođan, và từ những việc họ đã thấy Ngài làm, đã nghe Ngài nói, nhưng chưa chắc họ đã dễ dàng từ bỏ tất cả để theo Ngài. Vì thế, trước khi chuẩn bị cho các môn đệ sẵn sàng đón nhận những gì sẽ xảy đến cho Ngài, Ngài đã báo trước cho họ biết số phận Ngài sẽ phải chịu, và cho họ thấy một chút vinh quang trên núi Tabo, để các ông nhìn thấy viễn tượng tương lai mà vững niềm tin. Việc thử thách các môn đệ hôm nay cũng giống như sự thách mà Thiên Chúa đã đòi hỏi đức tin của ông Ápraham. Ngài đã đòi hởi ông " từbỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa để đi đến một xứ mà Ngài sẽ chỉ cho". Ông Apraham liền ra đi như lời Thiên Chúa phán dạy. Môn đệ của thánh Phaolô là Timôthê cũng đã có những giây phút nao núng, nản chí đến nỗi ngài đã phải viết thư khích lệ: " Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một thần khí khiến chúng ta  được đầy sức mạnh và tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta".
 
Trong cuộc hành trình đức tin của mình, cũng có lúc chúng ta cần lên núi, cần có sự trấn an và khích lệ của Thiên Chúa khi gặp phải gian nan, khó khăn. Những lúc như thế, chúng ta cần sống kết hợp bằng cầu nguyện, lại cần lên núi Tabo với Thiên Chúa để được thêm sức mạnh và giữ vững niềm tin.
 
Qua việc hiển dung, Chúa Giêsu cũng muốn hé mở cho chúng ta ngay ở trần thế này một thoáng vinh quang của tương lai, một thoáng nhìn thấy miền đất hứa mà chúng ta đang đi tới. Nhưng đây chưa phải là lúc cho phép chúng ta ngơi nghỉ, dừng chân để làm lều như ông Phêrô đã đề nghị; nhưng để từ đó, lại xống núi, chu toàn bổn phận của mình để nên giống như  "Đức Kitô đã phải chịu đau khổ, thì mới được đi vào trong vinh quang của Ngài".
 
Tabo là biểu tượng cho những một bước thăng trầm của cuộc hành trình đức tin. Lên núi để nhìn thấy vinh quang, rồi lại xuống núi để tiếp tục cuộc hành trình đức tin của mình trong gian lao và khổ cực.
 
Chúng ta được  kêu gọi làm môn đệ của Chúa. Tuy được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng giữa cuộc sống ô trọc, tội lỗi đã làm lu mờ, đã làm biến dạng vẻ huy hoàng tráng lệ hình ảnh của Thiên Chúa nơi tâm hồn mình. Chúng ta biến dạng mình theo hình ảnh của Thiên Chúa hay biến dạng theo hình ảnh của thân xác! 
 
Cũng giống như các tông đồ trên núi Tabor, cũng có những giây phút chúng ta cảm nghiệm được ánh sáng và niềm vui, được thóang thấy đất hứa trong niềm tin. Chúng ta đang đi trong bóng tối hay ánh sánh của đức tin? Những lúc tụt dốc của đức tin lại là lúc chúng ta cần leo lên núi để củng cố đức tin.
 
Lên núi và xuống núi là một sự kết giao giữa hạ giơi và thiên giới. Lên núi Tabo mới chỉ là một thóang chiêm ngắm vinh quang Nước Trời. Nhiệm vụ của người môn đệ của Chúa không phải dừng lại để dựng lều ngơi nghỉ, nhưng phải có nhiệm vụ xuống núi để thắp sáng ngọn lửa đức tin nơi mọi người mọi nơi để cho tất cả mọi người cùng lên núi trong vinh quang.
 
Núi Tabor một thoáng thật tuyệt vời 
Làn gió nhẹ đưa hồn ta bay bổng
Nhấc ta lên khỏi miền đất cuộc đời 
Hồn ngây ngất ánh hào quang chiếu tỏa
Có phải chăng miền đất hứa là đây
Đẹp tuyệt vời, thôi dừng lại nơi nầy! 
Khoan dừng lại, vinh quang còn phía trước
Đường vạn dặm, chông gai không chùn bước
Chưa phải lúc ta dừng chân hưởng thụ 
Nhìn thấy đó cho lòng tin vững mạnh
Để theo Thầy thức tỉnh kiếp con người   
Từ nơi này đến tận khắp muôn nơi.