Thần chân lý
THẦN CHÂN LÝ
(CN CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG)
Trước khi về trời, đã nhiều lần Đức Ki-tô nói là Người sẽ ban Ngôi Ba Thiên Chúa cho các môn đệ. Khi thì Người nói thẳng là Thánh Thần, khi thì Người nói là Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí Sự Thật. Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 20, 19-23) là một minh họa: "Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." Cũng theo Thánh sử Gio-an trình thuật, có lần Đức Giê-su đã phán: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. " (Ga 14, 16-17).
Cũng chính vì Thánh Thần là “Đấng mà thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người”, nhưng các Tông đồ thì “biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”, nên các Tông đồ – cụ thể là Giu-đa (không phải Giu-đa It-ca-ri-ốt) – mới băn khoăn thắc mắc, không hiểu Đấng Bảo Trợ, Thần Chân Lý, Thần Khí Sự Thật là ai. Tuy nhiên, thực tế đã ứng nghiệm: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2, 1-4). Có nhiều, rất nhiều sự kiện minh hoạ cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống, nhưng nổi bật nhất, đặc sắc nhất, kỳ diệu nhất là sự hiện diện của Thần Khí trong Giáo Hội ở giai đoạn tiên khởi và cho đến hiện nay:
Ở giai đoạn tiên khởi thì Thánh Thần đã ban lòng can đảm, sự khôn ngoan và nhất là khả năng ngôn ngữ có thể nói nhiều thứ tiếng khác ngoài tiếng bản địa của các Tông đồ. Đó là một mầu nhiệm được chính những người nghe làm chứng: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!" (Cv 2, 7-11). Và cho đến hiện nay thì bất kỳ ai khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội, cũng phải ngạc nhiên đến sửng sốt trước sự tồn tại bền vững và phát triển vượt bậc. Đó phải chăng là một món quà độc đáo, món quà vô giá mà Đức Giê-su Thiên Chúa đã ban tặng các môn đệ, và nói chung là tất cả mọi tín hữu ("Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" – Ga 20, 22-23)?
Nói về ân huệ của Thần Chân Lý thì vô cùng, ngay từ Cựu Ước cũng đã xác nhận: "Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA. Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói." (Is 11, 2-3). Sang đến Tân Ước thì nhiều vô kể: Chỉ với Đức Giê-su thì kể từ khi Người hoài thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria cho tới suốt hành trinh cứu độ 33 năm trên trần thế, Chúa Thánh Thần luôn kết hợp mật thiết với Người trong mọi hoạt động và Lời giảng dạy. Còn với Hội Thánh thì hầu như bất cứ một công việc gì, một hoạt động nào của Giáo Hội tiên khởi cũng đều đươc hồng ân của Thần Khí Chúa bao phủ trọn vẹn. Vì thế Giáo Hội đã tóm kết lại thành “7 đặc ân của Chúa Thánh Thân (*):
1. Ơn Khôn Ngoan - Giúp ta phân biệt điều phải, điều trái.
2. Ơn Hiểu Biết - Giúp ta hiểu biết sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo Hội dậy.
3. Ơn Biết Lo Liệu - Giúp ta phải giải quyết mọi khó khăn trong đời sống.
4. Ơn Sức Mạnh - Giúp ta chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn.
5. Ơn Thông Minh - Giúp ta nhận ra thánh ý Chúa.
6. Ơn Ðạo Ðức - Giúp ta tin yêu Chúa và giúp đỡ anh em.
7. Ơn Kính Sợ Thiên Chúa - Giúp ta tôn kính sự công bằng và quyền phép Chúa và sợ làm phiền lòng Ngài.
Ngoài ra, hoạt động của Chúa Thánh Thần tuy là vô hình, nhưng cũng đã được Giáo Hội định tín trong 8 biểu tương (Giáo Lý HTCG, số 694-701):
694 1218 2652. Nước : Trong bí tích Thánh Tẩy, nước là một biểu tượng đầy ý nghĩa về tác động của Thánh Thần, vì sau khi kêu cầu Thánh Thần, nước trở thành dấu bí tích hữu hiệu của việc tái sinh : như trong lòng mẹ, chúng ta được cưu mang trong nước; nước rửa tội thực sự nói lên rằng cuộc tái sinh vào đời sống Thiên Chúa được ban trong Thánh Thần. Vì "đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần", nên chúng ta "đầy tràn một Thánh Thần duy nhất" (1Cr 12, 13). Chính Thánh Thần là Nước trường sinh chảy ra từ cạnh sườn Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá (x. Ga 19,34; 1Ga.5,8), và chảy thành sự sống đời đời trong lòng chúng ta (Ga 4, 10.14; 7, 38; Xh 17, 1-6; Is 55, 1; Dcr 14, 8; 1Cr 10, 4; Kh 21, 6; 22, 17).
695 1293 436 1504 794. Xức dầu : Biểu tượng xức dầu cũng chỉ về Thánh Thần, đến nỗi trở thành đồng nghĩa với Thánh Thần (1Ga 2, 20.27; 2Cr 1, 21). Trong nghi thức khai tâm Ki-tô giáo, xức dầu là dấu bí tích của phép Thêm Sức; các Giáo Hội Đông Phương gọi là "Xức dầu thánh hiến". Nhưng muốn hiểu rõ, chúng ta phải trở về với việc xức dầu của Đức Giê-su, việc xức dầu đầu tiên do Chúa Thánh Thần thực hiện. "Ki-tô" (tiếng Hip-ri là "Mê-si-a") nghĩa là "được Thánh Thần Thiên Chúa xức dầu". Cựu Ước (Xh 30, 22-32) nói đến những người được Thiên Chúa xức dầu, nổi bật nhất là Vua Đavit (1Sm 16, 13). Nhưng Đức Giê-su là Đấng được Thiên Chúa xức dầu cách độc nhất vô nhị : nhân tính do Ngôi Con đảm nhận "được Thánh Thần xức dầu" trọn vẹn. Đức Giê-su được Thánh Thần (Lc 4, 18-19; Is 61, 1) đặt làm "Ki-tô". Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thụ thai Đức Ki-tô nhờ tác động Thánh Thần; khi Ngôi Lời giáng sinh (Lc 2, 11), Thánh Thần dùng các thiên thần loan báo Người là Đức Ki-tô và thúc đẩy ông Xi-mê-on đến đền thờ gặp Đấng Ki-tô Thiên Chúa đã hứa (Lc 2, 26-27). Đức Ki-tô (Lc 4, 1) đầy Thánh Thần,và nhờ quyền năng Thánh Thần, Người chữa lành và cứu độ (Lc 6, 19; 8, 46). Cuối cùng chính Thánh Thần làm cho Đức Giê-su từ cõi chết sống lại (Rm 1, 4; 8, 11). Khi Đức Giê-su trở thành "Ki-tô" trọn vẹn trong nhân tính đã toàn thắng sự chết (Cv 2, 36), Người ban đầy tràn Thánh Thần cho các thánh "để nhờ kết hợp với nhân tính của Người, họ trở thành "Con người hoàn hảo..., đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô" (Ep 4, 13), thành "Đức Ki-tô toàn diện" theo cách nói của Thánh Au-gus-ti-nô.
696 1127 2586 718. Lửa : Trong khi nước nói đến việc sinh ra và tính phong phú của Sự Sống được ban trong Thánh Thần, lửa tượng trưng cho năng lực biến đổi do tác động của Thánh Thần. Ngôn sứ Ê-li-a, "xuất hiện như lửa hồng và lời ông như ngọn đuốc" (Hc 48,1); bằng lời cầu nguyện, ông kéo lửa từ trời xuống thiêu cháy hy tế trên núi Cát-minh (1V 18, 38-39). Đây là hình bóng của lửa Thánh Thần sẽ biến đổi tất cả những gì lửa bén tới. Gio-an Tẩy Giả, "người đi trước dọn đường cho Chúa, đầy Thần khí và quyền lực của Ê-li-a" (Lc 1, 17), loan báo Đức Ki-tô là Đấng "sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa" (Lc 3, 16), Đức Giê-su cũng nói về Thánh Thần : "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy bùng cháy lên"(Lc 12,49). Dưới những hình "giống như lưỡi lửa", Thánh Thần đậu xuống trên các môn đệ sáng ngày lễ Ngũ Tuần và họ được tràn đầy Thánh Thần (Cv 2, 3-4). Truyền thống linh đạo giữ lại biểu tượng lửa như một trong những biểu tượng diễn tả đúng nhất về tác động của Thánh Thần (x. T. Gio-an Thánh Giá,): "Anh em đừng dập tắt Thần Khí" (1Tx 5, 19).
697 484 554. Áng mây và ánh sáng : Hai biểu tượng này luôn đi đôi với nhau trong các lần Thánh Thần xuất hiện. Trong các cuộc thần hiện thời Cựu Ước, áng mây khi chói sáng, khi mờ tối, vừa mặc khải Thiên Chúa hằng sống và cứu độ, vừa che khuất vinh quang siêu việt của Người - như lúc Mô-sê trên núi Xi-nai (Xh 24, 15-18), trong lều Hội Ngộ (x. Xh 33,9-10) và suốt cuộc hành trình trong hoang địa (Xh 40, 36-38; 1Cr 10,1-2); với Xa-lô-môn dịp cung hiến Đền Thờ (1V 8, 10.12). Những hình bóng này được Đức Ki-tô thể hiện trong Thánh Thần. Chính Thánh Thần ngự xuống trên Trinh Nữ Ma-ri-a và "rợp bóng" trên Người, để Người thụ thai và hạ sinh Đức Giê-su (Lc 1, 35). Trên núi Hiển Dung, chính Thánh Thần đến trong "đám mây bao phủ" Đức Giê-su, Mô-sê và Ê-li-a, Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, và "từ đám mây có tiếng phán rằng : "Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9, 34-35). Cuối cùng, cũng chính đám mây này "che khuất Đức Giê-su" ngày Thăng Thiên (Cv 1, 9) và sẽ mặc khải Người là Con Người trong vinh quang ngày tái lâm (Lc 21, 27).
698 1295,1296 1121. Ấn tín là biểu tượng gắn liền với biểu tượng xức dầu. Thật vậy, chính "Thiên Chúa đã đóng ấn xác nhận" (Ga 6, 27) Đức Ki-tô và cũng đã đóng ấn Thánh Thần trên chúng ta trong Con của Người (2 Cr 1, 22; Ep 1, 13; 4, 30). Hình ảnh "ấn tín" đã được dùng trong một số truyền thống thần học để diễn tả "ấn tích" không thể xoá được mà ba bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh để lại.
699 292 1288 1300,1573 1668 Bàn tay: Đức Giê-su đặt tay để chữa lành bệnh nhân (Mc 6, 5; 8, 23) và chúc lành cho trẻ nhỏ (Mc 10, 16). Nhân danh Người, các tông đồ cũng làm như vậy (Mc 16, 18; Cv 5, 12; 14, 5). Hơn nữa Thánh Thần được thông ban (Cv 8, 17-19; 13, 3; 19, 6) nhờ việc đặt tay của các tông đồ. Thư Do Thái coi nghi thức đặt tay vào số "các điều căn bản" của giáo huấn của mình. Hội Thánh đã giữ lại việc đặt tay khẩn cầu Thánh Thần trong các bí tích.
700 2056. Ngón tay. Đức Giê-su "nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ" (Lc 11, 20). Nếu ngày xưa "Thiên Chúa lấy ngón tay" ghi lề luật trên bia đá (Xh 31, 18), thì ngày nay Thiên Chúa hằng sống cũng dùng Thánh Thần, để viết "bức thư của Đức Ki-tô" được giao phó cho các tông đồ, "không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người" (2Cr 3, 3). Thánh thi: "Veni Creator Spiritus" khẩn cầu Thánh Thần như là "ngón tay hữu Chúa Cha".
701 1219 535. Chim bồ câu : Cuối lụt hồng thủy (là biểu tượng cho bí tích Thánh Tẩy), chim bồ câu được ông Nô-ê thả ra, khi trở về ngậm một nhánh ô-liu xanh tươi, báo cho biết mặt đất lại có thể ở được (St 8, 8-12). Sau khi Đức Ki-tô nhận Phép Rửa của Gio-an và lên khỏi nước. Thánh Thần, dưới hình chim bồ câu, đáp xuống và ngự trên Người (Mt 3, 16 par). Thánh Thần cũng xuống và ngự trong tâm hồn những người lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Trong một số nhà thờ, Thánh Thể được giữ trong một bình bằng kim loại hình bồ câu treo bên trên bàn thờ. Trong các ảnh tượng Ki-tô giáo, hình bồ câu là biểu tượng truyền thống để chỉ Thánh Thần.
Quả thật, món quà mà Đức Giê-su Ki-tô ban tặng các môn đệ, rộng ra là toàn Giáo Hội, rất độc đáo, một món quà vô giá! Chính vì thế, Công Đồng Va-ti-ca-nô II được coi là một Lễ Hiện Xuống mới, vì Công Đồng đã định hướng việc canh tân Giáo Hội, đem tinh thần đối thoại hiệp thông với Thiên Chúa và với hết mọi người, để cùng với Chúa Thánh Thần thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Món quà vô giá của Đức Giê-su Thiên Chúa là Thánh Thần; mà hoa trái của Thánh Thần là yêu thương phục vụ. Do đó những tư tưởng, lời nói và hành động mang tính chia rẽ, ghen tương, đố kỵ, thậm chí dèm pha, hạ bệ lẫn nhau, thù oán, giết hại nhau không bằng gươm giáo… đều là những thể hiện trái ngược với hoạt động của Thánh Thần.
Viết tới đây, tôi chợt giật mình nhớ đến Lời dạy của chính Người đã ban tặng món quà vô giá là Thánh Thần cho Giáo Hội: "Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán. Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau" (Mt 12, 30-32). Ôi chao! Nói phạm thượng (tức là phạm đến Thiên Chúa, tiêu biểu là Đức Giê-su) thì được tha, nhưng nói phạm đến Thánh Thần thì không được tha ư? Nhưng như thế nào mới là nói phạm đến Thánh Thần? Sách Giáo Lý HTCG (số 1864) đã giải thích rõ: “Tội nói phạm đến Thánh Thần: Lòng Thiên Chúa thương xót không có giới hạn, những ai cố tình không hối cải và khước từ lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho. Lòng chai dạ đá như thế có thể đưa tới chỗ không hối cải trong giờ sau hết và phải hư mất đời đời”.
Nhưng bởi đâu mà con người phạm tội và những tội lỗi đó là gì? Thánh Phao-lô đã nói rõ: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (Gl 5, 19-21; Rm 1, 18-32). Đó là tội xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân, nhưng nếu khi được Thần Khí soi sáng cho biết đó là tội, người phạm tội biết ăn năn hối cải, thì sẽ được tha thứ. Ngược lại, “những ai cố tình không hối cải và khước từ lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng chính là khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho”. Khước từ Chúa Thánh Thần chính là xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, như vậy thì sao có thể tha thứ được.
Ôi! Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con! Con biết tội con rồi! Cúi xin Chúa hãy cứu vớt con, xin “Hãy chiếu soi lửa hồng vào đêm tối sâu thẳm hồn con. Lửa tình yêu, lửa huyền siêu Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều thánh ân.” (Phan-xi-cô – “Hãy chiếu soi” – TCCĐ). Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho ánh huy hoàng rực rỡ của Chúa là chính Ðức Kitô, giãi sáng trên chúng con. Và xin ban sức mạnh của Thánh Thần làm cho tâm hồn con cái Chúa, đã được tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy, ngày càng thêm bền vững trung kiên. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).
JM. Lam Thy ĐVD.
(*) xc trang “Chúa Thánh Thần” – Thanhlinh.net.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: