Lịch Phụng Vụ tháng 4/2014
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 4/2014
_
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Trong tháng 4 này chúng ta sẽ mừng lễ các Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay (Năm A), Lễ Lá, Tuần Thánh, Chúa Nhật Phục Sinh và Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh.
CHÚA NHẬT 5 Mùa Chay (Ngày 6/4): Bài Đọc 1 ( Ezekiel 37:12-14) ghi lại lời Tiên Tri Ezekiel nói về lòng thương yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài là Israel. Trong Bài Đọc 2 (Rôma 8:8-11), Thánh Phaolo nhắc nhở chúng ta " đừng sống theo xác thịt", nhưng hãy sống theo sự hướng dẫn thánh thiện của Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho "Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng sẽ cho xác phàm hay chết của chúng ta được sống, nhờ Thánh Thần của Người ngự trong chúng ta." Bài Phúc Âm (Gioan 11: 1-45) ghi lại việc Chúa Giêsu cho ông Lagiarô, là em của bà Martha và bà Maria, ở làng Betania , đã chết và táng trong mồ được bốn ngày, sống lại và đem muôn ơn an ủi cho bà Martha và Maria. Sau đó Chúa Giêssu nói " Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Vậy ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ." Ở đây Chúa Giêsu muốn nói cho chúng ta là nếu chúng ta sống và tin theo Chúa, chúng ta sẽ được sống đời đời.
CHÚA NHẬT LỄ LÁ (Ngày 13/4), Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật Thương Khó, nhưng thường được gọi là Chúa Nhật Lễ Lá, vì có phần làm phép lá và rước lá trước Thánh Lễ.
Phần Rước Lá: Giáo Dân cầm sẵn lá trên tay, Chủ Tế mặc phẩm phục màu đỏ tiến ra cùng với đoàn giúp lễ, chào cộng đoàn, đọc lời dẫn giải về ý nghĩa Thánh Lễ hôm nay, rồi đọc Lời Cầu Nguyện làm phép lá và rảy Nước Thánh trên cộng đoàn ; đoạn đọc Bài Phúc Âm (Năm A: Matthêu 21:1-11) nói về việc Chúa Giêsu cưỡi lừa và long trọng tiến vào thành Giêrusalem và dân chúng trải áo và cành lá trên đường, hân hoan tung hô, chào đón Chúa. Sau Bài Phúc Âm và dẫn giải, bắt đầu đi kiệu tiến vào Thánh Đường để cùng dâng Thánh Lễ.
Các Bài Đọc trong Thánh Lễ: Bài Đọc 1 (Isaia 50: 4-7) là những lời Tiên Tri Isaia nói về sự Thương Khó Đấng Cứu Thế sẽ phải chịu để chuộc tội nhân loại. Trong Bài Đọc 2 (Philiphê 2: 6-11) Thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu: " Dầu là Thiên Chúa thật, nhưng Ngài đã hạ mình xuống làm người" và chịu những khổ nạn và chết trên Thánh Giá để cứu chuộc loài người chúng ta; vì thế "Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài" và mọi loài thụ tạo phải thờ lạy Ngài. Bài Phúc Âm (Năm A) là Bài Thương Khó trích trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu (26:14 - 27:66), nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ lúc Ngài ăn Bữa Tiệc Ly với các Tông Đồ và lập Bí Tích Thánh Thể và truyền chức Linh Mục cho các Tông Đồ, rồi cùng với các Tông Đồ ra đi cầu nguyện tại Vườn Cây Dầu, rồi để cho quân lính bắt, trói và dẫn đi, rồi chịu hành hạ thật đau đớn, sau đó bị đóng đinh vào Thánh Giá, chịu chết, và táng trong mồ. Thánh Lễ hôm nay mở đầu Tuần Thương Khó (Tuần Thánh), đặc biệt với Tam Nhật Thánh: Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday), Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) và Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday).
THỨ NĂM TUẦN THÁNH (Ngày 17/4) (Kỷ niệm Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh).
Thánh Lễ Buổi Sáng: Hôm nay, buổi sáng, trong các Giáo Phận chỉ có một Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa, gọi là Thánh Lễ Làm Phép Dầu, vì có phần làm phép Dầu: Dầu Dự Tòng, Dầu Thánh, Dầu Bệnh Nhân. Thánh Lễ này cũng là dịp các Linh Mục trong toàn Giáo Phận tụ họp về Nhà Thờ Chính Tòa để tỏ lòng hiệp thông với Đức Giám Mục và anh em Linh Mục trong Giáo Phận, trước sự hiện diện của Giáo Dân cùng dâng lễ. CÁC BÀI DỌC: Bài Đọc 1: (Isaia 61:1-3,6,8,9) là những lời Tiên Tri về Đấng Kitô sẽ được Chúa Thánh Thần thánh hiến và ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ và đem nguồn an ủi cho mọi người đau khổ trên thế giới. Bài Đọc 2 (Khải Huyền 1:5-8) nói về Chúa Giêsu Kitô đã chịu nạn chịu chết để chuộc tội nhân loại, và đã sống lại, và lên trời vinh hiển để mở đường về quê trời cho chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 4:16-21) ghi lại việc Chúa Giêsu về thăm quê hương Nagiarét, và ngày Sabat, Ngài vào Hội Đường để giảng dạy cho dân chúng về chính đoạn sách tiên tri Isaia (Xin xem Bài Đọc 1) nói trước về Ngài.
Trong bài giảng sau Phúc Âm, Đức Giám Mục sẽ mời gọi các Linh Mục hãy trung thành với chức Linh Mục đã lĩnh nhận, và cố gắng chu toàn các bổn phận Đức Giám Mục đã trao phó để chăn dắt đoàn chiên Chúa trong Giáo Phận. Sau đó Đức Giám Mục hỏi các Linh Mục những câu hỏi để các Linh Mục đáp lại lời đã hứa khi chịu chức Linh Mục. Và Đức Giám Mục mời gọi Giáo Dân đang hiện diện hãy luôn nhớ cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho các Linh Mục; Đức Giám mục cũng xin các Linh Mục và Giáo Dân hãy cầu nguyện cho Ngài để nhờ ơn Chúa giúp, Ngài có thể chu toàn nhiệm vụ của mình. Sau đó, Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ.
Tại Hoa Kỳ, trong các giáo phận rộng lớn, thường tổ chức Lễ Chầu Dầu vào Thứ Năm trước Thứ Năm Tuần Thánh một tuần, và vào buổi chiều, để các Linh Mục và Giáo Dân các nơi có thể đến dâng Thánh Lễ dễ dàng hơn, đông đủ hơn.
Thánh Lễ buổi chiều: Tại mọi Giáo Xứ cũng chỉ có một Thánh Lễ để quý Cha và Giáo Dân trong Giáo Xứ cùng hiệp Dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, Giáo Xứ nào quá rộng lớn và số Giáo Dân quá đông, thì Cha Xứ xin phép Đức Giám Mục Giáo Phận để dâng thêm Thánh Lễ tại các Nhà Thờ các "Họ Lẻ" để Giáo Dân có thể đến cùng dâng Thánh Lễ. Thánh Lễ chiều nay để kỷ niệm việc Chúa Giêsu và các Tông Đồ ăn bữa tối cuối cùng trước khi Chúa Giêsu chia tay với các Tông đồ để đi vào cuộc khổ nạn cứu chuộc nhân loại; vì thế gọi là Thánh Lễ Tiệc Ly. Trong Thánh Lễ chiều nay có đọc (hoặc hát) Kinh Vinh Danh, nhưng không đọc Kinh Tin Kính. Khi đọc (hoặc hát) Kinh Vinh Danh thì rung chuông, sau đó không rung chuông nữa cho đến Lễ Phục Sinh. Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 ( sách Xuất Hành 12: 1-8,11-14) nói về các luật lệ Cứu Ước phải giữ khi mừng Lễ Vượt Qua hằng năm của người Do Thái để kỷ niệm việc Thiên Chúa đã làm những phép lạ kỳ diệu để đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ để về lại Quê Hương Palestine. Bài Đọc 2 (1 Côrintô 11: 23-26) ghi lại Bữa Tiệc Ly mà Chúa Giêsu cùng ăn với các Tông Đồ. Trong bữa ăn đó, Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh, và truyền chức Linh Mục cho các Tông Đồ (trừ Giuda; đã ra đi để dẫn quân lính đến bắt Chúa Giêsu). Bài Phúc Âm (Gioan 13: 1-15) ghi lại việc Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly và dạy các Ngài bài học yêu thương và khiêm tốn phục vụ lẫn nhau. Trong Bài Giảng, Chủ Tế sẽ đề cập đến việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh , và cũng nói đến việc Chúa Giêsu hạ mình xuống rửa chân cho các Tông Đồ để dạy chúng ta bài học yêu thương, khiêm tốn phục vụ lẫn nhau. Sau Bài Giảng, Chủ Tế làm nghi thức rửa chân cho các vị đại diện Giáo Dân trong Giáo Xứ. Tiếp theo là Lời Nguyện Giáo Dân. Rồi Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ. Sau Thánh lễ sẽ kiệu Mình Thánh Chúa về Bàn Thờ cạnh hoặc Nhà Nguyện và chầu Mình Thánh Chúa cho đến nửa đêm.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH (Ngày 18/4) (Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu)
Hôm nay đặc biệt tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để chuộc tội nhân loại. Hôm nay ăn chay và kiêng thịt. Đặc biệt nên suy ngắm Đàng Thánh Gía trọng thể vào buổi chiều. Hôm nay không có Thánh Lễ, chỉ có cuộc cử hành nghi Thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vào buổi chiều; nếu có thể được nên cử hành vào lúc 3 giờ chiều. Các nghi thức gồm có 3 phần:
Phần 1: Phụng Vụ Lời Chúa và các Lời Cầu Nguyện. Chủ Tế mặc phẩm phục đỏ cùng với đoàn giúp lễ, tiến ra trước Bàn Thờ, quỳ gối cầu nguyện một lúc, rồi đứng lên và về ghế Chủ Tế, quay về phía Giáo Dân, đọc lời Cầu Nguyện; tiếp theo là các Bài Đọc do Giáo Dân đọc. Bài đọc 1 (Isaia52:13-53:12). Bài Đọc 2 (Thơ Do Thái 4:14-16;5:7-9). Bài Phúc Âm là Bài Thương Khó (Phúc Âm Gioan 18:1-19:42). Sau Bài Giảng là những lời cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Đức Giáo Hoàng, cho hàng Giáo Sĩ và Giáo dân, cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội, cho những người không tin Chúa Kitô, cho những người vô thần, cho chính quyền, cho những người đau khổ.
Phần 2: Suy Tôn Thánh Giá: Chủ tế và đoàn tùy tùng đi xuống cuối Nhà Thờ rước Thánh Giá lên Bàn Thờ, quỳ xuống thờ lạy và hôn kính Thánh Giá Chúa; rồi Giáo Dân tuần tự đi lên, quỳ gối hôn kính Thánh Giá.
Phần 3: Rước Mình Thánh Chúa; sau đó Chủ Tế đọc Lời Cầu Nguyện kết thúc, không ban phép lành; mọi người yên lặng ra về.
THỨ BẢY TUẦN THÁNH (ngày 19/4): (Kỷ niệm Chúa Giêsu nằm trong mồ). Hôm nay cũng không có Thánh Lễ cho đến Thánh Lễ Vọng Phục Sinh vào ban tối; thường là vào nửa đêm.
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh gồm 4 phần: Phần 1: Làm phép Nến Phục Sinh tại cuối Nhà Thờ và rước Nến Phục Sinh lên cung thánh; rồi tuyên bố Tin Mừng Phục Sinh. Phần 2: Phụng Vụ Lời Chúa, gồm các Bài Đọc trích trong Cựu Ước, kèm theo những Lời Cầu Nguyện; rồi Bài Thánh Thư (Rôma 6: 3-11), Bài Phúc Âm (Năm A) (Matthêu 28:1-10). Làm Phép Nước Thánh, lập lại lời tuyên hứa khi chịu phép Rửa Tội, ban phép Rửa Tội cho các Dự Tòng (nếu có), vẩy Nước Thánh trên dân chúng. Phần 4: Lời Nguyện Giáo Dân. Sau lời nguyện Giáo Dân, Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ.
CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Ngày 20 /4): Bài Đọc 1 (Công Vụ 10: 10:34,37-43) ghi lại Bài Giảng của Thánh Phêrô tóm tắt cuộc đời Chúa Giêsu từ khi ra đi rao giảng Tin Mừng cho dân chúng, rồi bị bắt, bị hành hạ và bị giết trên Thánh Giá; nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại và hiện ra với các Tông Đồ và nhiều người khác; rồi sai các Tông Đồ đi rao giảng. Trong Bài Đọc 2 (Côlôssê 3: 1-4), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời vinh hiển, vậy chúng ta hãy luôn "hướng tâm trí về quê trời, chứ đừng đam mê những sự dưới đất." Qua cái chết, chúng ta cũng sẽ được về hưởng vinh quang Nước Chúa.(Cũng có thể đọc 1 Côrintô 5: 6-8). Bài Phúc Âm (Gioan 20: 1-9) ghi lại vào sáng sớm ngày đầu tuần, các bà đạo đức đi xức xác Chúa Giêsu mà không thấy xác Chúa, liền chạy vội về báo tin cho ông Pherô và Gioan, hai ông liền chậy vội ra mộ để xem và thấy mộ trống; lúc đó Gioan "đã thấy và đã tin" Chúa đã sống lại thật như lời Người đã hứa. Nếu dâng Thánh Lễ vào ban chiều thì có thể lấy Bài Phúc Âm theo Thánh Luca (24: 13-35) nói về việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi về làng Emmau; hai ông vội trở lại Giêrusalem báo tin cho các Tông Đồ.
Tuần Lễ tiếp theo Chúa Nhật Phục Sinh được gọi là Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh, đặc biệt cầu nguyện cho các Tân Tòng được ơn vững mạnh trong Đức Tin và sống Đức Tin trong cuộc sống hằng ngày. Cũng là Tuần Lễ để chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta được luôn biết cảm tạ Chúa đã ban Bí Tích Rửa Tội cho chúng ta, để chúng ta chết đi với tội lỗi và luôn sống xứng đáng các Tín Hữu của Chúa, và lo chu toàn bổn phận truyền giáo, tìm mọi dịp để đem Chúa đến cho mọi người chung quanh chúng ta.
CHÚA NHẬT 2 MÙA PHỤC SINH (Ngày 27/4):
Chúa Nhật hôm nay cũng được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót; đặc biệt để kính lòng Chúa thương xót chúng ta thật sâu xa đến nỗi đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian, mặc lấy thân phận con người để chia sẻ cuộc sống của chúng ta, để rao giảng Tình Chúa Thương Xót cho chúng ta, đã chịu nạn chịu chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta, đã sống lại và về trời để mở đường về trời cho chúng ta (Chúng ta nhớ lại Kinh Tin Kính); tất cả là vì tình yêu thương đối với chúng ta, đúng nhứ lời Thánh Gioan nói: "Thiên Chúa là Tình Yêu!" (1 Gioan 4:8).
Các Bài Đọc: Chúng ta nên lưu ý, trong Mùa Phục Sinh , Bài Đọc 1 thường được trích trong Sách Tông Đồ Công Vụ, là cuốn sách ghi lại các hoạt động truyền giáo của các Tông Đồ, sau khi Chúa Giêsu đã lên trời. Bài Đọc 2 thường được trích trong Sách Khải Huyền, là cuốn sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh, viết theo thể văn Khải Huyền (thường thịnh hành vào thời đó ), gồm những thị kiến tác giả đã được lĩnh nhận và ghi lại để an ủi các Tín Hữu đang bị bách hại vào thời các Thánh Tông Đồ. Bài Phúc Âm thường được trích trong sách Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Bài Đọc 1 hôm nay (Cv 2:42-47) nói đến tinh thần sống đạo rất cao của các Tín Hữu thời đó: "Mọi người đều sống hòa hợp với nhau, để mọi sự làm của chung ....Hằng ngày họ hiệp nhất một lòng một ý cùng nhau trong Đền Thờ, bẻ Bánh ở nhà..." Các Tông Đồ thì làm nhiều phép lạ thật phi thường.....Hằng ngày Chúa cho gia tăng số các tín hữu." Bài Đọc 2 (1 Phêrô 1: 3-9) ghi lại những lời của Thánh Phêrô ca ngợi lòng Chúa thương xót : "Nhờ việc Đức Chúa Giêsu từ cỏi chết sống lại, người tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hề hư nát..." và "mặc dầu bây giờ chúng ta còn phải sầu khổ ít lâu, giữa trăm chiều thử thách, để Đức Tin của chúng ta được tôi luyện, trở nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần..." Bài Phúc Âm (Gioan 20: 19-31) ghi lại lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ (mà không có mặt Tôma ở đó), và Chúa chúc bình an cho các ông, rồi cho các ông "xem tay và cạnh sườn của Chúa" để củng cố niềm tin vào việc Chúa đã sống lại, rồi Chúa Giêsu ban ơn Chúa Thánh Thần cho các ông và ban quyền tha tội cho các ông : " Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc." Tiếp theo là lần Chúa hiện ra có cả Tôma và bảo ông hãy xỏ ngón tay con vào đây, và đừng cứng lòng nữa!" Rồi Chúa Giêsu cũng nói: "Hỡi Tôma, vì con trông thấy Thầy, nên con mới tin; nhưng phúc cho ai không thấy mà tin!" Đó là điều chúng ta phải ghi nhớ luôn trong tâm trí và dâng lời cảm tạ Chúa, vì " chúng ta không thấy mà tin."
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn giữ vững Đức Tin, vượt qua mọi gian nan khốn khó trên đường tiến về Nước Chúa để hưởng hạnh phúc đời đời. Xin Chúa cũng giúp chúng ta đoàn kết thương yêu nhau và tìm mọi dịp để đem Đức Tin đến cho mọi người chung quanh chúng ta, giữa gia đình, tại Cộng Đoàn, ở sở làm.
Xin Chúa, nhờ lời Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và các Thánh chuyển cầu, ban muôn ơn lành cho chúng ta, và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn. Chúng ta cũng cầu nguyện cho toàn thể Giáo Hội; đặc biệt cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam và các nơi đang bị bách hại.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: