Sợi tóc
SỢI TÓC
Truyện ngắn “Sợi Tóc” của Thạch Lam (nhà văn tiền chiến Nguyễn Tường Lân trong Tự Lực Văn Đoàn) kể câu chuyện của một nhân vật tên Thành tự thuật tâm trạng mình trong một lần định chôm ví tiền của bạn. Từ ý định nảy sinh khi thấy bạn để nhiều tiền trong ví, đến những toan tính, những kế hoạch tiến hành, và cả đến những dự phòng rủi ro khi bị phát giác, đều được Thạch Lam miêu tả rất tinh tế và tỉ mỉ. Cuối cùng thì Thành không thực hiện ý đồ ăn cắp, và ngạc nhiên tự hỏi “tại sao mình vẫn còn là người lương thiện ?”. Thành nghĩ : “Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ là cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ”. Tác giả (Thạch Lam) kết luận: Ranh giới giữa cái “thiện” và cái “ác” chỉ là một “sợi tóc” mong manh, không hơn không kém.
Tâm trạng tôi trong những ngày “nhìn lại mình” Mùa Chay 2014 cũng không khác mấy so với tâm trạng Thành trong “Sợi Tóc”. Cứ thử nghĩ kỹ mà xem, có phải là khi chúng ta nảy sinh một dục vọng (ham muốn) nào đó, thì hình như chúng ta chỉ thấy và bị chế ngự bởi chính cái dục vọng ấy, ngoài ra không còn chỗ cho những tư tưởng khác chen vào? Chẳng hạn, cái tham vọng trong một cuộc bầu cử (từ những người không được giới thiệu làm thụ cử, đến những người thụ cử thất bại trong cuộc đầu phiếu), hoặc cái ý đồ chơi trội, nổ, ganh tị lớn nhỏ trong những khía cạnh và môi trường khác … quả thực nó đã chứng minh cho chúng ta thấy lằn ranh giữa “thiện” và “ác” thật mong manh – mong manh như một “sợi tóc” vậy. Đến nỗi mà có nhiều khi chúng ta không thấy được sợi tóc đó, cứ cho tất cả lời nói, việc làm, thậm chí cả những suy nghĩ của chúng ta đều đúng, đều tốt cả; nói khác đi, chúng ta không còn nghĩ tới sự hiện diện, sự đồng hành của Thiên Chúa bên chúng ta, trong chúng ta.
Vấn đề là ở chỗ, Thạch Lam đã dùng nhãn quan của một nhà văn lãng mạn hơi nghiêng về hiện thực (ở tiền bán thế kỷ XX), dựa trên triết lý nhân sinh để nhận định vấn đề, nên mới băn khoăn không hiểu “cái khoái lạc kỳ dị” là “khoái lạc của sự cám dỗ” hay “khoái lạc đã đè nén được cám dỗ”. Đặt giả thử, ông nhìn trên phương diện thần học (triết lý siêu hình) – thần học Ki-tô Giáo, chẳng hạn – thì sẽ thấy vấn đề rõ ràng hơn. Thực ra, cái “khoái lạc kỳ dị” mà Thành cảm nhận được, nó không phải một, mà là hai trạng thái khác hẳn nhau, thậm chí đối lập với nhau. Sự khoái lạc của Thành đi từ điểm thoả mãn dục vọng vật chất (tiền bạc cám dỗ), đến sự thoả mãn của tinh thần (đạo đức chế ngự, chiến thắng được cám dỗ).
Ba cái kho chứa tâm lực của con người là: Ý thức (có khả năng hiểu rõ ngay vấn đề) + Tiềm thức (phải có cơ hội hay một sự kiện nào đó khơi dậy vấn đề) + Vô thức (không cách gì khơi gợi được vấn đề, và chỉ hiểu được khi nó đã tự phát xảy ra, không do một nguyên cớ nào). Chính những suy nghĩ và lý luận của Thành xuất phát từ tiềm thức, được “cái ví” của người bạn đánh động, chuyển sang kho ý thức để từ đó nảy sinh ý đồ ăn cắp, sau đó từ trong vô thức, đức tính nhân bản bật ra để chế ngự, thế là Thành đè nén được cơn cám-dỗ-ngọt-ngào. Vậy phải chăng “đức tính nhân bản” trong cái kho vô thức ấy, chính là cái “thiên lương”, “thiên tính”, cái “lương tâm”, “lương tri” như chúng ta vẫn quen gọi, hay nói khác hơn, đó chính là Thần Khí Chúa ban cho chúng ta?
Quả thật, sự mời gọi, sự hấp dẫn của dục vọng, nó khác xa với lời mời gọi chẳng hấp dẫn một chút nào: “Ai muốn theo Thầy, phải tư bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Tâm lý chung của con người dù biết rõ là “thuốc đắng đã tật” nhưng vẫn thích ngậm kẹo hơn là uống thuốc, cho nên mới dễ bị lầm bởi “những viên đạn bọc đường”. Một nhân vật tầm cỡ trong Tân Ước đã có thật nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, đó không ai khác hơn là Thánh Phao-lô. Xin mời nghe: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm…. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi… Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.” (Rm 7, 15-25).
Hôm nay đã bước vào Tuần Thánh, Mùa Chay cũng sắp kết thúc. Nhớ lại bài suy niệm Chúa nhật Lễ Lá (“Tôn vinh, hạ bệ trong gang tấc”), tôi lại càng thấy đúng là lằn ranh giữa thiện và ác nó mong manh như sợi tóc. Và với nhãn quan triết lý siêu hình (hay nói khác hơn là có sự tác động của thần linh), mới thấy được giữa thiện và ác nhiều khi không còn ranh giới nữa. Và khi không còn ranh giới thì chính là lúc sự ác đã lấn át sự thiện bởi cái “vỏ bọc đường” của sự ác luôn hấp dẫn con người mạnh hơn sự thiện. Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Trong mỗi con người đều có cốt cách của một vị thánh nhân cũng như của một tên đại bơm”. Cái vị thánh nhân ấy thì hiền lành và thường không muốn khoe khoang, nên thường bị tên đại bợm huênh hoang lấn át. Và nếu như thế thì chẳng lẽ cái ác luôn chiến thắng và đẩy con người vào nơi “lửa không bao giờ tắt” ư?
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chết đi sống lại”. Câu tục ngữ này ý muốn nói đến cuộc sống con người thường trải qua những sóng gió thử thách nghiệt ngã (tựa như đã chết đi), và nếu vượt qua được sẽ như người được sống lại từ cõi chết. Mùa Chay chính là dịp để người Ki-tô hữu nhìn lại mình, nhìn lại để thấy được biết bao lỗi lầm mắc phạm cũng bởi sự ác trong con người của mình đã lấn át sự thiện, hay nói khác đi là nhìn lại mình – nhìn lại cả cuộc đời mình – để thấy được sự cám dỗ của ba thù đã lấn át tâm trí, khiến không còn chỗ cho Lời Chúa sinh hoa kết quả. Đó chính là những thử thách khiến con người của mình như chết đi trước sóng gió bão giông vậy.
Tuy nhiên, xin đừng vội bi quan, nhưng cũng đừng ỷ tài cậy sức, mà hãy học theo Thánh Tông đồ dân ngoại, cầu xin cho được một biến cố Đa-mát đến với mình. Chỉ có Thần Khí Chúa Ki-tô Phục Sinh mới có thể giúp ta đẩy lùi được ác tâm và chiến thắng nó. Vâng, Mùa Chay sắp kết thúc, Tam Nhật Vượt Qua đã cận kề, vậy thì xin hãy chuẩn bị hành trang (bí tích Hòa Giải) mạnh dạn vượt qua được mọi cám dỗ, mưu ma chước quỷ của ba thù, sẵn sàng cùng chết với Đức Ki-tô, để được cùng sống lại với Người. “Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi. Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.” (Rm 6, 5-7)
Người Ki-tô hữu hãy biến sự “chết đi sống lại” theo “nghĩa ẩn dụ” của tục ngữ sang “nghĩa thiêng liêng” bằng cách chiêm ngưỡng hiện thực biến cố trọng đại “chết đi sống lại vì tội lỗi nhân loại” của Đức Giê-su Ki-tô; ngõ hầu đồng hóa để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người trong cuộc bách-niên-vượt-qua trên hành trinh dương thế, tiến về Quê Trời vĩnh cửu. Ôi! “Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Phục Sinh).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: